02:04:07 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Xăm cằm sơn nữ chỉ còn là kí ức
“Ngày nay, các cháu gái người Mảng khi đến tuổi được phép yêu không còn lo lắng với việc phải xăm cằm nữa. Tập tục này giờ không hợp với cuộc sống mới dù nó vẫn có sức sống lâu bền trong ký ức bản làng cùng những câu chuyện kể và những vết tích cuối cùng may chỉ còn tìm thấy trên cằm vài bà cụ rất già...” - già Sìn Văn Puôn ở Pá Bon (Chăn Nưa, Sìn Hồ, Lai Châu).
Huyền tích kể rằng, xưa lắm có đôi vợ chồng trẻ dân tộc Mảng sống với nhau rất hạnh phúc. Hàng ngày họ cùng lên nương trồng bông, gieo lúa; xuống suối bắt cá, mò tôm. Vừa làm họ vừa ca hát đùa vui, khiến chim muông nhiều khi cũng ngừng bay nhảy vì mải ngắm nhìn đôai vợ chồng tâm đầu ý hợp. Nhưng sau khi sinh hạ đứa con đầu lòng, chị vợ bỗng dưng trái tính trái nết, hay cáu gắt vô cớ, đã thế lại tham ăn và lười nhác. Nhiều hôm người chồng đi nương về, nhìn nhà cửa ngập ngụa, bếp núc lạnh lẽo, anh buồn lắm. Trong số cá tôm anh bắt được, chị vợ thường chọn con to nhất nướng lên rồi một mình ngồi ăn hết, chẳng mời chồng lấy một miếng. Sau nhiều lần bảo ban, rồi cả mắng mỏ mà người vợ vẫn chứng nào tật ấy, anh chồng hết sức đau khổ. Thần linh chứng kiến cảnh ấy chướng mắt nên đã bày kế cho người chồng phải khâu mồm vợ lại để gia đình hòa thuận. Dù đang giận nhưng vì yêu vợ nên người chồng không nỡ làm theo lời dạy và đã nghĩ ra cách dùng gai chấm những nốt giống như kim châm rồi lấy lá cây la hủy trong rừng sâu, bóc vỏ ngâm vào nước thành thứ mực đen phết vào tạo thành những đường như chỉ nối màu đen quanh miệng, quanh mặt vợ để thần linh tin rằng người vợ đã được khâu mồm. Hiểu được tấm chân tình của chồng, cô vợ thay tâm đổi tính, trở nên hiền thục và cuộc sống của họ hạnh phúc trở lại. Bà con người Mảng từ đó trở đi đã học theo cách của người chồng để mong những cô con gái của mình sau khi xuất giá sẽ thành vợ hiền, dâu thảo, hôn nhân viên mãn.
Trải qua hàng bao đời cùng với những quan niệm về tâm linh vốn có trong cuộc sống thường ngày, tục xăm cằm của đồng bào Mảng đã trở thành nét văn hóa độc đáo và là nghi lễ không thể thiếu đối với mỗi sơn nữ người dân tộc này khi bước vào tuổi trưởng thành. Bà con không xăm cằm một cách tuỳ hứng mà xăm theo hình con rồng, chim muông, con bướm, bông hoa... như một cách trang điểm độc đáo. Hình xăm trên cằm không chỉ nhắc nhở các cô gái về bổn phận làm vợ, làm mẹ mà nó còn mang giá trị tâm linh, là biểu tượng cho sức mạnh của đấng tối cao luôn ở cận kề răn dạy con người về nết ăn, nết ở, nết ứng xử với gia đình, cộng đồng. Ngày trước, ở bản người Mảng, hễ sơn nữ nào bước vào tuổi 14 - 15 muốn được thừa nhận đều phải trải qua nghi lễ xăm cằm. Sau khi thầy cúng chọn được ngày tốt, thiếu nữ được xăm cằm và người nhà sẽ mang lễ vật đến nhà thầy cúng để làm lễ và xăm. Lễ vật gồm 2 bát gạo, 2 quả trứng, 1 chai rượu và 1 con gà. Buổi lễ bao giờ cũng diễn ra rất trang nghiêm, với quan niệm vạn vật hữu linh, bà con quỳ sau thầy cúng, thành kính xin phép trời đất, thần linh, tổ tiên để được... dựng sàn gỗ, trói sơn nữ trẻ lại 4 người giữ hai tay và hai chân để một người đàn bà có kinh nghiệm xăm mặt nhất bản tiến hành công việc “đương nhiên phải làm”. Người già trong các bản còn bảo rằng: Xăm cằm là điều bắt buộc, nếu cô gái nào không xăm, khi chết đi linh hồn sẽ không được siêu thoát, không thể vượt qua cổng nhà trời để “nhập” trở lại dòng họ, sẽ thành con ma lang thang đói khát.
Ngày nay, nghi thức xăm mặt chỉ còn là ký ức qua những câu chuyện trong bản làng của đồng bào Mảng. Cuộc sống hiện đại với những quan niệm mới, từ người già đến người trẻ ở các bản đều nhận ra rằng: Xăm mặt thiếu nữ không còn hợp thời nữa. Nam nữ thanh niên dân tộc Mảng hôm nay ai cũng tự tin rằng: Cằm không cần hình xăm nhưng các cô gái vẫn đảm đang, nết na, hiền thục. Sự thay đổi về tập tục xăm cằm đã thực sự giúp cho phụ nữ Mảng tránh được những đau đớn về thể xác và tinh thần. Mặc dù vậy, khi một người phụ nữ nào đó mất đi, trước lúc khâm liệm, thầy mo bao giờ cũng vẫn lấy than vẽ quanh cằm, giả làm như cằm đã xăm để họ được thuận lợi “nhập” về thế giới bên kia. Đó phải chăng cũng là một sự sáng tạo, thay đổi tập tục một cách hiện đại, đậm chất nhân văn...
 

 

 Lê Vinh Minh - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC