21:25:17 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Giữ nhịp trống quân
“Xin chàng mong mỏi làm chi/ Giữ lời hẹn ước em thì ra đây/ Hẳn là rồng được gặp mây/ Bõ đêm chàng đợi, bõ ngày chàng mong…” Đến xã Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) bây giờ, bạn sẽ được nghe những câu hát tình tứ như thế cùng nhịp trống “thình thùng thình” ở khắp mọi nơi. Ít ai biết rằng, chỉ hơn chục năm trước, nhiều người dân Dạ Trạch dường như không biết trống quân là gì. Để những làn điệu cổ truyền ấy rộn ràng, phải kể đến công sức của nghệ nhân dân gian Nguyễn Hữu Bổn.
Thức dậy canh hát xưa
Hát trống quân là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du kể từ Thanh Hóa trở ra. Dạ Trạch là một trong những địa phương rất thịnh hành nét văn hóa này. Một thời, rất nhiều đôi lứa trong làng, trong xã nên vợ nên chồng nhờ những canh hát trống quân, có khi từ chập tối cho đến lúc tàn trăng bóng xế. Thời xưa, khi nông nhàn, hay kỳ trăng sáng, trai gái làng Vĩnh (thuộc xã Dạ Trạch) thường tìm bãi đất trống trong làng, đào một hố đất làm trống quân, trải chiếu ngồi hát. Lời hát có lúc chân tình giản dị, nhưng cũng lắm khi “bốc giời”. Hát tới khi không họa vần được phải chịu thua mới thôi. Vật đổi sao dời, bẵng đi khoảng gần một trăm năm trở lại đây, trống quân Dạ Trạch bị lãng quên rồi mai một dần.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn vốn là một thầy giáo nghỉ hưu khi mới 45 tuổi, hơn 30 năm qua ông chỉ làm duy nhất một công việc là tìm hiểu và giới thiệu nghệ thuật trống quân. Không quản nắng mưa sớm tối, ông đến gõ cửa từng nhà các cụ già trong làng để học hát, tối về ông lại cẩn thận ghi chép tỉ mỉ những gì đã thu lượm được. Không muốn nét văn hóa riêng có của quê hương bị mất đi, ông Bổn đã cần mẫn cóp nhặt, ghi chép và truyền dạy lại cho bà con trong xã. Rồi ông đi thuyết phục những người già cả tâm huyết lập ra một đội trống quân Dạ Trạch từ năm 1994. Hồi đầu có tám ông bà cùng ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ngồi lại hát cho nhau nghe và dạy cho các con, các cháu trong nhà. Hiện nay, đội chỉ còn lại bảy người, người trẻ nhất cũng đã gần 70 tuổi. Cả bẩy thành viên này đều mới được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận Nghệ nhân dân gian năm 2011.
Sau khi đã tập hợp được những người cùng tâm huyết, ông Bổn đi đến các gia đình trong làng, trong xã động viên hết bố mẹ rồi đến con cái để họ học hát. Nhiều đội trống quân ở các thôn trong xã được thành lập, thành viên toàn là những nông dân chân lấm tay bùn, tối về lại cùng nhau tập hát. Quê hương Dạ Trạch ngày càng thay da đổi thịt, nhiều nhà cao tầng mọc lên thay cho nhà tranh, nhà ngói, đường đất được bê tông hóa gần hết. Trong xu thế phát triển ấy, những ngày đầu người ta thấy ông Bổn đam mê đi sưu tầm và học hát trống quân, nhiều người nghĩ ông làm những việc không thực tế.
Nuôi dưỡng đam mê
Để những đứa trẻ quen rồi hát trống quân thành thục như bây giờ không phải là việc dễ dàng. Hai năm trước, ông Bổn lên Phòng Giáo dục huyện Khoái Châu gặp ban giám hiệu của hai trường tiểu học, trung học cơ sở xã Dạ Trạch để xin được dạy hát trống quân cho học sinh trong các giờ ngoại khóa. Hiểu được những việc ông đang làm, mọi người đều ủng hộ. Sau ba mươi ba năm nghỉ hưu, ông lại đứng trên bục giảng. Thầy giáo Nguyễn Văn Huấn (Trường THCS xã Dạ Trạch) cho biết: “Thầy Bổn là một thầy giáo cũ của tôi. Thầy đam mê trống quân và luôn trăn trở làm thế nào để bảo tồn các làn điệu truyền thống ấy cho các thế hệ sau. Thầy tình nguyện đến trường dạy hát chứ không nhận một khoản thù lao nào cả”.
Hiện tại, trung bình mỗi tuần ông dạy ba buổi, mỗi buổi ba tiết. Không chỉ dạy học trò, ông Bổn cũng sẵn sàng dạy cho những thầy, cô giáo ở trường hát trống quân. Để có những giờ giảng và dạy hát trống quân hiệu quả, ông đã tự sáng tác ra bảy canh hát hiện đại gần gũi với lứa tuổi học sinh và quê hương.
Về thăm nhà ông, trên ban thờ ngay gian chính, ông thờ chữ “Đạo” (theo Hán tự có nghĩa là con đường), đó chính là mục tiêu sống cao cả của ông. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn đã từng dạy học, mở con đường tri thức cho bao thế hệ học sinh. Nay ông lại đang dạy hát trống quân, thắp lên ngọn lửa để gìn giữ và nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa nguồn cội trong tâm hồn mỗi người Dạ Trạch hôm nay, mai này.
 Khúc Hồng Thiện - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC