>>> Bản pdf
>>> Bản tin số 249
Tay bế em, tay “nhặt” chữ
Chẳng biết có phải ca từ, giai điệu đẹp của bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” đã rủ chúng tôi ngược đường lên với mảnh đất A Mú Sung địa đầu Tổ quốc, cách thành phố Lào Cai ngót 100 cây số này. Bản Tùng Sáng có địa thế xa trung tâm nhất xã A Mú Sung, nằm bên hữu ngạn, nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt, bờ bên kia là nước bạn Trung Quốc. Lúc thầy Hưng hoàn thành công việc gọi học trò trong bản đến lớp, trời đã sáng bạch. Anh vội vàng vào bếp, tất bật chuẩn bị bữa sáng để thết khách. Nói như vậy cho oai chứ kỳ thực bữa sáng mỗi anh em được một gói mì tôm Hảo Hảo úp trong bát loa, ăn rồi mà cứ ngỡ là chưa. Hưng kể với tôi rằng, anh may mắn hơn mấy anh, chị em giáo viên trẻ cắm bản là được dạy lớp 5, không phải lớp ghép, nhưng bù lại, thầy thường phải dậy sớm để đi gọi học sinh đến lớp vì học sinh vùng dân tộc mà học đến lớp 5 đã phổng phao lắm, đa phần các em thích đi nương hơn đi học. Việc học của lũ trẻ nơi này phải dùng cụm từ “đi nhặt từng chữ” mới đúng. Cái đói nghèo, lạc hậu hình như cũng làm cho khả năng tiếp thu của các em bị hạn chế rất nhiều. Vừa học đã quên, việc kiểm tra bài cũ đầu giờ học đối với các thầy cô ở đây là điều không tưởng. Buổi học hôm ấy, tới giờ vào lớp, mặc dù đã đến nhà từng học sinh gọi nhưng điểm danh đi, điểm danh lại lớp của thầy Hưng vẫn thiếu 6 trong tổng số 15 học sinh. “Bài giảng vẫn phải bắt đầu, những em vắng này, tôi sẽ phải dạy bù vào buổi tối. Tội nghiệp, hầu hết các em ngồi học mà có tập trung được đâu…” - anh chép miệng, thở dài như một ông giáo già.

4 lần đi gọi học sinh đến lớp 1 ngày
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in tiếng kẻng báo hiệu hết giờ ra chơi ở bản Pho hôm ấy. Cô giáo trẻ tay cầm con dao cùn gõ vào cái lưỡi cày treo ở đầu hồi để gọi học sinh vào lớp. Tiếng kẻng thay cho tiếng trống giữa giờ, tuy không to nhưng cũng đủ để 19 hộ dân trong bản nghe thấy. Thế nhưng, cô Thuận gõ đến hồi thứ 4, lớp vẫn vắng tanh, không bóng một học trò. Tôi chưa kịp thở dài thì cô giáo lắc đầu: “Tình trạng này ở đây là phổ biến, nên chúng em quen rồi”. Học sinh cứ đến giờ ra chơi là tranh thủ về nhà ăn cơm, nếu cô giáo không đến gọi sẽ rất ít em chịu đến lớp lại. Một ngày 2 buổi lên lớp, đồng nghĩa với việc cô giáo phải 4 lần lặn lội đến từng nhà gọi học sinh. Nhiều cô giáo cắm bản tâm sự rằng: Vì còn trẻ, vì vẫn sống một mình, lúc thiếu học sinh buồn không chịu nổi nên coi việc đi gọi các em là một niềm vui. Nếu có gia đình rồi, phải lo chăm sóc cho chồng, cho con thì không biết sẽ như thế nào…?

Cách bản Pho không xa là phân hiệu trường A Mú Sung ở bản Lũng Pô, đây cũng chính là địa danh đánh dấu dòng Hồng Giang “nhập tịch” Việt Nam. Không khí núi rừng tiết cuối thu lạnh se se và yên bình kỳ lạ ngả bóng xuống dòng nước sông đỏ nặng phù sa. Nếu chẳng vương vấn câu chuyện nặng trĩu nỗi buồn về sự học của trẻ em bản này, thì có lẽ chúng tôi đã có những giây phút ngoạn cảnh thật tuyệt vời. Phụ trách phòng học ghép 3 trình độ từ lớp 1 đến lớp 3 của bản là cô giáo Đồng Thị Hương. Phải dạy cả 3 lớp nhưng cô Hương chỉ soạn bài được của lớp 1 và lớp 2, còn chương trình lớp 3 cô đành nghiên cứu tài liệu rồi hướng dẫn các em học, hơn nữa cả bản chỉ có 2 em là học đến lớp 3. Sang năm, nếu theo đúng niên chế thì 2 em này sẽ bước vào lớp 4, nhưng cứ duy trì cách thức học này thì làm sao các em có đủ kiến thức mà theo học tiếp. Chẳng ai trách móc được Hương bởi điều đó hoàn toàn vượt quá sức lực và trình độ của cô. Chỉ tính bình quân thời gian soạn bài, lên lớp cả ngày rồi đi gọi học sinh cô đã mất gần 17 tiếng/ngày. Hơn thế, lớp học của phân hiệu Lũng Pô do cô phụ trách vẫn phải ở nhờ một ngôi nhà dân tạm bợ với vách nứa, mái lợp proximăng xiêu vẹo. “Lớp học quá tuềnh toàng nên những hôm nắng nóng, cả cô và trò dầm dề mồ hôi. Còn mùa đông đứng lớp, gió mùa lùa tứ phía, lạnh thấu xương, nhiều khi tay cóng không thể cầm nổi viên phấn…” - cô giáo Hương tâm sự một cách dè dặt. Đã xây dựng gia đình nhưng chồng, con cô ở tận thị trấn Bát Sát, cách nơi này hơn 80 cây số. Mỗi tuần nhớ con, nhớ chồng, cô về nhà một lần thành thử tiền lương quy ra chẳng còn là bao…
Chia tay A Mú Sung, chúng tôi đi theo dòng chảy sông Hồng chở phù sa xuôi về phía biển. Rồi mai này, những em nhỏ vùng cao lớn khôn, các em sẽ theo cái chữ về xuôi, liệu có ai mỗi dịp 20/11 nhớ gửi niềm biết ơn ngược theo dòng nước đến với các thầy, cô giáo tiểu học ở phía thượng nguồn…?