Văn hóa 00:28:52 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Phải khác người mới tồn tại được
Học hành dang dở nhưng với năng khiếu bẩm sinh, cụ ông ngoài 80 tuổi làm nghề cắt tóc đã góp vào kho tàng văn học Việt Nam những trang thơ, áng văn và câu châm ngôn đầy chiêm nghiệm, trăn trở, suy tư.
Tiếp chúng tôi tại hiệu tóc Tô Xuân, trước trụ sở UBND phường Bưởi bên đường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội là một cụ ông với vẻ bình dị, khẳng khái, cởi mở. Rót chén trà mời khách, ông Cao Văn Tuế đã dành cả thời gian buổi sáng dốc bầu tâm sự về nghiệp văn chương của mình.
Vốn sinh ra tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Cao Văn Tuế là con thứ 3 trong một gia đình có 5 anh em và ông đến với văn chương từ rất sớm. Năm 1955, ông đã có thơ đăng trên báo Thời mới. Tuy nhiên, vì gia đình không dư giả nên học xong lớp 5, ông phải gác lại việc bút nghiên để đi học cắt tóc và hành nghề thợ cạo cho đến tận bây giờ. Ban đầu, ông cắt tóc ở quê, sau đó lên Hà Nội để kiếm kế sinh nhai.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, cậu bé làng Phú Thị ngày nào mái tóc giờ đã bạc phơ. Hiệu tóc Tô Xuân có diện tích chưa đến 10m2, bên cạnh đình làng An Thọ là nơi lui tới của nhiều khách quen, vừa cắt tóc, họ vừa muốn được cùng ông đàm đạo chuyện văn chương. Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng nói về ông: “Anh cứ làm riết nghề cắt tóc rồi anh sẽ thành đạt”.
Một túi đựng đồ nghề cắt tóc, một túi đựng bản thảo thơ văn là những thứ đồ ông mang theo lúc hành nghề. Hơn 50 năm cầm bút, tác phẩm ông có rất nhiều nhưng không hiểu sao ông chỉ chắt lọc để cho xuất bản hai cuốn sách: “Tâm văn” gồm 5 bài thơ, 5 truyện ngắn, 242 câu châm ngôn và 5 truyện ngụ ngôn (xuất bản năm 1995). “Mối tình xiêu linh” là tập truyện ngắn với 23 tác phẩm viết về mối tình cảm động của người thợ cạo yêu cô gái bán bánh đa, dù không thành nhưng người thợ cạo vẫn một lòng chung thủy cùng những chuyện làng, chuyện xã thân thuộc ở làng Phú Thị quê ông.
Để có thể viết nhiều, hiểu nhiều, ông đã đọc rất nhiều sách, quan trọng nhất là những cuốn có tính kinh điển, ông cho rằng đây là cái lõi của thơ văn. đọc để suy ngẫm: “Người ta làm được, mình có làm được không? Ai sinh ra đã làm được ngay, cái gì cũng phải qua một quá trình học tập và rèn luyện thì mới có thể thành công, văn chương cũng không là ngoại lệ nhưng điều quan trọng là học để mình khác người, phải làm khác người ta mới có thể tồn tại được”. Ông thường nghĩ ra những cái gì người khác không nghĩ tới mà lại là những điều rất đỗi bình dị, giản đơn và thân thuộc với cuộc sống quanh mình. Chính vì thế, ông khẳng định: “Dùng tinh hoa của tất cả nhưng chẳng lệ thuộc vào bất cứ người nào!”
Thơ là gì, không phải là để đọc cho vui mà phải bộc lộ tư tưởng, ý chí cao vượt tất cả. Ông có mấy ý nghĩ về thơ như vậy để có những vần thơ tình tình yêu mượt mà, khúc chiết, da diết nhớ thương: “Bao năm tháng đêm nào ngủ được, Lòng chập chờn khách quá giang ơi! Bừng tỉnh giấc lại về giấc ngủ, Buông đêm dài theo con đò trôi”- (Viết cho người yêu đi lấy chồng). Hay: “Hòn đá nào biết chi đâu, Mà sao có chú thạch hầu bật ra, Hỏi trời, trời chỉ cười xòa, Hỏi hòn đá nẩy vân hoa gợi tình!”.
“Dẫu đi suốt hết cuộc đời người thợ vẫn chưa hiểu hết cái hay của nghề mình!”. Có thâm niên hơn 65 năm làm nghề hớt cạo nhưng với ông, nghề cắt tóc vẫn là một nghề cực khó khi nó đòi hỏi mình phải vắt được trí tuệ của người ta trong lúc hành nghề để trở thành những tư liệu quý giá cho những áng văn, vần thơ hay câu châm ngôn của mình: “Người viết về luống cày, viết về đường đạn, Văn Tuế viết theo vệt tông đơ!” hay: “Ngày vương tóc vụn, tối dốc tâm can!” đó là công việc quên thuộc của cụ ông đã qua tuổi bát tuần này và chưa bao giờ ông có ý định từ bỏ.
Ngoài làm thơ, viết văn, Văn Tuế được coi là người sáng tác nhiều câu châm ngôn, danh ngôn nhất của Việt Nam với hơn 4000 câu, trong đó có hơn 1000 câu được đăng trên các báo, sách, lịch. Những câu châm ngôn về cuộc sống mà ông viết ra vừa ngắn gọn, vừa khúc chiết, dễ nhớ, lại mang tính triết lý, nhân văn sâu sắc mà ông đã đúc kết từ cuộc sống. đây là lĩnh vực đã làm nên cốt cách, tâm hồn ông: “điều hay trước lọt tai, sau lọt trí, quý đến lọt tâm”, “Chê người mà được thưởng là gặp Thánh, khen người mà bị phạt là gặp Thần”, “Vì miếng ăn có khi phải lăn vòng trái đất”, “Va vào bờ tre, gai tre đâm toạc mặt”... Hay “Lẫn tránh mấy chục năm cái khó nhùng nhằng càng bám riết, Khất lần bao nhiêu bận cảnh nghèo nhùng nhằng cứ đeo hoài”-ông viết châm ngôn nói về cái nghèo của mình là vậy.
Thợ cạo Cao Văn Tuế còn viết câu đối bằng Hán tự cho dù không hề biết một chữ Hán nào. Ông bảo, đấy là do học lỏm, hay đọc thơ dịch từ chữ Hán sang Nôm, rồi nhớ lại để khi nào viết thì… lắp ghép vào. Cuối cùng, ông mang tới những người bạn là am hiểu chữ nho để nhờ sửa hộ những sai sót.
Ông cho hay, đến nay, ông đã có 10 tác phẩm viết về làng Sủi quê mình được nhận giải từ cấp báo đến cấp huyện… Với ông, không biết thì không viết đã đành, không biết rành rọt ông cũng không đặt bút. Ông Vũ Việt Hùng, bạn ông Tuế nhận định: “Sách của ông Tuế hợp với cuộc đời, có những câu chuyện không nói đến ai nhưng đã từng đọc cũng phải ngẫm lại mình để soi chiếu. Thơ ông đòi hỏi phải là người có trình độ hiểu biết, thấu tình đạt lý mới hiểu sâu sắc!”.
Với những đóng góp của mình, Văn Tuế đã được 11 giải thưởng văn học, Ông là thành viên thế hệ đầu của Hội Nhà văn Hà Nội được nhận Huy chương Vì nghiệp văn học nghệ thuật của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999. Tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như bài thơ “Chú công an tý hon” sau khi đăng báo độc lập năm 1959, được Nhà Xuất bản Văn học đưa vào “Hợp tuyển Thơ văn thiếu nhi 1945-1960”, “Hạnh phúc trên tay bà đỡ” (Giải B cuộc thi Sáng tác văn năm 2000).
Không chỉ am hiểu văn chương, ông còn có hàng nghìn bài báo (đặc biệt là thể loại phóng sự), có năm ông viết được hơn 30 bài phóng sự điều tra. Chính điều đó đã giúp ông gặt hái được một số giải báo chí có tiếng như giải Ba cuộc thi Phóng sự, phóng sự điều tra Báo Quân đội nhân dân với tác phẩm “Nếp làng Sủi” năm 1998, “đường về làng quê không bị lấm giày” (Giải A, Báo Hà Nội mới năm 1999).
 
 
 Hồ Duy - Bản tin số 243, tháng 5/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC