00:41:11 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Vất vả con chữ nơi bản xa
Phiêng Cành là bản khó khăn nhất của xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cùng với những khó khăn về kinh tế đây còn là nơi cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của cô, trò còn cực kỳ thiếu thốn.
Chúng tôi về bản Phiêng Cành vào một ngày gần cuối tháng 9 khi những cơn mưa vừa ngớt hạt. Để có thể đến được “trường học” nơi đây, tôi cùng ông trưởng bản Tráng A Cơ phải mang ủng đi qua quãng đường dài lầy lội, nhớp nháp bùn lầy.
Lớp học thiếu thốn trăm bề
Ngoài khu nhà bốn gian lợp tôn xi măng được UBND xã Tâp Lập đầu tư xây dựng cùng với một sân thể dục lát gạch đỏ được xem là kiên cố thì những phòng học còn lại đã xuống cấp. Trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của trường cực kỳ thiếu thốn.
Điểm trường Tiểu học Phiêng Cành còn có 4 lớp tiểu học với hơn 80 học sinh con em đồng bào người Mông. Trong đó có 2 lớp 1, phòng học được xây tường vôi, lợp tôn xi măng đã xuống cấp còn những lớp khác vẫn phải học trong căn nhà thấp bé, ọp ẹp. Năm 2010, hai lớp 1 của điểm trường đã được nhà nước cấp bàn ghế mới nhưng vẫn không đủ chỗ cho các em ngồi. Mấy năm trước, khi còn thuộc vùng III, điểm trường Phiêng Cành luôn được hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho các em học sinh nhưng từ năm 2010, xã Tân Lập chuyển về vùng I, những hỗ trợ đó không còn nên các em học sinh đến lớp sách vở, đồ dùng học tập càng thiếu.
Để có thể đến lớp, nhiều em học sinh của điểm trường phải đi bộ mất từ 1-2 tiếng đồng hồ. Ngày thường là vậy nhưng những ngày mưa to, nước xung quanh đổ về nhiều đoạn đường bỗng chốc thành sông nên một số em học sinh không thể đến lớp học. Em Giàng A Nụ, học sinh lớp 4A5, nhà ở tận cuối bản nên buổi sáng em phải dậy từ lúc 5 giờ sáng nhưng tới 7 giờ mới đến được trường. Chiều về, em lại cùng bố mẹ lên nương bẻ ngô vậy mà 4 năm qua, em luôn là học sinh tiên tiến. Nói về ước mơ, đôi mắt cô học trò vùng cao sáng long lanh: “Em mong học được cái chữ để sau này làm công an”.
Tuy khó khăn, vất vả là vậy nhưng các em học sinh ngày càng chăm chỉ, cần mẫn đến trường. “May sao, năm nay không có em nào bỏ học, chỉ còn một số em do trời mưa nước lên cao và ốm đau không đi được đành phải nghỉ thôi”, cô Tường Thị Hương dạy lớp 1 phấn khởi.
Nhọc nhằn ươm mầm chữ
Để các em đến trường đông đủ, chuyên cần như ngày hôm nay, các thầy cô phải băng qua suối đến từng gia đình nằm sâu tận cuối bản để vận động bà con đưa trẻ đến trường. Những năm trước, khi đi vận động các em đến trường, bà con dân bản với tập quán canh tác nương rẫy nên thường có những ý nghĩ tiêu cực, lạc hậu: “Học làm gì, cũng về làm nương thôi nên cho chúng nó ở nhà thôi”.
Dù không còn tình trạng các em học sinh bỏ học nhưng vì cha mẹ suốt ngày đi nương rẫy nên việc học của con cái chưa được các gia đình quan tâm. Cô Nguyễn Thị Hải Lý, dạy lớp 1A6, điểm trường Phiêng Cành cho hay: “Các em học sinh lớp 1 phần lớn đều chưa được học qua lớp mầm non nên chữ cái còn chưa nắm được, vẫn phải học tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa, các em đến trường sách vở không đủ nên rất khó khăn cho việc dạy học của các thầy cô”.
Đã gần 12 giờ trưa, 3 cô giáo tiểu học điểm trường Phiêng Cành mới chuẩn bị bữa trưa để chiều vào trung tâm xã họp giao ban. Bữa cơm trưa qua quýt chỉ có mấy miếng thịt lợn cùng những quả su su luộc được bà con trên tiểu khu 12 mang xuống. “Ăn xong rồi cũng chẳng có chỗ nghỉ ngơi đâu chú ạ, mấy chị em lại ngồi nói chuyện nghề, chuyện gia đình cho hết thời gian. Ngày trước, những cô giáo nhà ở xa trường thường mang cả bì gạo đến để ăn trưa nhưng vì phòng ốc tạm bợ, không có khóa cài nên kẻ gian lẻn vào lấy đi mất. Giờ ăn trưa ở trường buổi nào thì mang gạo buổi đó thôi”, cô Lý vừa lấy gạo nấu cơm vừa cho biết.

 

 Hồ Duy - Bản tin số 250-251
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC