Sinh viên
Home   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Nhật ký sinh viên tình nguyện: Cuộc đời là những chuyến đi
Đối với sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, chuyến đi tình nguyện tại tỉnh Tuyên Quang là một trong những kỉ niệm khó quên trong quãng đời sinh viên.

Hưởng ứng chiến dịch “Tuổi trẻ ĐHQGHN xung kích, tình nguyện xây dựng nông thôn mới”, những bóng áo xanh của Trường Đại học Ngoại ngữ đã lên đường đến với xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Như bao thanh niên tình nguyện khác, tình nguyện xa đối với chúng tôi là một thử thách và cũng là niềm vinh dự và tự hào to lớn. 4h sáng ngày 15/7, chiếc xe ô tô 16 chỗ vùi mình trong sương sớm, đưa chúng tôi đến với Tuyên Quang. Háo hức có, chờ đợi có, mỗi chúng tôi đều mang trong mình sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết của thanh niên tình nguyện.
Tuyên Quang chào đón chúng tôi với những con đường núi rợp bóng cây xanh, những đồi ngô, sắn, những ngôi nhà đơn sơ. Dừng chân tại Chiêm Hóa, 8 đội hình tình nguyện của Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham dự lễ ra quân tại Trung tâm Văn hoá – Thể thao huyện. Sự nhiệt tình của đoàn viên, thanh niên, cán bộ tại Huyện Đoàn đã giúp chúng tôi quên đi cái mệt mỏi của chuyến đi dài, thay vào đó là niềm vui và tình đoàn kết nồng ấm. Ngay sau buổi lễ, Đoàn sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Ngoại ngữ được Bí thư xã Đoàn Hà Lang đón về xã. Trong buổi làm việc tại Nhà văn hóa xã, chúng tôi đã trao những món quà ý nghĩa cho xã Đoàn và trưởng đoàn tình nguyện đã bày tỏ lòng quyết tâm, nguyện vọng không chỉ được đóng góp sức mình trong các hoạt động tại Hà Lang, mà còn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây, xây dựng tình đoàn kết của thanh niên Trường Đại học Ngoại ngữ nói riêng và tuổi trẻ ĐHQGHN nói chung với thanh niên địa phương. Cũng trong chiều hôm đó, đoàn chúng tôi đi thăm và tặng quà các gia đình chính sách, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập xuất sắc. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên khuôn mặt hằn sâu những cực nhọc nhưng lại rạng ngời niềm vui khi đón chúng tôi của các bà mẹ liệt sĩ, hay sự tò mò trên khuôn mặt của các cô cậu học sinh cấp 1 khi gặp các anh chị áo xanh tình nguyện từ Thủ đô về. Những món quà tuy giá trị không thật lớn nhưng thể hiện tấm lòng, sự biết ơn đối với những gia đình có công với cách mạng, đó còn là sự yêu mến, niềm tin gửi đến các em thiếu nhi – chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng tôi trò chuyện, hỏi thăm nhau, chúng tôi cười, chúng tôi cùng lưu lại những tấm hình kỉ niệm, chúng tôi cùng để lại những lời nhắn gửi mộc mạc, chân thành “Anh chị sẽ gặp lại các em tại Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, học tốt nhé!”. Tất cả đều là những kỉ niệm đẹp không thể nào quên.
Điều khiến 11 con người vốn quen với những xô bồ, tấp nập nơi phố xá bỗng trở nên xúc động và ngạc nhiên, đó là sự hiếu khách mộc mạc của người dân nơi đây. Chúng tôi được ở tại nhà sàn của dân, được ăn những món ăn bày trên lá đầy dân giã, được nghe các cụ ông, cụ bà nói tiếng Tày. Đối với riêng tôi, điều làm tôi ấn tượng nhất chính là trẻ em ở Hà Lang, chúng tôi đã có những buổi tối giao lưu vui vẻ và náo nhiệt biết bao. Hội trường Nhà văn hóa xã lúc ấy chật kín người, trẻ em, học sinh của xã cùng các bậc phụ huynh đều đến tham gia. Đó có lẽ là lần đứng trên sân khấu hồi hộp nhất của một cán bộ Đoàn - Hội nhiều năm như tôi, bởi phía dưới là những khuôn mặt háo hức chờ mong, ngây thơ và đầy rạng rỡ. Chúng tôi đã hát, các em cũng hát, hồn nhiên, như được quay về tuổi thơ vậy. Các anh chị dạy các em bài hát mới, dạy hát tiếng anh, các em kể chuyện Bác Hồ và múa tặng các anh chị. Ngày dài kết thúc trong tiếng cười trong veo và niềm hạnh phúc xua tan hết thảy mọi mỏi mệt.
Một trong những hoạt động ý nghĩa của đoàn tình nguyện Trường Đại học Ngoại ngữ chính là làm đường bê tông vào đài tưởng niệm các liệt sĩ. Con đường 30m chính là thành quả của thanh niên tình nguyện và thanh niên xã Hà Lang. Chúng tôi đã lo lắng biết bao khi nhận được điện báo từ người thân trời sắp bão, chỉ lo ông trời không cho chúng tôi được làm việc suôn sẻ. May sao, trời lúc mưa, lúc nắng nhưng không ngăn được sức trẻ. Từng xẻng cát, từng bao xi măng, từng mẻ bê tông, từng mét đường đã theo từng giọt mồ hôi rơi mà hoàn thành. Những đôi tay phồng rộp, quấn áo đầy bụi cát, ướt đẫm nước mưa và cả mồ hôi có hề gì khi nhìn thấy thành quả của mình. Khi công trình hoàn thành, chúng tôi quét dọn thật sạch sẽ đài tượng niệm và dâng hương, đứng trước hương hồn các liệt sĩ chúng tôi không cảm thấy hổ thẹn, ít nhất đã có thể cống hiến chút sức nhỏ bé của mình. Chuyến đi tuy ngắn, những việc muốn làm còn rất nhiều. Ngày cuối cùng ở lại Hà Lang, chúng tôi đã được đi thăm kí túc xá của các giáo viên trường Tiểu học, Trung học cơ sở Hà Lang, động viên và thăm hỏi, hi vọng các thầy, các cô tiếp tục mang cái chữ, sự yêu thương tới trẻ em nơi đây. Kí túc xá tuy còn đơn sơ, 1 phòng chia đôi cho hai hộ nhưng cuộc sống nơi đây vẫn ấm áp tình người. May mắn hơn, chúng tôi còn được tận mắt chứng kiến mô hình kinh doanh ong mật với hiệu quả kinh tế cao của người dân nơi đây để biết rằng người dân Hà Lang vẫn luôn cố gắng lao động, vươn lên trong cuộc sống. Nếm những giọt mật ong ngọt lịm, ấm lòng biết bao!
Chuyến đi kết thúc nhưng sẽ mở ra những chuyến đi khác, chúng tôi nói lời tạm biệt với Hà Lang -  Chiêm Hóa - Tuyên Quang, trong lòng tự nhủ nhất định sẽ quay lại nơi đây. Đón nhận những món quà là “cây nhà lá vườn” của Hà Lang, chúng tôi lên xe mà lòng đầy vấn vương. Đoàn xe tiến về thăm qua khu di tích Tân Trào, thăm lán làm việc của Bác Hồ, thăm gốc đa lịch sử. Chúng tôi cùng nhau chụp ảnh lưu niệm, cùng hát vang “Mùa hè xanh”, cùng chia sẻ những kỉ niệm tình nguyện đáng nhớ và đáng tự hào. Chuyến đi tuy không dài nhưng vô cùng ý nghĩa đối với mỗi chúng tôi. Tình nguyện hết mình mới đáng những tháng năm tuổi trẻ. Chúng tôi nguyện trẻ mãi để được cống hiến và xây dựng quê hương, đất nước.
Đội SVTN Trường ĐH Ngoại ngữ cải tạo con đường dài 30m dẫn vào đài tưởng niệm liệt sỹ
Dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ
Thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách





 Ngọc Anh - VNU Media
  Print     Send