Đô thị Hòa Lạc 05:20:38 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Cha trong ký ức con
Cuộc trò chuyện cùng người con gái duy nhất của cố giáo sư GS.NGND Nguỵ Như Kontum, trong căn nhà cổ trên phố Nguyễn Huy Tự đem lại cho tôi xúc cảm thật khó diễn tả bằng lời. Năm nay, PGS.TS Nguỵ Tuyết Nhung gần 70 tuổi. Đó là người đàn bà đẹp, lịch thiệp với tác phong nhanh nhẹn và hoạt bát.
Cô bảo, thẳm sâu trong tim cô là nỗi niềm kính yêu cha. Với gia đình, ông luôn nhân hậu, mẫu mực, hết lòng vì vợ, vì con, vì cháu. Ngoài xã hội, ông là người hết sức tận tụy với công việc. Sau khi tốt nghiệp ở Pháp về, ông đã gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục. Cô Nhung kể, thời gian kháng chiến chống Pháp cô còn quá nhỏ, chẳng nhớ gì, có chăng kỷ niệm là vết sẹo ở chân do bị kẹp vào bánh xe đạp khi cha cô đèo lúc tản cư. Cũng với chiếc xe đạp này, cha cô, với chức vụ Tổng Giám đốc Trung học vụ đã đi khắp chiến khu Việt bắc để xây dựng mạng lưới trường trung học. Có lần, trên đường đi, ông đã bị bom suýt chết, có lần ngã xe bị thương rách cả mặt. Rồi ông được cử sang dạy học ở Khu học xá Trung ương ở Nam Ninh, Trung Quốc. Lúc này, cô Nhung còn bé xíu, chỉ biết cha cô suốt ngày bận bịu với việc giảng dạy, mẹ thì sức khỏe yếu, phải nằm bệnh xá. Cô bảo thích nhất là thỉnh thoảng có ngày chủ nhật, cha cho hai anh em đi thăm mẹ, lúc đó cả gia đình mới có dịp xum họp đầy đủ. Rồi kháng chiến thành công, Hà Nội được giải phóng, ông được được giao trách nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chắc công việc nhiều nên ngày đi làm, tối về vẫn thấy ông chong đèn, đọc sách, ghi chép. Giấy bút thiếu nên ông viết khá tiết kiệm, chữ nhỏ, viết đầy trang. Thời gian đầu ông đi làm bằng xe đạp, sau được cấp một xe ô tô con, lọai xe Moscovich. Ngoài công tác quản lý, ông rất tâm huyết trong việc xây dựng hệ thống giảng dạy bằng tiếng Việt, Việt hóa các từ khoa học. Việc này ông đã ấp ủ ngay từ khi bước chân về nước. Tuy nhiên, thời Pháp thuộc, trong trường học bắt buộc phải dạy bằng tiếng Pháp. Để học sinh có những dịp giao lưu bằng tiếng mẹ đẻ, không quên cội nguồn, chính giáo sư đã tổ chức ra Đoàn Rồng (SET) tại trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An - Hà Nội) vào những năm1940 - 1945. Nhiều cựu học sinh trường Bưởi vẫn nhắc đến thầy Ngụy Như Kontum với Đoàn Rồng và không quên các bài học về lòng yêu nước tiếp thu qua sinh hoạt này.
Gia đình PGS. Ngụy Tuyết Nhung - con gái GS. Ngụy Như Kontum, năm 1971
Ông và các nhà trí thức, khoa học thời đó đã dày công biên soạn các từ điển, thuật ngữ khoa học tiếng Việt. Cô Nhung còn nhớ đôi lần, nhân lúc nhà trường nghỉ hè, gia đình được đi theo Giáo sư cùng với môt nhóm các nhà khoa học đến một nông trường gần biển để soạn từ điển thuật ngữ khoa học và kết hợp nghỉ ngơi. Gần biển nhưng trời vẫn rất nóng, các thầy phải xoay trần ra với cái quạt nan nhưng vẫn say sưa làm việc, thảo luận sôi nổi. Sau thời gian học đại học ở nước ngoài, cô Nhung trở về nước và được may mắn làm công tác giảng dạy tại chính ngôi trường mà cha cô làm hiệu trưởng. Mới về nước (năm 1969) nhưng cô nhớ đã tham gia rất nhiều buổi họp, kiểm điểm trong trường, vấn đề tập trung thảo luận quan điểm giáo dục "hồng" và "chuyên". Sau này, nhớ lại, cô Nhung mới hiểu cha mình đã phải dằn vặt, trăn trở biết bao nhiêu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quan điểm đào tạo tại môt môi trường trí thức cao, với rất nhiều giáo sư hiểu biết rộng, uyên thâm. Giải quyết thế nào cho bảo đảm cái lý để nhà trường vẫn tồn tại và phát triển mà vẫn giữ cái tình con người không phải việc đơn giản. Cái này, cô Nhung kể, cô chỉ biết khi cha cô mất, đọc lại những dòng bút ký tại sổ tang lưu niệm cô mới hiểu cái tình người mà cha cô đã xử sự. Công tác tại trường nhưng cha cô vốn liêm khiết nên cô không nhận được bất cứ chế độ ưu đãi nào, bù lại, cô thường nhận được tình cảm quý mến và sự giúp đỡ của mọi người khi biết cô là con gái Giáo sư, cô coi đó là cái đức cha cô để lại, hay như người người ta thường nói, cha ông để lại “lộc” cho con cháu. Cô luôn tâm niệm, trong mỗi bước trưởng thành của cô đều in những dấu ấn của người cha mẫu mực. Những gì GS. Nguỵ Như Kontum truyền sang cô đã được tiếp thu, kết tinh thành những thành quả trong cuộc sống của cô ngày hôm nay. Đó là cách sống chân thành, giản dị, say mê công việc và yêu thương mọi người.
Trầm ngâm sau dòng hồi tưởng, cô Nguỵ Tuyết Nhungngậm ngùi, nếu thời gian quay trở lại, cô sẽ chăm sóc cho cha cô nhiều hơn. Cả cuộc đời, cô đã nhận rất nhiều từ cha nhưng thực hiện sự báo đáp công ơn đối với đấng sinh thành thì rất ít ỏi. Chỉ đến khi cuộc đời dài hơn, khi cha cô không còn nữa thì cô mới thấm thía sâu sắc nỗi niềm ấy. Cô cho rằng, sở dĩ cô không biết nhiều về những khó khăn trong chặng đường công tác của Giáo sư cũng bởi hầu như Giáo sư không mang công chuyện về tư gia. Tất cả niềm vui trong cuộc sống cố giáo sư đã cùng chia sẻ với vợ con nhưng có những niềm đau thì ông giữ lại cho riêng mình. Và các con ông đã không cảm nhận hết nỗi niềm hy sinh ấy!
PGS.TS Nguỵ Tuyết Nhung lần giở album của gia đình cho tôi xem. Đó là những cuốn album tuy đã cũ nhưng những tấm ảnh trong đó vẫn còn ngay ngắn, chỉn chu và rõ nét. Album chứa rất nhiều ảnh: đám cưới của ba mẹ cô – GS. Nguỵ Như Kontum và bà giáo Nguyễn Thị Đỗ từ những năm 1941, 1942; ảnh gia đình GS. Nguỵ Như Kontum tại quê hương Thành phố Huế, những ảnh của ba mẹ cô tại chiến khu, tại Khu học xá Nam Ninh, của cả gia đình tại nhiều nơi và rất nhiều ảnh hoạt động của nhà khoa học vật lý Nguỵ Như Kontum tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế,... Trong số ấy, có rất nhiều tấm ảnh tư liệu quí về những chuyến thăm trường Đại học Tổng hợp lúc mới thành lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước các nước bạn như Liên xô, Indonesia, Ấn Độ..., nhiều lần có Bác Hồ đi cùng. Điều đó cho thấy Bác Hồ, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm và đánh giá cao sự nghiệp đào tạo trí thức. Nhiều bức ảnh về hoạt động khoa học và xã hội của Giáo sư tại nước ngoài với bức ảnh chụp tại hội thảo quốc tế qui tụ hàng trăm nhà khoa học từ khắp năm châu, Giáo sư ngồi giữa Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, và lần khác Giáo sư ngồi với ông Giám đốc viện Hạt nhân của Trường Đại học Tổng hợp Tokyo... Ông đi nước ngoài nhiều, nhưng, cô cười, quà cho gia đình lúc đó chỉ là các tấm ảnh, hoặc chiếc quạt giấy, cây bút. Không ít lần ông xin được sách vở và thiết bị cho Trường. Cô nhớ có lần ông xin được chiếc máy quang phổ hấp thụ nguyên tử, là một thiết bị rất hiện đại vào thời gian đó, cho Khoa Địa chất. Cô Nhung cũng tâm sự rằng, có lẽ vì Giáo sư Kontum đã đi nhiều nơi, được học những người thầy ưu tú của thời đại và tiếp thu những tinh hoa của nền văn hoá phương Tây nên tư tưởng của Giáo sư cũng cởi mở và hiện đại. Giáo sư Nguỵ Như Kontum đã xem cô bình đẳng như người anh và người em trai của cô. Cô trưởng thành trên con đường học vấn cũng bởi lẽ ấy!
Mặc dù là thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam trở về từ Pháp, nhưng Giáo sư Nguỵ Như Kontum không ép buộc con cái đi theo ngành học ấy. Tuy nhiên, chính niềm say mê vật lý của cha đã khiến anh trai cô - Nguỵ Hữu Tâm trở thành tiến sĩ vật lý và em trai cô - Ngụy Hữu Chí cũng theo nghề cha. Còn với cô, năm 1962, khi học lớp 9 Trường THPT Trưng Vương, cô đoạt giải nhất kì thi học sinh giỏi môn Hoá của Thủ đô và sau đó cô thi vào ngành Hoá học của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Rồi khi được Nhà nước cử đi học tại Trường ĐH Tổng hợp Lêningrat, rất may là cô lại được phân công theo học ngành Địa hoá, một chuyên ngành gắn kết giữa khoa học địa chất và hóa học trong sự phấn khởi và động viên của cả gia đình và có sự cổ vũ của Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội Nguỵ Như Kontum khi đó. Suốt cả những năm tháng sau này, khi cô và chồng – PGS.TSKH Phan Văn Quýnh cùng miệt mài làm nghiên cứu sinh tại Nga, Giáo sư Kontum và phu nhân Nguyễn Thị Đỗ đã chăm sóc cháu ngoại cho vợ chồng cô yên tâm học tập. Và cũng như một lẽ đương nhiên, cô và chồng cô cùng học được ở Giáo sư Hiệu trưởng tư tưởng tôn trọng sự lựa chọn của con cái trong cuộc sống và trong công việc. Không thuyết giảng, không ép buộc, mỗi người trong gia đình Giáo sư Kontum đều tự lập, phấn đấu và trưởng thành trên con đường khoa học. Con gái của PGS. Nguỵ Tuyết Nhung sau những ngày làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài đã trở về công tác tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất và cũng mới được phong PGS. Cô cháu ngoại của Giáo sư Nguỵ Như Kontum còn được đứng trong hàng ngũ của Đảng, hiện thực hoá mong mỏi của Giáo sư lúc sinh thời.
PGS. Nguỵ Tuyết Nhung chia sẻ, Giáo sư Nguỵ Như Kontum không phải là đảng viên nhưng là người nhiệt thành yêu nước, rất kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và suốt đời tận tuỵ với công việc giáo dục mà Bác và Nhà nước giao phó. Theo cô Nhung, ông làm tốt những việc này không chỉ vì ông là người rất có trách nhiệm mà còn vì tình thương yêu học trò, mong muốn truyền đạt lại những kiến thức ông có. Năm 1939, nhà vật lý Nguỵ Như Kontum rời phòng thí nghiệm của Giáo sư Jolio Quyrie trở về nước với nhận thức rõ ràng là đất nước Việt Nam cần ông hơn nước Pháp. Trở về nước, chính lòng yêu nước sâu sắc đã đưa Giáo sư đến với con đường của Bác Hồ vạch ra và định hình con đường cống hiến, phục vụ cách mạng và phụng sự Tổ quốc. Khi ông còn đảm đương chức Giám đốc Trung học vụ, Bộ Quốc gia Giáo dục, ông đã quan tâm đến việc xây dựng hệ thống trường phổ thông khắp miền Bắc và khi nắm giữ cương vị Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội sau này, giữa muôn ngàn gian khó, Giáo sư Nguỵ Như Kontum đã luôn cố gắng xây dựng, xuất bản các tài liệu, giáo trình học tập cho học sinh, sinh viên bằng tiếng Việt. Không phải đảng viên, trong suốt quãng đường công tác Giáo sư cũng gặp không ít khó khăn nhưng ông hiểu rằng, ông ở ngoài Đảng có lợi cho cách mạng, cho đất nước hơn thì ông không băn khoăn. Với ông, hạnh phúc là được làm việc, được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Cuộc trò chuyện của PGS. Nguỵ Tuyết Nhung với tôi có sự hiện diện của bà giáo Nguyễn Thị Đỗ với mái tóc bạc trắng và gương mặt hiền hậu - phu nhân của cố Giáo sư Nguỵ Như Kontum. Năm nay bà Nguyễn Thị Đỗ đã ngoài 90. Sức khoẻ không cho phép bà chia sẻ những kỷ niệm về người chồng với những thế hệ hậu sinh. Cô Nguỵ Tuyết Nhung kể, mẹ cô đã có nhiều năm công tác tại phòng Giáo vụ của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ba mẹ cô đã sống trọn đời hạnh phúc bên nhau. Cô vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh ba cô trước phút lâm chung, nằm trong phòng cấp cứu, nghe âm hưởng từ cuộc trò chuyện của vợ con và người thân, Giáo sư Nguỵ Như Kontum đã mỉm cười, thanh thản rời xa dương thế. Ấy là năm 1991.
-----------------
(Ghi theo lời kể của PGS. Nguỵ Tuyết Nhung – con gái của GS. Nguỵ Như Kontum)

 

 Đỗ Ngọc Diệp - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC