Văn hóa  Văn học 03:13:38 Ngày 24/04/2024 GMT+7
Nhật ký của một nhà thơ anh hùng
Để tri ân và lưu giữ những kỉ vật tinh thần vô giá của các liệt sĩ vốn là cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, đã xuất bản cuốn Còn lại với thời gian. Trong danh sách tiểu sử và các trang văn liệt sĩ, bên cạnh các tên tuổi: Nhà văn, Anh hùng LLVT – Liệt sĩ Chu Cẩm Phong, Nhà báo – Liệt sĩ Hồng Tân (người hi sinh bên cạnh Lê Anh Xuân), Nhà thơ – Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định, Nhà thơ – Liệt sĩ Vũ Dũng … tên tuổi Lê Anh Xuân đã khai trang, sáng lên với tư cách một nhà giáo – nhà thơ chiến trận.
Ngày 18 tháng 5 năm 2011, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã tổ chức cuộc toạ đàm về cuộc đời và sự nghiệp Lê Anh Xuân. Tại diễn đàn văn hoá và thi ca này, cán bộ và sinh viên Nhà trường rất xúc động và phấn khởi khi biết tin Thành uỷ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố xây dựng hồ sơ để đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Liệt sĩ Lê Anh Xuân.
Cũng chính từ cuộc toạ đàm này, những trang nhật kí của Lê Anh Xuân, qua giọng đọc của nhà giáo, NSUT Ca Lê Hồng (người chị gái của Liệt sĩ) đã khiến mọi người trong hội trường vô cùng xúc động. Các cán bộ khoa học, cán bộ giảng dạy, sinh viên và Lãnh đạo nhà trường ý thức ngay rằng, Nhật kí Lê Anh Xuân là một kỉ vật vô giá. Công việc được khẩn trương triển khai. Nhờ những nỗ lực sưu tầm, tìm kiếm, liên lạc của Hội Cựu chiến binh, của Ban Giám hiệu Nhà trường, nhờ sự hợp tác giúp đỡ của gia đình Liệt sĩ, của Bảo tàng tỉnh Bến Tre, bản thảo Nhật kí Lê Anh Xuân đã được tập hợp. Việc xuất bản Nhật kí là đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi chung của nhiều cơ quan văn hoá, khoa học, các tổ chức chính quyền địa phương và độc giả yêu thơ cả nước.
Nhà xuất bản Văn hoá – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tình nguyện xuất bản cuốn nhật kí này. Ngoài mục tiêu giới thiệu một di sản văn hoá – tư tưởng, đối với Nhà xuất bản, cuốn sách còn có ý nghĩa như một sự tri ân đồng nghiệp. Tạp chí Văn nghệ Giải phóng, nơi nhà thơ Lê Anh Xuân làm việc, chính là tổ chức văn hoá tiền thân của Nhà xuất bản Văn hoá – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.
Trong nguyên bản Nhật kí còn rất nhiều quãng thời gian bỏ trống (có thể do cuộc chiến đấu căng thẳng mà việc ghi nhật kí bị gián đoạn hoặc cũng có thể những khoảng thời gian này được ghi ở những cuốn sổ khác?). Bên cạnh đó, còn khá nhiều câu chữ tác giả viết theo kiểu kí hiệu, không thể giải mã. Khi ghi nhật kí, tác giả không thể biết những chuyện riêng tư, “độc thoại” của mình lại có ngày thành chuyện chung cho triệu người cùng biết. Tuân thủ quy luật đặc thù của thể loại nhật kí và tôn trọng tính chân thực của nguyên tác, chúng tôi đề nghị Nhà xuất bản giữ nguyên nội dung hiện trạng.
Nhân dịp Nhật kí Lê Anh Xuân ra mắt bạn đọc, Trường ĐHKHXH&NV xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Văn hoá văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh vì sự thịnh tình hợp tác, chân thành cảm ơn gia đình liệt sĩ đã hết sức giúp đỡ, cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ thông tin và các tư liệu lịch sử của các nhà văn: Anh Đức, Lê Văn Thảo, Viễn Phương, Từ Sơn, Lê Quang Trang, đặc biệt là các cán bộ Bảo tàng Bến Tre – tỉnh Bến Tre trong quá trình biên tập cuốn sách này.
Nhân dịp xuất bản cuốn nhật kí, chúng tôi thiết tha mong mỏi tiếp tục được nhận về phòng Truyền thống Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN (336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) các kỉ vật, ảnh lưu niệm, các trang văn di cảo của Liệt sĩ Lê Anh Xuân có thể còn đang được lưu giữ rải rác trong sổ tay các nhà văn, nhà báo và các đồng chí, đồng nghiệp cùng công tác, chiến đấu với Liệt sĩ năm xưa.
Trong khi chờ đợi cơ hội sẽ được bổ sung thêm những tư liệu và những trang nhật kí mới, Trường ĐHKHXH&NV xin trân trọng giới thiệu Nhật kí Lê Anh Xuân với các cán bộ, sinh viên ĐHQGHN và bạn đọc gần xa.
 Vũ Thanh Tùng - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC