Đô thị Hòa Lạc 03:33:25 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Người anh rể đặc biệt của tôi
Bây giờ xấp xỉ 90 tuổi, tôi mới có dịp ngồi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa cách đây hơn nửa thế kỷ với giáo sư Ngụy như Kontum trong tình thầy trò, đồng thời là người anh rể của gia đình. Những năm 40 của thế kỉ trước, khi giáo sư viết những bài về nguyên tử trong các báo văn học đương thời, một vấn đề hết sức xa lạ với giới học sinh như chúng tôi, nào những danh từ như cyclotron,proton,neutron vv.. ít người hiểu biết về nguyên tử như bây giờ nên chúng tôi thường gọi giáo sư là "thầy cyclotron "
Giáo sư dạy môn Vật lý-Hóa học "( Physique-Chimie ) cho các lóp ban Tú tài (seconde, premiere ,Philo,Math ) tại trường Lycee du Protectorat ( trường Bưởi) lúc đó tôi học lớp seconde rồi premiere vài tháng trước khi trường di tản một phần (các lớp thuộc ban Tú tài và lớp 6eme modern) vào chủng viện Franciscain ở tỉnh lỵ Thanh Hóa, phần còn lại (các lớp từ năm thứ nhất tới năm thứ tư trung học ) thì di chuyển về Phúc Nhạc cũng ở địa phận Thanh Hóa, trong khi giáo sư lại được thuyên chuyển sang dậy ở trường Albert Sarraut cũng di tản vào Sầm Sơn cách tỉnh lỵ Thanh Hòa 15 cây số.
Những năm đó các trường còn phải dùng Pháp văn khi giảng dậy.. Hoc sinh chúng tôi được truyền học kiến thức do các giáo sư thạc sĩ /tiến sĩ người Việt như các giáo sư Hoàng Xuân Hãn (Toán ) Phạm duy Khiêm (Pháp văn ) Nguyễn mạnh Tường ( Pháp văn ) và Ngụy như Kontum (Vật lý Hóa học ). Trông giáo sư Kontum mặc áo blouse trắng đứng trên bục giảng bài hay làm các thử nghiệm lý hóa thật là nghiêm nghị. Các bài giảng đều rõ ràng dễ hiểu, học trò đều chú tâm lắng nghe. Ngoài việc giảng dạy giáo sư còn thành lập toán tham quan và du lịch SET (section d'excursion et de tourisme ) để đưa học sinh đi du lịch và tham quan các danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử. Giáo sư rất nhiệt tình trong việc giảng dậy cũng như giáo dục học sinh, đối xử với học sinh như người anh cả trong gia đình. Giáo sư cũng là người đã ký vào bản thỉnh nguyện thư yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị trao quyền lại cho Cách mạng. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp , các trường học đều đóng cửa, Cách mạng tháng Tám thành công, giáo sư được đề cừ làm Giám đốc Trung học vụ và đồng thời là giám đốc Việt Nam học xá ở Bạch Mai Ở cương vị này, giáo sư cho tái lập trường Bưởi đổi tên là trường Chu văn An dùng các phòng của Việt Nam học xá làm phòng học do Giáo sư môn Vạn vật Nguyễn Gia Tường làm hiệu trưởng. Trường này chỉ hoạt động được vài tháng vì tình hình chính trị và quân sư Pháp Việt căng thẳng. Giáo sư cũng là người tổ chức thi Tú tài 2 (tương đương Trung học phổ thông) hoàn toàn Việt Nam lần đầu tiên.
Tháng 12 năm 1946 chiến tranh Pháp Việt bùng nổ gia đình giáo sư theo lực lượng kháng chiến lên Việt Bắc nên cũng từ đó tới tận năm 1978 tôi mới gặp lại giáo sư lúc đó là hiệu trưởng trường đại học Tổng hợp ở Hà Nội, khi tôi tạm trú ở xã Việt Cường (Hoàng Liên Sơn). Giáo sư đã cùng vợ (chị tôi) và mẹ vợ ( mẹ tôi ) tới thăm tôi khi tôi bị bệnh phù thũng, trong tình cảm gia đình hơn là tình thầy trò năm xưa
Nói tới tình cảm gia đình thì tôi là người em vợ giáo sư duy nhất liên lạc với người anh rể từ lúc anh mới làm rể gia đình họ Nguyễn năm 1942 khi các gia đình còn ở phố Emile Nolly (nay là Pham Hồng Thái ) hay sau năm 1954 dọn về phố Nguyễn Huy Tự (Hà Nội) cho tới các năm 1980 khi tôi đã về ở Saigon trước khi đi định cư ở Hoa kỳ.
Lại nhớ tới những năm 1942-1945 khi gia đình anh ở 75 Phạm Hồng Thái cạnh nhà gia đình bố mẹ vợ, cứ sang chủ nhật hoặc nghỉ lễ anh đều rủ tôi đi bơi thuyền perissoire ở Hồ tây là môn thể dục anh cho là giúp tứ chi mạnh nhất vì khi chèo thuyền cà hai chân hai tay đều phài làm việc.
Khi gia đình anh có đứa con trai đầu lòng và đang sống ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), tôi có ở nhà anh và thấy cách anh nuôi con nhỏ theo lối Tây phương. Cháu bé cứ hay khóc đòi ẵm, anh không cho vợ hay bà ngoại ẵm bé để ru , anh nói không được tập cho đứa bé tính xấu. Anh để cháu bé nằm riêng một phòng mặc cho khóc, khóc chán rồi ngủ, và anh đã “thắng “. Gia đình anh chị cũng nuôi một con dê để lấy sữa cho cháu bé ăn.
Đầu năm 1981 tôi có mặt ở Ha Noi và ở nhà anh chị ( 28 Nguyễn Huy Tự) hơn môt tuần được nghe kể về những chuyến anh đi công tác ngoại quốc như Nhật bản ( tham dư lễ kỷ niệm Hiroshima ) hay Pháp nhiều lần.
Những năm 1980 hay sau này khi đã về hưu thỉnh thoảng anh vào Saigon công tác lại ăn cơm với tôi và tôi với anh cùng đi xe đạp tham quan thành phố, hay đi ăn phở ờ đường Pasteur gần nhà tôi. Tôi cũng hiểu tình trạng sinh sống khó khăn của gia đình anh với số lương hưu trí eo hẹp, anh có xin đi dạy học ở Algerie hi vọng giúp đỡ giải quyết khó khăn trong đời sống nhưng không được chấp thuận.
Năm 1991 tôi được hung tin anh mất đột ngôt ở Saigon trong khi đi họp Mặt trận Tổ quốc, vì tôi ờ quá xa Việt Nam nên đành nhận lỗi không về tham dư đám tang. Nay anh đã là người thiên cổ nhưng trong gia đình cũng như những người quen biết luôn nhớ tiếc anh.
 Nguyễn Đình Giai - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC