>>>> Bản tin số 253 (pdf)
Giống như những vật liệu để xây một ngôi nhà với gạch là vật liệu truyền thống, ngôn ngữ không thể không có từ và các đơn vị tương đương như từ. Vì thế, từ là sự tồn tại tất nhiên trong hệ thống ngôn ngữ và nghiên cứu về từ trở thành một trọng tâm của ngôn ngữ học. Cách hình dung đơn giản như vậy cũng là để muốn nói rằng, từ là một vấn đề vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại của khoa học ngôn ngữ. Từ trở thành một nội dung không thể thiếu của ngôn ngữ học đại cương với hàng ngàn định nghĩa được đúc rút từ những nghiên cứu cụ thể về từ ở từng ngôn ngữ và trên cơ sở đó, nó lại được áp dụng, triển khai nghiên cứu rộng rãi, liên tục ở mọi ngôn ngữ.

Xung quanh vấn đề từ tiếng Việt, câu hỏi luôn được đặt ra là: từ tiếng Việt là gì (thế nào là từ tiếng Việt) và cái gì đích thực là từ tiếng Việt (bản chất của từ tiếng Việt). Nếu coi “âm tiết tính” là đặc điểm cơ bản, mang tính bản chất của tiếng Việt thì vấn đề từ tiếng Việt cần được giải quyết như thế nào trong mối quan hệ với đặc điểm đơn âm tiết này? GS. Nguyễn Thiện Giáp đi theo hướng mà trước đó tuy đã có người đề cập nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu sâu hoặc chưa triệt để, đó là: từ tiếng Việt có vỏ ngữ âm là âm tiết. Nếu coi hình vị là đơn vị có nghĩa của ngôn ngữ thì từ tiếng Việt cũng trùng với âm tiết. Triệt để theo quan điểm này, ông cho rằng, trong tiếng Việt, cùng với đơn vị từ vựng cơ bản là từ thì còn có một đơn vị từ vựng là ngữ. Ngữ là những cụm từ sẵn có trong tiếng Việt, có giá trị tương đương như từ. Khái niệm “ngữ” được ông giải thích như sau: khác với cụm từ tự do, các ngữ (từ ghép, từ láy, ngữ định danh, thành ngữ) đều có tính cú pháp trong quan hệ giữa các thành tố. Khái niệm phi cú pháp, theo ông, không phải là không có quan hệ cú pháp mà là có quan hệ cú pháp đã đi trệch ra khỏi những mô hình cú pháp bình thường của tiếng Việt hiện đại. Với cách lí giải này, trong tiếng Việt có “từ, ngữ, câu” và theo đó, những khái niệm hình vị, từ đơn, từ ghép, từ phái sinh,… nếu có thì cũng sẽ phải được giải thích thông qua ba khái niệm cơ bản trên. So sánh với khái niệm ngữ mà ông nêu ra với khái niệm cụm từ trong ngôn ngữ Ấn Âu, ông cho rằng, chúng không hoàn toàn giống nhau: về mặt ngữ nghĩa, các ngữ trong tiếng Việt tương đương với từ phái sinh, từ phức, từ ghép và cụm từ cố định trong các ngôn ngữ Ấn Âu. Đến đây thì đã rõ, dù ông có thêm những đoạn giải thích thì cái cốt lõi “mỗi âm tiết là một từ” là quan niệm mà ông theo đuổi hay nói một cách chính xác được ông triệt để hoá: những đơn vị gọi là từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy trong tiếng Việt được ông chuyển sang ngữ.


Càng ngày càng hiểu ra rằng, quan điểm mà ông nêu ra không chỉ thuần tuý là cách gọi, là “sự sắp đặt chỗ ngồi” cho đơn vị này hay đơn vị nọ. Bởi như thế có ích gì nếu chỉ là sự sắp xếp về mặt hình thức. Chẳng hạn, thực tế đã có bài viết, do chỉ chú trọng tới mặt hình thức nên tỏ ra lúng túng không biết xử lí như thế nào với trường hợp khinh trong tiếng Việt, đó là khinh mượn từ tiếng Hán (Hán Việt) được dùng trong tiếng Việt với hai nghĩa: với nghĩa là “nhẹ”, khinh chỉ được dùng là yếu tố tạo từ (khinh khí cầu); với nghĩa là “coi thường”, khinh được dùng vừa là một từ (khinh kẻ luồn cúi) vừa là yếu tố tạo từ (khinh bạc, khinh nhờn, khinh ghét). Trước những hiện tượng như khinh, bài viết kia đã đưa ra kết luận khinh trong tiếng Việt “lúc là từ, lúc không phải là từ”. Thực ra không có gì đáng phàn nàn về kết luận này, bởi ngữ pháp học thời đó chủ yếu xuất phát từ hình thức - cấu trúc mà chưa có sự kết hợp nghiên cứu ngữ pháp - ngữ nghĩa. Mà đâu chỉ có bên chúng ta, ngay cả những nhà ngôn ngữ học hàng đầu thế giới như J.Layons cũng đã từng có ý kiến đại ý rằng, hãy xem từ cũng như câu là những đơn vị “mặc định” để làm việc (để khỏi phải “mất công” tranh luận). GS. Nguyễn Thiện Giáp trong nghiên cứu từ tiếng Việt đã hướng tới những vấn đề xa hơn, rộng hơn, mang tầm lí thuyết. Điều này được thể hiện ở những nghiên cứu tiếp theo của ông khi ông vận dụng lí thuyết tâm - biên của ngôn ngữ học hiện đại vào nghiên cứu vấn đề từ tiếng Việt. Ông cho rằng, với giải pháp về quan niệm từ tiếng Việt như vậy phù hợp với lí thuyết của ngôn ngữ đại cương, phù hợp với truyền thống Đông phương học, phù hợp với ngữ văn học Việt Nam và đặc điểm của tiếng Việt. Cũng theo ông, với cách quan niệm về ngữ như vậy, ngữ pháp học tiếng Việt sẽ có cơ sở để nghiên cứu các nội dung liên quan ngoài từ vựng. Chẳng hạn, liệu có còn hay cần phân biệt giữa hình thái học và cú pháp học trong tiếng Việt như ngôn ngữ học đại cương đã làm?… Cũng cần phải nói thêm rằng, tuy đến nay, quan điểm từ trùng với âm tiết mà ông là nguời theo đuổi cũng vẫn chỉ là một trong những quan điểm về từ tiếng Việt, nhưng công lao của ông chính là đã triệt để đi theo quan điểm đó bằng sự nghiên cứu thực tế tiếng Việt một cách hệ thống và sâu sắc.
Cùng với các công trình nghiên cứu về từ tiếng Việt được tái bản nhiều lần và mỗi lần là một sự cập nhật kiến thức mới, tư liệu thực tế mới, ông còn có các công trình khác như Dụng học Việt ngữ (2000), Lược sử Việt ngữ học (tập 1, 2005; tập 2, 2007; chủ biên), Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học (2005), Giáo trình ngôn ngữ học (2008), 777 khái niệm ngôn ngữ học (2010; giải thưởng Đại học quốc gia Hà Nội).