Hình ảnh 21:09:48 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Khát vọng cháy bỏng của “bác Pierre”
Trìu mến nhìn những cô cậu học trò trong nhóm nghiên cứu trẻ có tên là VTLY, đôi mắt ông ánh lên tia hi vọng về một thế hệ nhà khoa học trẻ dám dấn thân vào một lĩnh vực nghiên cứu còn mới mẻ ở Việt Nam. Ông là HI. Pierre Darriulat, nhà khoa học đãn truyền đam mê cho nhiều thế hệ sinh viên cử nhân tài năng của Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN.

Khởi động một phòng thí nghiệm

Tại một hội nghị quốc tế, TS. Võ Văn Thuận, lúc đó là Viện trưởng Viện KH&KT hạt nhân, làm quen với một trong những nhà khoa học ưu tú nhất của nước Pháp, HI. Pierre Darriulat. Cũng thật là may mắn, trước đó, vị giáo sư của CERN - Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu-đã từng nghe kể về Việt Nam và mong muốn một lần đến thăm đất nước xứ sở nhiệt đới này. Hai nhà khoa học đã “tâm đầu ý hợp” và TS. Võ Văn Thuận đã “ngỏ lời” nhờ HI. Pierre giúp Việt Nam xây dựng một phòng thí nghiệm vật lý năng lượng cao. Trước đó cũng có nhiều ý tưởng được ấp ủ nhưng “thành phôi” chứ chưa…“thành hình”. Không chần chừ, vị giáo sư thuộc hàng “top” của châu Âu đã…gật đầu. Và đúng là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, duyên phận với đất nước cách Paris hơn một phần tư trái đất, GS. Pierre đã kịp “bén duyên” với một cô gái Việt và trở thành “chàng rể cưng” của Việt Nam.

Ðặt chân đến Việt Nam, GS. Pierre đã xác định, “Nghiên cứu tia vũ trụ là hết sức cần thiết”, bởi theo ông, “Một đất nước bao giờ cũng cần phải dành một không gian cho nghiên cứu cơ bản để phát triển nghiên cứu ứng dụng”. Là một nhà khoa học tài ba, đồng thời cũng là một nhà quản lý kỳ cựu của CERN, chỉ cần một khoảng thời gian ngắn ông đã tham mưu cho Bộ KH&CN “bài toán nghiên cứu cơ bản” của Việt Nam cần phải làm gì? Rồi bằng mối quan hệ của mình, GS. Pierre đã “xin” về những thiết bị cần thiết để xây dựng nên một phòng thí nghiệm tia vũ trụ hoạt động “bài bản” theo những nguyên tắc quốc tế. “Ðây tuy là những thiết bị đã qua sử dụng nhưng vẫn có thể làm nên “chuyện” nếu biết cách khai thác”, ông nói.

Có thiết bị, có thầy, giờ chỉ còn thiếu…con người. Ban đầu với số thành viên chỉ lác đác vài ba người nhưng phòng thí nghiệm đã dần đi vào hoạt động một cách “êm đẹp”. Trước đó, năm 1994, trong buổi làm việc với cố GS. Nguyễn Ðình Tứ (lúc đó nguyên là chủ tịch viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam), GS. Jim Cronin (giải Nobel Vật lý đồng thời cũng là người cùng với GS. Alan Watson sáng lập lên Dự án quốc tế mang tên nhà khoa học Pháp Pierre Victor Auger) trao đổi và đặt vấn đề giúp Việt Nam tham gia vào Dự án Auger quốc tế.

“Tôi làm việc là vì các bạn trẻ”

Trong một gian phòng nhỏ trên tầng 3 của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, các bạn trẻ của Phòng thí nghiệm tia vũ trụ VATLY luôn tất bật với công việc phân tích số liệu. Phạm Ngọc Ðiệp, một thành viên tích cực của nhóm, giải thích, “VATLY nếu hiểu theo tiếng Việt có nghĩa là VẬT LÝ, còn trong tiếng Anh là những chữ cái của Vietnam Auger Training LaboratorY”. Ngay cái tên cũng cho thấy đây là “một phòng thí nghiệm” có chức năng nghiên cứu nhưng lấy “đào tạo” làm mục tiêu chính.

Phòng thí nghiệm này chỉ có 7 thành viên và mọi người coi nhau như người trong gia đình. Cái tên “GS. Pierre” được các bạn trẻ xưng hô một cách thân mật…“bác Pierre”. Hầu hết các thành viên của nhóm đều là những nghiên cứu sinh, mỗi người nghiên cứu một hướng khác nhau nhưng đều được hướng dẫn bởi một người thầy “đa năng”- GS. Pierre Darriulat.

Mỗi buổi sáng, GS. Pierre luôn có mặt ở bên cạnh để giải đáp mỗi câu hỏi được các bạn đặt ra. GS. Pierre tâm sự, “Mong muốn của tôi là đào tạo được một nhóm nghiên cứu trẻ có khả năng thực hiện các nghiên cứu đạt trình độ quốc tế”. Chính vì vậy, mỗi thành viên của nhóm trong quá trình làm nghiên cứu sinh đều được ông áp dụng mô hình “hợp tác hướng dẫn”, trong đó, mỗi bạn trẻ được chính ông trực tiếp hướng dẫn cùng với một giáo sư của một trường đại học ở nước ngoài. Ngoài ra, để giúp các học trò có kinh nghiệm cọ xát quốc tế, ông đã tạo điều kiện để các thành viên hàng năm sang học tập, làm việc và thăm quan các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới như CERN, Ðài quan sát Auger, các viện nghiên cứu hạt nhân ở Pháp, Nhật,…

Lo lắng trước tình trạng chảy máu chất xám GS không muốn gửi các sinh viên của mình ra nước ngoài. GS. Pierre thổ lộ: “Ðiều kiện làm việc trong nước thiếu thốn đủ thứ, không khuyến khích được các nhà khoa học trẻ. Nếu gửi họ ra nước ngoài, khi tốt nghiệp, những bạn trẻ giỏi sẽ chọn con đường ở lại đó”. Do đó, vị giáo sư này đã chọn hình thức “đào tạo và sử dụng nhân tài ngay tại trong nước” bởi vì theo ông, “đào tạo hợp tác vừa để tiết kiệm tiền, vừa có kiến thức cập nhật quốc tế, lại tránh được tình trạng chảy máu chất xám”. Một chút suy tư nhưng không giấu nổi cảm giác lo lắng, ông tiếp lời: “Các nhà khoa học trẻ rời đất nước ra đi để tu nghiệp ở nước ngoài, nếu họ không trở về thì bao công sức bỏ ra đều không hiệu quả và những kế hoạch của tôi từ trước tới nay bị “phá sản”.

Khi chứng kiến các nhà khoa học phải “chạy xô” để lo “cơm áo gạo tiền”, ông vẫn nhắc nhở các học trò của mình như một nguyên tắc bất di bất dịch, “Research is a full job - Nghiên cứu là phải toàn tâm toàn ý”. Rồi những lúc thảnh thơi “bác cháu” ngồi với nhau, GS. Pierre thường nhắn nhủ: “Khi tôi không còn sức lực để tiếp tục làm việc và ở bên cạnh các bạn nữa, tôi mong các bạn hãy tự bay bằng đôi cánh của mình, tự các bạn phải làm chủ được một phòng thí nghiệm thực hiện các nghiên cứu đạt trình độ quốc tế”.

Giản dị, nhân hậu và tận tâm, GS.Pierre làm việc như một con ong vò võ xây tổ mà không đòi hỏi bất cứ điều gì: lương không và ngay cả một góc nhỏ làm việc cho riêng mình cũng không có. Với chiếc xe đạp, mỗi sáng ông lọc cọc đạp xe trên những con phố Hà Nội đến cơ quan giống như một người về hưu cô đơn. Ông làm việc không công, như vẫn thường nói: “Tôi làm việc là vì các bạn trẻ”.

Nghe “nhịp đập” của vũ trụ

“Cái tai” để nghe các tín hiệu từ vũ trụ của nhóm VATLY được đặt trên nóc nhà của Viện KH&KT hạt nhân với các detector và ống nhân quang điện. Mỗi khi các tia vũ trụ được ghi nhận, tín hiệu truyền tới các thiết bị phân tích và xử lý. Với hệ thống máy tính hoạt động 24/24 giờ, các số liệu được ghi lại hoàn toàn tự động. “VATLY có một hệ thống ghi nhận số liệu online CAMAC duy nhất ở Việt Nam”, Nguyễn Thị Thảo, một thành viên của nhóm, phấn khởi “khoe”. Trong số đó có nhiều thiết bị được GS.Pierre mang từ CERN về. Ðây tuy là những thiết bị thí nghiệm cũ nhưng vẫn hoạt động tốt như các bản detector nhấp nháy, các khối điện tử tương tự số ADC, TDC... Với khả năng sắp xếp tài ba của “bác” Pierre, tất cả đã tạo nên một hệ thống detector đồng bộ để, như ông nói, “có thể làm nên... chuyện”. Như để chứng minh cho “tuổi” của thiết bị, Ðiệp cho biết, “Nhiều thiết bị ở đây còn nhiều tuổi hơn các thành viên của nhóm”. Các thiết bị đều là... của hiếm nên “chắp vá” là chuyện thường thấy. “Cái khó ló cái khôn”, buộc các bạn trẻ phải sáng tạo tận dụng triệt để. Ngoại trừ một số trường hợp bất khả kháng không sửa chữa được ở Việt Nam đành phải gửi ra nước ngoài... “cầu cứu ”. Chẳng hạn, do thiếu dây cao áp truyền tín hiệu từ ống nhân quang điện nên các thành viên buộc phải chia làm đôi, việc làm này tuy có tiết kiệm nhưng lại giảm khả năng truyền tải. Thảo thở dài, “biết làm sao được?!”. Rồi chưa kể những đêm mưa bão, cả nhóm lo lắng sợ các thiết bị hư hại, và thở phào nhẹ nhõm khi trên màn hình máy tính vẫn nhận được... tín hiệu đẹp. Ai trong nhóm cũng phải trải qua nhiều cảm giác cho đến khi kết quả được xử lý hoàn chỉnh. “Detector ghi nhận các tia vũ trụ của nhóm VATLY là một phiên bản giống hệt với 1600 detector trải dài trên 3000 km2 của Ðài quan sát Auger quốc tế trên cao nguyên Madoza, Argentina”, Phạm Ngọc Ðồng, thành viên của nhóm, bật mí thêm.

Trong vai trò là thành viên châu Á duy nhất của dự án Auger quốc tế, các thành viên của VATLY được quyền bình đẳng như bất kỳ thành viên nào khác trong khai thác và phân tích số liệu thu được từ đài quan sát Auger ở Mendoza thông qua Internet. “Ở VATLY phân ra hai mảng: mảng khai thác số liệu thu được từ detector của nhóm còn mảng kia khai thác số liệu quốc tế”, Phạm Tuyết Nhung, thành viên của nhóm, cho biết.

Gần 7 năm hoạt động, dưới sự dìu dắt của GS. Pierre, nhóm VATLY đã cho “ra lò” nhiều bài báo công bố trên tác tạp chí khoa học quốc tế uy tín như Nuclear Physics B, Astroparticle Physics, Cộng đồng Khoa học quốc tế Auger,...Ðặc biệt, vừa qua, các thành viên của VATLY trở thành đồng tác giả của phát hiện về mối tương quan giữa những tia vũ trụ năng lượng siêu cao với các thiên hà có nhân hoạt động (AGN) được công bố trên tạp chí Science. Ðứng đằng sau những thành công của nhóm không ai khác là người thầy của họ, GS. Pierre Darriulat. Khi được hỏi tại sao ông từ chối đưa tên mình vào tập thể các tác giả bài báo, ông nói, “Ðiều quan trọng không phải là cá nhân tôi. Tôi mong muốn tạo cơ hội cho các bạn trẻ được khẳng định mình và nhận được những điều kiện thuận lợi cho công việc nghiên cứu của họ sau này”.

Vượt lên bao khó khăn bộn bề, nhóm VATLY đang dần khẳng định mình trên lộ trình tiếp cận đến những vấn đề nghiên cứu đẳng cấp quốc tế. Nhưng điều quan trọng hơn cả đó là với những thiết bị tưởng như “vô dụng”... xin được, cơ sở vật chất thiếu thốn, dưới sự dìu dắt của một nhà khoa học biết nhìn xa trông rộng họ đã vượt lên nghịch cảnh để có được nhiều bài báo công bố quốc tế uy tín.

 Đức Minh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - 237
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC