Sinh viên  Giảng đường - Cuộc sống 00:54:06 Ngày 17/04/2024 GMT+7
“Thắt lưng buộc bụng” lên giảng đường
Xăng, điện tăng giá kéo theo giá cả hàng loạt mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt thi nhau "nhảy múa", nhất là ở các thành phố lớn. Trong hoàn cảnh thứ gì cũng đắt đỏ như hiện nay, đời sống của những sinh viên (SV) phải ăn học xa nhà vốn đã khó khăn nay lại càng vất vả.
Lao đao vì... giá
Chưa kịp lấy tiền trả chị bán cam, Nguyễn Hồng Thủy thấy hoa mắt chóng mặt, chân tay bủn rủn liền ngồi thụp xuống ôm đầu. Luyến, cô bạn đi cùng ào tới hỏi dồn dập rồi quay sang tôi: "Anh cõng nó giúp em với, chắc nó bị tụt huyết áp đấy".
Phải mất một đoạn đường khá xa chúng tôi mới về tới ký túc xá. Tôi quay sang hỏi Luyến, gần trường cũng có chợ, sao bọn em phải đi xa vậy? Luyến thật thà, xa một chút nhưng dưới này giá rẻ hơn anh ạ. Hỏi thăm, hóa ra Thủy bị sốt đã mấy ngày nay nhưng vẫn cố đi làm thêm. "Bị ốm đã khó ăn rồi, nhưng nó vẫn tham công tiếc việc, có hôm ôm bụng rỗng lên giảng đường", một cô bạn cùng phòng kể.
Nguyễn Hồng Thủy quê tận Kon Tum, mẹ mất sớm, bố bỏ đi, em trai còn ít tuổi. Với quyết tâm học đại học, tự em đã bươn chải làm thuê làm mướn rồi thi đỗ Ðại học Văn hóa. Thủy đưa cả em trai ra Hà Nội vừa học vừa làm, kèm cặp em. Thủy bộc bạch: "Ở quê dẫu sao còn đỡ hơn, chứ ở Hà Nội cứ ra đường là phải có tiền anh ạ. Không chỉ em đâu, nhiều bạn khác cũng than khổ vì giá cả tăng liên tục".
Ðể dẫn chứng, mấy bạn cùng phòng cho biết, trướcđây ít tháng, một suất ăn ở căng-tin khoảng 15 nghìn đồng là khá ổn, giờ lên tới 25 - 30 nghìn đồng. Không dám ăn ngoài, nhiều bạn SV lén lút "nấu chui" trong phòng. Từ đó, những tình huống dở cười dở khóc xảy ra. Có lần bị bảo vệ ký túc xá kiểm tra đột xuất, đang rán dở bìa đậu, Thủy liền dúi vội cả chảo vào chăn để giấu. Cứu được chiếc chảo thì cái chăn... đi tong.
Dù sao SV được ở trong ký túc xá vẫn còn may mắn hơn các bạn tỉnh xa phải ngoại trú. Chỉ trong ít tháng mà giá xăng tăng liên tiếp mấy lần. Cũng từ đấy, tiếng bác chủ nhà (nơi Hoàng Hà, SV Ðại học Mỹ thuật Công nghiệp đang thuê phòng ở gần trường) mỗi lần "thúc" tiền phòng cũng sang sảng hơn. Nửa đêm, nghe tiếng bà chủ nói rát tai, Hà khoác ba-lô đạp xe đội mưa xuống tận Cổ Nhuế gõ cửa nhà bạn. Mở cửa, thấy Hà sũng nước mưa, mặt tái nhợt, trên lưng cõng ba-lô toàn sách. Ba bạn của Hà vội vàng kéo cậu vào phòng, rồi người pha nước gừng, người cạo gió. Nguyên do cũng bởi Hà nợ tiền nhà đã ba tháng nay, "ngại quá nên tạm lánh xuống đây". Hà kể: "Hồi em mới xuống đây còn đỡ, từ ngày giá cả tăng, chủ nhà cũng đòi tăng giá mấy lần. Giá phòng bây giờ đang ở mức rất cao, từ 900 nghìn đến 1,5 triệu đồng/phòng chỉ 7-10m2".
Qua trò chuyện với Hà, khoản trợ cấp hàng tháng của gia đình cho em chỉ 1,2 triệu đồng, trong khi thứ gì cũng lên giá vùn vụt. Bố mẹ cậu ở Nghệ An nhưng phải vào tận Ðắc Nông hái cà-phê thuê. Hà học buổi sáng, chiều phụ thêm ở quán cơm phở, tối bện lá dừa đi bán. Dù Hà cố gắng nhưng vẫn khó khăn, "hãi hùng" mỗi khi phải trả tiền nhà trọ. Cậu muốn tranh thủ kiếm thêm một việc nữa để có tiền đóng học, trả tiền nhà. Nhóm bạn cùng phòng cũng đang muốn kiếm việc làm thêm nên cậu kiêm luôn "môi giới". Nghe tôi hỏi, vậy lấy đâu ra thời gian để học? Hà thủng thẳng: " chấp nhận thi lại thôi...".
Chúng tôi bắt gặp khá nhiều bạn SV đi chợ chỉ hỏi mớ rau, bìa đậu nhưng cũng phải nâng lên đặt xuống. Chị Nguyễn Thanh Huyền bán rau đậu ở chợ Thành Công (Ba Ðình, Hà Nội), vừa móc từng nghìn lẻ trả lại vừa phân bua: "Chị không bán đắt đâu. SV chị biết. Khổ nỗi mua vào đắt, cũng chỉ kiếm lãi vài trăm bạc lẻ thôi em ạ".
Không ít hệ lụy
Nhằm giảm bớt khó khăn, nhiều bạn tranh thủ tìm việc làm thêm bằng nhiều hình thức. Nào gia sư, bán hàng, trông xe, chạy quán bar, có người còn làm bán thời gian cho cửa hàng vật liệu xây dựng, bốc vác thuê ngoài bến xe... Trong cuộc sống mưu sinh, có một số bạn năng động tìm được việc làm thêm phù hợp chuyên ngành đang học, biết cách thu xếp thời gian hợp lý. Ví như bạn Nguyễn Hồng Thủy, khó khăn là vậy nhưng em luôn được thầy cô và bạn bè động viên, giúp đỡ. Nhà trường cũng tạo điều kiện miễn học phí. Với em, tốt nghiệp đại học để đi làm vẫn là nhiệm vụ quan trọng hơn cả. Nhờ thế mà những bài thi hết môn, em thường đạt điểm cao.
Nhưng cũng có nhiều bạn đã thả trôi việc học để dấn thân với "cơm áo gạo tiền". Họ nghỉ học, cúp tiết để đi làm thêm, rồi lấy tiền làm thêm đó... đóng phí học lại. Một cái vòng luẩn quẩn không biết đâu là điểm dừng thậm chí đã làm hại nhiều SV từng rất có khát vọng, nghị lực. Không ít bạn đã rơi vào cạm bẫy của đồng tiền, không thể nào dứt ra được, lâm vào con đường tiêu cực. Có bạn phải nghỉ học giữa chừng, rồi không còn cơ hội tiếp tục đời SV.
Việc sinh viên làm thêm gây ảnh hưởng đến đời sống, chất lượng học tập. Và nếu không phải "thắt lưng buộc bụng" rồi tìm mọi cách xoay xở thì chắc chắn, những SV có khát vọng sẽ học tập tốt hơn. Rất nhiều bạn trẻ bộc bạch, cuộc sống khó khăn khiến họ phải ăn uống tằn tiện, không đủ chất, lại phải thức khuya làm thêm nên không đủ sức khỏe, chưa nói đến chuyện đầu tư sâu hơn cho học tập, nghiên cứu. Bạn Nguyễn Hồng Thủy cho hay: "Nhiều đứa bạn em cũng ăn ít nên thường bị bệnh, xanh xao, gầy yếu. Có khi bệnh rồi cũng chẳng dám đi khám chữa, lại ra ngoài hiệu mua thuốc. Mua cái gì người ta đưa cho chứ có biết hiểm họa sau đó là gì đâu".
Ai từng phải trọ học, phải lăn lưng làm thêm mới thật sự cảm nhận và chia sẻ nỗi nhọc nhằn của quãng đời SV và ước mơ con nhà nghèo chẳng dễ dàng thành hiện thực. Ðể có kiến thức, có cơ hội cho tương lai, mỗi người đều phải đánh đổi bằng chính những giọt mồ hôi, nước mắt. Bạn Trần Thị Thư, SV ÐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh là một điển hình về tấm gương nghèo vượt khó. Thư luôn bận bịu với lịch học, làm thêm và hiện đang tham gia phiên dịch cho một công ty của Ðài Loan (Trung Quốc), có lúc tranh thủ mang tài liệu về nhà dịch. Mỗi tháng Thư thu nhập được hơn ba triệu đồng. Ngoài tiếng Anh là chuyên ngành chính, Thư còn dành thời gian học thêm tiếng Trung, vậy mà năm nào em cũng giành học bổng của trường. "Ði làm vừa có tiền trang trải học hành, lại có môi trường trau dồi ngoại ngữ anh ạ", Thư vui vẻ tâm sự.
 Khúc Hồng Thiện - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC