Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI
Home   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >   Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI
Đại học Quốc gia Hà Nội: Trách nhiệm quốc gia
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ. Sau hơn 27 năm hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Thủ tướng Chính phủ ban hành, ĐHQGHN đã trải qua các giai đoạn phát triển, vươn lên mạnh mẽ, khẳng định uy tín, danh tiếng học thuật, luôn giữ vững vị thế hàng đầu Việt Nam, ghi danh vào nhóm các trường đại học hàng đầu châu Á và thế giới.

Giai đoạn 2015-2020 là giai đoạn ĐHQGHN tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo nước nhà, với nhiều sáng kiến và thành tựu nổi bật trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế.

5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ ĐHQGHN, sự nỗ lực của cả hệ thống, ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển ĐHQGHN trong giai đoạn tới. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp do Đại hội V đề ra được triển khai có hiệu quả trên các lĩnh vực hoạt động. Nhiều chỉ tiêu đã được hoàn thành; một số chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt chỉ tiêu Đại hội V đề ra.

Hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành các cấp có nhiều chuyển biến, trong đó tiếp tục triển khai tốt cơ chế quản trị theo sản phẩm đầu ra. Năm năm qua, quy mô, tầm vóc của ĐHQGHN đã lớn mạnh một bước quan trọng, cả về tổng số đơn vị thành viên, ngành nghề đào tạo, số lượng cán bộ, quy mô sinh viên, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, ảnh hưởng trong nước và quốc tế có sự gia tăng mạnh. Đây cũng là giai đoạn phát triển mạnh mẽ và có sự bứt phá ở một khâu, một số lĩnh vực; một số trường đại học thành viên từ qui mô đào tạo, tỉ trọng nghiên cứu nhỏ, đến nay đã trở thành cơ sở giáo dục đại học có uy tín cao về đào tạo, nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế.

Mô hình tổ chức của ĐHQGHN ngày càng được hoàn thiện hơn. Cơ cấu tổ chức đã được điều chỉnh, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, từng bước phù hợp với mô hình đại học nghiên cứu. Cơ cấu ngành nghề có bước phát triển đột phá, thêm một số lĩnh vực mới như nông nghiệp, năng lượng, hàng không vũ trụ, các ngành khoa học sức khỏe và liên ngành.

Đặc biệt ĐHQGHN đã thực hiện có hiệu quả việc kết nối thực thể thông qua sử dụng cơ sở vật chất chung; kết nối con người thông qua hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; kết nối học thuật thông qua phối hợp đào tạo và triển khai các nghiên cứu chung, liên ngành; kết nối số thông qua việc phát triển hạ tầng công nghệ thống nhất, đã góp phần phát triển ĐHQGHN thành một thực thể hữu cơ, gắn kết nội tại chặt chẽ, vừa tạo ra sức mạnh tổng hợp, với trí tuệ liên ngành, liên lĩnh vực để tạo ra những sản phẩm độc đáo, những giá trị tri thức khác biệt, tham gia giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia, đồng thời thúc đẩy các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc phát huy thế mạnh chuyên môn để phát triển đơn vị.

Nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đột phá, tiên phong, đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo đã được triển khai có hiệu quả. ĐHQGHN đã phát huy tốt vai trò đầu tầu, tiên phong trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên. Sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh nhập học và ra trường hàng năm đều thuộc diện lớn nhất, chất lượng tốt nhất cả nước, khẳng định uy tín cao trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Hoạt động khoa học và công nghệ từng bước hướng tới trình độ khu vực và quốc tế, gắn kết chặt chẽ giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; giữa khoa học và công nghệ kỹ thuật; giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiềm lực khoa học và công nghệ được củng cố và phát triển. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ đã có sự đổi mới, theo hướng thúc đẩy và tạo điều kiện để nhà khoa học sáng tạo và cống hiến. Nhiều nhiệm khoa học và công nghệ lớn được triển khai. Văn hóa công bố quốc tế tiếp tục được tăng cường. Chỉ số đổi mới, sáng tạo của ĐHQGHN nhiều năm đứng trong nhóm 500 thế giới.

Hợp tác và phát triển được mở rộng, đi vào chiều sâu. Việc phát triển và kết nối với các đối tác trong nước và quốc tế bằng các chương trình, hoạt động, nhiệm vụ cụ thể được chú trọng. Các hoạt động giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế được tăng cường. Các hoạt động trao đổi cán bộ, sinh viên đã góp phần quan nâng cao chỉ số quốc tế hóa của ĐHQGHN. ĐHQGHN đã có hợp tác với hàng trăm trường đại học, trong đó có những trường đại học hàng đầu trên thế giới. ĐHQGHN là thành viên của một số tổ chức, mạng lưới giáo dục có uy tín trong khu vực và quốc tế. Xếp hạng đại học của ĐHQGHN không ngừng tăng lên.

Những thành tựu và đóng góp của ĐHQGHN trong nhiệm kỳ vừa qua, đã góp phần giữ vững và ngày càng làm vẻ vang cho một thương hiệu quốc gia trong giáo dục và đào tạo, đang dần chứng tỏ diện mạo quốc gia, thiết chế văn hóa đỉnh cao như sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và xã hội, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước thể hiện tầm nhìn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và đang phát huy hiệu quả cao.  

1. Tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

- Phát triển khoa học kiểm tra đánh giá, đổi mới các phương thức tuyển sinh đại học và sau đại học, đổi mới toàn bộ hệ thống đo lường đánh giá

- Các CTĐT được xây dựng theo hướng tiếp cận sản phẩm đầu ra.

- Cơ cấu ngành nghề đào tạo được chuyển dịch theo hướng thích ứng với cuộc cách mạng chuyển đổi số, tăng tính ứng dụng và khả năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

- Quy mô đào tạo tăng 1,6 lần, từ 24.000 sinh viên (năm 2015) lên 35.000 sinh viên (năm 2019). Các CTĐT tài năng, tiên tiến, chất lượng cao chiếm 34,4% tổng quy mô đào tạo chính quy.

- Mở mới 127 CTĐT ở các bậc học, trong đó có 59 CTĐT đại học, 51 CTĐT thạc sĩ và 17 CTĐT tiến sĩ. Các CTĐT có tính liên ngành, mũi nhọn, thích ứng với yêu cầu của hiện tại và hướng tới tương lai.

- Bên cạnh các ngành học truyền thống, ĐHQGHN liên tục phát triển các chương trình đào tạo theo hướng liên ngành và xuyên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

- Tiên phong trong đổi mới hoạt động giảng dạy theo hướng “cá thể hóa”, lấy người học làm trung tâm, phát huy vai trò chủ động của người học, đồng thời phát triển phẩm chất, tầm nhìn, năng lực và kỹ năng cho người học được chú trọng.

2. Hoạt động khoa học và công nghệ phát triển về quy mô và chất lượng

- Các nhóm sản phẩm KH&CN của ĐHQGHN được định hướng và quy hoạch theo 4 nhóm lĩnh vực chính: Khoa học xã hội và nhân văn; Khoa học tự nhiên và y dược; Khoa học công nghệ và kỹ thuật; Khoa học liên ngành.

- Tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư phát triển: Tỉ lệ cán bộ khoa học trình độ tiến sĩ tiếp cận tiêu chí đại học nghiên cứu (58%); 100 nhóm nghiên cứu cấp đơn vị và 30 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN; 216 phòng thí nghiệm (22 phòng thí nghiệm thực hành cơ sở, 143 phòng thí nghiệm chuyên đề và 41 phòng thí nghiệm mục tiêu), trong đó có 10 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN; 10 phòng thí nghiệm hợp tác doanh nghiệp và 10 phòng thí nghiệm hợp tác quốc tế.

- Chủ trì và triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học có quy mô lớn tầm cỡ quốc gia, quốc tế: Chương trình KH&CN trọng điểm phát triển bền vững vùng Tây Bắc; Nhiệm vụ KH&CN đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam”; Dự án “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông”; Dự án phát triển Trung tâm tư liệu Việt Nam học; Tham gia thực hiện khoảng 60% nội dung Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam; Tham gia tạo lập 97,04% dữ liệu trên tổng số dữ liệu tại phân hệ Dữ liệu mở của Đề án “Hệ tri thức Việt số hóa”; Các nhiệm vụ khoa học trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu biển đảo, vi sinh vật và công nghệ sinh học… cũng đã được triển khai.

- Công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ đã có sự đổi mới, gắn với chuyển đổi số.

3. Gia tăng các chỉ số quốc tế hóa và xếp hạng đại học

- Chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội luôn đứng đầu Việt Nam và trong nhóm 500 thế giới – Theo bảng xếp hạng Scimago

- Trong giai đoạn 2015 – 2020, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã công bố: 3.602 bài báo khoa học trong hệ thống ISI/SCOPUS, chiếm 10% tổng số bài báo ISI/SCOPUS của cả nước, chỉ số trích dẫn trung bình mỗi bài báo đạt 5,2 lần; nhiều bài báo có số lần trích dẫn cao (từ 50-500 lần); 65 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích; 35 sản phẩm khoa học và công nghệ hoàn chỉnh được chuyển giao và thương mại hóa; 400 sách chuyên khảo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, 45 sách chuyên khảo bằng tiếng Anh được xuất bản

- Chuyên san Vật liệu và Linh kiện Tiên tiến là tạp chí khoa học duy nhất của Việt Nam trong danh mục SCIE và Scopus được Scimago xếp trong nhóm 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới.

- ĐHQGHN liên tục xếp vị trí số 1 Việt Nam và nằm trong nhóm 801-1000 thế giới theo các bảng xếp hạng Times Higher Education, QS; Một số lĩnh vực của ĐHQGHN nằm trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu thế giới.

4. Hoạt động hợp tác phát triển được mở rộng, đi vào chiều sâu

- Thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học – nhà nước – địa phương – doanh nghiệp, góp phần khẳng định hiệu quả thực chất trong hoạt động hợp tác và phát triển của ĐHQGHN.

- Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, phát huy ưu thế về mô hình tổ chức đã cho phép ĐHQGHN hợp tác với các đại học lớn, danh tiếng trên thế giới có mô hình tổ chức tương đồng một cách hiệu quả, bình đẳng

=> Cơ hội thuân lợi để ĐHQGHN sớm tiếp nhận kinh nghiệm từ thế giới để thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong quản trị đại học, làm nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, trình độ quản lý theo các chuẩn mực quốc tế…

- ĐHQGHN đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế lớn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và trí tuệ Việt Nam với thế giới, đồng thời nâng cao vị thế, danh tiếng, uy tín của ĐHQGHN.

- Các chương trình trao đổi cán bộ, sinh viên được đẩy mạnh.

5. Phát triển chất lượng đội ngũ và cơ cấu tổ chức

- Trong giai đoạn 2015-2019, ĐHQGHN đã tiếp nhận và tuyển dụng được gần 200 cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ.  Hiện ĐHQGHN có 73 giáo sư và 365 phó giáo sư, chiếm tỉ lệ 19% tổng số cán bộ khoa học, tăng 4% so với đầu nhiệm kỳ. Tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học là 58%, tăng 10% so với năm 2015, nếu so với tỉ lệ chung của toàn ngành giáo dục đại học nhiều gấp 2,7 lần. Theo xếp hạng QS, năm 2018, ĐHQGHN có tiêu chí về tỷ lệ giảng viên/sinh viên nằm trong nhóm 500 thế giới.

- Thành lập hai Viện nghiên cứu thành viên mới: Viện Tài nguyên và Môi trường và Viện Trần Nhân Tông.

- Một số đơn vị trực thuộc đã được điều chỉnh, sắp xếp lại: Khoa Các khoa học liên ngành; Trung tâm Phát triển ĐHQGHN tại Hòa Lạc; Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp; Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN trực thuộc Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục được nâng cấp thành đơn vị trực thuộc ĐHQGHN.

- Tiếp nhận Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng về trực thuộc ĐHQGHN.

- Một số đơn vị chuyên môn được thành lập ở các đơn vị (một số thành lập dựa trên hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn). Một số trường đại học lớn trên thế giới đặt văn phòng hợp tác tại ĐHQGHN và một số phòng thí nghiệm hợp tác với doanh nghiệp, góp phần tăng cường kết nối các hoạt động của ĐHQGHN với các đối tác.

- Thành lập Trường Trung học phổ thông Khoa học Giáo dục trực thuộc Trường Đại học Giáo dục; Trường Trung học cơ sở trực thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ; Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

6. Phát triển các điều kiện đảm bảo góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động của ĐHQGHN

- Nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học, sản phẩm KHCN được triển khai.

- Quy mô và cơ cấu tổ chức các đơn vị thành viên và trực thuộc có bước phát triển: Chủ trương nâng cấp Khoa trực thuộc thành Trường ĐH thành viên; Thành lập mới, điều chỉnh, sắp xếp lại một số đơn vị trực thuộc; Thành lập các đơn vị chuyên môn theo mô hình hợp tác, phối thuộc; Phát triển mô hình đào tạo tài năng khối THCS và THPT.

- Gia tăng các tiềm lực cơ sở vật chất và các nguồn lực khác: Bổ sung, cải tạo, xây mới gần 50.000m2 diện tích sàn xây dựng giảng đường, thư viện, phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng sản xuất, ký túc xá, phòng làm việc; Hệ thống thư viện được đầu tư hiện đại hóa theo chuẩn quốc tế. Năm 2019, tổng số lượt sử dụng thư viện, truy cập thư viện số đạt trên 6,6 triệu lượt, tăng 715% so với năm 2015; Tài nguyên số nội sinh Ranking Web of Repository của ĐHQGHN luôn xếp số 1 Việt Nam, xếp thứ 75/2.692 Thư viện số tài liệu nội sinh các đại học, học viện thế giới và xếp thứ 38/11.997 thế giới về tài nguyên số hóa dựa trên tỉ trọng lớn tài nguyên số hóa nội sinh của thư viện; Dự án ĐTXD ĐHQGHN tại Hòa Lạc có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều công trình đã hoàn thiện, một số tuyến đường và hạ tầng khu được đưa vào sử dụng, chuẩn bị đầu tư các hạng mục mới; Nguồn lực tài chính có sự gia tăng mạnh mẽ.

 Thanh Hà
  Print     Send