Sinh viên 12:10:39 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Học bao nhiêu là đủ?
Còn nhớ thuở nhỏ, bố mẹ vẫn thường nhắc nhở anh em tôi rằng: “Cố gắng học các con nhé! Học để thành người, học để thoát nghèo, học để bước ra khỏi bốn bức tường và lũy tre làng...”. Lời khuyên ấy trở thành kim chỉ nam để chúng tôi lớn lên theo các cấp học cùng những tấm bằng, cho đến một ngày chợt dừng lại, ngoái đầu và tự hỏi: “Mình học như vậy, đủ chưa nhỉ?”...

Tôi đã từng đặt câu hỏi: “Theo bạn học để làm gì?” với rất nhiều người trẻ và đa phần nhận được câu trả lời rằng: “Học là để hiểu biết!”. Phải chăng vì có tâm niệm ấy trong đầu mà giới trẻ nói chung, giới sinh viên Việt Nam nói riêng luôn được coi là biết rất nhiều, cái gì cũng biết. Từ cấp I, rồi cấp II, cấp III, học trò ở ta đã được dạy rằng: Cái gì cũng nên đọc, cũng nên quan tâm. Khi đã phân tán sự tập trung cho nhiều lĩnh vực thì chắc chắn chúng ta sẽ không thể chuyên sâu, toàn tâm toàn ý cho một vấn đề nào. Điều đó dẫn tới 1 hiện tượng, nhắc đến tên thì biết ngay nhưng khi hỏi thật cặn kẽ thì hóa ra ta lại chẳng biết gì. Đương nhiên không phải tất cả các bạn sinh viên hiện nay đều như vậy...

Những ai nuôi khát vọng muốn tìm hiểu sâu về một vấn đề mà mình tâm đắc, mình có hứng thú thì thường sẽ thành công trong sự nghiệp về sau sau ở chính địa hạt mà họ đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Ông bà ta đã chẳng từng đúc rút rằng: Một nghề thì sống đống nghề thì chết hay Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Khi thảo luận về vấn đề này, một người bạn của tôi vốn là sinh viên hệ đào tạo cử nhân tài năng Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN đã dẫn ra một ví dụ về việc cắt kim cương. Kim cương là một vật thể siêu cứng, không một thứ kim loại nào có thể cắt được nó. Ấy vậy mà người ta vẫn tìm được cách để cắt đó là dùng tia laze. Tia laze chính là một đại diện cho sự tập trung và thử hỏi nếu chùm tia laze đó không tập trung vào một điểm thì liệu nó có cắt được kim cương hay không? Việc học tập của chúng ta cũng vậy, nếu học dàn trải, học để biết thật nhiều thì hiệu quả sẽ khó mà cao được.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi phản đối việc học để lấy kiến thức. Học để trang bị cho mình thật nhiều kiến thức là một điều nên làm và đáng biểu dương. Người uyên bác, có tầm hiểu biết rộng là người chịu học và biết rất nhiều các lĩnh vực, nhưng con số này chỉ là một bộ phận tinh túy, rất ít trong xã hội. Nhiều bạn trẻ bây giờ đã tự đặt câu hỏi rằng, học để biết liệu đã đủ hay chưa và học bao nhiêu là đủ? Trước đây hơn chục năm khi Internet chưa phổ biến và công cụ tìm kiếm Google vẫn còn là một ẩn số thì những ai hiểu biết rộng, nhớ được nhiều sẽ rất có lợi. Tuy nhiên, giữa thời đại công nghệ số như hiện nay khi mà lượng thông tin trên mạng và trong xã hội là bình đẳng với nhau thì ta có thể ngồi ở nhà để tìm kiếm mọi thông số liên quan đến một vấn đề nào đó cần quan tâm. Ta có thể giao tiếp với những chuyên gia cách chúng ta hàng ngàn cây số. Ta có thể tiếp cận lượng kiến thức khổng lồ trên mạng. Khi đó điều gì sẽ xảy ra. Liệu trí nhớ của chúng ta có thể hơn được một công cụ tìm kiếm như Google. Khi mà lượng thông tin được tiếp cận một cách dễ dàng thì chúng không còn tạo nên sự cạnh tranh nữa. Con người không thể hơn nhau bởi thông tin và kiến thức họ biết nữa, họ chỉ có thể hơn nhau bởi kỹ năng tra cứu thông tin. Vậy thì giới trẻ hôm nay phải học như thế nàohọc bao nhiêu là đủ?

Có một thực tế mà bất cứ một nhà giáo dục nào cũng phải công nhận đó là, những kiến thức trong đầu mỗi người thì xã hội không thể dùng được trừ khi những kiến thức ấy được biến thành sản phẩm cụ thể. Chỉ khi ấy kiến thức mới có giá trị thực sự. Không ít bạn trẻ tự tin phát biểu rằng, tôi rất giỏi, tôi biết rất nhiều, tôi sẽ góp phần làm thay đổi cả thế giới... Nhưng thực tế thì họ chưa đóng góp gì được cho xã hội và ngay cả bản thân gia đình họ. Nếu quan sát trong xã hội chúng ta cũng nhận ra nhiều người rất có tiềm năng, nhưng cái mà người ta cần không chỉ đơn thuần là tiềm năng mà phải là những ai làm được việc. Tiềm năng mà không được phát huy đúng lúc, đúng chỗ thì cũng sẽ bị phí phạm. Một hành động còn hơn một đống lời bàn, một hành động bằng mười suy nghĩ.

Chúng tôi muốn dẫn dắt như vậy để truyền đạt tới các bạn trẻ một thông điệp là: Trong xã hội hôm nay, điều quan trọng nhất để tạo nên lợi thế cạnh tranh chính là thay đổi tư duy. Từ việc nghĩ rằng học để biết, học để thi chuyển sang cách nghĩ học là để làm. Khi ta tư duy học để làm thì ta sẽ biết dành trọng tâm vào vấn đề cần học, học cái xã hội có nhu cầu và đó là cái ta bắt buộc phải học, cái cần học, cái nên học. Học có định hướng, có sự chọn lọc sẽ giúp ta tìm được điểm giao nhau giữa những kiến thức học được và nhu cầu xã hội đang thiều. Điều đó cũng giống như đường cung và cầu trong kinh tế học. Khi ta học đúng cái xã hội cần thì ta sẽ thành công. Khi tư duy học để làm, ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc trau dồi kỹ năng. Khi ta tư duy học để làm ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến kinh nghiệm thực tế thay vì lý thuyết đơn thuần. Các bạn sinh viên sẽ đi làm thêm để có được nhiều kinh nghiệm hơn, tự tin hơn, giao tiếp giỏi hơn. Khi đó tự các bạn đã làm thu hẹp khoảng cách giữa những cái biết và những cái làm được. Lao động sao thì thành quả vậy, học để biết thì biết rất nhiều, học để thi thì kết quả thi sẽ tốt, học để làm thì sẽ có khả năng làm việc tốt... Và khi đã có được ý thức như vậy thì tôi tin việc tìm lời đáp cho câu hỏi “Học bao nhiêu là đủ?” sẽ không còn quá khó.

 Minh Hiền - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 221, 2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC