02:59:46 Ngày 17/04/2024 GMT+7
“Lương đủ sống” thách thức sự phát triển
Tiến tới kỉ niệm Ngày Quốc tế Lao động năm 2013, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức quốc tế Oxfam, Công ty Unilever Việt Nam tổ chức Hội thảo về Quyền lao động vào giữa tháng 4 vừa qua, nhằm tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam.
Từ những vấn đề thực tiễn đặt ra
Vấn đề xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, chia sẻ lợi ích đảm bảo mức lương đủ sống cho người lao động luôn là một thách thức không nhỏ đối với hầu hết các nước đang phát triển như nước ta. Đấy cũng là 1 trong 4 nội dung trong Quyền lao động mà Oxfam quan tâm.
Theo Báo cáo của tổ chức này, 4 nội dung được lựa chọn tập trung giải quyết gồm: 1/ Tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; 2/ Lương đủ sống; 3/ Giờ làm việc; 4/ Lao động thời vụ. Tuy nhiên, Oxfam cho rằng các vấn đề quyền lao động thường rất mờ nhạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu Công ty Unilever nói riêng và nhiều công ty đa quốc gia khác tại Việt Nam. Theo đó, hai mục tiêu chính mà họ quan tâm là: 1/ Đánh giá các tiêu chuẩn lao động trong các công ty và chuỗi cung ứng của Unilever, cân nhắc các tiêu chuẩn quốc tế và các điều kiện địa phương; 2/ Xây dựng một bộ nguyên tắc và biện pháp để hướng dẫn Unilever và các công ty khác, trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của mình, như là phần bổ sung vào các biện pháp hiện có về đảm bảo môi trường lao động.
Trong 4 nội dung trên, thì nội dung thứ 2, “lương đủ sống” là vấn đề nan giải nhất. Theo Oxfam, ở Việt Nam để người lao động có mức lương đủ sống ở thời điểm hiện tại phải là 5, 420 triệu đồng. Thực tế mức lương tối thiểu mà Việt Nam đang áp dụng lại chỉ mới đạt 1,150 triệu đồng, xấp xỉ bằng 21% so với tính toán của Oxfam.
Trên thực tế, những công ước quốc tế, mà một nước nào đấy ký cam kết tham gia thực hiện đều phải có lộ trình. Việt Nam đã ký tham gia nhiều công ước quốc tế. Có những cam kết chúng ta thực hiện không quá khó khăn, thậm chí còn về đích trước thời hạn như vấn đề xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên đối với vấn đề quyền lao động lại không hề đơn giản như vậy. Bởi lẽ, mức “lương đủ sống” cho hàng chục triệu lao động là vấn đề liên quan trực tiếp đến quá trình phát triển, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, đến vấn đề cân đối thu chi ngân sách, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản trị doanh nghiệp, sự chia sẻ về lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, giữa chính sách vĩ mô và lợi ích nhóm,...
Nếu doanh nghiệp, đơn vị nào đảm bảo được mức “lương đủ sống” cho người lao động trong điều kiện của nước ta cũng như nền kinh tế toàn cầu hiện nay thì đấy là điều rất đáng phấn khởi, chứng tỏ năng lực quản trị doanh nghiệp cũng như sự chia sẻ lợi ích của các bên.
Tuy nhiên trên thực tế, thời gian từ cuối 2008 đến nay tình trạng đình công, biểu tình đã diễn ra tương đối phổ biến ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, tình trạng lãn công, ăn cắp giờ ở nhiều đơn vị, các cơ quan ban ngành diễn ra khá phổ biến đều có nguyên nhân lương không đủ sống ở mức tối thiểu. Nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến đời sống của người lao động như lương trả chỉ đạt mức quy định tối thiểu của Chính phủ, nhưng lại khoác vào những đồng lương ấy thêm nhiều loại phí vô lý, rồi nợ lương, nợ tiền tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp,... khiến đời sống người lao động đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Do đó, tình trạng sau các dịp nghỉ lễ, tết, nhiều doanh nghiệp lao đao khốn khó tìm kiếm lao động có tay nghề để đảm bảo tiến độ sản xuất, đáp ứng yêu cầu về thời gian và chất lượng sản phẩm cho bạn hàng đang trở nên phổ biến hơn. Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, quay lại ngược đãi công nhân khiến họ không khỏi bức xúc và chán nản.
Đến quyền lao động
Tuy nhiên, ngay quan niệm thế nào là mức “lương đủ sống” cũng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều. Có người cho rằng “lương đủ sống” là phải đảm bảo cho người lao động có mức sống tương đối về nhu cầu ăn, ở, đi lại, chăm sóc con cái, cha mẹ,...nhằm đảm bảo khả năng tái sản xuất sức lao động. Thế nhưng ngay cả ở những nhu cầu ấy ở mỗi người và gia đình thuộc những vùng miền khác nhau cũng không đồng đều. Chẳng hạn như ở khu vực các đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất mức “lương đủ sống” khác xa so với khu vực nông thôn và miền núi.
Vấn đề mức “lương đủ sống” trong tương quan với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, vùng miền, lạm phát. Theo Oxfam, Việt Nam đang trải qua thời kỳ lạm phát cao, trung bình cho giai đoạn 2007- 2012 là 13,05%, nên sẽ là rất khó khi chúng ta chỉ nhằm cải thiện mức sống của người lao động bằng lương, mà tạo sức ép lên chỉ số lạm phát, mất cân đối thu chi ngân sách.
Có ý kiến cho rằng “lương đủ sống” phụ thuộc vào tăng năng suất lao động của từng doanh nghiệp, đơn vị. Tức là năng suất lao động tăng thì lương ắt sẽ tăng và ngược lại. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: “Tiền lương của người lao động phải được trả gắn với năng suất lao động. Chúng ta phải thực hiện cơ chế chia sẻ từ lợi nhuận. Lương sẽ tăng khi năng suất lao động tăng và ngược lại. Phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động”.
Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái” khi mà các ông chủ doanh nghiệp, người đứng đầu đơn vị không muốn chia sẻ lợi ích với người lao động.
Thực ra, mức “lương đủ sống” chỉ một bộ phận cấu thành quyền lao động mà Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) của Liên Hợp quốc (LHQ) đưa ra. Còn quyền lao động là một trong những quyền cơ bản của con người như quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do đi lại và cư trú, quyền được học hành,...theo Công ước nhân quyền của LHQ mà Việt Nam đã ký cam kết tham gia.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thì “Việt Nam sẽ lưu ý đến cơ sở xác định mức lương tối thiểu và lương đủ sống để đưa ra một căn cứ nhất quán xác định mức chi trả của người sử dụng lao động có đảm bảo đời sống của người lao động”.
Vẫn biết rằng quyền lao động đã được LHQ quy định khá chặt chẽ bằng công ước quốc tế, nhưng đấy lại không phải là một văn bản pháp lý của tất cả các quốc gia thành viên của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Mặt khác, công ước mới chỉ trên giấy, còn việc thực thi nó trong thực tế lại còn một khoảng cách khá xa. Quyền lao động gắn với quyền con người được chia đều cho tất thảy mọi người, nhưng năng lực thực thi quyền ấy lại phụ thuộc chủ yếu vào người lao động và người sử dụng lao động.
 Viên An - Bản tin số 266 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC