Hình ảnh 13:35:52 Ngày 25/04/2024 GMT+7
Chuyển giao công nghệ trong giáo dục đại học
Chuyển giao công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các trường đại học. Các nghiên cứu khoa học do trường đại học thực hiện có vai trò to lớn và tác động tích cực đến nền kinh tế của mỗi quốc gia thông qua việc chuyển giao tri thức, tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất và chuyển giao các quyền sở hữu trí tuệ từ trường đại học sang các khu vực kinh tế khác...

Mô hình chuyển giao công nghệ

Theo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển, trong quá trình hội nhập, việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN) có vai trò rất quan trọng. Tại các trường đại học nghiên cứu trên thế giới, CGCN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của trường. Các nghiên cứu khoa học do trường đại học thực hiện có vai trò to lớn và tác động tích cực đến nền kinh tế của mỗi quốc gia thông qua việc chuyển giao tri thức, tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất và chuyển giao các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) từ trường đại học sang các khu vực kinh tế khác, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Tại các nước phát triển, việc bảo hộ kịp thời quyền SHTT đối với các kết quả nghiên cứu khoa học gần như đã trở thành một tập quán trong hoạt động KHCN. Kinh nghiệm các nước cho thấy, nguồn cung cấp sáng chế từ các trường đại học là vô cùng to lớn. Ở góc độ kinh doanh, các tổ chức có nhiều giao dịch thương mại liên quan đến quyền SHTT như trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đều có bộ phận chức năng quản lí việc khai thác các quyền này. Cụ thể, các văn phòng CGCN có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu sự trợ giúp cần thiết để theo đuổi việc tiến hành thương mại hóa các sáng chế. Do vậy, đã hình thành một tổ chức có tên gọi “Văn phòng li xăng/ chuyển giao công nghệ” (TLO) có mô hình chung như sau:

Một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia đã đi đầu trong việc thiết lập cơ quan quản lí SHTT trong các trường đại học. Cơ quan này sẵn sàng cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ các nhà khoa học trong việc chuyển giao quyền SHCN, quản lí tài sản trí tuệ, làm nhiệm vụ tư vấn hướng dẫn tra cứu thông tin sáng chế và các chức năng khác với mục tiêu thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc dân dựa trên tri thức.

Tại Singapore, hầu hết các trường đại học đã thành lập các văn phòng li-xăng và hoạt động rất hiệu quả. Các văn phòng này đã nhận được rất nhiều hỗ trợ của Chính phủ. Cơ quan SHTT Singapore (IPOS) cũng đã hỗ trợ các trường đại học trong nước qua việc cung cấp những dịch vụ phụ trợ như xác định các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nghiên cứu công nghệ và thị trường, lập bản đồ và tra cứu thông tin sáng chế, quản trị SHTT, lập bản đồ lưu thông công nghệ và sản phẩm cũng như đánh giá tiềm năng thương mại hóa công nghệ và thị trường. IPOS ngày nay còn có một vai trò nữa là hỗ trợ các văn phòng này hoạt động như những trung tâm thông tin công nghệ. Nhờ những nỗ lực và chính sách đúng đắn như vậy, Indonesia và Singapore đã vươn lên vị trí như những ngôi sao mới về công nghệ và kinh tế ở châu Á.

Tại Mỹ, hiện nay thì gần như mỗi trường đại học kĩ thuật đều có một văn phòng li-xăng/chuyển giao công nghệ để thực thi việc đăng kí quyền SHTT, quản lí tài sản trí tuệ và CGCN từ trường đại học đến doanh nghiệp. Hơn thế, Hoa Kỳ đã thành lập Hiệp hội Quản lí Công nghệ của các trường đại học (AUTM). TLO tại Mỹ còn hỗ trợ trong việc xây dựng lộ trình CGCN, từ nghiên cứu đến triển khai ra thị trường. Theo kinh nghiệm của TLO, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho thấy họ còn tập trung vào việc tạo động lực cho các công ty để nhận li xăng và khai thác công nghệ của MIT hơn là việc tạo lợi nhuận trực tiếp từ việc cấp li xăng. Các công ty mới thành lập, các doanh nghiệp vừa và nhỏ - nơi ít có điều kiện đầu tư cho nghiên cứu và phát triển và đang cần thu hút vốn đầu tư là địa chỉ hướng tới của MIT.

Sự chậm trễ khó hiểu

Hiện nay, hầu hết các trường đại học, nhất là các trường đại học kĩ thuật, công nghệ ở Việt Nam đều chưa có cơ quan chuyên trách về CGCN và SHTT, chứ chưa nói đến mô hình TLO như tại một số trường đại học ở các nước phát triển. Điều đáng nói ở đây là các đại học lớn nhất cả nước như ĐHQGHN và ĐHQGTPHCM cũng chưa có một cơ quan chuyên trách theo mô hình TLO. Vì vậy, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học có giải pháp kĩ thuật hoặc sáng chế rất lúng túng khi phải thực hiện các thủ tục đăng kí bảo hộ độc quyền các sản phẩm khoa học của mình nhất là khâu chuẩn bị đơn và nộp đơn cho Cục Sở hữu trí tuệ. Các nhà khoa học vốn không hiểu tường tận các bước đăng kí, các văn bản quy phạm pháp luật về SHTT, nay lại thiếu bộ phận tư vấn thì việc đăng kí thành công là rất khó khăn. Có thể thấy rằng việc thành lập một cơ quan kiểu TLO trong trường đại học tại Việt Nam lại càng trở nên cần thiết khi việc thúc đẩy các hoạt động bảo hộ quyền SHTT trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam, dù được xúc tiến nhanh hay chậm sẽ vẫn là một xu thế tất yếu.

Gần đây, một số trường đại học kĩ thuật tại Việt Nam đã bắt đầu tổ chức nhóm hoặc bộ phận chuyên trách về SHTT nằm trong phòng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, số lượng người làm chuyên trách về mảng này là rất ít, thậm chí họ chỉ làm mảng SHTT kiêm nhiệm cùng các mảng công việc khác chưa kể đến khả năng chuyên môn của họ còn rất hạn chế. Hơn thế nữa, các bộ phận này mới chỉ dừng lại ở việc đăng kí quyền SHTT mà chưa chú trọng đến việc hỗ trợ thương mại hóa và CGCN.


Trong khi đó, theo kinh nghiệm thế giới, văn phòng li xăng/chuyển giao công nghệ có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu sự trợ giúp cần thiết để tiến hành theo đuổi việc thương mại hoá các sáng chế của mình. Theo số liệu điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp) phần lớn hiện đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu nên khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp này rất thấp. Đây là cơ hội cho các trường đại học trong việc CGCN và thực hiện các hợp đồng nhằm thương mại hoá các kết quả nghiên cứu của mình mà các văn phòng CGCN đóng vai trò làm cầu nối quan trọng. Văn phòng CGCN cũng cung cấp cho các nhà nghiên cứu kĩ năng quản lí hoạt động và hỗ trợ tìm kiếm các bên nhận li xăng, đàm phán CGCN và định giá công nghệ.

Mặt khác, các nhà nghiên cứu trong trường đại học tại Việt Nam thường tiến hành công việc nghiên cứu của mình bằng nguồn ngân sách nhà nước, họ quan tâm đến nội dung chuyên môn hơn là những lợi ích của tài sản trí tuệ. Do đó, chỉ đến khi các tài sản trí tuệ đã được thương mại hóa thì những mâu thuẫn lợi ích về quyền SHTT mới nảy sinh và thông thường các nhà nghiên cứu rất lúng túng trong việc xử lí vấn đề này. Việc nâng cao kiến thức về SHTT và phân chia lợi ích rõ ràng trong các hợp đồng nghiên cứu khi thương mại hóa quyền SHTT và CGCN là vấn đề cần thiết và đó cũng là nhiệm vụ chính của các văn phòng li xăng/chuyển giao công nghệ. Do vậy, các trường đại học tại Việt Nam nên sớm thành lập một cơ quan riêng, chuyên trách về SHTT và CGCN theo dạng TLO để hỗ trợ các nhà khoa học trong trường.

 

 

 

 

 

 

 

Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động của văn phòng CGCN trong trường đại học không chỉ có tác dụng tăng cường hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và chuyển giao các kết quả nghiên cứu của trường cho doanh nghiệp mà còn giúp định hướng hoạt động nghiên cứu, tăng cường thu nhập cho các nhà khoa học và trường đại học, đảm bảo cho việc đầu tư của các doanh nghiệp vào những công nghệ đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và đáp ứng yêu cầu, niềm tin của xã hội đối với trường đại học.

 

 Phan Quốc Nguyên - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC