Đô thị Hòa Lạc 14:53:13 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Xứng đáng với kỳ vọng của Đảng và Nhà nước
Những thành tựu nổi bật đạt được trong năm 2012 là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và phát triển bền vững của ĐHQGHN, là tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam, góp phần thiết thực và hiệu quả vào sự phát triển và hội nhập của đất nước. Năm 2013 sẽ mang đến vận hội mới cho sự phát triển vững chắc của ĐHQGHN khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, trong đó khẳng định địa vị pháp lý của ĐHQGHN. Nhân dịp đầu năm mới, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Mai Trọng Nhuận – Nguyên Giám đốc ĐHQGHN.
Trong năm 2012, ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, xứng tầm của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước. Vậy đâu là những thuận lợi để ĐHQGHN gặt hái được những kết quả như vậy, thưa Giáo sư?
Trước hết phải kể đến đó là chủ trương đổi mới và cải cách giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước theo hướng coi trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Chủ trương này phù hợp với định hướng và thế mạnh phát triển của ĐHQGHN. ĐHQGHN được tự chủ và ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Với lợi thế của đại học đa ngành, đa lĩnh vực nên thuận lợi cho việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương liên thông, liên kết, khai thác hiệu quả các nguồn lực cơ sở vật chất dùng chung trong toàn ĐHQGHN; các hoạt động hợp tác giữa các đơn vị đã ngày càng rõ nét và đi vào nề nếp, các đơn vị đã thấy được lợi ích mang lại từ các hoạt động liên thông, liên kết và cùng khai thác cơ sở vật chất dùng chung.
Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao cho ĐHQGHN thực hiện triển khai các nhiệm vụ lớn như tham gia thực hiện Đề án 165 của Ban tổ chức Trung ương; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng báo cáo và đề xuất phương án sửa đổi Hiến pháp 1992.... Các bộ ngành, địa phương quan tâm, ủng hộ ĐHQGHN trong thực hiện nhiệm vụ, triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến, có tính liên ngành cao và các chương trình, dự án KHCN.
Đặc biệt, địa vị pháp lý của ĐHQGHN lần đầu tiên được khẳng định trong Luật Giáo dục Đại học, được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của ĐHQGHN và củng cố vững chắc niềm tin, sự đồng thuận và hứng khởi cho cán bộ, sinh viên, học sinh có thêm quyết tâm, động lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học.
Bên cạnh đó, vai trò, vị thế của ĐHQGHN được xã hội đánh giá cao, quan hệ hợp tác trong và ngoài nước được mở rộng với các đại học có uy tín hàng đầu thế giới như Đại học Havard, Đại học Chicago, Đại học Oxford,... và với nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Giang, Hà Tĩnh.., nhiều tập đoàn lớn (Viettel, PVN,...). Nhờ đó đã tạo được nhiều cơ hội cho ĐHQGHN thu hút thêm các nguồn lực, trao đổi hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Với những thuận lợi như vậy, Giáo sư đánh giá như thế nào về những kết quả trong công tác đào tạo?
Trong năm qua, công tác đào tạo của ĐHQGHN đã đạt được kết quả nổi bật. Kết quả hoạt động đào tạo đạt trên 90% so với chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch nhiệm vụ năm học, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch như: ổn định quy mô đào tạo đại học chính quy (tuyển sinh 5.500), tăng quy mô đào tạo sau đại học đạt 45% tổng quy mô đào tạo chính quy (tăng 119% so với chỉ tiêu kế hoạch); giảm quy mô đào tạo các ngành có nhu cầu xã hội thấp và đào tạo không chính quy khoảng 10% (Trường ĐHKT đã không tuyển sinh đào tạo không chính quy mà tập trung vào đào tạo chất lượng cao). Tỉ lệ sinh viên/giảng viên đạt 15.
Đào tạo theo tín chỉ đã đạt được bước chuyển tích cực nhờ chuyển sang giai đoạn nâng cao chất lượng đào tạo theo chiều sâu, đó là: đào tạo theo chuẩn đầu ra và tầm nhìn quốc tế. Kết quả là: 100% các chương trình đào tạo đã được điều chỉnh trên 3 nguyên tắc theo chuẩn đầu ra, đảm bảo liên thông và đối chiếu với chương trình đào tạo của một trường tiên tiến trên thế giới; 100% sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp bằng công nghệ thông tin và có kết quả rèn luyện đạt từ khá trở lên; trên 70% sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp; 10% sinh viên tốt nghiệp tiếp tục học tập lên các bậc học cao hơn ngay trong năm.
Cũng trong năm qua, ĐHQGHN đã xây dựng và thẩm định công bố chuẩn đầu ra 100 ngành ở bậc đại học, 119 chuyên ngành thạc sĩ và 113 chuyên ngành đào tạo bậc tiến sĩ. Bên cạnh đó, đã xây dựng được 3 chương trình đào tạo ĐH, 5 chuyên ngành SĐH mới có tính liên ngành, có nhu cầu xã hội cao. Cũng trong năm học này, ĐHQGHN đã có ngân hàng câu hỏi theo phương pháp kiểm tra, đánh giá khách quan cho 13 môn học thuộc khối kiến thức chung.
Nhiệm vụ chiến lược được xem là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Xin Giáo sư cho biết một số kết quả nổi bật?
Năm học 2010-2011, nhiều chỉ tiêu thực hiện Nhiệm vụ chiến lược đã đạt từ 80% đến 100% kế hoạch nhiệm vụ năm học. Các đề án thành phần được điều chỉnh đã đạt được các sản phẩm theo đúng số lượng, chất lượng và thời gian theo kế hoạch; 100% các đề án thành phần thực hiện chi tiêu đúng định mức và đảm bảo tiến độ giải ngân. Trong năm học, ĐHQGHN đã phê duyệt và tổ chức triển khai các đề án thành phần cho 1 ngành và 3 chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, trong năm qua, ĐHQGHN đã tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho 57 sinh viên ngành Khoa học máy tính theo chương trình đào tạo chuẩn của Đại học New South Wales, 37 sinh viên ngành Điện tử viễn thông chương trình đào tạo chuẩn của Đại học quốc gia Singapore, 24 cử nhân kinh tế chương trình đào tạo chuẩn Đại học Haas, 14 cử nhân ngôn ngữ học chương trình đào tạo chuẩn Đại học Carlifornia, 7 học viên cao học chuyên ngành Khoa học máy tính chương trình đào tạo chuẩnViện KHCN tiên tiến Nhật Bản (JAIST), 19 học viên cao học chuyên ngành Việt Nam học chương trình đào tạo theo chuẩn của Đại học George Washington, 30 sinh viên thuộc chương trình tiên tiến ngành Hóa đào tạo tích hợp với sinh viên tài năng theo chuẩn của Đại học Illinois. Các sinh viên đã tốt nghiệp đều có kết quả tiếng Anh đạt tối thiểu 6.0 IELTS trở lên, trong đó có 1 sinh viên đạt 8.0, 2 sinh viên đạt 7.5, đặc biệt các sinh viên tốt nghiệp đều được trang bị thêm 6 kĩ năng mềm.
Vậy còn trong hoạt động KHCN, thưa Giáo sư?
Kết quả hoạt động KHCN hầu hết đều vượt chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ năm học. Số công trình chuyên khảo công bố đạt 121, số bài báo quốc tế đạt 196 bài, tăng 10% so với năm học trước. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã có 5 bằng sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó số hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cũng tăng đáng kể lên 8 hồ sơ được chấp nhận trong năm 2011-2012. Nhóm nghiên cứu về đất ngập nước của ĐHQGHN đã được nhận Giải thưởng Bảo Sơn. Trong năm học 2011-2012 đã có 5 đề tài cấp nhà nước thuộc Đề án nghiên cứu đặc biệt về vùng Nam Bộ do cán bộ của ĐHQGHN chủ trì nghiệm thu đều đạt loại xuất sắc.
Cũng trong năm học này, ĐHQGHN có thêm 4 đề tài cấp nhà nước, 4 đề tài nghị định thư, 63 đề tài NAFOSTED mới; đầu tư thực hiện 43 đề tài nhóm A, 102 đề tài nhóm B và hàng trăm đề tài cấp cơ sở; tổ chức xây dựng báo cáo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo đơn đặt hàng của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và được Quốc hội đánh giá cao về giá trị khoa học, tính thực tiễn trong các đề xuất. Báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam lần thứ 3 được công bố và được đánh giá cao ở trong và ngoài nước. ĐHQGHN đã phối hợp với các đơn vị tiếp tục xây dựng và đề xuất các nhiệm vụ KHCN có tầm vóc lớn (Chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Chương trình phát triển KHXH&NV Việt Nam, các đề xuất cho Chương trình sản phẩm quốc gia, xây dựng COE, đề xuất cho các Chương trình KHCN KC, KX, Chương trình Biến đổi khí hậu,…); thúc đẩy hợp tác về KHCN với Thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; phối hợp với Viện KHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo Việt Nam học lần thứ IV; Tổ chức thành công một số hội nghị, hội thảo quan trọng như: Hội nghị về Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đại học Việt Nam, Hội nghị tổng kết hoạt động KHCN theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ KH&CN…; chỉ đạo triển khai có hiệu quả một số đề án nghiên cứu lớn: Đề án thuộc Chương trình 47, các đề án hợp tác với Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Nhật Bản,… ; đẩy mạnh tích hợp giữa NCKH với đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học; triển khai tốt công tác NCKH của sinh viên;…
Có thể nói, vị thế của ĐHQGHN đã được khẳng định trong và ngoài nước, cùng với đó là ĐHQGHN được xã hội đánh giá cao thông qua các hoạt động hợp tác và phát triển, gắn đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tế. Vậy xin Giáo sư đánh giá về hoạt động này trong năm qua?
Có thể khẳng định, công tác hợp tác phát triển trong và ngoài nước đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tạo thêm nguồn lực và nâng cao uy tín, thương hiệu của ĐHQGHN trong cộng đồng giáo dục khu vực và quốc tế. ĐHQGHN đã tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế quy tụ các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các đơn vị trong ĐHQGHN đã triển khai hiệu quả mô hình hợp tác tích hợp Nhà trường – Cơ quan quản lý nhà nước – Doanh nghiệp, Địa phương – Các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khác – Cá nhân các nhà khoa học và lãnh đạo xuất sắc mang lại những kết quả tích cực.
Với những thuận lợi cũng như những thành tựu đạt được, chắc hẳn ĐHQGHN phải đương đầu với không ít khó khăn trong năm qua, thưa Giáo sư?
Có thể thấy, năm qua là năm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm chi tiêu ngân sách, trong đó có nguồn kinh phí nhà nước cấp cho các hoạt động của ĐHQGHN nói chung, đặc biệt là việc bố trí vốn và giải ngân các dự án đầu tư phát triển, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, đào tạo và NCKH gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Bên cạnh đó. mặc dù được Nhà nước ưu tiên đầu tư nhưng nguồn lực đầu tư về tài chính còn hạn hẹp so với yêu cầu nâng cao chất lượng nên dẫn đến khó khăn trong thực hiện các mục tiêu KHNV đặt ra. Tại nhiều đơn vị và trụ sở chính của ĐHQGHN, tình trạng thiếu phòng học, nghiên cứu và làm việc tiếp tục trầm trọng do không được đầu tư xây dựng mới (theo kế hoạch sẽ được đầu tư xây cơ sở mới trên Hòa Lạc) nên gặp rất nhiều khó khăn và làm tăng chi phí do phải thuê địa điểm bên ngoài.
Một khó khăn khác có thể thấy đó là với đặc thù có nhiều hoạt động trong các ngành và lĩnh vực khoa học cơ bản, một số đơn vị gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh và tổ chức thực hiện ở lĩnh vực này.
Bước sang năm mới 2013, điều gì khiến Giáo sư tin tưởng nhất về sự phát triển bền vững của ĐHQGHN?
Năm 2013 mang lại những vận hội và thời cơ mới để ĐHQGHN tiếp tục phát triển, xứng đáng với niềm tin và kì vọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đầu tiên chính là dấu mốc quan trọng khi Luật Giáo dục Đại học bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013. Kể từ nay, địa vị pháp lý của ĐHQG đã được khẳng định trong Luật. Điều này cũng cho thấy sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân về việc xây dựng một trung tâm đại học tiên tiến đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, được ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế là một hướng đi vừa phù hợp với xu thế phát triển thế giới, phù hợp với điều kiện và yêu cầu của Việt Nam. Đây cũng là bệ đỡ vững chắc để ĐHQGHN tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Một trong những xung lực đặc biệt quan trọng khác chính là sự đồng thuận, chung sức chung lòng của toàn thể cán bộ, nhà khoa học, giảng viên, học viên và sinh viên ĐHQGHN để xây dựng một trung tâm đại học hàng đầu cả nước. Văn hóa cộng đồng, văn hóa chất lượng tiếp tục được phát huy cao độ trong toàn ĐHQGHN là động lực then chốt để chúng ta tin tưởng vào một năm mới gặt hái được nhiều thắng lợi, thành công vang dội trên tất cả các phương diện hoạt động của ĐHQGHN. Điều này sẽ đem lại sự hứng khởi, niềm tin và cả tình cảm gắn bó mật thiết của tất cả chúng ta với ĐHQGHN.
Xin cảm ơn Giáo sư!
 Đức Minh (thực hiện) - Bản tin số 262-263 - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC