13:05:53 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Dòng sông mang hình thiếu nữ
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên bên mép nước của một dòng sông quê. Dòng sông ấy có huyền tích rằng hễ chảy qua vùng đất nào là nơi ấy sẽ xuất hiện rất nhiều con gái đẹp. Ở đâu chẳng rõ chứ ở quê tôi thì điều này đúng lắm. Những thiếu nữ lớn lên nhờ cái bống, con tôm mà má hồng môi thắm, để cứ chiều chiều trên bến Tắm, gió sông thoả sức thổi tung những mái tóc mun dài thơm thơm hương bồ kết khiến chùng chân bao khách lãng du. Đã có lần đứng trên cao ngắm mê mải dòng sông, tôi đã tự hỏi, phải chăng chính dòng nước mềm mại, uốn lượn dưới kia đã góp phần tạo tác lên dáng hình và vẻ đẹp của những cô thôn nữ vừa nhẫn nại, chịu thương chịu khó vừa nồng nàn như hương cỏ dại, hương phù sa đắp đổi vĩnh hằng...
Lớn lên, rời bến sông quê, theo bước đường mưu sinh được đặt chân đến rất nhiều vùng miền khác nhau, tôi nhận ra rằng, không riêng gì quê mình mà rất nhiều dòng sông trên đất nước này đều mang bóng hình thiếu nữ. Từ con sông Hồng với hai dòng chảy mang màu đỏ xanh nơi cội nguồn trước khi làm cuộc chia tách dữ dội và dịu êm xuống vùng hạ lưu bát ngát, tạo nên bức tranh tình yêu một màu huyền thoại giữa nàng công chúa Tiên Dung với chàng Chử Đồng Tử cả đời vận khố. Rồi đến sông Hương chảy giữa lòng xứ Huế lại là hiện thân của một nàng thôn nữ duỗi dài thân thể óng ả của mình ra cho chàng trai mãi đi dò tìm để rồi khi tìm đến vùng nhạy cảm nhất, loài cây Thạch xương Bồ bất chợt đâm chồi. Rồi con sông vang danh chốn Đà thành, mang tên gọi sông Hàn nhưng bao đời vẫn nóng bỏng cái sự tích tiên sa, những nàng tiên một lần sa xuống cửa biển tháo bỏ xiêm y nô đùa giỡn sóng và không kịp quay trở lại trời nữa. Rồi sông Bé, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Hậu, sông Tiền... Mỗi dòng sông là mỗi câu chuyện xa gần đều có dính đến tình yêu, đến bóng hình thiếu nữ như thể nếu không có cái bóng hình rất mềm rất thơ đó thì sông sẽ chẳng còn là sông. Dòng sông và thiếu nữ - đó là chủ đề muôn thuở của thi ca và đó cũng là nội dung thú vị của các cuộc tranh luận. Cuộc tranh luận đầu tiên là lí giải vì sao tình yêu của các cô gái vùng đồng khô cỏ cháy như dải đất miền Trung nắng khét lại mãnh liệt hơn hẳn các cô gái vùng đồng bằng, đô thị? Phải chăng mảnh đất càng cằn khô thì trái tim con gái, như một định luật sinh học lại như một lí lẽ tâm hồn, càng phì nhiêu màu mỡ để chống lại cái khô cằn đó. Cho nên con gái nơi ấy không yêu thì thôi, đã yêu là yêu nồng nàn, yêu dâng hiến không so đo tính toán.
Cuộc tranh luận thứ hai lại đòi lí giải tại sao con gái ven sông lại đẹp hơn con gái các vùng đất khác? Phải chăng chính những dòng sông đó khi chảy xuyên qua các vùng đất, xuyên qua các vùng văn hóa, xuyên qua các vùng khí hậu, cảnh sắc đã kết tủa rồi ướp hương vào thân thể, vào tâm hồn những thiếu nữ sống bên cạnh dòng chảy của nó. Họ sẽ càng đẹp, một cái đẹp khu biệt không ở đâu có được khi bốn mùa xuân hạ thu đông được gió sông tràn về ve vuốt khuôn mặt, tấm thân, ánh nhìn cho xa xăm, cho tròn lẳn, cho bung mở đến vô cùng cái khoáng đạt thiên nhiên, cái mặn mòi của nắng gió đất trời, cái xôn xao của bờ sông bãi mía in hình trong mắt. Một cái đẹp tần tảo như đôi bờ cần lao, một cái đẹp lẩn khuất thật xa thật gần như không có mà lại đang hiện hữu.
Nhưng đó vẫn là cái đẹp bên ngoài do hình sông thế núi tạo nên. Cái đẹp bên trong của các cô gái mới là điều đáng nói. Đó là vẻ đẹp buồn. Buồn của hoàng hôn, buồn của mặt nước khi đông về, buồn của nỗi chia li tiễn chàng ra trận trên triền đê, buồn nhìn hoa gạo rụng, buồn của cánh buồm đơn côi trôi về nơi xa tít, buồn man mác, buồn dịu nhẹ, buồn đợi chờ, nhẫn nại, cái buồn làm thần thái các em trở nên thánh thiện, nữ tính lên biết chừng nào. Nhà văn Chu Lai, người đã có gần chục năm bám trụ bên bờ sông Sài Gòn từng kể rằng chính cái đẹp của các cô du kích, các cô giao liên, pháo binh, đặc công, thông tin, quân y miền Nam đã ám ảnh ông rất lâu. Đó là hình dáng yêu kiều của các cô với cái nhìn thăm thẳm, bộ bà ba đen, chiếc khăn rằn quấn cổ cứ vưong vấn mãi trong ông như một vẻ đẹp thuần khiết, kiêu hùng, làm mềm đi những cánh rừng úa héo, làm dịu đi những cái chết đau thương của cuộc chiến tranh...
Chiều nay, một buổi chiều cuối năm áp Tết hanh heo nắng và gió, tôi bồi hồi về thăm lại dòng sông mang dáng hình thiếu nữ ở quê nhà. Sông vẫn còn đây dù dòng chảy thời gian có làm đôi bờ đổi thay bồi lở ít nhiều. Và kia, tôi chợt thẫn thờ khi bắt gặp lại dáng hình của một vài thôn nữ đang cắt cỏ ở chân đê, đang xuống sông gánh nước, gội đầu... Vẫn lẳn tròn, vẫn thuần mùi rơm rạ, tro trấu, vẫn xa xăm, thăm thẳm, ướp hương và mơ hồ như thế. Thì ra, sông quê muôn đời vẫn là dòng sông... thiếu nữ.

 

 Chu Minh Lai - Bản tin số 250-251
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC