Hình ảnh 13:04:11 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Phát triển khoa học cơ bản vì quốc kế dân sinh
Ngay sau khi Ủy ban Khoa học nhà nước do Phó Thủ tướng Trường Chinh làm Chủ nhiệm được thành lập, Ủy ban đã quyết định tập trung phát triển khoa học cơ bản (khoa học tự nhiên). Sự kiện này có thể xem là sự khởi đầu của một thời kì mới phát triển khoa học tự nhiên ở Việt Nam cùng với các lĩnh vực khoa học và kĩ thuật khác.

Xác định nghiên cứu cơ bản là nền tảng

Nhà nước đã quan tâm đến nghiên cứu cơ bản (NCCB) ngay từ thời kì kháng chiến chống Pháp. Năm 1949, tại phiên họp của Hội đồng Giáo dục đặc biệt do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, trong biên bản phiên họp có đoạn "Phát triển các ngành khoa học" với nội dung: "Sự nghiên cứu khoa học cần được khuyến khích, các nhà khảo cứu cần được đặc biệt nâng đỡ. Có như thế, nền Đại học mới có cơ phát triển". Trong báo cáo tổng kết năm học 1949 và kế hoạch năm học 1950 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên kí có viết: "Đặt các cơ sở cho Viện Khoa học Việt Nam".

Những thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ XX là thời kì thăng hoa của giáo dục đại học và khoa học Việt Nam. Dù đang chiến tranh và gặp những khó khăn to lớn về kinh tế, Đảng và Chính phủ Việt Nam vẫn đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục khoa học, mở hàng loạt trường đại học để đào tạo cán bộ có trình độ cao ở ngay trong nước, đồng thời cử hàng chục ngàn thanh niên ưu tú đi đào tạo ở nước ngoài. Những học sinh xuất sắc nhất đã theo học các ngành KHCB. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ con số không, Việt Nam đã có một lực lượng gồm hàng trăm tiến sĩ khoa học, hàng ngàn tiến sĩ về các ngành KHCB. Ở một vài lĩnh vực KHCB, cán bộ Việt Nam đã đạt tới trình độ quốc tế. Một số hội nghị, hội thảo quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam và do các nhà khoa học Việt Nam chủ trì đã rất thành công.

Năm 1975, Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Viện Khoa học Việt Nam, với chức năng chủ yếu là cơ quan nghiên cứu KHCB và ứng dụng những thành tựu khoa học hiện đại thúc đẩy phát triển kĩ thuật và phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Việc ra đời của Chương trình NCCB những năm 1990-1996 và Hội đồng Khoa học tự nhiên từ 1996 đến nay với kinh phí ngày một tăng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp chặn đứng được tình trạng suy thoái của các ngành KHCB ở nước ta và làm các lĩnh vực khoa học này phát triển mạnh mẽ.

Chương trình NCCB đã thúc đẩy sự phát triển tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên. So với thời kì chưa có chương trình NCCB, sự phân bố tiềm lực khoa học cơ bản ở nước ta đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều trường đại học đã trở thành những đơn vị nghiên cứu cơ bản có thành tích xuất sắc.

Vừa qua Nhà nước đã thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia. Phương thức hoạt động của Quỹ nhằm khuyến khích nghiên cứu cơ bản là một giải pháp rất tốt, chắc chắn sẽ thúc đẩy việc tăng nhanh số bài báo của các tác giả Việt Nam trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Nghiên cứu cơ bản góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Nghiên cứu cơ bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển, mở mang trí tuệ cho mỗi con người và toàn xã hội. Ðồng thời nó là nền tảng cho sự phát triển khoa học và công nghệ - lực lượng trực tiếp thúc đẩy phát triển sản xuất. Nhận thức rõ điều này, Ðảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhằm đẩy mạnh hoạt động này và chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Phát triển KHCB giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề khoa học - công nghệ mà chúng ta không thể tìm được lời giải từ nước ngoài và phải tự nghiên cứu để giải quyết. Khi miền Nam mới được giải phóng, Tổ chức lương thực và nông nghiệp thế giới FAO của Liên Hiệp quốc đã cử chuyên gia nông nghiệp đến giúp chúng ta mở rộng diện tích trồng lúa ở Đồng Tháp Mười. Sau một thời gian nghiên cứu, chuyên gia FAO đã khuyến cáo là không thể trồng lúa ở Đồng Tháp Mười. Sau đó, Chính phủ đã huy động nhiều ngành khoa học trong nước phối hợp nghiên cứu để tự tìm ra giải pháp, kết quả là ngày nay Đồng Tháp Mười trở thành một vùng sản xuất nhiều triệu tấn lúa trong một năm. Không nghiên cứu khoa học làm sao có được thắng lợi đó. Nghiên cứu cơ bản, không phải là để cạnh tranh với nước ngoài về khoa học mà chính là vì quốc kế dân sinh.

Đồng thời với việc góp phần phát triển trí tuệ Việt nam, việc NCCB về khoa học tự nhiên ở nước ta còn nhằm mục tiêu tăng cường nội lực để tiếp thu và làm chủ những công nghệ mới, nắm bắt những thành tựu mới của khoa học và áp dụng có hiệu quả ở Việt Nam, tiến tới sáng tạo ra công nghệ mới giống như các nước mới trở thành nước phát triển ở châu Á. Nhận thức được điều rất cần thiết đó, vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định tổ chức thực hiện thí điểm một số đề tài NCCB định hướng ứng dụng, mỗi đề tài đó do một tập thể khoa học mạnh thực hiện. Ngoài việc đòi hỏi các đề tài phải được thực hiện với chất lượng cao, kết quả phải được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, các đề tài còn hướng tới việc tạo ra các sản phẩm mới nhằm đáp ứng một số nhu cầu cấp bách của sự phát triển kinh tế và đời sống. Tôi tin tưởng rằng sau một thời gian thí điểm, việc tổ chức thực hiện các đề tài NCCB định hướng ứng dụng sẽ đi vào nề nếp ổn định, tiếp theo đó việc tổ chức và quản lí NCCB về khoa học tự nhiên sẽ ngày càng hoàn thiện, nhằm tiến tới xây dựng thành công nền khoa học hiện đại Việt Nam gắn kết mật thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 
 GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 234
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC