Văn hóa  Văn học 05:04:48 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Thơ trẻ và sự điềm đạm cần thiết
Đến hẹn lại lên, rằm tháng Giêng năm nay (tức ngày 9/2/2009), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lại diễn ra Ngày thơ Việt Nam lần thứ VII.

Khác với không khí nghiêm cẩn, trang trọng của sân thơ chính (sân Thái Miếu), ở sân Thái Học là không gian của thơ trẻ vẫn được rất nhiều người yêu thơ náo nức chờ đợi.

Chủ đề được Sân thơ Trẻ lựa 2009 là Thơ 360o, nhằm thể hiện những sự chuyển động trong thơ trẻ cũng như những mong muốn tìm tòi đổi mới ở các tác giả trẻ hiện nay. Không đình đám như các màn trình diễn thơ nhạc kết hợp năm ngoái, Sân thơ Trẻ năm nay mang đến một không khí khác lạ. Các nhà thơ trẻ năm ngoái còn múa may đàn hát, năm nay đã lui vào hậu trường để nhường đất diễn cho đàn em của họ. Các tác giả lần đầu lên sân khấu thơ đã không phụ lòng mong đợi của công chúng yêu thơ bởi sức trẻ và sáng tạo của họ. Trẻ và sáng tạo cũng chính là thiên tính của thơ. Những chủ nhân của Sân thơ Trẻ năm nay đến từ nhiều miền quê khác nhau: Lữ Thị Mai, sinh năm 1988, tác giả trẻ tuổi nhất, hiện là sinh viên năm thứ hai của Khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình Văn học (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội); Lệ Bình Quan, sinh năm 1983, vừa bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ văn học, giải nhất cuộc thi thơ online do thotre.com tổ chức; Điệp Giang, sinh năm 1981, một tác giả trẻ năng động, người luôn tạo ra nhiều ý tưởng trong công việc, từng làm Thư ký tòa soạn của Tạp chí ChipM; Nguyễn Quang Hưng, sinh năm 1980, hiện đang công tác tại báo Nông thôn Ngày nay; Nguyễn Anh Vũ, sinh năm 1979, là tác giả của nhiều truyện ngắn gây chú ý như Ngủ giữa hoa sen, Bến chờ xe buýt… anh còn được biết đến với tư cách là một họa sĩ thiết kế bìa sách ấn tượng với tên Vũ Quân; Thụy Anh, sinh năm 1974, đã có hơn 10 năm sống tại Nga, năm 2008 chị quyết định trở về Việt Nam sinh sống; Nguyễn Phan Quế Mai, sinh năm 1973, hiện đang làm cho một tổ chức phi chính phủ, tác giả tập thơ Trái Cấm; Huyền Minh, sinh năm 1969, Thư ký tòa soạn của Tạp chí Văn nghệ Hà Giang.

Chỉ có 8 người viết trẻ đăng đàn trên sân khấu, nhưng hàng chục tác giả trẻ khác cũng có mặt trên các poster giới thiệu chân dung và tuyên ngôn thơ. Trang Thanh, giải Lá trầu 2008, nay đằm thắm bằng một chân dung bên cửa thiền và bài thơ mang tên mình: “Tôi. Mặt dài, da nâu, trán dô mũi gẫy. Mắt thẳm, đêm sầu mất ngủ”. Sự xuất hiện theo cách đặc biệt này khiến công chúng tây ta thích thú, nên các tấm poster luôn được lấy làm phông chụp ảnh lưu niệm.

Không xuất hiện một cách đơn lẻ để đọc thơ của mình, các tác giả kết hợp thành nhóm để đọc thơ với nhau theo lối tương tác. Bằng cách thức này, các nhà thơ vừa được sống trong không gian thơ riêng của mình, đồng thời lại có cơ hội khám phá không gian thơ của những bạn thơ khác. Trong không gian thơ đặc biệt ấy, các tác giả đã có cơ hội để bộc lộ cá tính sáng tạo của mình, vừa góp phần tôn vinh những bạn thơ khác. Bản chất và đồng thời cũng là đòi hỏi khắc nghiệt của văn chương chính là ở đây: Đó là bản lĩnh và cá tính sáng tạo để không bị mờ nhòe trong một đám đông.

Sự phối hợp ăn ý giữa họ, với một không gian thơ mở ra theo chủ đề của ba mùa: Mùa gieo vần, Mùa sống và yêu, Mùa chữ - các bài thơ được dẫn dắt theo hình thức kể chuyện đã gây hấp dẫn cho người nghe. Theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà, sân thơ trẻ năm nay mang cái tên đặc biệt “360 độ” bởi tính chất đa dạng và phong phú của đời sống thi ca trong thời đại công nghệ. Nhận xét bên hành lang, nhà thơ Đỗ Bạch Mai cho rằng Ngày thơ Việt Nam 2009 là một nỗ lực đáng ghi nhận trong điều kiện đời sống kinh tế đang khó khăn. Sự thay đổi trong kịch bản và cách tổ chức đã cho bộ mặt của ngày thơ luôn mới trong công chúng.

Theo dõi sân thơ trẻ vài năm trở lại đây, công chúng nhiều người vẫn còn ấn tượng với những màn trình diễn gây sốc như màn đọc thơ của Nguyễn Thúy Hằng đầu trọc (2007), màn quấn giấy vệ sinh quanh người của Dương Tường (2008) nên đến với Sân thơ Trẻ 2009, đã có người đến trong tâm lý: xem có trò quậy phá gì mới. Thế nhưng sự xuất hiện một cách điềm đạm, chững chạc của các tác giả, với những bài thơ giàu suy tư chiêm nghiệm đã khiến không ít người phải bất ngờ. Người thì thất vọng vì không có trò vui gì xem, nhưng cũng nhiều người đã nhìn ra một điều: những ồn ào quậy phá thực ra không phải là bản chất đích thực của văn chương. Để đi dài với văn chương, người viết rất vần một thái độ nghiêm túc và quyết liệt, một sự điềm đạm cần thiết cho thơ, để thơ luôn trẻ và sáng tạo.

 Khúc Hồng Thiện - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 216, 2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC