Sách và học liệu
Home   >  Tin tức  >   Sách và học liệu  >  
Tủ sách Khoa học: Giáo trình “Biển với lục địa - Vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung”
Cổng thông tin Điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu tới bạn đọc Giáo trình “Biển với lục địa - Vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung” do tác giả GS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Kim và GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đồng chủ biên, sách năm trong tủ sách Khoa học do NXB ĐHQGHN phát hành.

Những thập niên qua, việc nghiên cứu về miền Trung, hoạt động bang giao, giao lưu kinh tuế của dải đất miền Trung đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 1985, Hội thảo Quốc gia ghiên cứu về Đô thị cổ Hội An đã được tổ chức ở Chiêm cảng - Hội An. Tiếp đó năm 1990, Hội thảo Quốc tế về Đô thị cổ Hội An cũng đã thu hút được sự tham gia đông đảo các nhà khoa học trong nước, quốc tế. Kết quả của Hội thảo đã làm hồi sinh, đem lại sinh lực phát triển mới cho cả một vùng cảng thị.

Về miền Trung Việt Nam, trong khoảng 3 thập niên trở lại đây, đã có không ít chuyên luận, công trình khảo cứu, luận văn, luận án... viết về các thương cảng, dòng sông miền Trung từ vùng Lạch Trường, Lạch Bạng (Thanh Hóa) đến các cảng, bến ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Cùng với các thương cảng, việc nghiên cứu về vai trò của các dòng sông, số phận của các con tàu đắm ở Cù lao Chàm, Bình Châu, Dung Quất... với bao chứng tích về mối giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực đã được nhiều chuyên gia Sử học, Khảo cổ học, Văn hóa học, Lịch sử hàng hải, gốm sứ... chú tâm khảo cứu.

Một không gian văn hóa miền Trung, với chiều sâu lịch sử, nhiều gam màu và sắc thái văn hóa... đã dần hiển hiện lên như một trung tâm giao lưu, kết nối kinh tế, văn hóa lớn của Việt Nam đặt trong tầm nhìn và bối cảnh khu vực. Miền Trung nổi tiếng với văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa và miền Trung cũng nổi tiếng với quá trình mở mang bờ cõi của những lớp người Việt. Từ thời các chúa Tiên, chúa Sãi... làm chủ Đàng Trong đến các chiến công oai hùng của Quang Trung - Nguyễn Huệ từng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên dải đất miền Trung và lịch sử cả nước. Điều đáng chú ý là, cùng với vùng duyên hải và Biển Đông rộng lớn, miền Trung còn có vùng Trường Sơn - Tây Nguyên với bao la núi rừng. Trên dải đất này, tự bao đời, cao nguyên miền Trung đã là điểm đến, địa bàn sinh tụ, sáng tạo văn hóa, giao lưu kinh tế của các cộng đồng cư dân từ trên núi xuống và từ biển về. Trong các cuộc chuyển giao văn hóa, kinh tế đó, các dòng sông miền Trung luôn đóng vai trò quan trọng. Đón nước từ miền Thượng (và trong nhiều trường hợp là cả từ các quốc gia láng giềng Lào, Campuchia về), các dòng sông miền Trung thường nương theo mạch kiến tạo, chuyển nước, phù sa theo hướng tây bắc - đông nam, cắt qua dải đất tương đối dài và hẹp rồi hội về Biển Đông rộng lớn.

Trải bao thế kỷ, trước những biến động của tự nhiên, xã hội, nhiều cuộc chuyển cư, chuyển giao văn hóa lớn đã diễn ra. Vì lẽ sinh tồn, miền Trung luôn là điểm đến và cũng là nơi dung dưỡng, bảo tồn các giá trị, di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Người ta vẫn nghĩ, con người là do tự nhiên sinh ra. Mẹ tự nhiên, hệ sinh thái nhiệt đới đa dạng, phong phú và cũng rất đặc thù của miền Trung đã góp phần hun đúc, tôi rèn nên tính cách của những cộng đồng cư dân sống trên một vùng đất. Văn hóa miền Trung, lối sống, tâm thức, tính cách của người miền Trung luôn chất phác, kiên cường, giàu nghị lực, đậm tình người và cũng rất giàu tư duy, năng lực sáng tạo, và thực tế, trải bao thế hệ, họ đã kiến tạo nên nhiều nền văn hóa, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể nổi tiếng.

Sức sáng tạo văn hóa của người miền Trung qua các thời đại lịch sử đã được nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong nước, quốc tế làm sáng tỏ. Hoạt động kinh tế rộng lớn của cư dân miền Trung nhất là thời đại Chămpa, thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và cả thời vương triều Nguyễn... đã được khắc ghi trong các nguồn sử liệu, bi ký, công trình khảo cứu từ cổ trung đại đến hiện đại. Người miền Trung, qua các thời đại, đều thể hiện một tầm nhìn và mối giao lưu rộng lớn. Cư dân miền Trung đã vượt lên số phận, những thách thức và biến động bất thường của xã hội, tự nhiên với những đợt biển tiến, biển lùi, những kỳ hạn hán kéo dài, những mùa nước lũ,... để định diện bản lĩnh, bản sắc văn hóa; tích hợp nguồn tri thức bản địa để ứng biến, thích nghi, hội nhập và phát triển.

Với các dòng sông, có nhà nghiên cứu đã phác dựng nên mô hình, mạng lưới trao đổi kinh tế ven sông. Và ở đây, trong nhiều chuyên luận của cuốn sách này, các chuyên gia và bạn đọc có thể nhận thấy những khảo cứu chuyên sâu về hệ thống trao đổi dọc theo lưu vực của các dòng sông (từ sông Mã, sông Lam, sông Nhật Lệ đến sông Hương, sông Thu Bồn, sông Côn, sông Ba...), những nơi “hội nhân, hội thủy, hội thương” ở vùng ngã ba, ngã tư sông và cả vùng cửa sông với những làng nghề, sự luân chuyển của các dòng hàng, mùa sản vật, giá trị của các chủng loại hàng hóa và những lớp người trong nước, quốc tế thường hay lui tới, bán mua... Một cách nhìn lịch sử Việt Nam (mà rộng ra là vùng Đông Nam Á - châu Á) từ châu thổ đã làm nên tên tuổi của nhiều nhà khoa học. Một cách nhìn lịch sử Việt Nam từ biển và cả từ núi rừng cũng đã được đề cập, ứng dụng trong không ít công trình nghiên cứu. Trong công trình này, một thử nghiệm về cách nhìn lịch sử dân tộc, khởi đầu từ trường hợp lịch sử miền Trung, đã được phân tích, tiếp cận từ tư duy, vị thế của các dòng sông (A view from the rivers).

Nhằm hướng đến những nhận thức mới, sâu sắc và toàn diện hơn về miền Trung, đặc biệt là vai trò của các dòng sông miền Trung trong việc nuôi dưỡng các nền văn hóa, kết nối các vùng tài nguyên, không gian kinh tế và không gian văn hóa - tộc người, đồng thời cũng để góp phần làm rõ các mô hình kinh tế, đặc tính phát triển của các thương cảng miền Trung trong mối liên hệ, so sánh với các trung tâm kinh tế của đất nước và hệ thống giao tương châu Á, thế giới, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: Biển với lục địa - Vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 25 bản tham luận của các nhà khoa học trong nước, quốc tế trong đó có nhiều nhà khoa học sinh thành ở miền Trung hay nghiên cứu nhiều năm về miền Trung. Từ cách tiếp cận chuyên ngành và liên ngành, các tác giả báo cáo, nhà khoa học đã nỗ lực khai thác các nguồn tài liệu mới, trong đó có những nguồn tư liệu quý, cập nhật về Khảo cổ học, điều tra Dân tộc học, Nhân học, Xã hội học, văn hóa học v.v... để tiếp tục làm sáng tỏ truyền thống kinh tế biển Việt Nam, vai trò của các dòng sông và những mối liên hệ vùng, liên vùng rộng lớn mà tư duy chủ đạo là làm rõ sự kết nối hằng xuyên giữa biển và lục địa cũng như tính chất lệ thuộc và bổ sung, bù lấp giữa hai không gian địa - kinh tế, địa - văn hóa này.

Nhân dịp cuốn sách (kết quả của cuộc Hội thảo khoa học) được xuất bản, Ban tổ chức và nhóm biên tập cuốn sách xin được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới cố GS.NGND. Phan Huy Lê, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, về sự quan tâm đặc biệt và những động viên, khích lệ của Thầy trong việc triển khai định hướng nghiên cứu về biển và các mối quan hệ thương mại, bang giao giữa Việt Nam với thế giới; xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các Phó Chủ tịch hội: GS.TSKH. NGND. Vũ Minh Giang, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, nhà sử học Dương Trung Quốc, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học của Nhà trường, Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các thầy: GS.NGND. Vũ Dương Ninh, PGS.TS.NGND. Hán Văn Khẩn, PGS. TS.NGND. Hoàng Văn Khoán, PGS.TS. Vũ Văn Quân, Ban lãnh đạo Khoa Lịch sử đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ và có những ý kiến đóng góp quý báu về nội dung chuyên môn cũng như các ý tưởng, kết quả nghiên cứu trình bày tại Hội thảo.

Nhân dịp này, chúng tôi muốn dành lời cảm ơn chân thành và tình cảm trân trọng, quý mến đến các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà nghiên cứu miền Trung, các bạn đồng nghiệp, thành viên Trung tâm Biển và Hải đảo, Nhóm Nghiên cứu thương mại châu Á: PGS.TS. Nguyễn Mạnh Dũng, TS. Đinh Tiến Hiếu, TS. Phạm Văn Thủy, PGS. TS. Dương Văn Huy, ThS.NCS. Trần Xuân Thanh, NNC. Đỗ Trường Giang, TS. Nguyễn Nhật Linh và nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ, các em sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh... về tất cả những nỗ lực, cố gắng trong quá trình tổ chức Hội thảo, giữ mối liên hệ với các tác giả và tích cực tham gia biên tập bản thảo cuốn sách. Cùng với sự cộng tác nhiệt thành của các tác giả, nhà khoa học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã dành nhiều sự quan tâm, ưu ái để cuốn sách đến được với các nhà nghiên cứu và bạn đọc theo như kế hoạch.

Mặc dù các tác giả đã có nhiều cố gắng, song cuốn sách khó tránh khỏi những hạn chế nhất định. Chúng tôi luôn mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và bạn đọc gần xa để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau.

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2018

GS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Kim

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 VNU Media - NXB ĐHGQHN
  Print     Send