02:49:40 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Người đàn bà và “dòng xoáy” cuộc đời
Đã hơn hai mươi năm, tính từ thời điểm Báo Nhân Dân số ra ngày 10/9/1989 đăng lá thư của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cùng bài báo: “Một nhà văn, một cuốn tiểu thuyết về ngành Giáo dục: Trần Thị Nhật Tân với “Dòng xoáy” của tác giả Lê Chi. Cuốn tiểu thuyết chống tiêu cực trong ngành giáo dục ấy đã từng gây xôn xao dư luận, để lại những dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của nữ nhà văn đất Thành Nam.
Sống vỉa hè, viết tiểu thuyết
Ròng rã từ năm 1985 đến 1994, khi tiểu thuyết “Dòng xoáy” được ấp ủ, chăm chút thì tác giả của nó – nhà văn Trần Thị Nhật Tân phải sống ở vỉa hè giữa phường trộm cắp, nghiện hút. Ngày thì làm việc cật lực từ sáng đến tối bằng đủ thứ nghề từ kéo xe cải tiến, móc cống, rửa bát cho quán phở…để có cái ăn, đêm về lại làm thơ, viết truyện. Sau một thời gian dài chật vật mưu sinh viết lách, tiểu thuyết “Dòng xoáy” được chỉnh lại cũng là khi bà đã nghĩ ra cách là nấu phở bán để kiếm tiền in cuốn sách. Chưa đầy một năm thuê cửa hàng bán phở, Nhật Tân đã kiếm được số tiền đủ để in tiểu thuyết. Thực hiện được ước mơ xuất bản, bà trả cửa hàng, lại ra ở vỉa hè để viết “Dòng xoáy” tập 2. Bà bảo, bán phở kiếm được tiền đấy, nhưng phải hy sinh, vì dính đến tiền và mê tiền là không viết được tiểu thuyết nữa. Là người ham viết và ham đi, năm 1988, Trần Thị Nhật Tân muốn đi thực tế để sáng tác nhưng không có tiền. Vay tiền không ai cho, cuối cùng ông đỗ đình Thọ là cán bộ của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh lúc bấy giờ cho vay 100 cuốn tuyển tập thơ Nguyễn Bính và nói: “Tôi cho bà vay 100 cuốn này, bà đi bán dọc đường và lấy số tiền đó làm lộ phí”. Không chần chừ, Nhật Tân nhận tuyển tập thơ và lên đường. Nhưng dạo đó, tuyển thơ in bằng giấy vỏ bao xi măng, không ai mua. Vào đến Vũng Tàu mà không biết phải tiếp tục đi như thế nào vì không còn tiền ăn, tiền tàu xe. Cũng từ đây, Nhật Tân đã gặp may mắn hết lần này đến lần khác vì nhiều người đã biết tiếng qua trên báo chí. Hơn một tháng trời ở Côn đảo và đảo Bạch Hổ, Nhật Tân sống nhờ vào sự cưu mang của bộ đội và những người mến mộ thơ bà. Trong suốt hành trình đó, Nhật Tân say sưa nói chuyện và đọc thơ về Nguyễn Bính cho bộ đội nghe và tặng hết 100 cuốn tuyển thơ vay được. Sau đó trở về vỉa hè, Nhật Tân viết cảm xúc hơn, nhiều vốn sống và triết lý hơn.
Độc giả “đặc biệt” của Dòng xoáy
Năm 1976, Trần Thị Nhật Tân cùng nhà thơ Phan Cung Việt đi bộ từ tòa soạn Báo Tiền Phong tới ngõ Văn Chương gặp nhà văn Sơn Tùng nhờ ông góp ý cho tiểu thuyết “Dòng xoáy”. Khi ấy đã 9 giờ tối. Vì sức khỏe yếu nên nhà văn đã đề nghị bà đọc cho ông nghe. Bà đọc một mạch tiểu thuyết dày gần 300 trang cho nhà văn Sơn Tùng nghe. Ông động viên: “Em đừng nản, Dòng xoáy không in được thế kỉ này thì sang thế kỉ sau”.
Trong lá thư gửi Trần Thị Nhật Tân năm 1989, Cố Tổng Bí thư đã viết: “Dù bận việc và bị ngắt quãng, tôi đã đọc một lèo hết cuốn Dòng xoáy. Dòng xoáy đã thu hút tôi, lôi cuốn tôi bằng lời văn, nhất là bằng nội dung đầy tính thời sự của nó, mặc dù thời điểm của Dòng xoáy mô tả là lúc kháng chiến chống Mỹ”. Khi chúng tôi đến thăm bà, chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày giỗ Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trần Thị Nhật Tân luôn tâm niệm, mình chịu ơn của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Sau khi cố Tổng Bí thư mất, bà lập bàn thờ hương khói tưởng nhớ, hàng năm, bà làm giỗ “người cha tinh thần”.
Một lần về Nam định công tác, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhắc đến tiểu thuyết “Dòng xoáy” của nhà văn Trần Thị Nhật Tân và hỏi thăm đời sống của tác giả. Khi đó, bà đang thực tế ở Vũng Tàu. đai tướng có nhắn lại muốn mời tác giả lên gặp mặt và nói chuyện. Cuối tháng 4 năm 1993, Trần Thị Nhật Tân lên Hà Nội gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi ấy đại tướng đang dự một cuộc họp nhưng khi biết Trần Thị Nhật Tân lên thăm đã thu xếp thời gian gặp gỡ. đại tướng có khuyên: “Nhà văn nên mở rộng đề tài khác. Không nên chỉ viết một đề tài về giáo dục; nên viết về đề tài chiến tranh cách mạng”. đại tướng nói: “Tôi tin là nhà văn viết được”. đại tướng giới thiệu bà sang Hội Cựu chiến binh Việt Nam để lấy tư liệu. Khi ấy, Trần Thị Nhật Tân băn khoăn liền hỏi nhà văn Sơn Tùng, ông bảo: “Cháu cứ sang đó, bác Giáp đã giới thiệu thì chắc bác đã có cách.” Quả nhiên, hôm sau, bà sang thì mọi người lãnh đạo trong Hội Cựu chiến binh Việt Nam đón tiếp rất niềm nở. Tại đây, bà đã sưu tầm những câu chuyện kể về cuộc đời của các cựu chiến binh qua thư từ và trò chuyện trực tiếp để viết nên tiểu thuyết “Chân trời” xuất bản năm 2005. Có thời điểm, bà nhận được hàng trăm bức thư của các cực chiến binh khắp mọi miền Tổ quốc gửi tới. Hiện nay, bà vẫn tiếp tục nung nấu ý tưởng để viết về đề tài chiến tranh cách mạng.
Vẫn cô đơn trong ngôi nhà của mình
Nhiều người vẫn quen gọi bà là kiếp “hồng nhan bạc phận”. Nhìn lại những bức ảnh chân dung thời con gái của nhà văn Trần Thị Nhật Tân với khuôn mặt thanh tú, sáng trong ít ai ngờ được rồi chính nhan sắc ấy sau này lại phải đối mặt với biết bao oan trái, truân chuyên. Theo lời kể của bà: “Từ năm 1970, Công đoàn nhà trường có giới thiệu một cán bộ cho tôi, chúng tôi ưng nhau và đi đăng ký. Nhưng ông này đã lấy tảo hôn một người vợ ở quê. Chuẩn bị đến ngày tổ chức, cô vợ ở quê ra gặp, cô ấy xin tôi. Tôi không nỡ nhìn thấy cô gái trẻ ấy khóc, đành nhường. Người thứ hai là bộ đội xuất ngũ ở Nam định. Chúng tôi đã đặt cơm hàng rồi, nhưng ngày cưới không thấy chú rể đâu. Bà mẹ chồng từ quê lên nói: Tao bán nó rồi. Mày có tiền thì lấy được nó. Tôi không có tiền, cuối cùng đám cưới không thành. Người ta bảo tôi đẹp, tử tế mà bạc phận”. Bây giờ, người đàn bà ấy đã chớm sang tuổi “mắt mờ chân chậm” sống cô đơn trong ngôi nhà.
Khi “Dòng xoáy” tái bản lần thứ 6, Trần Thị Nhật Tân nhận được dăm triệu đồng tiền nhuận bút nhưng rồi bà cũng chia sẻ cho bạn bè trong giới văn chương báo chí vì thiết nghĩ, vào những năm 1989 mình đã bỏ ra cả trăm triệu để in “Dòng xoáy” bị nhắc nhở, khiển trách thì nay được dăm triệu cũng không dám nhận. Cuối năm 2010, 55 nông dân ở phường Dương Nội, Quận Hà đông (Hà Nội), bạn đọc của “Dòng xoáy” đã đến thăm nhà văn Trần Thị Nhật Tân.
Những kí ức tuổi thơ trong “Dòng xoáy” chính là cuộc đời của bà. Hưởng lương hưu hai triệu đồng mỗi tháng. Nhà có mảnh vườn nhỏ, bà đã tận dụng trồng rau, hàng ngày mang ra chợ bán trang trải đời sống. Ngoài thời gian viết văn, Trần Thị Nhật Tân còn tổ chức dạy văn cho các cháu học sinh nghèo. “Cả cuộc đời tôi lao động cực nhọc mới có cơ ngơi này. Là người cầm bút, tôi thấu hiểu nồi cơ cực của nhà văn chân chính. Bởi vậy, tôi chỉ có một nguyện vọng là: Sau khi tôi qua đời, tôi để ngôi nhà làm từ thiện cho các nhà văn nghèo khổ….Khi nào trong nước có nhà văn viết đấu tranh cho xã hội công bằng, văn minh, vì dân, vì nước mà bị vùi dập, khốn khổ thì về nhà tôi ở cho qua cơn hoạn nạn. Tôi tin rằng nhà văn ấy tiếp tục sáng tác phục vụ nhân dân.” Bản di chúc ấy được viết, khi bà vừa trải qua cơn tai biến ở tuổi 49. Gặp lại bà sau nhiều năm, vẫn thấy trong ngôi nhà trống trải chỉ thấy một con chó suốt ngày quấn lấy chủ. Nhiều khi, đang nói chuyện với người đối diện, nhà văn Trần Thị Nhật Tân lại quay sang vuốt ve, nói chuyện với con chó như một người bạn.
 
 Đoàn Lữ - Bản tin ĐHQGHN số 246 tháng 8/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC