15:45:12 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Hồi chúng tôi là Đoàn viên

>>>> Bản tin số 256 (pdf)

>>>> Hồi chúng tôi là Đoàn viên (pdf)

Tôi năm nay đã 74 tuổi rồi, vậy mà luôn nhớ lại hồi chúng tôi là đoàn viên thanh niên cách đây trên nửa thế kỉ. Đó là những năm vừa mới giải phóng Thủ đô. Chúng tôi từ Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) về Hà Nội và được phân công vào học tại Trường Đại học Sư phạm Khoa học (bên cạnh đó còn có Trường Đại học Sư phạm Văn khoa). Hiệu trưởng trường chúng tôi khi ấy là GS. Lê Văn Thiêm, còn bên Văn khoa hình như là GS. Đặng Thai Mai. Hồi ấy Đông Dương học xá (nay là khu vực Trường Đại học Bách khoa) chỉ có đúng 4 ngôi nhà A-B-C-D xoay quanh một sân vận động. Chung quanh toàn là đồng ruộng. Bây giờ 4 ngôi nhà và cái sân vận động ấy vẫn còn tồn tại, nhưng lại mọc thêm san sát hàng trăm ngôi nhà khác để tạo nên cả một phường - Phường Bách khoa. Chúng tôi đều rất trẻ và từ tứ phương hội tụ. Bọn tôi từ Trung Quốc về, nhiều bạn khác từ Khu 4 ra, từ Khu 3 lên và từ Việt Bắc xuống. Còn nhiều bạn là học sinh trung học cũ trong nội thành Hà Nội. Sao hồi ấy chúng tôi trong sáng và vui vẻ, trẻ trung đến thế. Mức sống rất khác nhau, nhưng tất cả khối nội trú đều nghèo như nhau. Bây giờ nghĩ lại thật không sao hình dung nổi. Có bạn còn mặc quần âm lịch (quần thắt giải rút). Có bạn còn viết bút chấm mực. Hầu hết đi dép râu (dép cao su). Buổi sáng chia nhau mấy củ khoai , củ sắn chứ đâu có tiền ăn xôi (nói gì đến bánh mỳ hay phở). Và chúng tôi…đi bộ lên 19 Lê Thánh Tông mỗi ngày 4 lần để học (!). Buổi trưa không về thì…đói! Mà bữa ăn hầu như chỉ có cơm với món bí đỏ có thêm vài lát thịt rất mỏng. Có lẽ bây giờ đi bộ một lần thôi trên quãng đường xa như thế thì cũng không thể nào đi nổi (!). Không đứa nào có nổi một chiếc xe đạp. Bàn nhau tếu táo giá góp đủ tiền mua một cái xích lô để thay nhau đạp thì có thể chở được đến 6-7 đứa. Nhưng có đứa nào có tiền đâu để góp. Hồi ấy đúng là đánh trống ghi tên, có thi tuyển vào đại học gì đâu? Cứ tốt nghiệp lớp 9 là được vào học chung với các bạn đỗ Tú tài II trong nội thành. Trình độ rất khác nhau. Thầy giáo có rất ít. Mỗi Khoa chỉ có vài thầy. Nhưng thật may mắn đó đều là những ông thầy thật sự xứng đáng là Thầy. Các thầy đã cất công tự học tiếng Nga qua cuốn sách Le Russe bằng tiếng Pháp để sau đó soạn bài giảng qua sách giáo khoa đại học của Liên Xô. Chúng tôi học ba niên khóa, nhưng học thông cả hè nên thực tế chỉ có hơn 2 năm mà thôi. Cùng với bạn Nguyễn Văn Hiệu, tôi tốt nghiệp khi mới chỉ 18 tuổi. Trong lớp học sinh đầu tiên của tôi có nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn An Vinh và nhiều cán bộ thành danh khác. Nghĩ lại thấy cũng lạ. Tốt nghiệp khóa 1956 về sau toàn là các giáo sư đầu ngành khoa học cơ bản và là đội ngũ chủ chốt của hầu hết các trường đại học sau này. Tôi tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp từ Khóa I , bây giờ một số bạn đã mất, tất cả đều đã về hưu nhưng vẫn là những tên tuổi được kính trọng và không ít bạn vẫn miệt mài làm việc để hỗ trợ các bạn trẻ hoặc chỉ đạo các nhóm nghiên cứu khoa học. Chúng tôi sinh hoạt Đoàn khác hẳn các bạn trẻ bây giờ. Kết nạp Đoàn đâu có dễ. Phải phấn đấu, tu dưỡng thật sự. Phải rất nghiêm túc trong học tập và sinh hoạt. Phải chan hòa với cả tập thể và có ý thức rất tự giác trong công việc phê bình và tự phê bình. Người bí thư Chi Đoàn của lớp phải chọn rất kỹ và tất nhiên phải là người rất gương mẫu. Không phải mọi sinh viên đều được kết nạp vào Đoàn một cách dễ dàng như bây giờ. Nhiều bạn muốn vào nhưng còn phải…thử thách (!). Tuy nhiên tất cả chúng tôi đều học rất tự giác và rất tốt. Tôi nhớ bây giờ khó có những bài Thực tập Hóa học như hồi Thầy Nguyễn Thạc Cát đưa cho mỗi nhóm một bình tam giác có một dung dịch chứa nhiều nguyên tố khác nhau. Với hàng loạt thuốc thử và hóa chất trên bàn thực tập mỗi nhóm phải trả lời bằng được trong dung dịch đó có những nguyên tố gì. Còn Thầy Dương Hữu Thời, Thầy Lê Khả Kế thì bắt chúng tôi mỗi đứa xem 10 loại hoa sau đó điền tên loài, tên chi, tên họ, tên bộ bằng tên…La Tinh của từng loài (!). Thầy Đào Văn Tiến, Thầy Lê Quang Long bắt chúng tôi mổ từng nhóm động vật và ghi chú từng cơ quan của chúng cũng như ghi lại nhịp tim của từng loài…Ngoài Thầy Lê Quang Long ở tuổi 89 nhưng vẫn khang kiện, các Thầy khác nay đều đã về miền Cực lạc.

Với tinh thần Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên, chúng tôi rất tự hào khi được đeo huy hiệu Đoàn trên ngực áo (điều không còn thấy hôm nay nữa). Chúng tôi luôn tự giác rèn luyện, phấn đấu để mong có một kiến thức tốt và một tâm hồn trong sáng, lành mạnh, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu khi được phân công sau khi ra trường.

Ôn lại chuyện xưa để kiến nghị Đoàn Thanh niên cộng sản hôm nay phải có tư duy khác thì mới mong xứng đáng là Đội tiên phong và dự bị của Đảng. Tôi cho rằng sinh hoạt Đoàn không chỉ qua loa cho xong chuyện như nhiều đơn vị đang làm. Cần tạo ra một không khí thật sự dân chủ để đoàn viên thanh niên có thể tranh luận sôi nổi về những vấn đề mà họ quan tâm. Các ý kiến của đông đảo bạn trẻ cần được các cấp tôn trọng để xem xét và khắc phục. Thiếu gì chuyện để tranh luận cho ra nhẽ. Ví dụ nếu có chiến tranh xảy ra thì liệu có đánh nhau như cung cách trước đây hay không? Nếu không thì học quân sự và tập tành như kiểu hiện nay liệu có ích lợi gì không? Có phải cứ tăng nhiều tiết học Lý luận Chính trị thì thanh niên sẽ giác ngộ cao hơn, có đạo đức tốt hơn hay không? Thế các bạn học đại học ở nước ngoài về mà chưa học ba môn Chính trị này thì liệu có phải học lại mới được nhận công tác hay không? Môn thể dục, thể thao trong nhà trường có thực sự nâng cao được thể lực cho sinh viên hay không? Có thể xếp được vào giờ ngoại khóa để dành thêm thời gian cho chuyên môn hay không? Còn bao nhiêu chuyện khác về con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần hiểu thế nào là đúng, về Nhà nước pháp quyền cụ thể là ra sao… Các cuộc tranh luận sôi nổi và thẳng thắn sẽ làm cho sinh hoạt Đoàn thực sự có ích và gắn bó mọi người với nhau hơn trên tinh thần cầu tiến. Thanh niên hôm nay là chủ nhân của đất nước vào năm 2020, thời điểm mà chúng ta mong muốn đất nước về cơ bản đạt tới trình độ công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Tôi cũng rất ấn tượng về phong trào Mùa hè xanh của đoàn viên thanh niên hiện nay. Thực tế cho thấy thanh niên ta rất tốt, rất hăng hái và giỏi giang khi biết tổ chức nhau lại để cùng làm các công tác xã hội thực sự hữu ích. Việc thường xuyên thực hiện công tác tự phê bình và phê bình sẽ giúp thanh niên loại bỏ được các thói hư, tật xấu, các nếp sống không lành mạnh và trái với truyền thống giữ gìn thuần phong mỹ tục.

Nếu các đồng chí lãnh đạo công tác Đoàn ở ĐHQGHN và các bạn trẻ cùng chia sẻ với tôi những quan điểm trên đây thì tôi cảm thấy rất vui lòng.

 

 GS.NGND.NGUYỄN LÂN DŨNG - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC