Văn hóa 22:00:58 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Thương nhớ chợ hoa Hàng Lược
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, quy cố hương, về lại Hà Nội, tôi tự nhiên mất cái thú riêng: đi chợ hoa Hàng Lược vào ngày áp Tết, dù trong lòng luôn vương vấn mấy câu thơ Việt Phương:

“Ðất được mùa hoa ta mùa đời

Mỗi lòng thơm tỏa một hương vui

Như người gieo hạt yêu quả chín

Ði suốt đường hoa chỉ nhớ người”.

Trong chợ hoa Hàng Lược xa xưa, người ta từng mua bán rất nhiều loài hoa, nhưng nhiều nhất, đặc trưng nhất vẫn phải là hoa đào. Theo nghiên cứu của GS. Trần Quốc Vượng, kiểu khí hậu như vùng châu thổ sông Hồng, thì gió Ðông (ấm hơn gió mùa Ðông Bắc, còn gọi là gió bấc) và hoa đào là minh chứng, vật chứng cho việc hoa đào có thể nở trong gió bấc và vì thế, hoa đào và gió bấc thành biểu tượng mùa xuân. Chẳng phải thơ Ðường đã viết: “Ðào hoa y cựu tiếu Ðông phong”. Nguyễn Du chẳng từng viết trong Truyện Kiều đấy thôi: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió Ðông”.Tất nhiên, trong thế giới biểu tượng phương Ðông, hoa đào không phải là biểu tượng duy nhất cho mùa xuân. Còn hệ biểu tượng khác, như “tứ quý”: mai-lan-cúc-trúc, hay: Xuân - lan, Hạ - liên (Sen). Thu - cúc. Ðông - mai. Hẳn nhiều người còn mến yêu và luyến nhớ câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Mãn Giác, đời Ðường: “Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai”. (Ðêm qua sân trước một nhành mai). Hay bỗng nhớ thơ hoa cúc - mùa thu lộng lẫy của Xuân Quỳnh: Mùa thu vào hoa cúc/ chỉ còn anh và em/ cùng mùa thu ở lại/ kìa bao người yêu mới/ đi qua cùng heo may.

Vì tôi từng yêu Hà Nội thiên lệch qua sắc hoa đào của chợ hoa Hàng Lược, nên tưởng đâu Hà Nội chỉ có một chợ hoa duy nhất. Nhưng GS. Trần Quốc Vượng khẳng định và cho biết: “Làng hoa Hà Nội còn là bản sắc của vùng ven đô thị cổ Hà Nội. Và Hà Nội đã không chỉ có một làng hoa. Ông bảo: hai làng hoa Ngọc Hà - Hữu Tiệp nằm kề nhau, nay thuộc quận Ba Ðình, từ xưa đã là “làng ven đô” và nổi tiếng: Ðất Ngọc Hà - hoa Hữu Tiệp, đất sinh hoa, hoa kết tinh hương từ đất. Yên Phụ cửa ô xưa, trước đời Thiệu Trị - Tự Ðức (trước 1840 - 1848) mang tên phường An (Yên) Hoa - tên này có từ đời Lý Trần (1010 - 1400) và có cánh đồng Bông. Trước thế kỉ XVII, người Bắc gọi “Hoa” là “Bông”, như người Việt miền Nam bây giờ vẫn thường gọi vậy.

Còn phải nói đến “quất”, (cũng là biểu trưng Tết Việt), ở Hà Nội nghìn xưa là quất Nghi Tàm, với nghệ thuật đảo quất siêu phàm của người làm vườn tài hoa Thăng Long: đánh cây lên rồi trồng lại vào ngày tháng nào đó mà nghệ nhân định đoạt, sao cho cây cận Tết sai trĩu quả vàng xum xuê. GS. Trần Quốc Vượng cũng đồ rằng, nói đến “đào” ngày trước, phải nói đến đào Nhật Tân. Thành ngữ dân gian Hà Nội có câu: “Tương Nhật Tảo, Ðào Nhật Tân”. Ðấy là đặc sản của từng làng ven đô Hà Nội, và hiện nay những làng này đã chính thức trở thành đất Hà Nội - Thủ đô hiện đại.

GS. Trần Quốc Vượng cho biết: “Nhật Tân - trước đời Nguyễn (1802), là phường Nhật Chiêu (nghĩa chữ là bình minh, rạng đông). Xét về địa - văn - hóa, nơi ấy đón nắng ban mai sớm nhất, đón xuân cũng sớm nhất. Theo kinh nghiệm lâu đời của người làm vườn xưa, đất cận phù sa trồng đào là đắc địa. Người trai trồng đào của vùng này ngày xưa, cất công gánh các tảng đất nâu hồng màu phù sa sông Hồng, từ ngoài vào trong đê, dựng nên vườn: “Công anh gánh đất trồng đào/ Bây giờ anh để lọt vào tay ai?” Ðúng là nếu không có người trai gánh đất, sẽ chẳng thể có làng hoa chợ hoa ngoại thành, rồi chợ hoa ven đô, tiến vào thành chợ hoa nội thành của thành phố trong sông: Hà Nội.

Vậy xa xưa, chợ hoa Hà Nội được gọi tên gì?

Lần giở cảo xanh trước đèn, GS. Trần Quốc Vượng tra cứu trong “Ðại Việt sử kí toàn thư, Bản Kỷ Thực lục quyển XV”, chép rằng, chợ hoa ấy mang tên Chợ Hoàng Hoa và được ghi chú là thuộc trại Ngọc Hà. Ðó là tên gọi chợ hoa của đất Thăng Long từ 1516, năm thứ nhất niên hiệu Quang Thiệu đời Lê Chiêu Tông. Như thế chính sử đã chỉ đích danh làng hoa Ngọc Hà và chợ hoa cạnh đó có niên đại gần 500 năm cách ngày nay. Suy ra, chợ hoa phải có trước, rồi mới có cái cho nhà sử chép. Bởi vậy, xác định niên đại cho chợ hoa Hà Nội 500 năm, theo GS. Trần Quốc Vượng là cử chỉ khiêm tốn và phong nhã. Ông đã lưu ý, tên phường An Hoa với cánh đồng bông (Yên Phụ) có từ thời Lý, thuở Chiếu dời đô (1010 - 1226), và dẫn thêm một câu ca dao về chợ hoa An Quang gần đấy: “Phiên Rằm chợ chính An Quang/ Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua…” Vẫn chưa thỏa, GS. Trần Quốc Vượng đưa thêm sử liệu từ “Toàn thư, Bản kỷ thực lục quyển X”: “Năm Kỉ Dậu Thuận Thiên thứ hai (1429), tháng 3, ngày 20, vua Lê Thái Tổ hạ lệnh cho đô tổng quản cùng các quan viên ở các phường trong kinh thành: hiện nay, đất của các quận và phủ đệ, gia viên của các công hầu bách quan đều có phần nhất định, phải nên trồng cây, trồng hoa và rau đậu, không được bỏ hoang”.

Thi sĩ xứ Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường đánh giá cao nghiên cứu của GS. Trần Quốc Vượng, bởi đã đưa niên đại cụ thể cho loại hình nhà vườn Việt Nam: 1429, loại hình mà kinh thành Huế xưa và Huế hôm nay còn rất thịnh! Ngoại suy tiếp tục, GS. Trần Quốc Vượng còn đẩy lên đời Lý-Trần sự xuất hiện của gia viên (nhà vườn Việt). Ông cũng hứng khởi đề xuất một tưởng tượng lạ: Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi (1380 - 14220) có thể đã có nhà vườn để di dưỡng tính tình: “Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ Quét hiên ngày lẹ bóng hoa tan”. Ði sâu vào vườn thơ Ức Trai ta còn thấy muôn hồng nghìn tía hoa lá, cây cảnh đất Việt thuở nào: Tùng, trúc, thiên tuế, mộc, nhài, hòe, liễu, sen, mẫu đơn… Chỉ riêng hoa đào, “Quốc âm thi tập” của nhà thơ tâm sáng như sao Khuê này đã có tới 6 bài, chưa kể các bài thơ khác rơi rớt bóng hoa đào. Riêng một bài đào hoa còn ẩn hiện trong tâm thức nhiều kẻ yêu thơ Ức Trai: “Một đóa đào hoa khéo tốt tươi/ Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười/ Ðông phong ắt có tình chăng nữa/ Kiện tiễn mùi hương dễ động người”. ( “kiện tiễn” nghĩa là quý mến phi thường - Ðào Duy Anh).

Có người nói, Ðào Nhật Tân gốc bên Tàu, mới hiện diện ở nước ta khoảng 300 năm! GS. Trần Quốc Vượng phản bác: có giao lưu văn hóa thì có hội nhập cây ngoại sinh: có đào ta, đào phai, đào bích, đào phớt kép gốc Vân Nam! Không thể phủ nhận sự thực ấy, cũng như không phủ nhận được rằng: nếu chỉ đích danh chợ hoa Hàng Lược thì tuổi của nó chỉ khoảng trên dưới trăm năm đầu thời thuộc Pháp, vì đoạn đường ôm trọn chợ hoa vốn là lòng sông Tô Lịch bị lấp cuối thế kỉ XIX, và đoạn phố đó ngày trước vẫn đeo biển “Phố Sông Tô Lịch” và đoạn “Cống chéo Hàng Lược” là khúc ngoặt của sông Tô chuyển mình chảy sang dọc đường Phan Ðình Phùng -Quán Thánh, rồi đổ xuống Thụy Khuê, Bưởi.

Thương nhớ chợ hoa đào Hàng Lược, biết lịch sử chợ hoa ngoại ô và nổi máu phiêu du, mấy năm gần đây, chúng tôi rủ nhau phóng ô tô lên mạn ngược, cất công mua đào rừng Mộc Châu, hoa đào phai, chỉ có 5 cánh mỏng manh. Cành đào cắt từ vườn nhà to khỏe, vỏ cành màu nâu đen mốc trắng, hoa ngủ sâu im lìm trong nụ non lấm tấm chi chít khắp thân cành, thoạt trông khô khốc. Nhưng thật bất ngờ, những cành khô ấy về đến Hà Nội chiều 26, 27 Tết chưa hé bất kì một nụ phớt hồng nào, nhưng chỉ hai ngày sau, hoa sẽ rụt rè nở vài ba nụ hồng phơn phớt. Rồi 3 ngày Tết, toàn bộ cành hoa to khỏe bất ngờ nở tung hàng trăm bông 5 cánh hồng phấn dịu dàng. Bạn bè tôi, con gái, con rể, năm Mậu Tí vừa thêm cháu ngoại sẽ thân mật ngồi dưới bóng đào rừng phai ăn uống, chuyện vãn, mừng năm mới Kỷ Sửu và trong lòng tôi, dù không ghé chợ hoa Hàng Lược, vẫn nhớ nhung không chỉ chợ hoa truyền thống ấy mà nhớ tất cả những điểm bán hoa Hà Nội, với biết bao hoa đẹp và những chậu quất trĩu quả vàng,…

Chẳng cần đi đâu xa, ở giữa lòng Hà Nội, ta vẫn có quyền nhớ chợ hoa Hàng Lược và thấy ông già nhà văn Nguyễn Tuân chí lí, khi hình dung chợ hoa đào Hàng Lược như một “dòng sông hoa đào”, chảy từ Ðào nguyên ở núi Thiên Thai về giữa lòng Thủ Ðô. Và ông già Văn Cao nữa, khi còn ở cõi dương gian, ông đã từng mơ trong ca khúc Thiên Thai đầy lãng mạn của chính mình: “Có một vườn đào dòng ngày tháng không tàn qua một lần…”

 PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC