Sách và học liệu
Home   >  Tin tức  >   Sách và học liệu  >  
Tủ sách khoa học: Địa chất trầm tích Việt Nam
Cuốn sách “Địa chất trầm tích Việt Nam” của GS.TS.NGND Trần Nghi đã giới thiệu những kết quả nghiên cứu chọn lọc của tác giả hơn 40 năm trở lại đây. Những kết quả này được tích hợp thành những nguyên lý, công thức lý thuyết và các hệ số trầm tích định lượng góp phần hoàn thiện và khắc phục những tồn tại trong nghiên cứu trầm tích luận của thế giới. Các hệ số đó đã và đang được các nhà nghiên cứu, học viên cao học và nghiên cứu sinh sử dụng một cách có hiệu quả trong lĩnh vực trầm tích dầu khí và trầm tích Đệ Tứ ở Việt Nam.

Tôi đánh giá cao nội dung của cả 9 chương của cuốn sách. Mỗi chương là một hướng nghiên cứu mới, được đúc kết từ các đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình KC-09 của Bộ Khoa học và Công nghệ, các đề tài và dự án thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường do chính tác giả làm chủ nhiệm qua các nhiệm kỳ và các đề tài cấp ngành trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Những điểm nhấn hết sức ấn tượng của công trình phải được kể đến là:

- Tác giả đã minh giải môi trường trầm tích khác nhau của các đá có tuổi cổ đến trầm tích hiện đại cả trên đất liền và dưới thềm lục địa Việt Nam. Các môi trường khác nhau từ lục địa, ven biển, cồn cát ven biển hiện đại đến môi trường biển nông, vũng vịnh và biển sâu được minh họa một cách sinh động bởi các kiểu cấu tạo của đá trầm tích ngoài trời, kiến trúc và thành phần khoáng vật trên lát mỏng thạch học do chính tác giả đi khảo sát, chụp ảnh ngoài thực địa và tự nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

- Từ mối quan hệ giữa trầm tích và kiến tạo, theo nguyên lý chu kỳ Wilson, tác giả đã giải thích cơ chế hình thành các bể Kainozoi trên thềm lục địa Việt Nam là sụt lún nhiệt có chu kỳ và không tách giãn. Đây là một ý tưởng mới sáng tạo của GS. Trần Nghi cần được ủng hộ, động viên và khích lệ để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện nó như một chủ thuyết của trường phái nghiên cứu phân tích bể trầm tích của Việt Nam.

- Cuốn sách đã trình bày kết quả nghiên cứu về địa tầng phân tập trầm tích Kainozoi các bể Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chính- Vũng Mây và địa tầng phân tập của trầm tích Đệ Tứ phần đất liền và dưới thềm lục địa Việt Nam theo hướng tiếp cận từ trầm tích luận trong mối quan hệ với sự thay đổi mực nước biển và chuyển động kiến tạo. Kết quả nghiên cứu của tác giả đã phát biểu một định nghĩa về địa tầng phân tập theo mối quan hệ giữa tướng trầm tích và sự thay đổi mực nước biển toàn cầu. Định nghĩa đó như một tư tưởng mới góp phần chính xác hóa việc phân chia địa tầng Đệ Tam và đối sánh địa tầng trầm tích Đệ Tứ giữa đồng bằng Bắc Bộ, các đồng bằng ven biển Miền Trung với đồng bằng Nam Bộ, giữa phần đất liền và phần ngập nước tiếp cận từ phân tích cộng sinh tướng.

- Nghiên cứu tướng đá - cổ địa lý các bể trầm tích Kainozoi trên thềm lục địa Việt Nam trong mối quan hệ với các miền hệ thống (LST, TST và HST) là hướng tiếp cận mới. Tác giả đã xây dựng được 3 công thức tích hợp giữa cộng sinh tướng và các miền hệ thống nhằm làm sáng tỏ quy luật tiến hóa trầm tích trong mối quan hệ với sự thay đổi mực nước biển.

- Tác giả là người chủ trì nghiên cứu xây dựng hồ sơ “Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình, Việt Nam và được UNESCO công nhận tháng 7/2003. Điểm nhấn của sự thành công này là chứng minh được tuổi cổ của hang động, tính đa dạng địa chất và địa mạo, giải thích một cách thuyết phục cơ chế thành tạo các phong cảnh đẹp, các hiện tượng độc đáo trong hang động.

Trong khuôn khổ một lời giới thiệu không cho phép viết dài nhưng tôi muốn nhấn mạnh những giá trị nổi bật của công trình là:

- Cuốn sách “Địa chất trầm tích Việt Nam” là một công trình có tính sáng tạo và tư tưởng mới mang tính chất mở đường cho các hướng nghiên cứu khác nhau về trầm tích luận hiện đại của Việt Nam đóng góp quan trọng cho công tác tìm kiếm thăm dò các khoáng sản trầm tích và công tác đào tạo đặc biệt là đào tạo sau đại học.

- Từ những năm 1990 trở về trước, các giáo trình và công trình chuyên khảo về trầm tích ở Việt Nam chỉ mang tính chất truyền thống. Những đóng góp nổi bật của các công trình đó chủ yếu là thạch học đá trầm tích. Về tướng đá – cổ địa lý, các nhà trầm tích Việt Nam mới chỉ theo quan điểm của Rukhin (1953, 1969). Quan điểm mới dừng lại ở nguyên lý về phân tích tướng mà chưa tích hợp được tính chất cộng sinh tướng và các miền hệ thống để cuối cùng biểu đạt ra một bản đồ tướng đá – cổ địa lý theo một nguyên tắc riêng như công trình của GS. Trần Nghi. Nguyên tắc đó đã được áp dụng thành công vào thực tiễn trầm tích Đệ Tam và Đệ Tứ ở Việt Nam.

- Tương tự như vậy, đối với địa tầng phân tập, công trình “Địa chất trầm tích Việt Nam” đã có những bình luận rất xác đáng về những đóng góp và tồn tại của các công trình đã công bố trên thế giới. Đồng thời, tác giả trình bày những kết quả nghiên cứu của riêng mình có sức thuyết phục cao về lý luận và thực tiễn. Những kết quả đó được áp dụng thành công cho các bể Đệ Tam dầu khí Việt Nam như bể Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chính – Vũng Mây và trầm tích Đệ Tứ Việt Nam trên cả đất liền và dưới thềm lục địa. Nhờ tiếp cận hệ thống, tiến hóa và quan hệ nhân quả nên mối quan hệ giữa trầm tích, sự thay đổi mực nước biển và chuyển động kiến tạo đã được phân tích, chứng minh một cách sinh động cho toàn bộ trầm tích Kainozoi. Nhờ vậy, tác giả đã thành công trong việc liên kết, đối sánh địa tầng Đệ Tứ các đồng bằng ven biển từ Bắc chí Nam, giữa đất liền và thềm lục địa theo 5 phức tập (sequence) có tuổi Q11, Q12a, Q12b, Q13a và Q13b – Q2, bỏ tên hệ tầng địa phương. Đây là một ý tưởng lớn cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện, tiến tới Việt Nam có một thang địa tầng Đệ Tứ chuẩn.

Với tư cách là một người phản biện của Hội đồng cấp Trường, tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc Địa chất ở Việt Nam và trên thế giới. Mong rằng các đồng nghiệp sẽ tìm thấy những điều thú vị như giới thiệu ở trên của cuốn sách và còn tìm thấy nhiều điều mới mẻ hấp dẫn khác mà người giới thiệu chưa nói đến.

PGS.TSKH. Nguyễn Địch Dỹ

 

Liên hệ mua sách: Phòng Thông tin và Quản trị Thương hiệu, Đại học Quốc gia Hà Nội

Emai: media@vnu.edu.vn

Hotline: 0936 283 308

Giá bán: 200.000 VNĐ

 

 

 

 VNU Media - Nhà xuất bản ĐHQGHN
  Print     Send