08:07:56 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Quyền lực trong quan hệ quốc tế
Năm 2011, ĐHQGHN đã lựa chọn 4 công trình khoa học - công nghệ tiêu biểu. Quyền lực trong quan hệ quốc tế: lịch sử và vấn đề của PGS.TS Hoàng Khắc Nam, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN là công trình thứ 3 Bản tin ĐHQGHN giới thiệu với bạn đọc. Công trình đã được in thành sách chuyên khảo do Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin phát hành.
Quyền lực được coi là bản chất, là “máu của sự sống” đối với chính trị quốc tế, là động cơ và lợi ích cơ bản của quốc gia trong quan hệ quốc tế (QHQT). Tranh giành quyền lực cũng được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến chiến tranh và xung đột trong lịch sử. Không chỉ là thực tế lớn trong QHQT, quyền lực còn là lí luận trung tâm của Chủ nghĩa hiện thực và mối quan tâm hàng đầu của nhiều lí thuyết khác. Đồng thời quyền lực cũng là một hệ quy chiếu hay lăng kính để giải thích lịch sử, nhất là lịch sử QHQT. Việc tìm hiểu quyền lực còn có ý nghĩa phương pháp luận khi cho phép đoán định được diễn biến theo kết quả của nhiều tương tác. Bởi tầm quan trọng cả về thực tiễn và lí luận như vậy, quyền lực đã trở thành một vấn đề trung tâm trong nghiên cứu QHQT.
Tìm hiểu chủ đề này có một ý nghĩa thiết yếu đối với tầm nhìn và sự hoạch định chính sách. Tuy nhiên, quá trình này luôn chứa đựng cả cơ hội và thách thức. Một sự hiểu biết sâu sắc hơn về quyền lực trong QHQT và tác động của nó thì mới giúp chúng ta tận dụng được cơ hội, khắc phục được thách thức. Việc tìm hiểu đề tài này có thể giúp chúng ta lựa chọn những phương cách ứng xử thích hợp, hạn chế được sự lôi kéo và can thiệp từ bên ngoài, đóng góp vào việc giữ gìn môi trường an ninh ổn định cho hợp tác và phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Đây là công tình đầu tiên ở nước ta nghiên cứu về vấn đề này. Công trình đã tập hợp, hệ thống hoá những vấn đề cơ bản trong nghiên cứu lí luận về quyền lực trong QHQT cả trong lịch sử lẫn hiện tại. Công trình cũng đã mang lại nhiều giá trị khoa học và thực tiễn như góp phần tìm hiểu những vấn đề lí luận cơ bản về quyền lực trong QHQT cũng như vai trò của quyền lực trong đời sống quốc tế hiện nay; xây dựng cơ sở lí luận cho ngành Quốc tế học và trong nghiên cứu QHQT và đóng góp cho việc hoạch định đường lối chính sách của Việt Nam trong lộ trình tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế hiện nay.
 Ý KIẾN CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC VỀ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
PGS.TS Nguyễn Văn Kim, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu khoa học cơ bản. Công trình được viết trong bối cảnh hầu như không có được nhiều sự kế thừa từ các tác giả, các nhà nghiên cứu trong nước. Trong khi đó, vấn đề quyền lực và sử dụng quyền lực trong quan hệ quốc tế luôn có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong tầm nhìn và chính sách đối ngoại của hầu hết các quốc gia. Quyền lực luôn là một trong những vấn đề trọng tâm trong việc đánh giá tương quan lực lượng quốc tế, xác định vị thế, điều kiện, tiềm năng,... của mỗi quốc gia để từ đó đưa ra các chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề ngoại giao và quan hệ quốc tế.
Công trình đã đề cập và đi sâu phân tích những vấn đề gai góc nhưng cũng hết sức căn bản trong nhận thức và hành động của các quốc gia. tác giả có nhiều trang viết tâm huyết, nghiêm túc, phân tích khoa học, làm rõ khái niệm, các loại quyền lực, cơ chế, các thành tố tạo nên quyền lực cũng như những cách thức mà các quốc gia, các thế lực chính trị nhận thức, đánh giá và sử dụng quyền lực ấy. Tác giả cũng đã đi sâu phân tích vai trò của quyền lực trong quan hệ quốc tế và mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ của nó với các yếu tố khác như kinh tế và sức mạnh quân sự. Có thể nói, công trình của PGS.TS Hoàng Khắc Nam là một công trình nghiên cứu tiêu biểu, một cuốn sách chuyên khảo giá trị, nhiều tính sáng tạo tập trung giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của vấn đề quyền lực trong quan hệ quốc tế cũng như đời sống chính trị thế giới nói chung.
Là một công trình đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về quyền lực trong quan hệ quốc tế, được viết công phu nghiêm túc, mang tính học thuật cao, ngay sau khi được Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin công bố, công trình đã được nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, chuyên gia, những người hoạt động trên các lĩnh vực ngoại giao, đối ngoại, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và bạn đọc quan tâm, khảo cứu.
Công trình còn là tài liệu tham khảo không thể thiếu trong công tác đào tạo, nghiên cứu của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, cũng như nhiều trường đại học và viện nghiên cứu khác đào tạo về quan hệ quốc tế, lịch sử quan hệ quốc tế, lịch sử, Đông phương học,...
PGS.TS Trần Thị Vinh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Sách đề cập đến một vấn đề cốt lõi trong quan hệ quốc tế: Quyền lực và việc sử dụng quyền lực trong nền chính trị quốc tế và quan hệ quốc tế. Quyền lực được coi là bản chất và gắn với quan hệ quốc tế thời cận và hiện đại.
Việc nghiên cứu những vấn đề lý thuyết và thực tiễn về quyền lực trong quan hệ quốc tế sẽ làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản chi phối chính sách đối ngoại cũng như động cơ giúp chúng ta tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế cạnh tranh và khắc phục thách thức trong công cuộc phát triển đất nước.
Việc nghiên cứu chủ đề quyền lực trong quan hệ quốc tế còn giúp tìm hiểu mối quan hệ qua lại giữa chính sách phát triển văn hoá - xã hội với chiến lược chung nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước. Một số đề xuất của tác giả sẽ góp phần giúp cho các cơ quan hoạch định, chính sách lựa chọn những phương cách ứng sử thích hợp, hạn chế sự lôi kéo và can thiệp từ bên ngoài.
Công trình có thể sử dụng như một giáo trình chính thức trong việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập lịch sử quan hệ quốc tế trong các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước ta, đặc biệt trong các quan hệ quốc tế, chính trị học, sử học , kinh tế học.
Công trình có thể sử dụng như một tài liệu tham khảo cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển của các cơ quan hữu quan trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Bộ môn Chính trị Quốc tế, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Cuốn sách đề cập đến một trong những vấn đề then chốt của chính trị học, quan hệ quốc tế; đó là vấn đề Quyền lực trong các mối quan hệ quốc tế chủ yếu hiện nay.
Chúng tôi nghĩ rằng, với những hiểu biết phong phú và cơ bản về quyền lực trong hệ thống chính trị thế giới, nói hẹp lại là trong các mối quan hệ quốc tế chủ yếu, hơn nữa, với sự lựa chọn các khu vực, các quốc gia tiêu biểu, tác giả đã cho ta một cái nhìn bao quát về yếu tố quyền lực trong các mối quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, sự thú vị của cuốn sách còn ở chỗ, những vấn đề lý thuyết “quyền lực”, đã đạt đến độ nhất định của tính hiện đại, thâu tóm được nhiều khuynh hướng nghiên cứu hiện nay. Nhờ đó, người đọc có thể có những cơ sở lí luận chặt chẽ để nhìn nhận vấn đề này.
Thực tế đã có rất nhiều lí thuyết về vấn đề này, nhưng tác giả không chỉ giới thiệu khách quan, khoa học các khuynh hướng tiêu biểu (quyền lực cứng, quyền lực mềm, quyền lực hữu hình, quyền lực vô hình,... ), mà còn mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình trên những quan điểm truyền thống mác-xít cần thiết. Tất nhiên, ẩn chứa trong đó cũng là những quan điểm của Đảng về vấn đề này trong những đại hội gần đây.
Xét trên ý nghĩa của tác phẩm, là người có nghiên cứu về chính trị học, sử học, chúng tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa của cuốn sách đối với việc đào tạo chuyên ngành cho sinh viên, thậm chí cuốn sách còn là nguồn tham khảo tốt cho việc đào tạo cao học và nghiên cứu sinh thuộc ngành quan hệ quốc tế và những ngành liên quan nói trên.
 Tuệ Anh - Bản tin số 260 - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC