Sinh viên  Giảng đường - Cuộc sống 23:37:50 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Chàng trai da cam và nỗi truân chuyên đại học
20 tuổi với 3 lần phẫu thuật nhưng Đặng Thế Lịch (sinh năm 1992) vẫn là người duy nhất ở làng Hữu nghị Việt Nam (Từ Liêm, Hà Nội) vào được giảng đường đại học năm 2012.
Đến trường trên lưng mẹ, ngồi xe bạn
Sinh ra không may mắn, từ lúc chào đời chân tay Đặng Thế Lịch, quê ở thôn 1, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã bị co quắp nặng. Lên 3 tháng tuổi, Lịch được bố mẹ đưa ra Bệnh viện Nhi chạy chữa và phát hiện bị di chứng chất độc hóa học từ ông nội. Sau khi phẫu thuật chân và nằm viện điều trị một năm trời, bác sĩ bó tay cho về quê.
Lên 7 tuổi, Lịch vẫn phải bò lê rất khổ sở. Hai bàn tay của Lịch trở nên chai sạn. Thương cháu, bà nội Lịch xếp những chiếc ghế tựa thành hàng và dìu cháu tập đi bằng chân. Không ít lần, cả hai bà cháu té ngã nhưng sau một thời gian, Lịch đã đứng và tự đi lại trên chính đôi chân của mình dù bước đi còn xiêu vẹo. Đi lại được, nhìn chúng bạn trong xóm cắp sách đến trường, Lịch lại ao ước được đi học. Thấy tờ lịch trên tường ghi chữ “Chúc mừng năm mới”, em cố nhớ rồi dùng ngón tay viết lại trên nền đất. Nét chữ đầu đời nguệch ngoạc nhưng đã lóe lên tia hi vọng cho cậu bé kém may mắn. Thấy con ham học, bố mẹ xin cho Lịch vào lớp 1 khi 8 tuổi.
Tay co quắp cứng đơ nên Lịch không sao có thể tự cầm viên phấn. Do vậy, buổi sáng đến trường em phải nhờ cô, tối về nhờ bố mẹ, chị gái giữ tay để điều khiển viên phấn theo ý muốn. Sau bao ngày khổ luyện, cuối cùng những chữ cái O, A,… từ bàn tay dị tật của Lịch cũng thành hình. Từ nhà tới lớp là 6 cây số, đôi chân Lịch bị dị tật không thể đi xa nên trong suốt 5 năm học tiểu học, bác và mẹ cứ thay nhau cõng em đi, về.
Khi Lịch học xong, bố em là Đặng Thế Mai (sinh năm 1963) bị viêm khớp, đau cột sống dai dẳng nhưng vì túng thiếu không có tiền điều trị, mọi việc nặng nhọc đều dồn lên đôi vai gầy của mẹ. “Gia cảnh túng quẫn phải chạy vạy kiếm ăn từng bữa nên tôi khuyên con biết chữ rồi thì ở nhà trông nhà cho mẹ đi làm chứ đừng đi học nữa. Nghe mẹ nói thế, Lịch buồn bã đến bỏ ăn. Thương con, tôi không biết làm thế nào vì có cho con đi học cũng không ai đưa đón được như trước”, bà Lê Thị Luyến, mẹ Lịch nhớ lại. May sao, cùng xóm Lịch có cậu bạn Lê Sỹ Long (cùng sinh năm 1992) có xe đạp và nhận chở Lịch đi học hằng ngày. Bất kể ngày nắng hay mưa, suốt mấy năm Lịch học THCS, Long đều cần mẫn đưa đón bạn đến trường. Với nghị lực của bản thân, suốt 8 năm học Lịch luôn là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Đặc biệt, Lịch đạt giải Nhì HSG cấp huyện và giải Khuyến khích HSG cấp tỉnh môn Ngữ văn. Năm 2007, vì gia cảnh khó khăn nên gia đình đã làm đơn xin và năm 2008, Lịch được các chuyên gia người Đức làm phẫu thuật chỉnh hình và nắn thẳng bàn chân và nằm viện điều trị mất hai tháng. Ra viện, Lịch đi học lại nhưng vì bàn chân chưa khỏi, em phải ngồi xe lăn suốt cả năm học lớp 9.
Hết lớp 9, Lịch tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng và được dạy học tin học, học làm hoa lụa. Do cơ thể không bình thường, nếu không có bằng THPT thì sau khi rời nơi này sẽ rất khó khăn khi xin việc. Nghĩ vậy, Lịch xin ban lãnh đạo nhà trường nơi cậu ở được theo học cấp 3. Thấy Lịch ham học, Ban lãnh đạo làng Hữu nghị Việt Nam đã xin cho em vào học tại trường THPT Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội). Trường học cách chỗ ở 3 cây số nên thêm một lần, Lịch phải đi học bằng sự đưa đón của nhân viên trong làng Hữu nghị. Sau một năm nghỉ học, giờ quay lại trường với Lịch mọi thứ như mới bắt đầu. Năm 2011, khi đang học lớp 11, dưới gan bàn chân phải của Lịch xuất hiện một khối u và phải vào Viện 103 mổ. Sau một tuần nằm viện điều trị, Lịch về đi lại rất đau và khó khăn. Vượt lên tất cả, suốt 3 năm cấp THPT, Lịch luôn là học sinh tiên tiến.
Con nhập học, mẹ làm ô sin
Tốt nghiệp THPT với điểm số 42, Lịch được cô chú nhân viên trong làng Hữu nghị cùng thầy cô, bạn bè động viên thi đại học. Gần 5 năm chung sống, tiếp xúc với những người đồng trang lứa và các em nhỏ cùng cảnh ngộ nên Lịch muốn giúp cho những thân phận thiệt thòi, kém may mắn như mình. Vì thế, Lịch quyết định làm hồ sơ thi vào ngành Công tác xã hội, Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN để thực hiện ước mơ và nỗ lực của chàng trai điôxin đã được đền đáp với điểm thi khối C được 21,5.
Lịch là con trai duy nhất trong gia đình nghèo túng có ba chị em ở thôn 1, xã Hoằng Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Hiện giờ, chị gái của Lịch đã tốt nghiệp Cao đẳng và làm ở nhà máy in gần nhà. Em gái Lịch là Đặng Thị Thủy (sinh năm 1994) vừa đỗ CĐ Du lịch Hà Nội và được xét ở KTX của trường. Ngày hai con nhập học, bà Luyến đành bỏ lại 4 sào ruộng cùng mọi việc nhà và người chồng bệnh tật cho con gái và anh em chăm sóc để lên Hà Nội giúp việc nuôi con ăn học với tiền công 2,5 triệu đồng/tháng. Bà Luyến bộc bạch: “Giờ hai đứa học ở Hà Nội riêng tiền ăn ở tháng cũng 4-5 triệu rồi, nhà nghèo ngoài mấy sào ruộng thì biết làm gì, đành phải lên đây làm mướn kiếm đồng tiền lo cho chúng nó. Chỉ mong hai đứa chăm ngoan, học giỏi thì vợ chồng tôi dù khó khăn, vất vả cũng cam lòng”.
Chân tay dị tật, Lịch đành phải thuê một phòng ở chung với chủ ngay cạnh trường với giá 1,5 triệu/tháng chưa kể điện nước cho tiện đi lại. Không tự nấu ăn được nên Lịch phải ăn cơm bình dân, Lịch phải leo lên phòng trọ tận tầng 4 rất vất vả. Bàn tay co quắp nhưng Lực phải tự làm mọi việc sinh hoạt cá nhân. “Khó khăn nhất với em là giặt quần áo nhưng không giặt thì còn ai làm cho mình. Em đang tìm bạn ở ghép cho đỡ chi phí ăn ở chứ tiền phòng giá cao vậy thì mình em không thể kham nổi”, Lịch nói.
 Hồ Duy - Bản tin số 259
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC