Video 17:05:38 Ngày 19/04/2024 GMT+7
9 lí do cho công bố quốc tế
Gần đây có ý kiến cho rằng không nên bàn về công bố quốc tế mà nên cải cách lương bổng và hệ thống đánh giá nghiên cứu khoa học. Thật ra, công bố kết quả các công trình nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế (gọi tắt là “công bố quốc tế”) chỉ là một trong những bước cần thiết trong cách đánh giá nghiên cứu khoa học, cho nên không nên lẫn lộn hai khía cạnh có liên quan mật thiết này. Ở đây, người viết bài này trình bày 9 lí do tại sao cần phải công bố quốc tế. Thật ra, còn nhiều lí do khác, nhưng 9 lí do này được xem là quan trọng nhất trong bối cảnh khoa học hiện nay ở nước ta.

Nghĩa vụ và đạo đức

Bài báo khoa học là bước cuối cùng trong qui trình nghiên cứu khoa học. Nó là thành quả của nhiều năm tháng miệt mài suy nghĩ, làm thí nghiệm, thu thập dữ liệu, phân tích và thảo luận cùng đồng nghiệp. Trong nhiều trường hợp, ngân quĩ nghiên cứu được Nhà nước cung cấp, hay nói chính xác hơn là tiền của người dân đóng góp. Do đó, công chúng có quyền đòi hỏi nhà nghiên cứu phải công bố kết quả nghiên cứu một cách minh bạch và thành thật, chứ không phải là những tài liệu được xếp trong tủ sách mà rất ít người có thể tiếp cận. Bổn phận của nhà nghiên cứu, do đó, phải báo cáo cho công chúng biết họ đã làm ra sao và phát hiện gì.

Đối với các nghiên cứu y khoa, đại đa số nghiên cứu đều dựa vào sự tình nguyện của bệnh nhân, với một số thủ thuật nghiên cứu có thể mang tính xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân. Nếu những nghiên cứu như thế mà kết quả không được công bố một cách minh bạch thì có thể nói rằng nhà nghiên cứu đã vi phạm y đức.

Đóng góp vào tri thức quốc tế

Ai cũng biết rằng tri thức con người được tích lũy theo thời gian, với sự đóng góp của nhiều người từ nhiêu quốc gia. Trong quá khứ, phần lớn tri thức khoa học xuất phát từ các nước phương Tây, nơi mà văn hóa khoa học (kể cả văn hóa công bố ấn phẩm khoa học) đã được hình thành tốt. Nhưng ở các nước châu Á, tri thức khoa học thường không được công bố mà chỉ giới hạn trong gia tộc hay theo nhà khoa học xuống mồ!

Bài báo khoa học là một sản phẩm tri thức. Những tri thức mang tính thực tế có thể đem lại phúc lợi cho xã hội. Do đó, công bố quốc tế không chỉ là một hình thức làm chủ kiến thức cho nước nhà, mà còn đóng góp vào kho tàng tri thức của con người.

Phúc lợi xã hội

Tất cả nghiên cứu dù ứng dụng hay cơ bản đều nhằm đem lại phúc lợi cho xã hội. Nói cách khác, việc công bố quốc tế không phân biệt nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng, và cũng không phân biệt nghiên cứu có kết quả “dương tính” hay “âm tính”. Đối với y sinh học, dù kết quả nghiên cứu thế nào thì việc công bố quốc tế cũng là một việc lam tất yếu.

Chứng từ khoa học

Tháng 3 năm 2005, trong phiên tòa xét xử đơn kiện của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (kiện các công ti hóa chất Mĩ), thẩm phán Jack Weinstein phán quyết rằng phía nguyên đơn không cung cấp được những bằng chứng khoa học để làm cơ sở cho đơn kiện, còn những “bằng chứng” mà phía nguyên đơn cung cấp chỉ được xem là “chuyện tào lao”.

Trong một bài báo khoa học mà tôi và đồng nghiệp sắp công bố, chúng tôi có bàn về hiệu quả của chính sách y tế công cộng ở Việt Nam liên quan đến một bệnh truyền nhiễm, nhưng một chuyên gia bình duyệt phê bình rằng lời nhận xét đó thiếu bằng chứng khoa học và yêu cầu chúng tôi cho xem một bài báo khoa học để làm cơ sở cho nhận xét đó.

Công bố quốc tế có thể hiểu như là một chứng từ khoa học, chứ không phải là một việc làm của giới khoa học “elite”. Thật vậy, bài báo khoa học là một chứng từ khoa học, là tài sản tri thức của một quốc gia. Bởi vì tính chứng từ của bài báo khoa học, công bố quốc tế không phân biệt nước nghèo hay giàu, và không phân biệt khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng.

Chuẩn mực khách quan

Phần lớn các công trình nghiên cứu ở Việt Nam được kết thúc (hay đánh giá) bằng những buổi lễ khá màu mè gọi là “nghiệm thu” kèm theo báo cáo dài mang tính hành chính hơn là khoa học. Cách làm này rất khác so với cách làm chuẩn của quốc tế. Một chuẩn mực mà cộng đồng khoa học quốc tế và các cơ quan tài trợ cho nghiên cứu đều nhất trí là công trình khoa học phải được đánh giá qua ấn phâm khoa học được công bố trên các tập san khoa học có uy tín, bằng sáng chế, số lượng nghiên cứu đào tạo, và khả năng ứng dụng vào thực tiễn (nếu là công trình nghiên cứu ứng dụng). Cụm từ “tập san khoa học có uy tín” ở đây có nghĩa là những tập san được Viện thông tin khoa học (ISI) công nhận. Ở Việt Nam, tuy có nhiều tập san khoa học, nhưng chưa một tập san nào được ISI công nhận.

Chuẩn mực đánh giá công trình khoa học thiếu tính minh bạch dẫn đến chuẩn mực để xét phong chức danh giáo sư của Việt Nam cũng rất khác với các chuẩn mực quốc tế. Phần lớn những giáo sư ở Việt Nam không có công trình được công bố trên các tập san quốc tế. Nhận thức được vấn đề này và qua nhiều góp ý của các nhà khoa học, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước mới đề ra những qui định mới, nhưng vẫn chưa hợp lí. Chẳng hạn như theo qui định mới, các ứng viên chức danh giáo sư sẽ được tính điểm bằng bài báo khoa học, và bài báo khoa học đặc biệt xuất sắc được đăng trên các tạp chí hàng đầu quốc tế và Việt Nam được nhiều người trích dẫn có điểm tối đa là 2. Nhưng qui định này vô hình trung đánh đồng chất lượng tập san quốc tế và tập san trong nước mà ai cũng biết là chất lượng không cao. Giáo sư Hoàng Tụy từng nhận xét rằng nếu đánh giá cách khách quan, trên 70% giáo sư và phó giáo sư Việt Nam không đạt tiêu chuẩn.

Thử hỏi nếu một giáo sư Việt Nam ra nước ngoài công tác hay hợp tác khoa học mà lí lịch khoa học không có bài báo khoa học nào được công bố trên các tập san khoa học quốc tế thì đối tác sẽ nghĩ gì ? Chắc chắn họ sẽ nghĩ rằng một thành tích như thế còn chưa xứng đáng là một tiến sĩ hay hậu tiến sĩ, và ấn tượng của họ về khoa học Việt Nam chắc cũng không đẹp.

Do đó, công bố quốc tế phải và nên được xem là một chuẩn mực quan trọng để đánh giá thành quả của một công trình nghiên cứu, và là một tiêu chuẩn tối thiểu để xét phong các chức danh giáo sư và phó giáo sư.

Sự nghiệp nhà nghiên cứu

Trong hoạt động khoa học, bài báo khoa học là một đơn vị tiền tệ, một viên gạch để xây dựng sự nghiệp khoa học. Ngay từ lúc xin vào học tiến sĩ, một số nơi đã đòi hỏi thí sinh phải có "kinh nghiệm nghiên cứu" thể hiện qua bài báo khoa học. Khi đã được nhận vào chương trình học tiến sĩ, bài báo khoa học là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để cấp bằng tiến sĩ. Sau khi đã tốt nghiệp tiến sĩ, bài báo khoa học là một tiêu chuẩn có lợi để cạnh tranh trong việc xin học bổng hậu tiến sĩ.

Sau khi xong chương trình hậu tiến sĩ, bài báo khoa học là một tiêu chuẩn số 1 để cạnh tranh vào các chức danh giảng dạy đại học và viện nghiên cứu. Thật ra, ở một số đại học lớn bên Mĩ, người ta có những qui định cụ thể về con số bài báo khoa học và vị trí tác giả như là một tiêu chuẩn để được đề bạt vào các chức danh giáo sư. Ngoài ra, đối với nhà nghiên cứu và giáo sư, bài báo khoa học còn là một tiêu chuẩn quan trọng để xin tài trợ cho nghiên cứu.

Cơ hội hợp tác

Nghiên cứu khoa học nói cho cùng là một lĩnh vực hoạt động xuyên quốc gia. Ngày nay, hợp tác trong nghiên cứu khoa học là một chuẩn mực (norm) chứ không phải là một biệt lệ. Ở nước ta, trong điều kiện thiếu thiết bị và hạn chế về phương pháp, việc hợp tác khoa học là một nhu cầu rất lớn. Chỉ có thể qua hợp tác quốc tế, giới khoa học Việt Nam mới có cơ hội hội nhập và nâng cao kĩ năng nghiên cứu cho mình.

Nhưng hợp tác quốc tế không thể xảy ra một cách ngẫu nhiên hay ngẫu hứng. Bất cứ ai làm khoa học cũng đều biết rằng đồng nghiệp tìm đến với nhau qua những bài báo khoa học trên các diễn đàn khoa học. Các tập san khoa học và hội nghị khoa học quốc tế chính là những diễn đàn lí tưởng để các nhà nghiên cứu gặp nhau và hợp tác làm việc. Do đó, công bố kết quả trên các tập san này là một cách để nâng cao sự hội nhập của khoa học Việt Nam và qua đó củng cố nội lực của giới nghiên cứu Việt Nam.

Hội nhập quốc tế

Trong một thời gian dài, khoa học Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh lịch sử của đất nước, chịu sự cô lập và khép kín. Hệ quả là số lượng công trình khoa học được công bố trên các tập san quốc tế còn cực kì giới hạn. Khoảng 10 năm trước, tập san Science (tập san khoa học số 1 trên thế giới) có một loạt bài điểm qua tình hình hoạt động khoa học ở các nước Đông Nam Á, nhưng họ không hề nhắc đến Việt Nam. Ngay cả hai chữ “Việt Nam” cũng không có mặt trong loạt bài đó. Khi người viết bài này phàn nàn thì họ lịch sự cho biết rằng họ đã xem qua danh mục các bài báo khoa học Việt Nam trên các tập san quốc tế, nhưng thấy không có gì để nói. Họ cho rằng khoa học Việt Nam chưa hội nhập quốc tế.

Chỉ sau khi thời mở cửa và nhất là sau thời gian Mĩ bỏ cấm vận, khoa học Việt Nam mới có dịp hội nhập quốc tế, nhưng tốc độ còn quá chậm. Một trong những lí do mà khoa học nước ta chậm hội nhập là thiếu những chuẩn mực mà cộng đồng khoa học quốc tế công nhận.

Nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt Nam

Số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học là một thước đo quan trọng về khả năng khoa học của một quốc gia. Ở phương Tây người ta thường đếm số lượng bài báo khoa học mà các nhà khoa học công bố trên các tập chí khoa học để đo lường và so sánh hiệu suất khoa học giữa các quốc gia.

Trong thời gian gần đây, đã có nhiều phân tích cho thấy số lượng ấn phẩm khoa học của Việt Nam còn quá thấp kém so với các nước trong vùng. Chẳng hạn như trong thời gian 10 năm 1996 - 2005 số lượng ấn phẩm khoa học của Việt Nam (3456 bài), chỉ bằng 1/5 của Thái Lan, 1/3 của Malaysia , và 1/14 của Singapore. Ngay cả so với Philippines (3901 bài) và Indonesia (4389 bài), số bài báo khoa học từ nước ta vẫn thấp hơn. Tình trạng này vẫn chưa có gì cải tiến trong vài năm gần đây. Trong năm 2008 (tính đến tháng 10), các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố được 910 bài báo khoa học trên 512 tập san khoa học quốc tế (so với 5553 bài của Singapore và 3310 của Thái Lan, hay 2194 bài của Mã Lai).

Có nhiều nguyên nhân cho tình trạng trên, kể cả vấn đề phân phối kinh phí nghiên cứu một cách thích hợp. Không ít các giáo sư hay các "cây đa cây đề" ở Việt Nam còn suy nghĩ rằng nghiên cứu ứng dụng không cần công bố quốc tế, và từ đó việc xét phong giáo sư không dựa vào số lượng ấn phẩm khoa học như là một tiêu chí. Hệ quả của sự sai lệch trong nhận thức và tiêu chí đề bạt là số lượng ấn phẩm khoa học từ Việt Nam còn quá khiêm tốn. Thật vậy, với trên 38.000 giảng viên đại học (trong số này có trên 1100 giáo sư và phó giáo sư, và 5600 tiến sĩ) mà con số ấn phẩm khoa học còn thua cả một quốc gia nhỏ bé như Malaysia ! Nhận thức như thế để thấy rằng việc công bố quốc tế không chỉ đơn thuần là chuyện cá nhân nhà khoa học mà còn là sĩ diện quốc gia.

 GS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 222, 2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC