Sinh viên 19:38:19 Ngày 23/04/2024 GMT+7
Lời ru buồn sau tấm bằng đại học
Tốt nghiệp đại học, cầm trên tay tấm bằng cử nhân, trong khi bạn bè sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại để có được một việc làm ổn định, một vị thế trong xã hội thì không ít những “cô cử” lại buông xuôi theo tiếng gọi của trái tim, chấp nhận lên xe hoa theo chồng. Khi thành quả của 4 năm miệt mài trên giảng đường là tấm bằng cử nhân được cất kỹ dưới đáy hòm, cũng là lúc những khó khăn trong cuộc sống gia đình quây lấy họ và không ít người trong số đó phải ngày ngày gặm nhấm nỗi đau ăn bám chồng…

Hương vốn là một cô nữ sinh tỉnh lẻ nết na, học giỏi. Cũng như biết bao bạn bè, ngay từ khi bước chân vào giảng đường Khoa Văn học (Trường ĐHKHXH&NV), cô đã mơ ước sau này ra trường sẽ có một công việc ổn định ở quê nhà và một mái ấm gia đình hạnh phúc. Tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, loay hoay mãi chưa xin được việc làm, trong khi người yêu của cô cứ giục cưới. Ban đầu Hương cũng đắn đo, nhưng sau vài lần Hán nài nỉ, thuyết phục, cô chặc lưỡi: “Thôi thì lấy chồng rồi xin việc sau cũng không vấn đề gì…”. Hơn nữa Hán lại bảo, mấy ông bác của anh làm lãnh đạo trên thị xã hứa rằng sau ngày cưới sẽ xin việc cho Hương. Mẹ cô, sau khi nghe con gái thuyết phục chỉ thở dài: “Mẹ không cản việc con lựa chọn bạn đời. Nhưng con còn quá trẻ, cần phải có thời gian để ổn định công việc, để tự chủ được tài chính rồi hãy lập gia đình. Nếu con là người phụ nữ thành đạt trong công việc thì mẹ tin chồng và cả gia đình chồng sẽ tôn trọng con… Đừng nông nổi…”. Hương bỏ ngoài tai lời khuyên của mẹ, và đám cưới được diễn ra theo đúng những gì đôi trẻ mong muốn. Không lâu sau, Hương báo với Hán mình có thai, vậy là chẳng còn tâm trí đâu dành cho nỗi lo kiếm việc làm bởi nhiệm vụ chăm con được đặt lên hàng đầu.

Giờ đây, khi đứa con đầu lòng đã gần 1 tuổi, Hương vẫn là một người thất nghiệp, mọi chi phí trong sinh hoạt gia đình đều trông cả vào đồng lương công nhân của Hán. Cánh cửa cơ hội có việc làm hình như ngày càng hẹp đối với Hương. Đã biết bao lần cô cầm hồ sơ đến nhà ông bác nọ, ông bác kia để nhờ vả nhưng điệp khúc “…cháu yên tâm, khi nào có cơ hội, bác sẽ báo cho” thì xem chừng cô còn phải chờ lâu lắm. Những công việc lặt vặt trong gia đình ngốn hầu hết quỹ thời gian, vậy mà cô vẫn luôn phải chịu sự soi mói và những lời nói mát mẻ của bà mẹ chồng khó tính. Từ khi đứa con nhỏ ra đời thì đồng lương của Hán không còn đủ để trang trải những chi phí cứ liên tục phát sinh, những mâu thuẫn bất hòa trong mái ấm nhỏ bé ấy dần xuất hiện. Bà mẹ chồng đương nhiên sẽ bênh vực con trai, ra mặt miệt thị con dâu và lần nào bà cũng không quên nhắc cho Hương nhớ rằng cô là một kẻ ăn bám chồng. Những lúc ấy, cô chỉ biết ôm con và khóc. Giờ đây nếu có gặp Hương, chắc bạn bè của cô khó có thể nhận ra cô nữ sinh Văn khoa trẻ trung, xinh đẹp năm nào…

Giống như Hương, Lựu cũng là một cử nhân tốt nghiệp loại khá chuyên ngành Địa chất (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN). Vậy mà có lúc lần đáy tủ, xem lại tấm bằng được gói cất cẩn thận, lòng cô lại quặn thắt, nước mắt trào ra khi nhớ tới câu nói mỉa mai của cô em chồng: “Chẳng ai đào hoa như chị, chỉ việc ngồi nhà chơi với con, thanh thản mà vẫn có người mang tiền về cung phụng. Người ta thì lam lũ quanh năm, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có ăn. Học đại học ra rồi về làm bà chúa như thế thì ai mà không thèm, chị nhỉ!…”. Tốt nghiệp đại học chưa đầy 2 tuần, hồ sơ xin việc chưa kịp hoàn tất, thì Lập (người yêu của Lựu) đã bàn chuyện cưới xin. Lúc đầu, cô cũng từ chối bởi muốn chờ thêm vài năm nữa để đi làm và ổn định đã. Nhưng người đàn ông 30 tuổi ấy đã không thiếu gì cách thức khiến cô mủi lòng. Phần Lựu, cô cũng lo nhỡ ra bị cha mẹ thúc giục mà Lập đi lấy người khác thì sao…? Trong giây phút hoang mang cao độ ấy, chính cái hộ khẩu thành phố của Lập đã cho Lựu niềm tin và cô đã gật đầu.

2 năm sau ngày cưới, hồ sơ xin việc của cô vẫn nằm sâu dưới đáy hòm. Việc làm ngày càng khó kiếm, trong khi ấy, thế hệ đi sau lại thông minh, giỏi giang, năng động và nhạy bén hơn hẳn đàn chị, hy vọng có được một việc làm theo đúng chuyên môn của Lựu ngày càng xa vời. Đã thế, họ hàng nhà chồng lại không mấy người cảm thông và chia sẻ với cô. Họ nhìn Lựu bằng ánh mắt ghen ghét pha lẫn cả sự coi thường. “Chao ơi! Như thế mà cũng mang tiếng cử nhân đại học…!”. Theo thời gian, từ một cô gái tự tin, Lựu tự ti, nhút nhát và mặc cảm lúc nào không biết. Mỗi khi mua sắm một món đồ gì đó cho mình hoặc dùng tiền vào những việc riêng tư như đi ăn cưới, thăm hỏi bạn bè… cô đều cảm thấy áy náy, vì đó không phải đồng tiền do tay mình làm ra. Là một người chồng hiểu biết, Lập luôn chia sẻ và không bao giờ khắt khe chuyện kinh tế với vợ nhưng điều đó càng làm Lựu chìm vào nỗi ám ảnh, mặc cảm. Nhìn bè bạn cùng lứa thăng tiến trong nghề nghiệp, tự tin trong giao tiếp, cô chỉ biết lặng lẽ quay đi giấu dòng nước mắt ân hận… “Giờ đây thì tôi nhận ra rằng, nếu những người trẻ như chúng ta mà suy nghĩ nông nổi, chỉ chậm một chút thôi sẽ bị bỏ lại phía sau rất xa về nhiều mặt. Điều đó càng đúng đối với phụ nữ. Nếu tôi không vội vàng lấy chồng thì có lẽ giờ đây tôi đã có thể đứng ở một vị trí khác trong xã hội…” - Lựu đã tâm sự như vậy… Lời khuyên hay thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến Hương, Lựu hay rất nhiều những bạn gái trẻ khác là: Khi các bạn đã nhận ra sự sai lầm của mình cũng chính là lúc phù hợp nhất để các bạn làm lại, cơ hội luôn ở phía trước các bạn và không bao giờ là muộn.

 Trương Huyền - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 223, 2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC