Sinh viên  Nhịp sống trẻ 13:16:53 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Phụ nữ = Người vợ đảm đang + Cô nhân tình quyến rũ
Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trong một bài viết trên báo Phụ nữ Việt Nam về hạnh phúc gia đình, tôi có đề cập đến định nghĩa về người phụ nữ tuyệt vời, như sau "Phụ nữ, đó là một người vợ đảm đang đồng thời là cô nhân tình thật quyến rũ".

Gần hai thập kỷ qua, trải nghiệm những gì liên quan đến hôn nhân gia đình, ngẫm thấy định nghĩa trên vẫn hay hay và đó là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc lứa đôi. Có thể bạn đọc sẽ phản ứng trước một định nghĩa xem ra mâu thuẫn đến tréo ngoe, làm sao có thể kết hợp "hai trong một" những phẩm chất của hai đối tượng khác biệt nhau là người vợ  đảm đang với cô nhân tình thật quyến rũ ở trong một người phụ nữ? Câu hỏi này không phải là không có lý trước một định nghĩa dường như vô lý nói trên.

Thí sinh dự thi Hoa khôi ĐHQGHN 2008. Ảnh chỉ có tính minh họa.
Ảnh: Bùi Tuấn

Phụ nữ "là người vợ đảm đang"

Sinh ra đã được trời cho làm nàng Eva, có thể nói đến 99% có lẻ phụ nữ thực sự (không tính những ai không là phụ nữ... 100%) đều mong được "ngày mai em lên xe hoa" để có một mái ấm gia đình, thực hiện vai trò làm vợ và làm mẹ. Ngay cả với một số chị em, vì những lý do khác nhau mà "nửa đường đứt gánh" thì họ vẫn mong đợi hạnh phúc đến với mình. Nói như nhà văn Katarzyna Grochola, tác giả cuốn sách Xin cạch đàn ông (được tặng giải thưởng AS EMPIK dành cho cuốn sách best - seller số một trong năm 2001 của Ba Lan) đã để cho nhân vật của cuốn tiểu thuyết nói lên niềm tin vào hạnh phúc: "Tôi nghĩ tất cả chị em phụ nữ chúng ta đều giống nhau. Trong lòng mỗi người chúng ta chôn chặt niềm thương nỗi nhớ mà chúng ta không thích nói ra. Kể cả niềm thương nỗi nhớ về mối tình lãng mạn vĩ đại và chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng".

Người phụ nữ Việt Nam ai cũng mang trong mình những phẩm chất truyền thống tốt đẹp với nết ăn nết ở hay lam hay làm lại thêm sự dạy dỗ, chỉ bảo của mẹ, của bà từ thuở ấu thơ. Đảm đang là một thuộc tính không thể thiếu trong mỗi người phụ nữ nước ta. Đó là nói đến tầm "vĩ mô" về phẩm chất của phụ nữ Việt Nam, nhưng dựa trên tiêu chí nào để bàn về "người vợ đảm đang", hay nói theo ngôn ngữ của xã hội học thì liệu có thể "cân, đong, đo, đếm" được khái niệm này hay không? Khó có một cách hiểu thống nhất và duy nhất đúng về "người vợ đảm đang", mà mỗi người - tùy theo điều kiện kinh tế, môi trường sống và làm việc, học vấn và tôn giáo - sẽ có quan niệm về "người vợ đảm đang" theo cách riêng của mình. Người vợ đảm đang cũng có nghĩa là người vợ giỏi giang, cái sự giỏi giang lo toan, thu vén công việc gia đình, dòng họ. Điều này còn bao hàm cả sự chia sẻ, gánh vác những khó khăn thăng trầm của đời sống gia đình, kể cả khi người chồng - vốn được quan niệm là trụ cột trong gia đình - gặp trắc trở trong công danh, sự nghiệp hay vướng vòng lao lý. Cái phẩm chất đảm đang, giỏi giang của người phụ nữ với thiên chức làm vợ, làm mẹ được cố nhà văn Nguyễn Khải ngợi ca trong tập truyện ngắn Hà Nội trong mắt tôi. Ví dụ: "Giữ được sự ổn định về tinh thần trong một gia đình gặp tai nạn là khó lắm, người mẹ phải tỉnh táo, nhẫn nại từng giờ", và "Nếu không có những người vợ, những bà mẹ một đời nhẫn nhục gánh mọi tai hoạ vì những người thân yêu thì thế giới này sẽ buồn thảm lắm, sẽ lạnh lẽo lắm". Chính vì vậy, người vợ đảm đang là "vàng mười, là kim cương, là báu vật, là sự may mắn lớn nhất mà chồng con chị có được ở cõi đời này". Tôi đồng ý với nhận xét đó, và muốn nói thêm: những người vợ như vậy phải có tình yêu chồng, thương con hết mực, và cách yêu thương của từng người cũng không ai giống ai, vì "mỗi nhà mỗi cảnh", nhưng họ đều có điểm chung vì chồng vì con khi đảm nhận sứ mệnh "gánh vác giang san nhà chồng" . Một khi, không còn tình yêu thì  cuộc đời này sẽ trở nên vô nghĩa, như cách diễn đạt của một nhà thơ "Sẽ là mất tất cả. Khi không còn biết yêu" (Hồng Thanh Quang)

Có thể ai đó nghĩ người viết bài này thuộc tuýp người "hoài cổ" cứ mong đợi "bao giờ cho đến ngày xưa", còn phụ nữ hiện đại hôm nay mấy người còn những phẩm chất "xưa rồi Diễm" ạ! Phụ nữ thời @, kể cả thế hệ 3X hay 4X, biết còn được mấy phần những phẩm chất đáng ngợi ca đó? Không ít chị em hiện nay coi mình thuộc lớp người "hiện đại" quyết không thể để sự nghiệp xếp sau gia đình, nên việc nội trợ thường quy đổi sang các loại hình dịch vụ xã hội, thậm chí cả việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ thơ cũng khoán cho người giúp việc. Người chồng của những phụ nữ có quan niệm hiện đại như thế, thật cũng chẳng khác gì đàn ông sống độc thân, nếu xét từ phương diện đời sống gia đình. Không hiếm gia đình trẻ, việc có bữa cơm gia đình đã trở thành "chuyện xưa nay hiếm" chứ đừng nói đến "cơm dẻo, canh ngọt" do bàn tay nội trợ của người vợ thương yêu nấu nướng để mà "Em có tài nấu nướng. Anh có tài ngợi khen". Thôi đành "mong đợi ngậm ngùi...". Chỉ lo rằng, với những gia đình có quan niệm "hiện đại" như vậy chẳng khác gì chất axit ăn mòn dần tình yêu đôi lứa, và việc tổ ấm trôi dần về phía vực thẳm chỉ còn là chuyện sớm hay muộn mà thôi.

Đàn ông, dù thuộc tầng lớp xã hội nào, địa vị cao hay thấp, giàu hay nghèo cũng đều mong muốn có được người bạn đời thực sự là "nội tướng" không chỉ  như quan niệm của dân gian  về vai trò tay hòm chìa khoá ("đàn ông như cái giỏ, đàn bà như cái hom") mà còn bởi sự cần kiệm, khéo léo trong việc lo toan, thu vén và chăm sóc các thành viên trong gia đình. Một người vợ đảm đang là người dù trong hoàn cảnh như thế nào cũng duy trì được sự cân bằng của đời sống gia đình, giữ gìn tổ ấm của mình bền vững trước những sóng gió của cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên mà nhà xã hội học người Mỹ nổi tiếng thế kỷ XX là T. Parsons lại cho rằng phụ nữ đảm nhận vai trò tình cảm, duy trì mối quan hệ ấm êm trong gia đình và là cầu nối giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ. Cách nhìn ấy cũng tương đồng với sự nhìn nhận của một nhân vật nữ trong tập truyện ngắn Hà Nội trong mắt tôi, khi nói đến vai trò quan trọng của người phụ nữ khi làm vợ "Người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chả ra sao?". Vì lẽ đó, người đàn ông dù giỏi giang, thành đạt đến mấy nhưng trong gia đình nếu thiếu vắng người vợ đảm đang thì sẽ cảm thấy "Vắng em có một buổi chiều. Mà anh chếnh choáng như diều đứt dây..."

Phụ nữ là cô nhân tình quyến rũ

Bạn đọc đừng vội nghĩ đến chuyện người vợ đó thiếu sự thuỷ chung (dù rằng, trên thực tế sự chung thuỷ hình như không dành cho... nam giới), mà nên hiểu rằng: người vợ đảm đang đó rất nên là cô nhân tình thật quyến rũ đối với... chồng mình. Không ít người vợ xinh đẹp nhưng có suy nghĩ giản đơn đến mức nguy hiểm ở cấp độ... nguội lạnh tình yêu, khi cho rằng đã là vợ chồng rồi thì cần gì làm duyên với nhau nữa! Yên tâm với "một nửa" đã thuộc về mình nên người phụ nữ thả sức cho sự trễ nải việc ăn mặc, ứng xử. Điều này có ảnh hưởng ngoài ý muốn của nhiều quý bà, khi hình ảnh của họ chẳng những không "đẹp dần lên trong mắt chồng" mà còn có hệ quả ngược lại. Sự tự tin quá cũng là một liều thuốc thử nguy hiểm trong đời sống lứa đôi. Họ có lẽ không biết câu ca dao nói về sự xuống cấp nhan sắc của người phụ nữ xưa "... hai con vú quặt sau lưng, ba con vú thắt dải thừng...". Ngày nay, các cặp vợ chồng đều thấm nhuần khẩu hiệu: "Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt" nên cũng không ngại lắm về việc hoa hậu trở thành mẹ mướp vì sinh con, nhưng để luôn luôn hấp dẫn, quyến rũ chồng thì người vợ không thể không học cách để làm người tình tuyệt vời đối với chồng mình. Vừa là vợ, đồng thời là người tình quyến rũ của chồng, với người phụ nữ tuyệt vời như vậy khó có anh chồng nào có thể làm ngơ. Nói cách khác, người đàn ông không thể thoát khỏi "lưới tình" của người vợ, và những người chồng sẽ không (hoặc hiếm khi) có ý nghĩ vẩn vơ ngoài quan hệ vợ chồng, chứ đừng nói đến chuyện "chán cơm, thèm phở". Nhan sắc là điều quan trọng nhưng chỉ có nhan sắc không làm nên người tình quyến rũ, mà vẻ đẹp nội tâm, sự duyên dáng với quyền lực vô biên của sự dịu dàng, cùng với những phẩm chất nữ tính của người phụ nữ mới là yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn người khác giới. Có hoa hậu báo Tiền phong, khi trả lời phỏng vấn trên một tờ báo đã thừa nhận: "Trong hôn nhân, tôi là người thất bại", điều này cho thấy nhan sắc không làm nên hạnh phúc. Nhan sắc có thể tỷ lệ nghịch theo thời gian, còn vẻ đẹp tâm hồn và nữ tính lại tăng dần theo năm tháng cùng với độ chín, sự từng trải, đằm thắm có được qua bao thăng trầm của đời sống gia đình. Lẽ đương nhiên, một người tình quyến rũ không thể là người vô tư đến vô tình mà ranh giới dẫn đến vô cảm trong cuộc sống lứa đôi là rất mong manh. Sự thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ với người bạn đời sẽ là chất keo kết dính đôi lứa dài lâu.

Vĩ thanh

Đến đây bạn đọc có thể  phán rằng, đâu phải người phụ nữ nào cũng có đủ hai yếu tố như trong định nghĩa nói trên. Nhận xét này vừa đúng vừa không, theo thiển ý của người viết bài này thì bất cứ người phụ nữ nào cũng có hai yếu tố đó, chỉ có điều ở mức độ nhiều ít khác nhau mà thôi. Có phụ nữ cả hai yếu tố đó đều hoàn hảo, có người cả hai yếu tố đó đều có ở mức "thường thường bậc trung". Lại có người làm tốt vai trò người vợ đảm đang nhưng lại chưa làm tốt vai trò người tình quyến rũ đối với chồng, hoặc ngược lại. Tuỳ thuộc mức độ nào, thì  tình yêu - hạnh phúc gia đình sẽ bền vững theo tỷ lệ tương ứng. Để khép lại đôi dòng tản mạn về định nghĩa người phụ nữ tuyệt vời, xin  được hỏi các chàng trai đang yêu và sẽ yêu, rằng nếu người bạn đời tương lai của bạn chỉ có được một trong hai yếu tố nói trên, thì bạn sẽ chọn yếu tố nào: chọn người vợ đảm đang hay chọn cô nhân tình quyến rũ?

 PGS.TS Hoàng Bá Thịnh - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC