Tin các đơn vị
Home   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
Hội thảo “Đông Nam Á học ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức”
Ngày 14/11/2018, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo “Đông Nam Á học ở Việt Nam: triển vọng và thách thức” với sự tham gia của Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews.

Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Phạm Quang Minh phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo chia sẻ những thông tin chuyên sâu về sự hình thành và phát triển của Đông Nam Á học trên thế giới. Theo đó, Đông Nam Á học được hình thành và phát triển từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, bắt đầu từ Bắc Mỹ và sau đó lan tỏa sang châu Âu từ những năm 1950. Đến năm 1970, Đông Nam Á học đạt được sự quan tâm rộng rãi của giới khu vực học thế giới. Nhưng từ sau năm 1990, sự quan tâm về khu vực Đông Nam Á có xu hướng giảm sút ở các nước Âu - Mỹ nhưng chính các nhà Đông Nam Á học ở các nước trong khu vực lại bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến ngành khoa học này.

Tại Việt Nam, Đông Nam Á học được hình thành và phát triển rất sớm so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chỉ từ 1995, sau khi Khoa Đông phương học được thành lập tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, đào tạo Đông Nam Á học mới thực sự được quan tâm và Khoa Đông phương học trở thành đơn vị tiên phong trong nghiên cứu về lĩnh vực này. Nhưng Đông Nam Á học thực chất mới chỉ dừng ở đất nước học, tức là đào tạo tập trung vào ngôn ngữ và văn hóa theo từng quốc gia trong khu vực thay vì nghiên cứu khu vực học và mối liên hệ với khu vực học với tư cách là một khoa học về khu vực. Năm 2018, ngành Đông Nam Á học lần đầu tiên được tuyển sinh bậc đại học tại Trường ĐHKHXH&NV đã mở ra những triển vọng mới cho ngành học này.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Các nhà khoa học đã thảo luận về các xu hướng mới trong nghiên cứu Đông Nam Á; những vấn đề trọng tâm về Đông Nam Á học đang được cộng đồng quốc tế quan tâm; mối quan hệ giữa Đông Nam Á học với tư cách là một khoa học về khu vực với ASEAN học...

Bên cạnh đó, các tham luận cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong đào tạo Đông Nam Á học hiện nay ở Việt Nam. Trong đó, thách thức lớn nhất là làm thế nào để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo sự hội nhập của đất nước vào khu vực một cách thành công và nâng cao kiến thức, nhận thức của người Việt Nam và các nhà làm chính sách kinh tế - chính trị về khu vực Đông Nam Á.

Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các tham luận: Đông Nam Á học ở Việt Nam: triển vọng và thách thức, Giảng dạy Đông Nam Á với tư cách khu vực học, Thành tựu và thách thức trong nghiên cứu Đông Nam Á học ở Việt Nam nhìn từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Nghiên cứu Thái Lan tại Việt Nam: thực tế và xu hướng, Tiểu vùng Mê Công mở rộng - thách thức và triển vọng, Từ Đông Nam Á học đến châu Á học – thay đổi địa chính trị trong nhận thức, Nghiên cứu và giảng dạy Đông Nam Á học ở Singapore, Việt Nam và Nhật Bản những năm 1990, Quản trị dân chủ ở Đông Nam Á: các xu hướng tiếp diễn và đang hình thành; Sự phản ánh về Đông Nam Á học: những hy vọng và lo âu...

 PV - VNU USSH
  Print     Send