01:11:05 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Đại học “Tinh hoa mới” – Lực đẩy cho sự phồn vinh của xã hội
Cùng với triết lý “phát triển dựa vào đại học”, việc xây dựng và phát triển những đại học “tinh hoa mới” là bước tiến mang tầm chiến lược của các quốc gia nhằm đáp ứng với những yêu cầu, thách thức mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và bùng nổ thông tin, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ với việc thành lập 2 Đại học Quốc gia (ĐHQG). Xung quanh vấn đề này, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN cho biết:
Trong thời đại ngày nay, nguồn lực quý báu nhất, quan trọng nhất, quyết định cho sự phát triển và phồn thịnh của các quốc gia, cộng đồng trên thế giới không còn là nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có mà là nguồn nhân lực với phẩm chất, tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng cao. Mặt khác, đại học được giao chức năng quan trọng là sáng tạo, chuyển giao tri thức, bảo tồn và phát triển văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực với những yêu cầu nói trên. Trong bối cảnh đó, triết lý “phát triển dựa vào đại học” ra đời, trở thành tư tưởng chủ đạo cho sự ổn định và phát triển bền vững. Sự phát triển của nền giáo dục đại học (GDĐH) đã trở thành thước đo cho sự phồn thịnh của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, có thể thấy, bất kỳ chính phủ nào, cũng đều rất chú trọng đầu tư cho phát triển của GDĐH. Bên cạnh đó, nhu cầu được đi học đại học từ phía cộng đồng, xã hội cũng ngày càng cao. Thống kê cho thấy, nhiều nước trên thế giới, về cơ bản đã thành công trong việc “xã hội hóa” giáo dục đại học, thành công nhất là Hoa Kỳ với trên 80% dân số thuộc độ tuổi 18-24 đi học đại học, ở nhiều nước khác tại Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, con số này cũng lên tới trên 50%. Các nước đang phát triển có tỷ lệ tương ứng thấp hơn (như Việt Nam hiện nay khoảng 20%), nhưng cũng đang không ngừng nỗ lực để tăng cao tỷ lệ này song song với việc đảm bảo chất lượng. Để đáp ứng điều này, bản thân trong GDĐH ngày nay cũng đang được phân tầng thành các mức khác nhau để phục vụ các yêu cầu khác nhau của xã hội: theo cấp bậc, có thể liệt kê từ các trường cao đẳng đào tạo nghề, đến các đại học đơn ngành đào tạo ra các chuyên viên, kỹ sư chuyên ngành trình độ đại học cho đến các đại học đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo đến cả bậc thạc sỹ, tiến sỹ; theo chất lượng, có những trường chỉ đào tạo theo nhu cầu của số đông xã hội, nhưng cũng lại có những trường đào tạo và nghiên cứu ở đẳng cấp cao nhất dựa trên những quy trình sàng lọc, kiểm soát khắt khe nhất. Các trường đại học “tinh hoa mới” là cách nói khác của các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của mỗi quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao, nghiên cứu khoa học đỉnh cao, đóng vai trò hoa tiêu, dẫn đầu, tiên phong và trụ cột cho cả nền GDĐH của đất nước đó hội nhập và cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thưa Giáo sư, nói đến đại học “tinh hoa mới”, như vậy chắc hẳn phải có đại học “tinh hoa cũ”, vậy “mới” và “cũ” ở đây khác nhau như thế nào?
Đúng vậy.“tinh hoa mới” ở đây là để phân biệt với các đại học ”tinh hoa cũ” trước kia, vốn chỉ dành cho những người có đã có địa vị xã hội hoặc khả năng tài chính, mà dành cho những người thông minh, trí tuệ, sáng tạo, nhân văn và đổi mới nhất đến học tập, nghiên cứu, sáng tạo vì sự phồn vinh của xã hội, nhân loại cũng như vì chính bản thân. Những thành phần “tinh hoa” tập hợp lại, trở thành những cộng đồng đại học “tinh hoa” của xã hội, bao gồm những giáo sư đầu ngành, những nhà khoa học ưu tú, những sinh viên tiềm năng, những cựu sinh viên đang nắm những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước và những tập đoàn kinh tế hàng đầu; tức là những người có tiềm năng và khả năng đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển bền vững của xã hội. ”Tinh hoa mới” ở đây cần được hiểu là sứ mệnh, yêu cầu, vai trò mới, nhưng các đại học ”tinh hoa mới” có thể đã rất cũ như ĐH Havard, ĐH Oxford, ĐH Cambridge hay cũng có thể rmới hơn như ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh (Trung Quốc), ĐHQG Singapore - NUS, ĐH Khoa học và Công nghệ Pohang - Postech (Hàn Quốc).... 
Xin nhắc lại chuyện lịch sử một chút, trước đây, chúng ta đều biết vai trò của đại học chỉ dừng ở mức độ duy trì và phổ biến những tri thức kinh viện, ít đổi mới và sáng tạo để phục vụ nhu cầu, lợi ích của con người. Đến đầu thế kỷ XIX, khi ĐH Berlin ra đời theo tinh thần “tự do học thuật” và “nghiên cứu khoa học” của nhà cải cách giáo dục Wilhem von Humbolt đã tạo bước ngoặt quan trọng đối với nền GDĐH thế giới. Tư tưởng của Humbolt về “trường đại học nghiên cứu” và có “tự chủ cao” sau đó đã nhanh chóng lan tỏa và thẩm thấu vào nền giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Bắc Mỹ, Tây Âu và một phần nào đó là Nhật Bản. Tuy vậy, trước những năm 1950, hệ thống GD ĐH trên thế giới mới chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của thiểu số, chưa mở rộng cửa để đón chào những con người ưu tú nhất nhưng không có điều kiện về kinh tế, do đó chưa thực sự đóng góp cho sự phồn thịnh và bền vững của xã hội. Trong khoảng 60 năm trở lại đây, GD ĐH mới thực sự bùng nổ, xã hội hóa trên diện rộng như một số số liệu chúng ta vừa nhắc đến ở trên.
Như Giáo sư vừa nói, đại học ”tinh hoa mới” phải đóng vai trò hoa tiêu, dẫn đầu, tiên phong và trụ cột cho cả nền GDĐH, tức là cho cả các ĐH ở tầng mức thấp hơn. Xin Giáo sư giải thích rõ hơn về điều này?
Về mặt đào tạo, các trường ”đại học tinh hoa mới” chính là nơi đào tạo và đào tạo lại cho các nhà khoa học, nhà quản lý cho các trường đại học đơn ngành, cao đẳng khác. Về mặt nghiên cứu và chuyển giao tri thức, các trường ”đại học tinh hoa mới” phải là nơi sáng tạo ra tri thức mới đồng thời chuyển giao tri thức đó cho xã hội. Bên cạnh đó, nếu phân theo khu vực tác động và ảnh hưởng của một trường đại học, ta có thể phân thành các cấp: địa phương - quốc gia – khu vực và thế giới. Trong khi các trường cao đẳng hay các trường đại học đơn ngành chỉ có vai trò ở cấp độ địa phương hay quốc gia; thì những trường đại học ”tinh hoa mới” sẽ phải vươn xa hơn, nhắm tới việc phục vụ khu vực và thế giới. Ví dụ, một trường cao đẳng sẽ đào tạo ra những chuyên viên, kỹ thuật viên làm việc cho khu vực mà trường cao đẳng đó đặt trụ sở; nhưng những trường ”tinh hoa mới” như Viện Công nghệ Massachussets - MIT, ĐH Stanford sẽ không chỉ đào tạo kỹ sư, nhà khoa học cho Bang Massachussets, Bang California của nước Mỹ mà còn cho cả thế giới; hay trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc NUS cũng đang nhắm đến mục tiêu không chỉ đào tạo các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách cho Singapore mà còn cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 
Việc điều hành, quản lý, triết lý hoạt động của đại học tinh hoa mới có những điểm gì nổi bật, thưa Giáo sư?
Cần khẳng định là tinh thần của Humbolt về ”tự do học thuật” và ”nghiên cứu khoa học” vẫn là những đặc điểm bất di bất dịch và quan trọng nhất đối với các ”đại học tinh hoa mới”. Về cơ cấu, thì chúng ta cũng thấy các đại học tinh hoa mới đều là các đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực gồm phức hợp nhiều trung tâm, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, chuyển giao tri thức bên trong. Về chức năng, ngoài chức năng đào tạo và nghiên cứu khoa học thì chuyển giao tri thức, phục vụ cộng đồng, xã hội cũng là những chức năng vô cùng quan trọng của đại học tinh hoa mới. Về hợp tác, phần lớn các đại học hàng đầu thế giới đều theo mô hình Techno-polis mà ở đó có sự gắn kết rất chặt chẽ và thông suốt giữa các khu vực đại học – khoa học công nghệ - doanh nghiệp – chính phủ - xã hội. Về quản lý, các trường đại học tinh hoa mới cần phải có quyền tự chủ rất cao để thực hiện sứ mệnh đặc biệt của mình. Cần phải hiểu quyền tự chủ không phải là đặc quyền mà là khả năng giúp trường đại học mang lại lợi ích công và ứng phó kịp thời trước những thay đổi nhanh của cuộc sống. Tuy vậy, trường đại học có tự chủ thì cũng phải thể hiện được khả năng tự chịu trách nhiệm cao thông qua việc chứng minh được quyền tự chủ được sử dụng hiệu quả, thể hiện qua năng lực, kết quả và sản phẩm đầu ra như chất lượng đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức. Trong bối cảnh đó, vai trò của Nhà nước đối với giáo dục đại học cũng thay đổi theo hướng từ quản lý, kiểm soát chuyển dịch sang giám sát, đánh giá không chỉ của Nhà nước mà còn của xã hội, cộng đồng, khu vực tư dựa trên các quy chế, quy định, luật pháp đã được thừa nhận, tức là cân bằng giữa tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với năng lực tự chủ và hiệu quả hoạt động của các đại học với quản lý nhà nước ở mức độ cần thiết (chiến lược, chính sách, kiểm tra giám sát…). 
Như Giáo sư vừa nói, khái niệm "tinh hoa" là theo cách hiểu mới, nhưng đại học "tinh hoa mới "có thể rất "cũ", và rất "mới". Như vậy, các đại học tinh hoa kiểu mới ra đời sau có thể học hỏi được gì từ những đại học lâu đời hơn? Và liệu có sự phân biệt nào hay không ngay giữa các đại học này?
Đúng vậy. ĐH Oxford, ĐH Cambridge ra đời từ thế kỷ 13, trước kia đã từng là đại học ”tinh hoa cũ”, và giờ đây lại là những đại học tinh hoa mới hàng đầu thế giới. ĐH Havard, ĐH California, Berkeley và nhiều trường đại học hàng đầu khác của Mỹ khi mới ra đời (trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX) ban đầu có khi chỉ là những đại học đơn ngành, để đáp ứng một nhu cầu của sản xuất, trồng trọt ngắn hạn rồi dần trở thành những đại học tinh hoa mới, đa ngành đa lĩnh vực như hiện nay. Lại có những đại học ngay từ khi mới thành lập đã được hướng tới có tham vọng và cũng nhanh chóng trở thành những đại học nghiên cứu đỉnh cao như trường hợp ĐH Tokyo, ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa, NUS, Postech....Có rất nhiều bài học để chúng ta nghiên cứu, và một báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới cho biết, để xây dựng thành công một đại học đẳng cấp quốc tế, hay đại học ”tinh hoa mới” ngoài hai nguyên lý ”tự do học thuật” và ”nghiên cứu khoa học” của Humbolt thì để phát triển trở thành một đại học tinh hoa mới, một đại học còn rất cần nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao (bao gồm cả trong nước và quốc tế), nguồn tài chính bền vững từ phía Chính phủ và cả từ các nguồn thu khác và cuối cùng là cơ chế quản lý, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, sự chỉ đạo, lãnh đạo nhất quán và kiên trì thì nhất định sẽ thành công.
Ở Việt Nam đã có đại học tinh hoa mới chưa, thưa Giáo sư?
Nền GDĐH hiện đại của Việt Nam qua hơn 60 năm phát triển và trưởng thành, đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Từ chỗ chỉ có một vài trường đại học với điều kiện, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hạn chế, cho đến nay, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong cả nước đã có 447 trường đại học, cao đẳng với gần 75.000 giảng viên trong đó có gần 8.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ, hàng năm đào tạo khoảng hơn 2 triệu sinh viên ở mọi cấp từ đại học đến tiến sĩ. Trong thời gian tới, việc Đảng và Nhà nước đã chọn việc phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ làm một trong ba khâu đột phá chiến lược một mặt, đã giao trách nhiệm và mặt khác cũng lại là cơ hội phát triển cho các trường đại học nghiên cứu nói chung cũng như cả hệ thống GDĐH Việt Nam nói riêng. Trong thực tế, chúng ta cũng thấy Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm chú trọng phát triển GDĐH. Ngay từ những năm đầu của thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có tầm nhìn chiến lược và sáng suốt quyết định thành lập và xây dựng 2 ĐHQG là những trung tâm đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực. Đây chính là những đại học được xây dựng theo định hướng đại học “tinh hoa mới”. Thực tiễn cho thấy, trong suốt gần 20 năm qua, 2 ĐHQG đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học, xứng đáng là nòng cột và tiên phong trong sự nghiệp phát triển GDĐH, và thực sự đã vươn ảnh hưởng ở tầm khu vực. Trong bảng xếp hạng mới nhất của QS, ĐHQGHN có 4 ngành nằm trong top 200 khu vực châu Á. Trong bảng xếp hạng năm 2011 của Webometrics, ĐHQGHN đứng hàng đầu Việt Nam cũng đã nằm trong top 10% các đại học trên thế giới. Trong thời gian tới, ĐHQGHN đặt mục tiêu được xếp vào trong nhóm 200 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2015, vươn lên nhóm 200 đại học tiên tiến của thế giới vào năm 2020; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu KH&CN đỉnh cao, chuyển giao tri thức đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và nhu cầu du học tại chỗ, thu hút các nhà khoa học xuất sắc về làm việc, nhiều sinh viên quốc tế đến học, làm nòng cột và tiên phong trong đổi mới hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Chúng ta cũng có thể thấy, từ sứ mạng, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi của ĐHQGHN cũng đều nhắm tới việc không chỉ trở thành một đại học nghiên cứu, từng bước đạt chuẩn quốc tế, làm nòng cột, tiên phong cho nền GDĐH Việt Nam, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước giàu đẹp, phồn vinh, vững vàng hội nhập quốc tế. Để thực hiện được sứ mệnh và nhiệm vụ quan trọng này, ĐHQGHN xác định chiến lược xây dựng và phát triển ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế nhằm tạo tiền đề và điều kiện để phát triển bộ môn, khoa, trường đại học thành viên và ĐHQGHN đạt chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và sức cạnh tranh, thương hiệu của ĐHQGHN, góp phần đổi mới cơ bản giáo dục đại học Việt Nam; phát triển hợp tác quốc tế, tích cực khai thác các tiềm năng từ các mạng lưới hợp tác đang có như BESETOHA (diễn đàn giám đốc 4 đại học chủ chốt Đông Á: ĐH Bắc Kinh, ĐHQG Seoul, ĐH Tokyo, ĐHQGHN), AUN – Mạng lưới các trường ĐH ASEAN, ASAHIL – Mạng lưới các trường đại học châu Á, các đại học đẳng cấp quốc tế như: ĐH Chicago, ĐH Liverpool, ĐH Newcastle, ĐH Nottingham, ĐH Paris Sud, ĐH Amsterdam, ĐH tự do Brussels…; phát triển hợp tác sâu rộng theo mô hình Techno-polis; đổi mới quản trị theo sản phẩm đầu ra và khung logic; quy hoạch, quy trình hóa; quản trị nguồn nhân lực theo mô hình các trường đại học tiên tiến; tích hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo và đào tạo dựa vào nghiên cứu; liên thông - liên kết giữa các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN... Và để đạt được điều đó, ngoài sự nỗ lực của từng giảng viên, cán bộ, sinh viên ĐHQGHN thì sự quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự đóng góp của toàn thể nhân dân, xã hội cũng đóng vai trò vô cùng then chốt và quan trọng.
Xin cảm ơn Giáo sư và nhân dịp năm mới xin chúc ĐHQGHN phát triển sớm trở thành ĐH tinh hoa mới!
>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN về phát triển giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế         
 

 

 Phạm Hiệp (thực hiện) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC