Tin tức chung
Home   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Cựu sinh viên ĐHQGHN nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019
Ngày 18/5, nhân ngày KHCN Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ đã trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu cho 03 nhà khoa học thuộc các ngành: Cơ học, Y sinh Dược học và Vật lý. Đây cũng là năm đầu tiên, một nhà khoa học nữ - Cựu sinh viên ĐHQGHN được trao giải thưởng.

PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng là cựu sinh viên Khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Công trình nghiên cứu “Phân tích sự tiến hóa của virus HPAI H5N1 trong mối tương tác người và động vật” của PGS. Nguyễn Lê Khánh Hằng đã tập trung vào các hướng nghiên cứu về virus cúm mùa, các virus lây truyền từ động vật sang người và nổi trội (SARS-CoV, cúm gia cầm A/H5N1, A/H7N9, virus MERS-CoV, Ebola…), Ricketssia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học&Công nghệ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng.

Năm 2017, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng đăng công trình “Highly Pathogenic Avian Infuenza A(H5N1) Viruses at the Animal– Human Interface in Vietnam, 2003–2010” trên The Journal of Infectious Diseases - một tạp chí có uy tín nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ. Công trình tập trung vào tương tác của virus cúm A/H5N1 tại Việt Nam giai đoạn 2003-2010: sự tiến hóa nhanh của virus, thống kê các đột biến trong tương tác người – động vật của virus, mối tương quan về không gian và thời gian giữa sự xuất hiện của virus trên gia cầm và người. Chị và đồng nghiệp tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US-CDC) đã chọn lựa và phân lập virus từ mẫu bệnh phẩm của người và gia cầm tại Việt Nam, từ những trường hợp mắc bệnh đầu tiên (2003) đến trường hợp gần đây nhất (2010) để phân tích gia hệ, phân tích phân tử các virus…

Kết quả nghiên cứu cho thấy: virus HPAI H5N1 có sự phân tách thành 6 nhóm kháng nguyên tạo thành từ 8 kiểu gene; 34 amino axit trên protein của virus thay đổi sau khi virus từ gia cầm lây nhiễm sang người; mối tương quan về thời gian và không gian giữa sự xuất hiện của virut HPAI H5N1 ở gia cầm và sự lây truyền của nó sang người.

Trên cơ sở này, công trình của PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng đã cung cấp một danh sách các đột biến được xác định trong tương tác giữa người - động vật trong virus HPAI H5N1, có giá trị trong giám sát phân tử virus cho các nghiên cứu trong tương lai tại Việt Nam và trên thế giới. Số liệu này có thể giúp các nhà khoa học phát hiện và xác định các đột biến liên quan đến sự thích ứng của virus cúm HPAI H5N1 trên động vật có vú, đồng thời cung cấp các số liệu tham chiếu cho nghiên cứu về các virus cúm A khác đang lưu hành trên động vật, gia cầm.

Với việc nắm bắt kịp thời các xu hướng mới, chị đã hướng đến áp dụng “One Health” – một cách tiếp cận liên ngành mới do Tổ chức Y tế thế giới đề ra nhằm quy tụ các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực thực hiện các nghiên cứu từ quy mô địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu nhằm tìm hiểu cơ chế phát sinh và tiến triển của các bệnh truyền nhiễm thông qua mối tương tác giữa con người, động vật, môi trường.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là Giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia làm Cơ quan thường trực, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng, khoa học và công nghệ Việt Nam nói chung. Các nhà khoa học đoạt Giải thưởng phải có những đóng góp chủ đạo trong quá trình nghiên cứu khoa học tại Việt Nam và công bố các kết quả thu được trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Giải thưởng được xét tặng cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, bao gồm: Khoa học tự nhiên (Toán học, Khoa học máy tính và thông tin; Vật lý, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường, Sinh học, Khoa học tự nhiên khác), Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Khoa học y dược và Khoa học nông nghiệp.

Năm 2019, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 45 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng. Các Hội đồng khoa học chuyên ngành đã đánh giá và đề cử 08 hồ sơ để tiếp tục đưa ra xét chọn tại Hội đồng Giải thưởng. Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 nhận định các công trình năm nay đều có chất lượng tốt, được xuất bản trên các tạp chí có uy tín và một vài trong số đó có tiềm năng ứng dụng cao trong thực tiễn.

Cùng nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 với PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Y sinh), còn có 02 nhà khoa học khác là PGS. TS Phạm Đức Chính (Cơ học) và TS. Lê Trọng Lư (Vật lý).

Trước đó, trong các năm từ 2014 đến 2018, ĐHQGHN luôn có các nhà khoa học, cựu sinh viên hiện diện tại Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

>>>Link tin liên quan

 Nhà khoa học nữ đầu tiên đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu là cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên

 Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 vinh danh giảng viên và cựu sinh viên của ĐHQGHN

Giảng viên và cựu sinh viên, nghiên cứu sinh của ĐHQGHN được đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018

Cựu học viên Khoa Toán – Cơ – Tin học giành Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016

Một nhà khoa học của ĐHQGHN đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015

GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng giành Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2014

 

 Thùy Dương (tổng hợp) - VNU Media
  Print     Send
Others