11:22:56 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Kèn thiêng của buôn M’Nông
Đã từ ngàn đời nay, trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào M’Nông ở Tây Nguyên, chiếc kèn Rlet có vị trí thiêng liêng đặc biệt, được coi như “cầu nối” giữa người trần và thế giới thần linh.
Với đồng bào M’Nông, thần kèn Rlet là một trong 3 vị thần (cùng với thần Lúa và thần dây rừng Kuắt) chi phối toàn bộ cuộc sống vật chất, sức khoẻ, trí tuệ cũng như công việc làm ăn của buôn làng. Khi tiếng Rlet vang lên tức là thần Lúa được gọi về và thần dây rừng cũng xuất hiện để giúp đuổi cái ma xấu, quỷ dữ ra khỏi cộng đồng, chính bởi vậy trong tất cả các lễ cúng lớn, kèn Rlet luôn là biểu tượng trung tâm. Cách làm Rlet không phức tạp nhưng không phải gia đình nào trong buôn cũng làm được. Kèn Rlet chỉ được phép làm khi tự nhiên trong nhà gặp phải những sự cố đặc biệt như: có người ốm đau triền miên chữa mãi không khỏi, thú rừng vào phá rẫy, bị chết tại rẫy hoặc gia đình mong muốn gọi được thần lúa xuống độ trì vì liên tiếp nhiều vụ mất mùa. Với trường hợp làm Rlet để xua đuổi tà khí ra khỏi nương rẫy, ma xấu ra khỏi mái nhà giúp cho người thân nhanh lành bệnh thì kèn phải được giữ cẩn thận và phải được thổi thường xuyên từ vài tháng đến cả năm, khi nào thực hiện được lễ mổ trâu hoặc bò để tạ thần thì mới cất kèn lên ban thờ, không dùng nữa.
Ngày làm kèn Rlet, gia chủ phải mời những bậc cao niên trong bản để họ cử một số thanh niên đến giúp việc chuẩn bị cho việc sắp lễ. Gia chủ làm kèn thiêng phải kiêng cữ đủ điều từ không được ăn cá lóc, cá trê, kiêng cả thịt trâu bò cúng lễ, ngay cả khi có vật nuôi xuất bán cũng phải cúng lễ. Theo luật tục, thường thì gia chủ phải kiêng cữ đến khi nào thực hiện xong lễ tạ để đưa kèn lên thờ thì mới được trở về nếp sinh hoạt bình thường. Đức tin của người M’Nông dành cho kèn thiêng Rlét còn được khẳng định thông qua lệ rằng, khi đã cầu thần kèn độ trì ruộng rẫy thì dù năm đó có được mùa hay không cũng buộc phải làm lễ cúng trả ơn...
Kèn Rlet bao gồm một ống nứa nhỏ đường kính chừng 1,5 - 1,8cm, dài khoảng 35cm, cắm xuyên qua vỏ một quả bầu khô. Đoạn ống nứa nằm trong thân bầu có một lỗ nhỏ, gắn lưỡi gà làm bộ phận phát âm; đầu kia của ống nứa được cắm ngang qua một ống nứa lớn có đường kính khoảng 5cm, dài từ 15 - 20cm, đáy ống có mắt nứa bịt kín, đầu trên vát nhọn. Khi thổi kèn thiêng, người ta đổ nước vào ống này để luồng hơi thổi phải qua ống nước mới ra ngoài, khiến âm thanh của Rlet trở nên trong và ấm hơn. Ống của Rlet bao giờ cũng được khoét 3 lỗ, khi thổi kèn, nghệ nhân tuần tự gác lỗ, kèn Rlet sẽ cho 3 âm thanh có âm vực cách xa nhau tạo thành một bản phối tương hợp với âm sắc của 3 chiếc chiêng dẹt M’Nông.
Dưới những mái nhà sàn của đồng bào M’Nông sinh sống sau tán rừng đại ngàn Tây Nguyên, chiếc kèn thiêng Rlet giữ một vị trí trang trọng trên ban thờ, được nhắc tên trong lời khấn mỗi khi trong gia đình làm lễ cúng tổ tiên. Và những người già của buôn làng thường nhắc con cháu rằng, phải thường xuyên lau dọn ban thờ nhất là vị trí chiếc kèn thiêng Rlet, bởi có sự hiện hữu của nó tức là quỷ ma sẽ tránh xa không dám lại gần quấy phá gia đình...
 Minh Minh - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC