04:09:38 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Huyền tích Củng Chá
Chẳng phải nơi “cắt rốn, chôn nhau” vậy mà khi xa Củng Chá lòng lại vấn vương lạ. Cái hương đất đá ngái nồng, cái tình người Pu Péo chân mộc, nguyên sơ của cái bản to vào hạng nhất xã Phố Là (Đồng Văn, Hà Giang) này hồ như đã níu chặt hồn mình. Củng Chá đặc biệt có phải vì mấy chục ngôi nhà vách đất, mái phủ ngói ống rêu phong, nơi đồng bào Pu Péo, một cộng đồng dân tộc có dân số ít nhất nước sinh sống và có phải vì đây là nơi hiếm hoi trên dải đất này còn giữ được một khu rừng thiêng đúng nghĩa “nguyên sinh” rộng gần 600 ha đã bao đời nay không hề có dấu rìu xâm phạm. Kỷ cương được giữ vững gần như tuyệt đối, bởi một lời thề còn cao hơn bất cứ hương ước, hay định chế hành chính nào...
Bên cửa rừng thiêng, già bản Củng Díu Lèng đã kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc người Pu Péo cũng như ý nghĩa linh thiêng trong lời thề giữ rừng của dân tộc này. Huyền tích kể rằng, thuở khai thiên lập địa có một trận đại hồng thủy ập xuống trần gian, nước dâng cao đến lưng chừng trời, tất cả bị nhấn chìm trong biển nước. Rất may hai chị em nhà kia đã được thần linh báo mộng kịp nhảy lên chiếc nong tròn nên thoát nạn. Chiếc nong tròn đã trở thành con thuyền cứu mạng và hai chị em chính là thủy tổ của người Pu Péo để đến tận hôm nay trong bất cứ sự kiện quan trọng nào của bản làng, chiếc nong tròn vẫn là một vật linh thiêng tham gia vào quá trình hành lễ. Già Lèng bảo rằng, theo truyền thống bếp lửa thiêng của người Pu Péo phải được đặt nơi trang trọng nhất trong nhà, khách quý mới được mời ngồi ở bếp lửa này và lửa phải được giữ quanh năm trong nhà chỉ trừ ngày lễ cúng thần rừng vào 6/6 âm lịch, ngày được coi là “trong sạch” nhất của năm khi ấy vạn vật giao hòa.
Với đồng bào Pu Péo, rừng thiêng còn có vai trò quan trọng hơn cả trời. Cuộc đời của họ gắn với rừng từ lúc sinh ra ở rừng, kể cả đến khi chết đi, linh hồn của người đã khuất vẫn “bám trụ” với rừng. Dưới các mái nhà sàn, người ta chỉ thờ cúng từ đời ông tổ đời thứ năm trở lại, các vị trước nữa theo quan niệm thì đã ra rừng, thường trú ngụ dưới gốc đa to còn nhà nào sinh con so thì sản phụ được mang ra rừng đẻ, để hồn vía đứa trẻ được thần Rừng dung dưỡng. Bởi vậy rừng phải được giữ nghiêm ngặt, nếu chặt cây, giết thú là phạm vào cả tằng tổ cùng con cháu mình. Xuất phát từ đó mà tín ngưỡng giữ rừng, lễ cúng rừng thiêng của người Pu Péo cũng chính là cúng tổ tiên, nó không những có giá trị sâu sắc về mặt tinh thần mà còn biểu hiện sự giao hòa giữa thiên nhiên với con người, giữa thế giới tâm linh với cuộc sống thực tại, sự giao hòa giữa đất và trời, giữa cháu con với các thế hệ đi trước. Lời khấn của thầy mo trong lễ cúng cũng thể hiện điều đó: “Lạy tổ tiên, thành thần về uống rượu ngô men lá, ăn bánh nếp, trứng gà. Đều là sản vật rừng cả. Rồi sẽ ăn thịt gà, thịt dê, chúng cũng được rừng nuôi lớn. Thay mặt bản Củng Chá, tôi xin dâng lên ngài lễ vật để ngài phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, sấm sét, mưa gió không làm chết người, mất gia súc. Hôm nay cả bản họp tại đây thề với thần, giữ rừng nguyên vẹn, ai chặt cây, săn thú sẽ bị trừng phạt không tha...”. Thường thì lễ cúng rừng kéo dài khoảng nửa giờ, cuối buổi cụ chủ lễ sẽ cầm một cành trúc vẩy đi vẩy lại xung quanh; tiếp đến gà, dê được mang cắt tiết, xả thịt làm các món. Khi trời xẩm tối, sau thủ tục cúng đồ mặn một lần nữa, cả bản quây quần quanh bãi cỏ ăn uống, chúc tụng...
Nếu một ngày bạn có dịp ngược ngàn Hà Giang nhớ đặt chân đến Củng Chá để được chống chếnh say cùng men rượu ngô Phố Là, để được đắm mình trong những huyền tích xa xưa cùng giọng kể trầm ấm của già bản Pu Péo và để được tận mắt nhìn thấy rừng thiêng thâm nghiêm, kỳ bí, nơi cất giữ biết bao thông điệp ý nghĩa mà cha ông gửi lại.
 Văn Trương - Bản tin số 264 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC