Tin tức chung
Home   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung: Từ duyên khảo cổ đến Bảo tàng Nhân học
Bảo tàng Nhân học – một bảo tàng chuyên ngành - nơi trưng bày hiện vật đồng thời là nơi phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Trường ĐHKHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.

(ussh.vnu.edu.vn)

Bảo tàng Nhân học được thành lập năm 2005, là kết quả của quá trình thu thập hiện vật và triển khai ý tưởng của nhà khảo cổ học PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung.

Phóng viên Website ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Bảo tàng Nhân học PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung.

- Từ góc độ học thuật, đâu là lí do để nhà khảo cổ học Lâm Thị Mỹ Dung say sưa thu thập hiện vật cũng như đưa ra ý tưởng và tiến hành xây dựng một bảo tàng chuyên ngành trong trường đại học?

Trong bối cảnh giáo dục đại học được quốc tế hóa ngày càng sâu rộng, việc ra đời bảo tàng chuyên ngành trong trường đại học là một xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển bảo tàng ở cả góc độ chung và riêng, đồng thời đáp ứng xu thế đào tạo đi đôi với nghiên cứu.

Đối với Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN suốt nhiều năm qua đã thực hiện nhiều đợt điền dã, khai quật khảo cổ học. Sau những chuyến đi ấy, thầy và trò theo đuổi lĩnh vực Khảo cổ học đã thu thập, sưu tầm được nhiều hiện vật khảo cổ, hiện vật dân tộc học, hiện vật văn hóa…

Từ năm 2003 trở về trước, tất cả những hiện vật đó được lưu giữ trong những nhà kho chật hẹp, điều kiện bảo quản không đạt tiêu chuẩn và hạn chế khả năng khai thác ứng dụng. Nhiều hiện vật sau đó bị hư hỏng, bị mất và thậm chí không thể dùng để phục vụ công tác đào tạo cũng như nghiên cứu.

Tại những quốc gia phát triển, các đại học lớn đều có bảo tàng, trong đó một số bảo tàng của đại học có qui mô và tầm vóc ngang với bảo tàng quốc gia nổi tiếng. Ở Việt Nam, loại hình bảo tàng tổng hợp, bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang có nhiều nhưng thiếu vắng các bảo tàng chuyên ngành.

Bảo tàng Nhân học thuộc Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN vinh dự là bảo tàng trong đại học đầu tiên ở Việt Nam.

- Ý nghĩa của việc thành lập Bảo tàng Nhân học nhìn từ góc độ xã hội là gì, thưa PGS.? 

Trong khuôn viên đại học có một bảo tàng mà ở đó diễn ra nhiều hoạt động thu hút sự quan tâm của cán bộ, giảng viên và sinh viên, sẽ dần khích lệ việc hình thành thói quen tham quan bảo tàng - một nét đẹp văn hóa, cho sinh viên và cộng đồng xung quanh.

Chúng tôi mong muốn nhu cầu tham quan, học tập và tìm hiểu văn hóa của sinh viên Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN tại bảo tàng sẽ ngày càng phong phú, đa dạng.

Tôi thấy đa phần người Việt Nam hiện nay chưa có thói quen đi thăm bảo tàng và hầu như chưa nhìn nhận bảo tàng như một thiết chế văn hoá cần thiết đối với đời sống cá nhân và cộng đồng.

Trong suy nghĩ của đại bộ phận công chúng Việt Nam, bảo tàng giống như cái kho ẩm mốc lưu chứa những vật dụng cũ kỹ dành cho những người hoài cổ. Không ít người chẳng mấy khi bước chân đến bảo tàng nhưng luôn luôn tìm chê bai cách trưng bày, nội dung trưng bày của bảo tàng Việt Nam.

Tôi và những người tâm huyết với bảo tàng rất mong muốn người Việt Nam, trước hết là đội ngũ trí thức trẻ, sẽ dần hình thành thói quen đi tham quan bảo tàng trong và ngoài nước khi có dịp, để bồi đắp phong phú thêm những kiến thức về lịch sử văn hoá nhân loại.

- Bảo tàng Nhân học có đóng góp như thế nào đối với công tác đào tạo và nghiên cứu, thưa PGS.?

Bảo tàng Nhân học được thành lập với sứ mệnh giữ gìn và nhân lên nguồn lực di sản lịch sử, giá trị văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Một trong những nhiệm vụ của Bảo tàng Nhân học là tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học một số chuyên ngành thuộc Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Đây cũng đồng thời là nơi sinh viên, học viên sau đại học có thể thực hiện quá trình tự học, tự nghiên cứu.

Thông qua những hoạt động đặc thù, Bảo tàng Nhân học được ví như một loại giảng đường đặc biệt, nơi truyền thụ kiến thức lý thuyết gắn liền với giáo cụ trực quan, giáo trình/giáo khoa thị giác là những hiện vật cụ thể, đa dạng, sinh động.

Bảo tàng được xây dựng là cơ hội thực tiễn để phát huy một cách hiệu quả nhất nguồn lực tri thức dồi dào, kinh nghiệm phong phú của đội ngũ các nhà nghiên cứu đầu ngành cũng như đội ngũ trí thức trẻ của Trường ĐHKHXH&NV và của ĐHQGHN.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Nhân học còn là cầu nối giữa sinh viên với di sản văn hoá/tri thức khoa học và cộng đồng cư dân.

Trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, tuy được hình thành muộn song Bảo tàng Nhân học lại có cơ hội kế thừa và áp dụng nhiều kinh nghiệm quí của hệ thống bảo tàng cổ điển, truyền thống trước đó, song song với việc thực hiện cải tiến hình thức cũng như nội dung theo xu hướng của bảo tàng học hiện đại.

- Những ai có thể đến tham quan Bảo tàng Nhân học, thưa PGS.?

Như trên đã nói, đối tượng chính của Bảo tàng Nhân học là cán bộ, giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV cũng như của các trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội.

Song với tư cách là một bảo tàng đại học nằm trong hệ thống bảo tàng của cả nước, Bảo tàng Nhân học thực hiện đầy đủ mọi chức năng nghiệp vụ khác.

Hiện nay, Bảo tàng Nhân học trưng bày hiện vật khá đa dạng, bao gồm nhiều chủ đề liên quan đến khảo cổ học, dân tộc học, văn hoá cổ truyền và đương đại nên bất cứ ai quan tâm đến những nội dung này đều có thể tham quan nơi đây.

Trên thực tế đã có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm quan, làm việc và nghiên cứu tại Bảo tàng Nhân học.

Website của Bảo tàng luôn cập nhật tin tức về các bộ sưu tập, các chương trình nghiên cứu, các khoá tập huấn, trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề.

Thông qua những hoạt động liên kết với một số viện nghiên cứu, bảo tàng và đại học khác, Bảo tàng Nhân học dần trở thành địa chỉ quen thuộc của một bộ phận công chúng quan tâm đến di sản văn hoá dân tộc.

- Cơ duyên nào đã đưa PGS. gắn bó với lĩnh vực Khảo cổ học?

Tôi thường nghĩ Nghề chọn người chứ không mấy khi người chọn được nghề. Tôi đến với khảo cổ như một nhân duyên.

Năm 1979, thi đậu đại học, tôi được cử đi học ngành lịch sử ở nước ngoài. Kết thúc học kỳ I của năm thứ nhất, tôi đã đăng kí chọn ngành khảo cổ, dù chưa có hiểu biết gì về lĩnh vực này.

Khi ấy, tên gọi của ngành khảo cổ học gợi liên tưởng về nhiều điều kỳ thú và tôi linh cảm điều đó phù hợp với tính cách của bản thân mình. Khảo cổ học sẽ chắp cánh cho tôi đi đến các vùng đất khác nhau và khám phá những điều mới lạ.

Tôi gắn bó và đeo đuổi sự nghiệp khảo cổ suốt từ đó đến nay.

- Đam mê cùng Khảo cổ học hẳn cũng mang đến những niềm vui và trăn trở về lĩnh vực này. PGS. có thể chia sẻ thêm đôi điều?

Từ cơ duyên ban đầu khi chọn ngành, khảo cổ dần trở thành niềm đam mê của tôi lúc nào tôi cũng không hay.

Khi được sống say mê với hành trình khảo cổ, một khám phá dù nhỏ cũng mang lại niềm vui bất tận cho tôi. Các chuyến điền dã được các nhà khảo cổ học chúng tôi ví như những lần du lịch “miễn phí” trong đó nhà khoa học đánh đổi bằng mồ hôi và sự hối thúc của sự nghiệp nghiên cứu. Lắm khi mồ hôi tuôn mà không ai trong chúng tôi biết được liệu có kết quả nào hay không… Cứ miết mải vậy thôi.

Sống cùng khảo cổ học, mỗi chúng tôi đều trăn trở rất nhiều về những di tích, di vật “một đi không trở lại”. Tôi biết có nhiều nguyên nhân cho hiện trạng ấy, cả khách quan và chủ quan, song trước hết phải kể đến sự đầu tư chưa đúng mức đối với nghiên cứu khảo cổ học. Nhiều phương pháp khai quật và hậu khai quật tiên tiến hiện đại chưa được áp dụng.

Hiện nay, khảo cổ học ít được sinh viên quan tâm và chọn học, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.

Và trên hết, tôi cho rằng cần có một chiến lược phát triển ngành khảo cổ học một cách dài hạn và bài bản ở tầm quốc gia. 

- Bên cạnh việc trưng bày hàng loạt các hiện vật cổ xưa thì người tham quan có thể hòa vào không gian 3 chiều để hình dung rõ ràng và cụ thể những hoạt động đã diễn ra trong quá khứ. Vì đâu mà PGS. và các cộng sự sử dụng biện pháp tái hiện hiện đại này trong Bảo tàng Nhân học?

Không gian nhỏ hẹp của Bảo tàng Nhân học khiến việc trưng bày hiện vật bị hạn chế số lượng. Bảo tàng đã thực hiện dự án Trưng bày ảo để giải quyết các nghịch lý giữa trưng bày và bảo quản (hiện vật quý hiếm độc đáo, dễ hư hại), giữa số lượng/loại hình hiện vật với không gian trưng bày, giữa nhu cầu kỹ thuật/mỹ thuật trưng bày với không gian tạo sự tương tác chặt chẽ giữa sưu tập hiện vật với nhu cầu/ mục đích của người xem.

Bảo tàng ảo là bài toán đặt hàng của đội ngũ các nhà khảo cổ học thuộc Trường ĐHKHXH&NV đối với nhóm nghiên cứu do PGS.TS Đỗ Năng Toàn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN.

Bảo tàng ảo đã giải quyết được những nội dung chuyên môn khảo cổ học đang cần và  đưa những tiến bộ của công nghệ thông tin ứng dụng trong thực tiễn, phát huy được nội lực của đội ngũ cán bộ khoa học thuộc nhiều lĩnh vực của ĐHQGHN.

Bảo tàng ảo giúp đặt hiện vật trong bối cảnh văn hoá, lịch sử mà bảo tàng thực không cho phép. Bảo tàng ảo giúp người xem hiểu rõ hơn về công năng, giá trị sử dụng của hiện vật.

Dự án đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Bảo tàng Nhân học. Trưng bày ảo của Bảo tàng Nhân học trên thực tế đang đóng vai trò như một studio hay laboratory phục vụ nghiên cứu khoa học.

Việc số hoá và sau đó là xây dựng cơ sở dữ liệu hiện vật số hóa cho phép các nhà nghiên cứu tiếp xúc không hạn chế với hiện vật theo cả hai chiều không gian và thời gian.

Trưng bày ảo là giải pháp mới hữu hiệu xây dựng bài giảng trên mạng, xây dựng loại bảo tàng ảo đào tạo sử dụng chương trình Power Point (Virtual Educational Museums using Powerpoint) các môn lịch sử, văn hóa, nhân học...

Có thể nói Trưng bày bảo tàng ảo là kênh thông tin đại chúng cung cấp nguồn tư liệu cho nghiên cứu, đào tạo, giải trí... bằng cách lưu giữ và trưng bày hiện vật và tri thức, bắt hiện vật kể chuyện bằng phương thức hiện đại đặc biệt.

- Với không gian hiện nay hẳn chưa thể thỏa mãn được ý tưởng trưng bày của một nhà nghiên cứu tâm huyết với khảo cổ học. PGS. có mong muốn gì về Bảo tàng Nhân học trong tương lai?

Xu thế hoạt động của các Bảo tàng quốc tế hiện nay là từ nghiên cứu tới trưng bày. Chúng tôi cũng mong muốn Bảo tàng Nhân học phát triển theo hướng ấy, với cách thức tổ chức và hoạt động của một bảo tàng nghiên cứu trong môi trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

Bảo tàng Nhân học sẽ thường xuyên tăng cường sưu tầm và bổ sung hiện vật, tư liệu phục vụ trưng bày, trong đó ưu tiên chọn lọc, sưu tầm những hiện vật, tư liệu tư liệu có giá trị khoa học và tính hấp dẫn cao, thuộc loại quí hiếm.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đa dạng hoá cách thức và sản phẩm trưng bày tại Bảo tàng, nâng cao hình thức và cập nhật nội dung trưng bày ảo.

Bảo tàng Nhân học tiếp tục tăng cường xã hội hoá và hợp tác trong cũng như ngoài nước, chủ động tìm kiếm tài trợ theo chủ trương xã hội hóa, mở rộng liên kết hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, nhằm nâng cao mọi mặt hoạt động, biến nơi đây thành địa chỉ văn hoá quen thuộc và thân thiện cho nhiều đối tượng công chúng khác nhau.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung về cuộc trao đổi vừa qua.

PGS.TS Đỗ Năng Toàn – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN:

“Việc nghiên cứu xây dựng bảo bảo tàng ảo theo đơn đặt hàng của các nhà khảo cổ thuộc Trường ĐH XH&NV, ĐHQGHN được tôi và các cộng sự nghiên cứu phát triển dựa trên bộ thư viện nền 3D. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy Bảo tàng ảo là một lĩnh vực có ứng rất rộng.

Các bộ, ngành, doanh nghiệp, cơ quan, đại học đều có thể xây dựng không gian trưng bày ảo tại Phòng truyền thống thông qua bảo tàng ảo.

Bộ thư viện và ứng dụng mẫu đã được của chúng tôi nghiên cứu và phát triển hơn mười năm nay và hiện đã được thương mại hóa, thay thế các hệ thống tương tự thường phải nhập khẩu theo các thiết bị trình chiếu 3D chuyên dụng. Điều này, sẽ giảm được rất nhiều chi phí và tạo sự thuận tiện cho người sử dụng.

Cũng dựa trên bộ thư viện này chúng tôi đã hợp tác nghiên cứu và phát triển Hệ thống cơ thể ảo theo đơn đặt hàng của Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên và ĐH Y Dược Huế, nhằm thay thế các xác thật hiện rất thiếu trong các trường đại học y, dược và các đơn vị nghiên cứu liên quan.

Hệ thống cơ thể ảo giúp giảng viên có thể giảng dạy trực tiếp trên cơ thể ảo mô phỏng lại từ cơ thể thật, hoặc xây dựng các bài giảng điện tử trên nền cơ thể ảo này.

Chúng tôi hiểu rằng công nghệ thông tin là hạ tầng phục vụ sự phát triển của ngành khác, lấy bài toán của các ngành khác làm bài toán của chính mình.

Chúng tôi đã và đang thực hiện các nghiên cứu và hợp tác liên quan đến các lĩnh vực chuyên sâu như bảo tàng trực tuyến, phục dựng mặt người từ sọ của pháp y, phục dựng công trình kiến trúc cổ, mô phỏng khói lửa phục vụ phòng cháy, chữa cháy…”

 Đỗ Ngọc Diệp (thực hiện) - VNU Media
  Print     Send
Others