Sinh viên  Giảng đường - Cuộc sống 11:26:42 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Hạnh phúc của những người có dáng đi nghiêng
Những người mẹ khỏe mạnh đơn thân nuôi con đã khó nhưng đối với những người mẹ khuyết tật đơn thân thì việc sinh con, nuôi con vất vả, khó khăn gấp bội phần. Ấy vậy, mà nhiều phụ nữ khuyết tật đơn thân tràn đầy nghị lực, tình yêu thương quyết tâm đạt được ước nguyện trong đời.
Mái ấm của mẹ con “Hoa xương rồng”
Tết năm nay của mẹ con chị Đỗ Thị Lâm (sinh năm 1970, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây) sẽ là cái Tết đáng nhớ nhất vì mẹ con chị vừa cất xong được gian nhà mới, thay cho túp lều lợp mái lá năm xưa. Chị Lâm cười hạnh phúc, khoe: “Xây nhà mất 60 triệu đồng, các anh chị em trong gia đình góp gạo, góp công lại cho mẹ con tôi. Nhưng điều làm tôi vui nhất là con trai tôi cũng góp được 5 triệu đồng (từ việc đi làm thợ hồ của cháu). Cháu thương mẹ vất vả nên mọi việc trong nhà đều giành làm hết!”. Tết này, chị sắm sửa nhiều hơn vì con trai chị dẫn bạn gái về ra mắt mẹ. Chị vui nhưng vẫn khuyên: “Hai con mới 17 tuổi, hãy học thêm một nghề (con chị đang học ngành điện lạnh, bạn gái cháu thì đang học cao đẳng) thêm 5 tuổi nữa hãy lập gia đình, kinh tế ổn định, đỡ vất vả”..
Đối với chị Lâm, có lẽ chị, con trai Đỗ Minh Khoa (sinh năm 1996) không bao giờ quên được Tết năm 2002, chị cùng con dọn ra ở riêng. Gọi là nhà chứ thực ra là túp lều dựng tạm trên đất ruộng (phần trăm), không giấy tờ, sổ đỏ. Tết đến, nhà không ti vi, không điện, trời lạnh nhưng hai mẹ con vẫn mở cửa sổ để lắng nghe Giao thừa tràn vào nhà thông qua lời chúc tết của Chủ tịch Nước, tiếng bắn pháo hoa, câu hát đầu xuân… nhờ qua tiếng tivi nhà hàng xóm. Nhiều Tết, các chị gái thương hai mẹ con đơn chiếc nên mang cho đồng bánh chưng hoặc vài khoanh giò. “Nhiều đêm Giao thừa, con hỏi: sao bố không về ăn Tết với mẹ con mình?” - Chị không biết trả lời con như thế nào, chỉ biết ôm con vào lòng và khóc. Khoa cũng im lặng và ôm mẹ thật chặt, bởi Khoa hiểu: Một người khuyết tật toàn thân (biến dạng khuôn mặt, mất tai, giảm thị lực, thính lực, chân tay…) do bị “dính” bom phốt pho (bom cháy) như mẹ, có được đứa con là một cố gắng phi thường. Chị kể: Ngày đó, chị mới 15 tuổi, khi đang ở lều trông lạc ở ngoài đồng với 3 cậu bé cùng xóm thì một tiếng nổ chát chúa. Ba người con trai đó chết tại chỗ, chị may mắn thoát chết nhưng thương tật đầy mình. Gần nửa năm nằm điều trị tại Bệnh viện 103 với hơn chục lần phẫu thuật, chị Lâm mới dần hồi phục. Lần đầu tiên nhìn thấy mình trong gương, chị gần như ngất xỉu, từ một cô gái xinh xắn, giờ chị trông như một quái vật: mặt cháy xém, tai phải mất hoàn toàn, tay chân co quắp… “Cảm giác hụt hẫng, thất vọng và xót xa, tiếc đời… Tôi không ngủ, ăn uống được, cân nặng chỉ còn 15 kg, sức khỏe suy sụp. Nhưng nhờ có tình yêu thương vô bờ của bố, tôi dần vượt qua cơn sốc này”. Mẹ chị mất sớm (từ năm 1983), bố một mình chăm sóc 8 anh chị em và bố luôn dành tình cảm cho chị nhiều nhất. Khi các anh chị em lần lượt đi lập gia đình, còn lại mình chị với bố ở lại căn nhà thờ tổ tiên, chính bố chị là người khuyên “con nên có con để đỡ đần về sau này”. Chị vốn vẫn mặc cảm: “Người lành lặn không ăn ai, huống gì là người tàn tật, mặt mày méo mó thế này!”, chị bưng mặt khóc. Bố chị thương con chỉ biết nuốt nước mắt ngược vào trong tim. Rồi bố chị tìm cho chị một mối để chị có thai. Ngày chị có tin vui, ai cũng mừng. Bố chị nén tiếng thở dài, chấp nhận trở thành người hai vai: vừa là bố của con, vừa ông của cháu. Sức khỏe chị yếu nên con chỉ được 2,8kg. “Nhìn thấy con trong vòng tay, ngậm lấy bầu sữa mẹ, hạnh phúc vô cùng, tôi rơi nước mắt… Quyết định có con của tôi là đúng đắn. Tôi đã trở thành một người mẹ khuyết tật đơn thân như thế đó. Dù tương lai, có nuôi con một mình, tôi cũng sẽ không bao giờ cảm thấy ân hận”.
Những cái Tết xum vầy
“Mẹ yêu quý! Con muốn nói với nhiều điều. Mẹ tần tảo sớm chiều nuôi con, chăm cho con từng tháng từng ngày. Lưng mẹ còng dần giúp con cao hơn. Con yêu mẹ, mẹ hãy mãi ở cạnh con vì con chỉ có mẹ là điểm tựa cuộc đời. Con yêu mẹ”. Những dòng thư ngắn ngủi của Phùng Vũ Nam, học sinh lớp 6 (Ba Vì, Hà Nội) dành tặng người mẹ khuyết tật đơn thân nuôi con khôn lớn, dường như là một món quà vô giá đối với chị Hậu. Năm nay chị đã ngoài 50 tuổi, sống cảnh “mẹ già con cọc”, công việc lao động vất vả nhưng chị và bé Nam vẫn thấy hạnh phúc vô bờ khi có nhau. Chị nhớ lại: Chị bị liệt chân trái trong một trận sốt cao. Mặc cảm tật nguyền khiến chị Hậu không dám bày tỏ tình cảm với ai, chưa nói đến chuyện xây dựng gia đình. Nhưng khát khao làm mẹ luôn cháy bỏng trong chị, khiến chị quyết định làm mẹ đơn thân, dù không ai ủng hộ. Ngay cả “bố của con” chị cũng không đồng ý, và còn ra điều kiện chị phải đẻ được… con gái. Những dị nghị, bàn tán của người xung quanh đã tạo ra khoảng cách khó có thể xóa nhòa trong chị. Nhưng đủ tháng, đủ ngày, Đặng Vũ Nam chào đời với tất cả niềm yêu thương, hi vọng của người mẹ tật nguyền. Chị làm đủ nghề để sống và chắt chiu nuôi con, từ nghề may đến buôn bán rau ở chợ. Không phụ lòng mẹ, Nam luôn cố gắng học hành thật giỏi để mẹ không phiền lòng về mình. Mỗi khi Tết đến xuân về, chị luôn sắm cho con những bộ quần áo mới, khiến Nam vui lắm, thường xuyên chạy khắp làng khoe chúng bạn. “Đã thiếu thốn tình cảm của cha, tôi không muốn đứa con của mình lớn lên thiếu thốn cả về vật chất”, chị Hậu nói.
Bé Đỗ Tuấn Minh (5 tuổi, xóm Chợ, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây) khoe: “Cháu thích nhất là Tết. Những hôm đó mẹ cháu nấu ăn ngon lắm. Chứ ngày thường, cháu chỉ được ăn rau luộc với thịt kho mặn hoặc húp cháo thôi”. Chị Nguyễn Thị Hiền – mẹ cháu Minh gạt nước mắt: Do sức khỏe yếu, tôi nhận làm gia công may (máy may đi mượn), thu nhập được 300.000 đồng/tháng, tháng nào cao lắm thì được 500.000 đồng, không đủ nuôi hai mẹ con. Mượn vốn (do mẹ đứng ra bảo lãnh), mượn đồ dùng bán hàng giải khát của chủ nhà, chị bán thêm ít kem, nước ngọt, hàng tạp hóa cho người qua đường… nhưng cũng chẳng được là bao. Cuộc sống của chị và con từ lúc ra ở riêng luôn thiếu ăn nên lắm hôm, con có cơm ăn, mẹ thì nhịn đói làm việc. Nhìn nụ cười tươi rói luôn thường trực trên khuôn mặt đã in hằn dấu vết thời gian này, ít ai biết được đằng sau đó là cả một nghị lực của người mẹ đơn thân đã vượt qua nhiều vất vả, khổ đau. Khi chúng tôi đang trò chuyện với chị Hiền thì mẹ đẻ của chị mang đến cho chục quả trứng gà (quả trên cây chứ không phải trứng gà đẻ - PV) cho cháu. Bà Tạ Thị Cải (64 tuổi) – mẹ của chị Hiền, tâm sự: Nhiều lúc thương mẹ con nó lắm nhưng chẳng thể làm gì. Hiền là một trong ba người con gái khuyết tật của bà. Khi mới sinh ra, Hiền đã khuyết tật vận động nhưng lúc đó, vợ chồng bà chỉ nghĩ con bị còi xương chứ không nghĩ con bị khoèo chân. Hiền uống bao nhiêu thuốc không đỡ, lúc tập bò, tập đi khó khăn, cứ quặt người lên rồi quặt xuống mà không thể đứng vững. “Thấy con như thế, đành nhắm mắt cắn răng mà thương con, nuôi con lớn lên và cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với con”. Đến khi chị Hiền đưa ra quyết định làm mẹ đơn thân; rồi sinh bé Minh; rồi quyết định ra ở riêng… bố mẹ và các anh em đều không ngăn cản nhưng chẳng ai giúp được chị nhiều. Chị còn nhớ như in cái Tết đầu tiên của hai mẹ con: Khi Minh được 2 tháng thì bố chị mất. Mất chỗ dựa tinh thần, chị Hiền suy sụp. 15 ngày sau, cơn đau ruột thừa suýt lấy tính mạng chị trong đêm. “Cái Tết đầu tiên đó, nằm trên giường bệnh, thấy con quằn quại khóc vì khát sữa mà lòng mẹ buốt nhói”, kể đến đây đôi mắt chị Hiền ngấn nặng nước mắt. Những sự kiện của đời người cứ liên tiếp xảy đến với chị, khiến chị hiểu rằng, có thêm một sinh linh bé nhỏ cần được chị quan tâm chăm sóc. Nói về cái Tết “sang và ấm cúng” nhất, đó là vào năm 2010, hai mẹ con chị được Hội Người khuyết tật thị xã Sơn Tây tặng 1 cặp bánh chưng, 1 hộp chè, 1 bao thuốc; bà mua cho 1 hộp mứt nho nhỏ; em trai út mua cho cháu bộ quần áo mới và cái mũ, đôi dép. Mẹ chỉ mua một quả bóng bay, “thế mà Minh bảo là thích bóng bay nhất!”. “Con là lẽ sống duy nhất của đời chị”. Với chị Hiền, giây phút hạnh phúc nhất là được chăm sóc con trai yêu quý, nấu cơm cho con, dạy con học bài... Bù lại, Tuấn Minh tuy nghịch ngợm, hiếu động nhưng lại rất thương mẹ. Cháu biết cho gà ăn hay tự giác cầm chổi quét nhà, dậy sớm hằng ngày, tự chăm sóc bản thân: đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo, xúc cơm ăn…
"Xương rồng vẫn nở hoa" là tên gọi giàu tính nhân văn của dự án "Hỗ trợ phụ nữ khuyết tật đơn thân" do Trung tâm ACDC tiến hành tại thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, từ tháng 7/2012. Mục tiêu đầu tiên là đưa những hình ảnh, câu chuyện về những người phụ nữ khuyết tật vượt qua mặc cảm, định kiến để nuôi con khôn lớn nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng, giảm kỳ thị. Kỳ vọng tiếp theo: sẽ kêu gọi sự quan tâm hỗ trợ của xã hội giúp phụ nữ đơn thân khuyết tật có thêm nhiều sinh kế để vượt qua khó khăn trong cuộc sống” – ông Trần Quốc Nam – hội trưởng Hội Người khuyết tật thị xã Sơn Tây cho biết.
 Khánh Vân – Nhung Hồng - Bản tin số 262-263 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC