15:22:59 Ngày 25/04/2024 GMT+7
Nỗi khổ khó nói của nữ phóng viên
Nhạy bén, năng động, hiểu biết, lập trường vững vàng là các yếu tố của những người làm báo trong đó có các nữ phóng viên. Đây là các phẩm chất tốt nhưng đời sống của nữ phóng viên ít nhiều gặp khó khăn.

>>>> Bản tin số 255 (pdf)

>>>> Nỗi khổ khó nói của nữ phóng viên (pdf)

Có nhiều định nghĩa về nghề báo, như: nghề thư ký của thời đại, nghề nguy hiểm, nghề đưa tin,… Đó là một trong những nghề danh giá và để làm được nghề ấy đòi hỏi tố chất đặc biệt của những người làm nghề. Những ai đã từng theo học ngành báo chí đều tâm đắc với những định nghĩa vui của giảng viên dạy môn sáng tạo tác phẩm mô tả chân thực chân dung người làm báo (tuy có phần hơi dung tục). Đó là người mà mỗi khi bước chân ra đường là tai giỏng lên như cần ăngten thu phát sóng, mũi luôn chĩa vào chuyện của thiên hạ, mắt đảo như rang lạc, bụng đầy những toan tính và não bộ hằn lên chằng chịt những giả thiết như bản đồ sông ngòi Việt Nam… Và nhiều hoạt động của phóng viên đã không ít lần ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống thường nhật của người trong nghề.

Chẳng thế mà, chị Dung đã từng gặp nhiều phen khốn đốn. Ngày chị sinh con đầu lòng, mẹ chồng chị lên trông con giúp. Là phóng viên Ban Thời sự của một đài truyền hình, nhiều khi chị Dung phải làm việc thông trưa để kịp cho tin lên hình vào Bản tin 16h. Chị tâm sự, đã theo “nghề” nên phải chuốc lấy “nghiệp”. Nhiều sự kiện tổ chức ở xa tòa soạn, tuy mang laptop đi theo nhưng có nhiều tư liệu lại phải khai thác thêm từ máy tính ở văn phòng nên sau khi ghi hình tại hiện trường cả kíp phóng viên phải lao rầm rầm về cơ quan cho kịp dựng hình. Lắm khi cơm chẳng kịp ăn mà về nhà lại phải nghe mẹ chồng làu bàu.

Còn chị Lan Anh công tác tại một tờ báo thuộc Bộ Công thương lại có nỗi niềm khác. Chồng chị vốn là bạn học từ thuở cấp III và yêu nhau 7 năm trước khi cưới. Tưởng rằng đã hiểu chân tơ kẽ tóc của nhau nhưng khi là vợ chồng rồi, chị Lan Anh vẫn nhiều phen dở khóc dở cười. Chị kể, bình thường mình ăn mặc giản dị và anh xã biết tính mình rồi, tin tưởng và tạo điều kiện cho mình làm nghề. Nhưng đôi khi đi lấy tin ở những sự kiện đặc biệt, phóng viên theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật như mình cũng phải “đặc biệt” theo. Có những sự kiện văn hóa tổ chức vào buổi tối, nữ phóng viên cũng phải váy áo tươm tất, phấn son, rạng ngời,… và đôi khi gần 1h sáng mình mới về đến nhà, sau khi nộp bài cho kịp số báo xuất bản vào ngày hôm sau. Niềm vui của người cầm bút lúc ấy song hành cùng những giận dỗi của đức lang quân.

Các đồng nghiệp ở Tòa soạn báo GĐ&XH vẫn còn lưu truyền câu chuyện xảy ra trước khi cưới của cặp vợ chồng Long Hương. Vốn là phóng viên kì cựu của mảng thời sự chính trị, Hương nắm rõ và nhớ như in mọi sự kiện thời sự trong nước cũng như quốc tế. Ngày ra mắt bố mẹ chồng tương lai, Hương được cho là “rất vừa mắt” đối với bố mẹ Long. Hai ông bà giáo nhìn nhận Hương là một cô gái thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát và hiểu biết. Rồi sau khi người lớn hai bên nói chuyện, Hương bắt đầu năng về nhà bố mẹ Long để tìm hiểu và làm quen dần với phong tục của quê chồng. Bố đẻ Long cũng rất thích nói chuyện thời sự chính trị với cô con dâu tương lai. Nhưng rồi chuyện phát sinh cũng từ những lần trò chuyện kiểu đó. Thời điểm ấy, trong khi bố Long kiên quyết dự đoán bà Clinton sẽ thắng cử thì Hương nhất định cho rằng Tổng thống tương lai của Mĩ sẽ là Obama. Cùng với những cuộc tranh luận diễn ra công khai giữa bố Long và Hương là những cơn sóng ngầm ngăn cản Hương trở thành con dâu vì bố Long lo cho cậu con trai không thể trở thành trụ cột thực sự của gia đình khi cô vợ sâu sắc và hiểu biết như vậy.

Là phóng viên của mảng an ninh nội chính, Hằng lại gặp phải nhiều câu chuyện khó nói kiểu khác. Vì có chồng làm trong ngành công an nên Hằng có nhiều tin bài từ những đồng nghiệp của chồng cung cấp. Hằng luôn vượt định mức mà Tòa soạn giao và trở thành cây bút “đinh” của mảng. Và cũng từ đó, cô luôn được giao đảm nhiệm thực hiện các bài viết, phóng sự về những vấn đề nóng hổi, gay cấn. Nhiều khi cứ 6h30 sáng là cô phải có mặt ở Tòa án để theo dõi đưa tin về các vụ án nổi cộm. Anh xã của Hằng thì thấu hiểu công việc của vợ nên cũng tự giác về đưa đón, chăm sóc con cái khi vợ bận. Nhìn con trai tất bật mỗi khi đi trực mà vợ thì vẫn còn phải ở Tòa soạn để viết bài thì ông bà nội mỗi lần sang chăm cháu đôi khi nói đụng, nói chạm tới con dâu.

Còn chồng của nữ phóng viên Trinh thì lại mang đến cho vợ “niềm đau” khác. Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trinh lấy chồng và theo chồng mở công ty kinh doanh về vật tư xây dựng. Sau khi có một lưng vốn kha khá, Trinh xin phép và được chồng cho quay trở lại đi làm báo với điều kiện chỉ được “hành nghề” ở thành phố, không được đi xa. Ngày trở lại với nghề, niềm vui chưa tày gang thì nỗi buồn lại dồn về. Lần thứ nhất, cơ quan cử đi công tác một tỉnh miền núi để viết về đề tài đổi mới nông nghiệp, nông thôn, vì tôn trọng ý kiến của chồng, Trinh xin phép cơ quan đi thực hiện một đề tài khác ở thành phố. Lần thứ 2 được cử đi công tác tỉnh xa, cũng vì không nhận được sự đồng ý của chồng, Trinh vờ cáo ốm xin phép lãnh đạo báo không thể đi. Lần thứ 3 Tòa soạn cử đi công tác ở miền Nam 5 ngày, vẫn không xin được “visa” của chồng, Trinh đành ngậm ngùi từ bỏ nghề đã được đào tạo và giã từ Tòa soạn một cách âm thầm. Bây giờ quay trở lại công việc kinh doanh với chồng trước đây, thi thoảng Trinh vẫn ngứa nghề, viết vài bài liên quan đến lĩnh vực xây dựng.

Chưa có lời nguyền cho nữ phóng viên như đối với các nữ diễn viên giành Tượng vàng danh giá Oscar nhưng những bất hạnh trong đời tư vẫn luôn rình rập…

 

 Trần Đỗ Diệp Anh - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 388 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC