10:50:57 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Trăng rằm đã sáng bản San
Nằm ở vị trí địa lí cao hơn gần 1.000 mét so với mực nước biển, gần mặt trời mà thiếu nắng quanh năm, bản San (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai) của 5 năm về trước chìm đắm trong đói nghèo, thiếu thốn. Nhớ kỷ niệm dịp tết trung thu cách đây mấy năm, anh em bộ đội ở đồn biên phòng Trịnh Tường xuống bản chia kẹo cho thiếu niên, nhi đồng nhưng các em chỉ đứng nhìn mà không dám nhận vì sợ phải trả tiền.
Nhớ về bản vắng ngày xa…
Trời chưa sang đông vậy mà đặt chân đến bản San, gió đã thổi lạnh rợn người. Trên những triền núi, mây mù bảng lảng che khuất những nếp nhà sàn ngói mới. Bên bếp than rực hồng, già bản Vù A Hữu trầm ngâm nhâm nhi chén rượu men lá nhớ và kể lại những năm tháng ông cùng cả bản San phải sống trong cảnh “có bữa nọ, lo bữa kia”, đói nghèo, thiếu thốn trăm bề. Lúc ấy, các chiến sĩ ở đồn biên phòng Trịnh Tường đã giúp đồng bào nhiều lắm, nhưng người thì đông mà vật chất lại hạn hẹp nên chẳng thấm tháp vào đâu. Cả bản với hơn 30 hộ gia đình, hơn 200 nhân khẩu chỉ sống dựa vào phát rừng, làm nương, khai thác trộm lâm sản nên có đến hai phần ba số hộ thiếu đói quanh năm. Người lớn, trẻ con, người già “đầu tắt mặt tối” cả ngày, cái lưng còng đi vì địu củi nặng vậy mà cái bụng vẫn đói. Đất canh tác trong xã thời ấy chỉ cấy được một vụ lúa, năng suất cao lắm được 30 tạ/ha. Vậy nên nhiều gia đình thu hoạch xong mùa cũng là lúc hòm thóc trống trơn. Có những vụ, thời tiết khắc nghiệt, trời lạnh, lúa không chín được, dân bản đi thu hoạch về làm thức ăn cho gia súc còn người thì “treo niêu”. Mèn mén, củ mài, sắn luộc, sắn nấu canh là thức ăn chủ yếu của dân bản. Để được ăn miếng thịt, gắp miếng cá phải chờ đến tết hoặc ngày giỗ chạp. Dân cả bản hễ gặp nhau là nói về cái đói, hết lo xuôi lại lo ngược nên chẳng ai có thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện học chữ. Ngay cả bây giờ, hầu hết người lớn trong bản đều “một chữ bẻ đôi không biết”. Lúc đó để tìm được một thanh niên đọc thông, viết thạo còn khó hơn vào núi tìm vàng. Theo cách tính của người dân thì bản San chỉ nằm cách trung tâm xã Trịnh Tường chừng hơn một con dao quăng vậy mà quạnh quẽ, đìu hiu như một hoang đảo mỗi khi màn đêm buông xuống. Khi điện chưa có, đường đi, lối lại hiểm trở lại cách suối nên ngay cả thanh niên trẻ cũng ngại ra khỏi bản, cứ quanh quẩn dưới những mái nhà sàn lụp xụp bám đen khói bếp, mạng nhện với ánh đèn dầu leo lét…
Trung sĩ Sùng Tiến Tuẩn, lính mới của đồn biên phòng Trịnh Tường, cũng là một người con của bản San tâm sự: “Những năm ấy có dịp đi ra ngoài tôi mới bàng hoàng nhận thấy cuộc sống của dân bản mình tụt hậu so với miền xuôi quá nhiều. Bà con mù chữ, không biết gì về khoa học kỹ thuật, mùa màng thì quảng canh, năng suất thấp lại đẻ dày, đẻ nhiều nên đã khổ, càng khổ. Tuổi thơ của chúng tôi gắn với tiếng mõ trâu ngược dốc và những bó củi cao ngút đầu. Thiếu đói, suy dinh dưỡng lại ăn uống không hợp vệ sinh nên có những đứa trẻ 14, 15 mà vẫn nhỏ như khi 8 tuổi, bụng ỏng, da xanh, tay chân teo tóp, đen đúa. Người lớn còn lo kiếm cái ăn, thời gian đâu mà quan tâm đến trẻ con. Ở nơi này, trẻ con cũng phải làm được những công việc của người lớn để phụ giúp thêm. Không đứa trẻ nào như chúng tôi dám mơ ước tới những bộ đồng phục để đến trường…”. Nghe câu chuyện Tuẩn kể, tôi chợt nhớ đến bức ảnh đã chụp cách đây gần 6 năm ở miền sơn cước này vào một buổi chiều, có những bé gái còng lưng đeo lặc lè những bó củi nặng trĩu, có những bé trai lem luốc bùn đất từ đầu tới chân vừa đùa nghịch vừa lùa trâu về bản. Vì thiếu đói mà chẳng bậc phụ huynh nào muốn cho con đến lớp. Đến bản San dạo đó, sẽ bắt gặp cảnh những em bé đang trong độ tuổi ăn, ngủ phải quần quật lên nương lao động cùng bố mẹ từ sớm tinh sương đến tối mịt. Cô giáo Phú, người cắm bản đã hơn chục năm kể rằng: “Có những buổi sáng, mới hơn 5 giờ, mọi người đang ngủ thì một nhóm học sinh trong bản đã đến đập cửa gọi tôi dậy giảng bài sớm để các em còn về đi nương. Thương nhất là những em có cha, mẹ mắc nghiện thuốc phiện, để đưa được các em đến lớp vô cùng gian nan. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước, giờ thì đã khác rồi. Bản San đã không còn đói khổ như xưa nên đời sống cả vật chất và tinh thần của các em cũng thay đổi hẳn…”. Nói đến đó giọng cô giáo bỗng trở nên sôi nổi hẳn…
Sáng trăng, sáng điện… bây giờ, bản San
Xã Trịnh Tường nói chung, bản San bây giờ đang từng ngày thay da, đổi thịt. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, bà con trong bản đã có đài để nghe, có ti vi để xem những chương trình mình thích. Cái cảnh nhếch nhác đã không còn và trẻ em trong bản đã được tung tăng cắp sách tới trường. Kinh tế trong bản, ngoài xã đang dần ổn định, nếu năm 2005 có 50% tỷ lệ hộ đói nghèo thì đến nay chỉ còn khoảng gần 16%. Bây giờ vào bản San không phải men theo dốc dựng, đồi quanh nữa. Con đường lớn đã được mở, ô tô, xe máy đều có thể đi một lèo từ xã vào tận trung tâm bản. Có đường giao thông thuận lợi rồi, hàng hóa cùng các phương tiện kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu vào bản dễ dàng hơn, nhận thức, tập quán canh tác của nhân dân thay đổi dần. Được cán bộ ngoài xã vào hướng dẫn, bản lại cử người ra huyện học khuyến nông, bà con chấp nhận sử dụng các giống lúa mới, ngô mới, ruộng đất không còn bỏ hoang mà đã được tận dụng để xen canh, gối vụ. Năng suất lao động tăng lên thấy rõ chỉ sau vài năm; học tập từ bên ngoài nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế VAC; những khu đồi hoang hóa đã được các hộ gia đình trẻ tận dụng để trồng cây ăn quả lâu năm, tuy chưa có thu hoạch nhưng cái lợi trong tương lai thì ai cũng nhìn thấy. Trò chuyện với chúng tôi, những người dân bản San ai cũng nhắc một cách trìu mến đến con đường liên bản và những người chiến sĩ biên phòng. Con đường ấy chính là sáng kiến của cấp ủy, chỉ huy đồn biên phòng Trịnh Tường tham mưu cho lãnh đạo địa phương để tháo gỡ cái nghèo giúp nhân dân bản San. Mấy chục cán bộ, chiến sĩ của đồn biên phòng đã không quản ngại nắng mưa phối hợp cùng với bà con bạt đất, san đồi mở con đường nối xã với bản. Đường có rồi, nhưng để trẻ em đến được lớp, xóa mù chữ được cho dân bản là cả một thách thức. Anh em bộ đội biên phòng đứng ra vận động nhân dân đóng góp công sức vào rừng chặt tre, cắt lá dựng trường. Trường làm xong, các anh lại đến từng nhà vận động cho trẻ tới lớp, vận động bà con tham gia lớp học xóa mù chữ. Thầy giáo quân hàm xanh, Trung úy Trọng Toàn nhớ lại: Ngày đầu mở lớp, anh em đi vận động mà chẳng có ai hưởng ứng. Người lớn ngại học đã đành, đằng này trẻ em cũng chỉ lo lao động giúp bố mẹ nên chẳng em nào chịu tới lớp. Vậy là bộ đội và các giáo viên cắm bản phải gặp từng người dân để vận động, mưa dầm thấm lâu, số lượng người đi học chữ dần tăng lên… Nhiều hộ gia đình trong bản trước kia cả hai vợ chồng nghiện thuốc phiện, bỏ bê con cái, từ ngày được bộ đội biên phòng vận động đi cai nghiện thành công trở về giờ đây cũng đã có cuộc sống tương đối ổn định…
Đã 5 năm nay, cứ vào dịp ngày Quốc tế thiếu nhi và rằm trung thu là chi đoàn bản San, chi đoàn giáo viên và bộ đội biên phòng lại tổ chức liên hoan cho các em nhỏ. Có một kỷ niệm mà mọi người vẫn thường kể cho nhau nghe đó là dịp trung thu đầu tiên bộ đội biên phòng vào bản tổ chức giao lưu với thiếu nhi, khi phát kẹo, các em sợ phải trả tiền nên không em nào dám nhận. Phải đến khi Bí thư chi đoàn Vù A Tủa giải thích rõ ràng, các em mới vui vẻ nhận kẹo…
Buổi chia tay, già bản Vù A Hữu nắm chặt tay chúng tôi giọng xúc động: “Bản San được như ngày hôm nay, già mừng lắm. Cảm ơn Đảng, cảm ơn cái cán bộ biên phòng thật nhiều…!”. Còn anh em bộ đội biên phòng thì lại ngỏ ý rủ chúng tôi trở lại vào dịp trung thu năm nay để cùng phá cỗ với trẻ em bản San, các anh sẽ tặng các em nhỏ những món quà thật ý nghĩa. Trăng lúc chiều muộn đã mọc như chiếc lá lúa mỏng mảnh cài bên kia núi, chỉ vài ngày nữa thôi, vầng trăng ấy sẽ tròn vành vạnh, sáng vằng vặc như tiếng cười của những em bé miền sơn cước này…

 

 Nguyễn Minh Hùng - Bản tin số 259
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC