Hình ảnh 22:28:16 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Phải coi nhà khoa học là chủ thể sáng tạo
Trước thách thức hội nhập và phát triển, khoa học xã hội và nhân văn đang đứng trước những yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ để khắc phục những tồn tại, thoát khỏi tình trạng tụt hạng hay lạc hậu. Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Ngọc Trịnh, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Phó Giáo sư đánh giá thế nào về năng suất khoa học của Việt Nam?
Năng suất khoa học của một quốc gia có thể đo bằng 2 chỉ số chính: Số lượng bài báo khoa học và số bằng sáng chế. Số lượng bài báo khoa học công bố trên các tập san khoa học trong danh mục của Viện Thông tin Khoa học (ISI) có lẽ là chỉ số quan trọng và phổ biến nhất để đánh giá năng suất của nghiên cứu khoa học. Trong quá khứ và hiện nay, các trung tâm nghiên cứu khoa học vẫn dùng chỉ tiêu đó để định vị một số nước trong bản đồ khoa học quốc tế. Chỉ tiêu thứ hai cũng rất quan trọng là số bằng sáng chế. Bằng sáng chế cũng chính là một hình thức chuyển giao công nghệ, có thể đăng kí trong và ngoài nước. Ở nước ngoài, đa số bằng sáng chế được đăng kí ở Mỹ. Do đó, người ta thường dùng số bằng sáng chế đăng kí ở Mỹ như là một thước đo thứ 2 để đánh giá năng suất khoa học của một nước. Các thông tin hiện nay cho thấy, năng suất khoa học của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong vùng, mặc dù đã có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Trong thời gian 1998 - 2008, Việt Nam công bố được 5.070 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế, trong khi đó, Thái Lan công bố được 23.163 bài, Ôxtrâylia 238.076 bài, Singapore 51.762 bài. Theo UNESCO, trong thời gian 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng sáng chế, thấp hơn nhiều so với Singapo 3.644, Malaysia 901, Thái Lan 310 và Philippin 256.
Vậy thưa Phó Giáo sư, làm thế nào khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam hội nhập quốc tế?
Theo tôi, trước hết là cách làm của chúng ta phải tương thích với tiêu chuẩn quốc tế, phải chơi một sân chơi chung với các nước khác, theo cùng luật lệ và chuẩn mực quốc tế phổ quát đã được hình thành và được quốc tế công nhận và tuân thủ từ lâu. Sau nữa các kết quả của mình phải được quốc tế công nhận, phải phục vụ không chỉ cho lợi ích riêng của mình mà còn phục vụ tốt được cho nhân loại nói chung. Giống như bóng đá, muốn hội nhập, chúng ta phải đá theo Luật FIFA, sân có kích cỡ tiêu chuẩn, phải có tinh thần Faiplay, tuyệt đối không có sự can thiệp phi thể thao, thiếu minh bạch từ bên ngoài. Hay giống như chế tạo một chiếc phích điện, tất cả các loại phích dẹt phải cắm được vào các ổ có lỗ cắm tròn, không thể tự mình nghĩ ra một loại phích cắm hay ổ cắm kích, cỡ riêng, chẳng giống ai buộc quốc tế phải theo. Trong nghiên cứu KHXH&NV cũng vậy, chúng ta phải tương thích với quốc tế, từ người làm khoa học, đến người quản lí khoa học, từ cung cách nghiên cứu lẫn cung cách quản lí khoa học, từ khâu tổ chức đến khâu thực hành nghiên cứu, từ công tác nghiên cứu đến khâu đánh giá và nghiệm thu kết quả, từ nội dung khoa học đến hình thức thể hiện một công trình khoa học hay ý tưởng. Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến nhất định trong việc hội nhập nghiên cứu khoa học, trong đó có KHXH&NV, nhưng tiếc rằng, những bước tiến đó phần nhiều là do nỗ lực tự thân của các nhà khoa học chứ chưa phải là của các nhà quản lí khoa học ở mọi cấp, từ cấp hoạch định chính sách đến từng đơn vị khoa học cụ thể.
Vậy Phó Giáo sư có thể cho biết cụ thể những tồn tại của công tác quản lí và nghiên cứu KHXH&NV nước ta hiện nay?
Có thể nói, cho đến nay, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, của trí thức, nhất là trong lĩnh vực KHXH&NV và việc coi trọng nó, vẫn dừng ở trên giấy (trong các nghị quyết và đường lối), chứ chưa được cụ thể hoá thành hành động cụ thể trên thực tế. Các nhà KHXH&NV vẫn chưa được coi trọng đúng tầm, các ý kiến khoa học của họ chưa được thực sự lắng nghe, họ chưa có môi trường làm việc thực sự khoa học, và chưa thể sống được bằng chính nghề của họ. Do đó, dẫn đến tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” và hậu quả là, thiếu tính chuyên nghiệp và hợp tác. Các cơ quan nghiên cứu và cá nhân các nhà khoa học đều tập trung hướng vào việc “đánh quả, đánh dự án” để kiếm sống, hơn là chuyên tâm cho khoa học và tập trung cho những hướng nghiên cứu cơ bản, dài hơi và chuyên sâu. Họ vẫn bị coi và bị quản lí giống như các công chức và viên chức làm công ăn lương. Việc quản lí họ và công việc của họ vẫn nặng tính bao cấp, hành chính và theo kiểu “xin - cho”. Do đó, không thể phát huy được tính năng động và sáng tạo của họ. Việc tuyển mộ, sử dụng, đãi ngộ và đánh giá các nhà khoa học vẫn theo chủ nghĩa lý lịch, trọng nhà quản lí (có chức, có quyền) hơn là trọng nhà chuyên môn, dựa trên các yếu tố ngoài khoa học hay phi khoa học, thiếu hẳn tính cạnh tranh công khai và minh bạch. Việc nghiên cứu vẫn theo lối kinh nghiệm, chụp giật hơn là có tính tầm nhìn, khoa học và hợp tác. Việc đánh giá học thuật vẫn chưa dựa trên các chuẩn mực khoa học mà vẫn dựa vào các yếu tố như địa vị hay do các quan hệ lợi ích chi phối. “Tính hợp tác” trong khoa học còn rất kém, thiên về “quan hệ” nhiều hơn, nên không có trường phái khoa học và cọ xát khoa học thực sự. Chính vì vậy, chất lượng khoa học ngày càng kém đi, chậm phát triển. Các phương pháp khoa học còn quá cũ và phiến diện. Kiến thức của các nhà khoa học chưa được cập nhật thường xuyên và thiếu tính hệ thống.
Trước thực trạng đó cần phải có những giải pháp gì để hội nhập và tiến lên?
Thứ nhất, phải coi KHXH&NV là ngành khoa học rất quan trọng, có đóng góp vô cùng to lớn vào việc tạo dựng “con người trở thành Người”, vào việc phát triển lành mạnh và bền vững xã hội và những kết quả hay tác động của nó không thể xuất hiện ngày một, ngày hai, mà phải có thời gian và dần dần, nhưng đó là những tác động đụng chạm đến nền tảng và chiều sâu của toàn xã hội và đến căn cốt của con người. Vì thế phải có tầm nhìn xa khi đầu tư và đánh giá về KHXH&NV.
Thứ hai, việc quản lí người làm khoa học là quản lí những người sáng tạo, chứ không phải quản lí những người công nhân thực hành, hay làm theo mẫu sẵn trong nhà máy và càng không phải là quản lí những chiếc máy vô hồn. Vì thế, công tác quản lí cần theo hướng tạo điều kiện và môi trường để người làm công tác nghiên cứu KHXH&NV có thể tự do phát huy được tới mức cao nhất sức sáng tạo của mình, để họ có thể sống được bằng nghề, cụ thể là bằng đồng lương tối thiểu, tránh đẩy họ vào tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”, dẫn đến thiếu tính chuyên sâu, chuyên nghiệp và hợp tác. Đồng thời, môi trường đó phải vừa mang tính cạnh tranh cao, phải có sự cọ xát thật sự về khoa học (và chỉ khoa học thôi) giữa các cá nhân và các trường phái, lại vừa khuyến khích được sự hợp tác vì mục đích khoa học chân chính giữa các cá nhân và các tổ chức khoa học với nhau. Không những thế, môi trường đó phải thực sự công khai, minh bạch và khách quan để người làm công tác nghiên cứu KHXH&NV có thể phát huy được hết khả năng khoa học của mình, được nói hết những suy nghĩ của mình, tránh đặt ra những vòng kim cô (cả vô hình lẫn hữu hình) trói buộc sự sáng tạo của họ. Có như vậy, KHXH&NV mới có thể đi tới tận cùng của chân lí khách quan và do vậy, những kết quả nghiên cứu của nó mới có đóng góp thực sự cho sự phát triển của đất nước và cao hơn là cho con Người.
Thứ ba, công tác đào tạo phải bài bản và phải theo những chuẩn mực chung tối thiểu của quốc tế, những vấn đề đặc thù chỉ thực sự đặt ra khi cần thiết. Đồng thời, điều quan trọng là, cần tránh chính trị hoá các môn học hay kiến thức dạy cho học sinh và sinh viên ngành KHXH&NV.
Thứ tư, công tác nghiên cứu KHXH&NV dù phục vụ cho chính trị, nhưng cũng không được chính trị hoá. Khoa học, nhất là KHXH&NV, trước hết phải chỉ ra được bản chất đích thực, vốn có của sự vật và hiện tượng, nhằm phục vụ CON NGƯỜI, hay trước hết là CON NGƯỜI của thời đại, sau đó là sự phát triển của dân tộc và đất nước, chứ không lấy lợi ích của một cá nhân hay nhóm lợi ích nào đó làm đối tượng phục vụ. Hay nói cách khác, các công trình đó phải mang tính thời đại, tính nhân văn sâu sắc lại vừa mang tính dân tộc cụ thể.
Trong quá trình nghiên cứu, bản thân người nghiên cứu phải được và phải tự nâng cấp và cập nhật kiến thức phổ cập của thời đại, phải biết cách trình bày một công trình khoa học theo những chuẩn mực được quốc tế thừa nhận và áp dụng từ lâu.
Nếu làm được như vậy thì không những ngành KHXH&NV nói chung, mà cả những người làm công tác quản lí và nghiên cứu KHXH&NV nói riêng đã có thể hội nhập hay đúng hơn là đã hội nhập rồi.
Xin cảm ơn Phó Giáo sư!
 Việt Hà (thực hiện) - Bản tin số 261 - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC