Văn hóa 00:35:13 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Lê Thu: Tập tạ để… chơi ghi ta
Bảy tháng sau khi theo chồng chuyển đến New Delhi- Ấn độ, Lê Thu đã được học viện âm nhạc Bridge phát hiện, mời giữ chức trưởng khoa Ghi ta. Không lâu sau, cô đoạt giải Nghệ sĩ Xuất sắc nhất khu vực châu Á tại Liên hoan Ghi ta Quốc tế tổ chức tại Kolkata.
Chồng Thu người Ý, làm việc cho một tập đoàn khách sạn quốc tế, thường phải luân chuyển công tác giữa các nước. Mỗi nước độ 2-3 năm. Sau khi nấn ná 7 năm ở quê vợ, anh lên đường sang Ấn độ. Lê Thu xác định theo chồng bỏ cuộc chơi, nhưng cái duyên ghi ta vẫn không dứt. Từ một lần đi mua dây đàn, cô quen cửa hàng đàn, được mời biểu diễn, và rồi các cơ hội cứ thế đến. đầu năm 2010, cô nhận lời dạy cho trường Bridge do trường mới mở chi nhánh gần nhà. Cuối năm, cô đi thi đàn cũng vì cuộc thi được tổ chức gần nhà. đây là lần đầu tiên Ấn độ tổ chức thi ghi ta quốc tế. Cuộc thi thuộc loại tầm cỡ ở châu Á với hơn 100 thí sinh đến từ 25 nước.
Để nhận vị trí trưởng khoa tại học viện âm nhạc Bridge, Thu chỉ cần có buổi biểu diễn báo cáo và trình bằng cấp- đủ để gây ấn tượng. Vì Ấn độ không có nhạc viện đào tạo nhạc cổ điển phương Tây như ở ta. Trường nhạc của họ chủ yếu dạy blues, rock. “Bên ấy chơi đàn điện móng gẩy rất khá. Cổ điển Tây Ban Nha gần như không có. Nên họ nhìn mình đánh bằng ngón đã nể rồi,” Thu cho hay.
Đợt này về Hà Nội vì công việc gia đình, Lê Thu kết hợp biểu diễn trong chương trình Giao lưu Ghi ta Bắc Nam số 5 với 2 bạn đồng môn là Hùng Phong và Tuấn Khang (tối 22-4 tại rạp Khăn Quàng đỏ, 36 Lý Thái Tổ). Sau đó tiện đường, Thu ghé Thái Lan thi ghi-ta quốc tế. Tháng 6, nghỉ hè ở quê chồng, sẵn có cuộc thi quốc tế diễn ra ở Rumani gần đó, Thu sẽ lại thi tiếp.
Bố mẹ li dị khi Thu còn nhỏ. Thu ở với mẹ. Thu lớn lên, nhà chật dần. Rồi vì đặc thù công việc, Thu đành thuê nhà ở riêng để tiện cho việc tập và dạy đàn. Có lẽ vì ở một mình đã lâu nên cô quyết định lập gia đình năm 25 tuổi. “Tham vọng nhiều nhưng cũng mệt mỏi,” Thu nhớ lại. “đến lúc thèm cuộc sống ổn định gia đình.”
Thu là con gái độc nhất của nghệ sĩ ghi ta, họa sĩ Lê Hạnh. Ông hướng Lê Thu vào việc học đàn từ nhỏ, một phần vì theo ông, học đàn dễ hơn học vẽ. Từ tuổi lên 5, Lê Thu đã bắt đầu theo bố lên sân khấu biểu diễn với cây đàn bé xíu thửa riêng. “Hồi xưa bố vừa là thầy vừa là bạn,” Thu kể. “Hai bố con có thể ngồi nói chuyện thâu đêm suốt sáng về bất kỳ vấn đề gì.
Lê Thu có 2 bé gái, 4 tuổi và 6 tuổi. Mỗi bé có một cây đàn riêng, vừa với khổ người. Cô chị đã bắt đầu trình tấu ở trường. Tuy nhiên, Thu thú nhận rằng dạy đàn con không nghiêm bằng ông ngoại khi xưa: “Trẻ con giờ cũng bận, nhiều bài tập về nhà. Mẹ lại thương, thôi dắt đi chơi. Cũng tính mới đầu cứ cho vừa học vừa chơi, vì cũng chưa biết khả năng của con. Nếu con không thích cũng không ép theo chuyên nghiệp. Thành đạt được cũng rất khó”. Quan niệm thành đạt của Thu cũng không phải quá ghê gớm: “Miễn là cuộc sống bình ổn, sống được bằng nghề".
Lê Thu được một ông bầu có cỡ ở New Delhi mời cộng tác. Cô không nhận nhiều sô như hồi trong nước, một phần vì các chương trình nghệ thuật, giải trí ở Ấn độ thường mở màn rất muộn, sớm nhất cũng phải từ 22h. “Ở Ấn độ, phụ nữ có thể làm thủ tướng, bộ trưởng, nhưng bên cạnh đó, họ phải chịu sự đối xử hà khắc. Buổi tối ra đường toàn thấy đàn ông. Kể cả ban ngày, ít thấy phụ nữ đi lại. Công việc của phụ nữ là ở nhà, chăm sóc con cái, trừ khi gia cảnh quá khó khăn, họ mới phải đi làm.” Thu kể, hiện tại, giữa thủ đô New Delhi, 90% các cuộc hôn nhân vẫn là sắp đặt của bố mẹ. Cô dâu chú rể không biết mặt nhau hoặc chỉ biết trước vài ngày. đọc báo hằng ngày vẫn thấy những vụ bố giết con gái hoặc anh giết em gái vì dám yêu người không cùng đẳng cấp, cho dù ngày nay những kẻ sát nhân kiểu đó đã bị truy tố. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng giới không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của Thu. Vì trong môi trường sống và làm việc của cô, người ta lại ứng xử theo kiểu Âu.
Nữ nghệ sĩ ghi ta nổi tiếng ở Việt Nam đã hiếm, ở Ấn độ lại càng không có. Tuy nhiên, cô giáo Lê Thu cũng thu hút được khá nhiều nữ sinh Ấn đến lớp học của mình. “Chơi ghi ta là phải khỏe. Hạn chế của phụ nữ là tay yếu,” Thu cho hay. Vậy nên thời gian rảnh, thay vì đi tập yoga hay múa Bollywood như phần đông chị em Thu đến phòng thể hình. Thường xuyên 5 buổi/ tuần, mỗi buổi 1 tiếng, chạy và kéo tạ. Gặp lại Thu, các nam đồng nghiệp ở Hà Nội cũng phải le lưỡi khi cô gái nhỏ nhắn khoe… bắp tay.
 
 Thiên Thạch - Bản tin số 243, tháng 5/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC