Sách và học liệu
Home   >  Tin tức  >   Sách và học liệu  >  
Nguồn nhân lực nữ tri thức Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Chuyên mục Sách và Học liệu của ĐHQGHN trân trọng giới thiệu tới bạn đọc ấn phẩm được giới nữ cực kỳ quan tâm “Nguồn nhân lực nữ tri thức Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” với lời tựa của nhiều tác giả và chủ biên là Nguyễn Thị Việt Thanh sẽ giúp mỗi chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của người phụ nữ trong mỗi thời đại.

       

Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội và đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo, truyền bá tri thức. Mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đòi hỏi phải phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, trong đó có lực lượng nữ trí thức.

Nhìn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, có thể thấy rõ hình ảnh những phụ nữ tiêu biểu cho những hy sinh, cống hiến to lớn của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp chung của cả dân tộc. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, hàng chục triệu phụ nữ đang có mặt trên khắp mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, đang khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp xây dựng một quốc gia phồn thịnh, một xã hội công bằng, văn minh và tiến bộ bằng bản lĩnh, tài năng, trí tuệ và sức lao động của mình. Thực tiễn đã cho thấy xuất hiện ngày càng nhiều phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực vốn coi là “thánh địa riêng của nam giới”. Phụ nữ thực sự là một nửa thế giới, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nữ trí thức là một lực lượng mang tính đặc thù bởi trước hết, đây là bộ phận tinh hoa của phụ nữ Việt Nam, hội tụ những phẩm chất tốt đẹp đặc trưng của phụ nữ Việt Nam như chịu thương, chịu khó, cần cù, khéo léo, đảm đang, đồng thời, đây còn là một bộ phận đáng kể của đội ngũ trí thức - những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Với tư cách là một nguồn lực lao động, nữ trí thức có cơ cấu tăng nhanh về số lượng, phát triển nhanh về chất lượng, đã và đang giữ một vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trí thức chung ở Việt Nam.

Là một nguồn nhân lực có mối liên hệ chặt chẽ với các nguồn nhân lực cơ bản khác trong hệ thống xã hội, nữ trí thức là một lực lượng quan trọng tạo nên chỉnh thể nguồn nhân lực chung của xã hội. Xuất phát từ quan điểm bao trùm trong thời kỳ Đổi mới: “Con người là trung tâm, con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển”, Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ trí thức nói chung, nữ trí thức nói riêng phát triển lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. 

Với ý nghĩa lớn lao cả về mặt lý luận và thực tiễn, nguồn nhân lực nữ, trong đó có nữ trí thức với những đặc thù riêng đã và đang là chủ đề nghiên cứu được nhiều nhà khoa học hết sức quan tâm. Mặc dù xuất phát từ các góc độ khác nhau, các nghiên cứu đều hướng tập trung tìm hiểu nguồn nhân lực này với tất cả những đặc điểm chung của nguồn nhân lực trí thức và những đặc điểm riêng được quy định bởi đặc trưng về giới nhằm mục đích phát huy cao nhất tiềm năng của lực lượng lao động này trong thời đại kinh tế tri thức, làm cứ liệu thực tiễn phục vụ việc đề xuất chính sách và giải pháp phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực này trong điều kiện hiện nay.

Do tầm quan trọng của nữ trí thức với tư cách là một nguồn lực lao động không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, từ tháng 6 năm 2013, vấn đề nguồn nhân lực nữ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) và hội nhập quốc tế đã được lựa chọn thành đề tài khoa học mang mã số KX 03/11-2015, thuộc Chương trình khoa học công nghệ về văn hóa, con người và nguồn nhân lực của Bộ Khoa học Công nghệ (chương trình KX. 03). Đề tài đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học của nhiều trường đại học, cơ quan nghiên cứu của trung ương và Hà Nội. Hoạt động khảo sát, nghiên cứu được tổ chức chủ yếu tại 5 thành phố là Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Cuối năm 2015, đề tài đã được Hội đồng đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu và đánh giá cao về kết quả khoa học đạt được. Các nội dung cơ bản của chuyên khảo này được chắt lọc từ những kết quả nghiên cứu đã được thực hiện trong khuôn khổ của đề tài.

Để kết quả nghiên cứu đến được tay những người quan tâm, xin chân thành cảm ơn Văn phòng Các chương trình trọng điểm - Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chủ nhiệm chương trình KX.03 đã giúp đỡ tận tình trong suốt quá trình đề tài triển khai. Xin chân thành cảm ơn các nhà khoa học, các cộng tác viên đã tích cực tham gia, góp phần quan trọng vào kết quả của đề tài. Xin cảm ơn lãnh đạo và các thành viên Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích cực giúp đỡ về mọi phương diện với tư cách là cơ quan chủ trì đề tài. Xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã hỗ trợ trong công tác biên tập và thủ tục để chuyên khảo sớm được ra mắt bạn đọc.

Các tác giả

Liên hệ mua sách: Phòng Thông tin và Quản trị Thương hiệu - ĐHQGHN

Email: media@vnu.edu.vn

Hotline: 0936 283 308

 

 

  VNU Media - Nhà Xuất bản ĐHQGHN
  Print     Send