Tin các đơn vị
Home   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
Các chính sách mới về đào tạo sư phạm sẽ là tiền để để bứt phá nâng cao chất lượng
Nhận định về dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sư phạm, GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội – cho rằng, đây là một trong các văn bản được các cơ sở đào tạo giáo viên rất kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ việc đào tạo giáo viên, giúp các trường ĐH đào tạo giáo viên tăng cường tự chủ và nâng cao chất lượng.

Hỗ trợ tài chính tính đúng, tính đủ cho đào tạo sư phạm

- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Ông nhận định như thế nào về những nội dung trong Dự thảo?

Trong nhiều năm qua, Nhà nước ta đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm thông qua cơ chế cấp ngân sách trực tiếp cho các trường đào tạo giáo viên và miễn học phí cho sinh viên các ngành sư phạm. Chính sách này có mục đích thu hút thí sinh giỏi vào học các ngành sư phạm và đã có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo giáo viên của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi triển khai cũng có những hạn chế cần khắc phục, ví dụ: Chưa thực sự thu hút được nhiều sinh viên giỏi vào các ngành sư phạm như kỳ vọng; sự bao cấp cùng hạn chế về ngân sách nhà nước khiến mức kinh phí hỗ trợ thường thấp hơn mức “đầu tư” cần thiết để đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng. Hơn thế, ngân sách cấp theo năm tài chính (cấp đầu năm), còn sinh viên tuyển sinh theo năm học (giữa năm) cũng dẫn đến những bất cập trong tính toán kế hoạch.

Việc hỗ trợ sư phạm tính theo quy mô tuyển sinh, khi quy mô tăng sẽ làm tăng tổng kinh phí hỗ trợ, ảnh hưởng đến cân đối chung. Ngược lại, khi quy mô đào tạo tăng, nhưng ngân sách hỗ trợ ổn định không tăng, thậm chí giảm (do ngân sách khó khăn), hệ quả là kinh phí đào tạo trung bình cho một sinh viên giảm đi,... Bên cạnh đó, việc cấp ngân sách hỗ trợ sư phạm trực tiếp cho các trường cũng phần nào làm giảm sự chủ động trong việc tìm kiếm thu hút sinh viên giỏi vào học các ngành sư phạm.

Chính vì vậy, khi thảo luận về Luật Giáo dục, rất nhiều ý kiến kêu gọi bỏ cơ chế cấp ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho các trường mà thay vào đó là Nhà nước cấp cho sinh viên voucher hỗ trợ tài chính tính đúng, tính đủ cho đào tạo sư phạm. Sinh viên đăng ký học ngành sư phạm sẽ dùng nguồn này nộp học phí một cách song phẳng và bình đẳng như các sinh viên ngành khác.

Do đó, Nghị định này là một trong các văn bản được các cơ sở đào tạo giáo viên rất kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ việc đào tạo giáo viên, góp phần giúp các trường ĐH đào tạo giáo viên tăng cường tự chủ và nâng cao chất lượng.

Các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ phải đổi mới mạnh mẽ

- Theo ông, nếu được thông qua, đi vào cuộc sống, những chính sách mới tại Nghị định sẽ tác động như thế nào đến đào tạo sư phạm nói chung, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nói riêng?

Khi phải đóng học phí, với tinh thần của người “sử dụng dich vụ”, chắc chắn sinh viên sư phạm sẽ đòi hỏi nhiều hơn với các trường đào tạo giáo viên, từ chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Mối quan hệ giữa Nhà trường với sinh viên chuyển từ quan hệ xin – cho, sang quan hệ đối tác bình đẳng.

Việc Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người học cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường đào tạo giáo viên để thu hút được sinh viên giỏi. Nó cũng tạo một mặt bằng pháp lý để cạnh tranh bình đẳng hơn giữa trường công, trường tư trong đào tạo giáo viên. Như vậy, các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ phải đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội cũng đang có sự chuẩn bị tích cực cho sự thay đổi này trong chính sách về tài chính cho đào tạo sư phạm. Trường hiện đào giáo viên từ bậc mầm non, tiểu học, đến THPT. Nhà trường xác định rõ là để thu hút sinh viên giỏi vào các ngành sư phạm cần có chương trình hiện đại, đội ngũ giảng viên giỏi và các điều kiện hỗ trợ tốt.

Ví dụ, trường đã có những điều chỉnh quan trọng về chương trình đào tạo, dựa vào 3 trụ cột chính: chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Việc rèn kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp được xem là một hoạt động thường xuyên, liên tục kéo dài suốt thời gian đào tạo chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi một hoặc vài học phần.

Với những điều chỉnh như vậy, đội ngũ giảng viên có trình độ và các điều kiện hỗ trợ tốt, chúng tôi tin tưởng sẽ đào tạo ra những giáo viên giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ và chuẩn bị tốt về đạo đức nghễ nghiệp.

 

 Trương Gia Đạo
  Print     Send