Văn hóa  Văn học 08:57:16 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Dương Thuấn từ bản Hon ra Trường Sa
“Mỗi người Việt Nam nên ra Trường Sa ít nhất một lần. Khi tận mắt thấy biển trời, hải đảo, thấy sự thiêng liêng của từng tấc đất, thêm thấu hiểu Tổ quốc mình…”. Nhà thơ Dương Thuấn vẫn từng tâm sự với bạn bè như vậy mỗi khi nhắc đến Trường Sa. Đã hơn 25 năm kể từ ngày anh ra Trường Sa (1986), nhưng hình ảnh về người lính đảo, về tinh thần và sự sống nơi đây luôn hiển hiện trong trái tim nhà thơ.
>>>> Bản tin số 261 (pdf)
>>>> Dương Thuấn từ bản Hon ra Trường Sa (pdf)
Ám ảnh từ trường ca “Khảm hải”
 Được sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Việt Bắc nơi đồi núi và đất trời hào phóng, giao hòa huyện Ba Bể (Bắc Kạn), bằng lời ru của mẹ hát lúc lên nương, lời ngâm “Khảm Hải” của những ông then, bà then hát khi trăng sáng trở thành ngọn nguồn khơi dậy hồn thơ Dương Thuấn một khát vọng vượt biển. Thơ Dương Thuấn thấm đượm màu sắc dân tộc, hướng về bản Hon, về sông Năng, hồ Ba Bể với những kỉ niệm ngọt ngào, thơ mộng và đầy ắp yêu thương. Bởi thế mà hồn văn hóa dân tộc Tày luôn âm ỉ cháy, như dòng máu nóng đầy nhiệt huyết trong anh.
Trường ca “Khảm hải” có nghĩa vượt biển, là một bài hát cổ nói về thân phận những người nghèo, phải chèo thuyền vượt thác trên biển cả, đưa các quan tới bến bờ bình an và dâng những sản vật quý báu lên vua chúa... Từ nhỏ, tiếng hát then của bà, của mẹ, đã làm rung động tâm hồn anh. Lớn lên, trong suy nghĩ của Dương Thuấn thôi thúc một câu hỏi, từ đâu mà những người miền núi lại tìm cách vượt biển? Người ta muốn tìm cái gì sau những chuyến vượt biển đầy bất trắc, nguy hiểm đó? Phải chăng đó là minh triết của văn hoá Tày, chỉ ra con đường lớn để đến với giàu sang và hạnh phúc. Đây cũng là nền móng, thúc đẩy nhà thơ sau này vượt biển ra Trường Sa. Nhà văn Nguyễn Khoa Điềm đã nhận xét: “Dương Thuấn đã đi từ bậc thang ngôi nhà sàn của tổ phụ anh ở Bản Hon, mang khát vọng Vượt biển của dân tộc anh đến với thế giới rộng lớn, mới mẻ và đầy biến động hôm nay để xứng đáng hơn với thời gian và lịch sử”.
Đặc trưng trong thơ Dương Thuấn là ngập tràn chất miền núi, dù ở những cung bậc cảm xúc khác nhau, Dương Thuấn luôn có cách biểu đạt riêng của anh. Đọc thơ Dương Thuấn, người ta hiểu sâu hơn về một cõi miền văn hóa trong đời sống người Tày. Những câu thơ réo rắt, ngân lên như bản nhạc rộn ràng mà da diết, mộc mạc mà sâu lắng, tự hào về quê hương xứ sở. Dương Thuấn sáng tác bằng cả tiếng Tày và tiếng Kinh, nhưng khi viết bằng chính tiếng mẹ đẻ (tiếng Tày) vẫn khiến thi cảm nhà thơ thăng hoa hơn cả. Nhờ thông thạo ngoại ngữ, Dương Thuấn cũng đã đem văn hóa Tày đi giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Đến Trường Sa thân yêu
Trên chuyến tàu năm 1986, nhà thơ Dương Thuấn cùng đoàn công tác vượt biển ra Trường Sa. Bước chân đầu tiên là trên đảo Đá Đông, sau đó tới Trường Sa lớn và nhiều hòn đảo khác. Dưới cái nắng như đổ lửa, những đợt gió biển như muốn giật tung mọi thứ trên đảo nổi, đảo chìm để hất xuống biển, nhưng Dương Thuấn vẫn nhìn thấy những tán bàng vuông tươi xanh kỳ diệu. Màu xanh vạm vỡ kia thể hiện sức bền bỉ của cỏ cây và ý chí, nghị lực, sự kiên trì của con người.
Quan trọng nhất là sức sống được toát ra trong bước đi, dáng đứng, giọng nói, câu hát, tiếng cười của những người lính đảo. Giữa trùng khơi với muôn vàn bất trắc nhưng người lính hải quân vẫn thanh thản, tự tin, hài hước. Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, kỉ niệm thiêng liêng ngày đó luôn dào dạt trong tâm hồn nhà thơ. Một đêm, anh và một số người bạn trốn lên đảo ngủ cùng với lính (qui định ở đây khách không được ngủ cùng lính). Lần đầu tiên gặp nhau mà như đã quen từ lâu rồi, họ ngồi tâm tình bên nhau, kể cho nhau nghe về những vui buồn của người lính đảo. Nhà thơ Dương Thuấn tâm sự: “Đến với Trường Sa con người ta như bỏ qua những lo toan thường nhật, không khí trên tàu lúc nào cũng vui tươi, thân ái. Có anh lính ngồi tỉ mỉ, mài giũa viên đá thành hình trái tim nói sau này mang về đất liền tặng bạn gái. Vui nhất là những chàng lính trẻ, bị các anh lính cũ sai đi đào củ rau muống biển, rồi thì lột vảy cá bò…” Tất cả chỉ còn lại nỗi nhớ và niềm yêu thương quay quắt.
Trường Sa với bao điều mới mẻ đã trở thành nguồn thi cảm rung ngân trong tâm hồn nhà thơ. Thiên nhiên và con người ngoài biển khơi sương gió và nhân hậu đã “tiếp lửa” cho Dương Thuấn để khi về đất liền anh sáng tác liên tục hai tập thơ 17 khúc đảo ca và Lính Trường Sa thích đùa. Hình ảnh xuyên suốt hai tập thơ chủ yếu là các anh bộ đội, họ đã sống những năm tháng đầy ý nghĩa để giữ gìn biển đảo quê hương. Là nhà thơ của núi rừng Việt Bắc, song anh đã rất thành công khi viết về biển, tất nhiên không phải ai cũng làm được điều đó. Đây chính là sự đồng cảm, tri âm hay một sợi dây vô hình nào đã gắn kết Dương Thuấn với Trường Sa.
Từ Bản Hon ra Trường Sa, viết về biển đảo, rồi lại về với núi rừng, hành trình của Dương Thuấn là những cuộc đi đi về về giữa hai miền đất nước cả trong đời sống và tâm thức. Tuy đã nhiều năm sống và làm việc ở Hà Nội, nhưng trong anh vẫn là người con của dân tộc Tày thứ thiệt. Đã ngoài 50 tuổi, nhưng hồn thơ Dương Thuấn vẫn vạm vỡ, anh vẫn đang “cầm dao tự phát lối cho mình”, để khẳng định giá trị cũng là để tri ân với quê hương xứ sở. Anh vẫn thường xuyên trở về để được thong dong giữa trong xanh Ba Bể, được soi bóng mình dưới nước sông Năng.
 Mai Anh - Bản tin số 261 - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC