Đô thị Hòa Lạc 06:05:07 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Đâu phải vì danh lợi
Thời ấy, trước 1945, cả thành phố Hà Nội vẻn vẹn chỉ có mấy trường trung học, tư có Trường Thăng Long, công có Trường Hàng Bài dành cho nữ sinh, Trường Cửa Bắc và Trường Bưởi của nam sinh. Riêng Trường Bưởi có cả hai bậc học Thành Chung, Tú Tài; lên đến Tú Tài thì nam nữ học chung.
Thế mà đã qua bẩy chục năm.
Dạy bậc Tú Tài ở Trường Bưởi, về Việt văn có Thầy Dương Quảng Hàm, về Pháp văn có các Thầy Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Duy Khiêm. Về Tóan có các Thầy Hoàng Xuân Hãn, Phó Đức Tố. Về Lý Hóa có các Thầy Ngụy Như Kontum, Hoàng Cơ Nghị với một số thầy cô người Pháp. Thầy người Việt cũng đều ở Pháp về, bằng cấp cao, học vấn uyên thâm, phong cách mẫu mực, học sinh kính trọng, xã hội tôn vinh, đồng nghiệp người Pháp nể phục.
Tôi học được ở những bậc trí giả như thế nhiều, nhiều lắm. Thế nhưng, cứ như tôi thấy, cái được nhất và bao trùm lên tất thảy lại chính là cái mình đã học được qua cách dạy học của Thầy Ngụy Như Kontum, để sau này trưởng thành, tôi có thể truyền đạt lại cho các học trò của tôi, dù ở bậc đại học hay sau đại học, ở trong nước hay ở nước ngoài.
Thầy lên lớp không miên man trong rừng kiến thức, Thầy chủ tâm khai mở là chính. Từng chủ đề, Thầy chọn trọng điểm đi sâu. Thầy gợi cho học sinh tự suy ngẫm, phân tích, rồi lại tự tìm đọc, tra cứu, đối chiếu, rồi sẽ tự gạn lọc, tổng hợp lấy thu hoạch của chính bản thân mình, tức là khích lệ tự học, khích lệ tư duy độc lập. Mà có thế mới đúng là thực học!
Tôi từng thụ hưởng được rất nhiều ở cái cách dạy, cách học tự chủ động não ấy. Không chỉ mấy năm ấy mà suốt nhiều năm sau này nữa, khi tôi được học lên các bậc cao, khi tôi được làm việc nghiên cứu và giảng dạy ở các trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo, trong nước và ngoài nước.             
Hoạt động ngoại khóa cũng được Thầy quan tâm nhiều. Chính Thầy đã sáng lập Hội SET (Section Ecoliers Touristiques-Nhóm Học Sinh Du Lịch), câu lạc bộ học sinh du khảo. Nơi đến đều là những địa danh văn hóa, những chứng tích lịch sử. Chẳng một ai nói ra song mọi người đều ngầm hiểu, đó chính là khai mở, là gợi cho thức tỉnh tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc. Tương tự, các tiết giảng Văn học Sử Việt Nam của Thầy Dương Quảng Hàm cũng là sự khai mở. Mà chính tác phong rất đĩnh đạc của hết thảy các thầy giữa một xã hội thuộc địa cũng có tác dụng khai mở. Ngay từ năm 1944 ở Trường Bưởi đã có phong trào, đã manh nha tổ chức quần chúng hướng theo cách mạng.
Thầy Ngụy Như Kontum về nước năm 1939, nhưng đến đầu năm 1945, lấy cớ Mỹ ném bom Hà Nội để sơ tán các trường trung học vào Thanh Hóa, để cách ly Thầy, người Pháp đã chuyển thẳng Thầy ra Sầm Sơn theo Trường Albert Sarraut của thanh niên Pháp.
Ngày 19.8.1945 đông đảo học sinh Trường Bưởi đã tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám, và cũng chính họ đã đi Kháng chiến. Và cứ như tôi biết thì chính trong những năm gian khó nhất, cũng không hiếm học sinh Trường Bưởi đã dám đứng ra gánh vác những trọng trách cam go trên nhiều lãnh vực, kể cả ở những chốn đi không hẹn ngày về, chiến đấu ngoài mặt trận, hoạt động trong lòng địch, đâu có phải vì danh, vì lợi!
Thế mà đã qua bẩy chục năm.
Các thầy nay đều đã là người xưa, thế nhưng trong hoài niệm của lớp người từng được các thầy, mà đặc biệt là Thầy Ngụy Như Kontum, dìu dắt ở cái ngày xa xưa ấy, thì hình ảnh của các thầy vẫn còn đó, sắc nét, sống động.
 Nguyễn Hữu Khôi - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC