Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Phấn đấu để xứng đáng với niềm kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân
Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, của toàn thể cán bộ, công nhân viên và sinh viên lại được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự hợp tác giúp đỡ của các cơ quan bên ngoài, trong 5 năm qua ĐHQGHN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực về tổ chức, quản lý và xây dựng đội ngũ, về đào tạo và nghiên cứu khoa học, về hợp tác quốc tế và xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường tiềm lực.

Cái tên Đại học Quốc gia Hà NộiVNU cũng đã được biết đến trong xã hội và ở nước ngoài như một “học hiệu”. Tôi xin trình bày những suy nghĩ tâm huyết của mình về một số vấn đề tồn tại với mong muốn cháy bỏng là góp phần đưa ĐHQGHN tiếp tục phát triển mạnh hơn, xứng đáng với niềm kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy hiểm họa với sự đua tranh quyết liệt giữa các quốc gia trên mặt trận kinh tế, trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, khi mà 60.000 kỹ sư tin học có trình độ có thể làm ra một lượng sản phẩm phần mềm trị giá hàng tỷ đô la trong một năm, tương đương với hàng chục triệu nông dân lao động đầu tắt mặt tối trên đồng ruộng để sản xuất ra lúa gạo xuất khẩu. Chính sự bùng nổ của khoa học - công nghệ đã gây ra cuộc đại khủng hoảng về giáo dục trên toàn cầu, buộc tất cả các quốc gia phải xem xét lại chương trình và cách thức đào tạo, bởi thế giới mà ta đang sống đang thay đổi nhanh gấp 4 lần so với những kiến thức được đưa vào trong nhà trường.

Việt Nam chúng ta đang nằm ở vùng trũng nhất của thế giới về kinh tế, về khoa học và công nghệ. Mặc dầu chúng ta đã có những nỗ lực to lớn, đã tiến bộ nhiều so với chính mình trước kia, song chúng ta đang bị tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và ở vị thế rất thấp trong bảng xếp hạng của thế giới. Bạn nào đang ở tuổi 40 hẳn thấy ngỡ ngàng khi nhận ra rằng lúc mình mới chào đời (1965) nước ta ngồi cùng chiếu với Singapore về kinh tế, ấy thế mà ngày nay GDP tính theo đầu người của họ lớn gấp 50 lần của ta. Khi ta lên mười tuổi (1975) nước ta ở cùng điểm xuất phát với Thái Lan và Malaysia, thì ngày nay GDP của Thái Lan vượt ta 5 lần, Malaysia vượt ta gần 10 lần. Chúng ta đã tiến rất xa so với chính mình trước kia, sau 20 năm đổi mới. Song với nhịp độ phát triển hiện tại, để ta có được mức sống như ngày hôm nay của Thái Lan, cần có thời gian 25 năm; như của Malaysia - cần hơn 30 năm và như của Singapore - cần 60 năm. Đương nhiên là đến khi đó họ đã bỏ cách xa ta rất nhiều rồi. Vậy làm sao để đất nước chúng ta sớm thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu này so với thế giới? Câu trả lời duy nhất đúng đắn là chúng ta phải đi lên bằng giáo dục. Sự lạc hậu về tư duy giáo dục và về nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo là thủ phạm chính của sự lạc hậu, nghèo nàn của ta. Một sự đổi mới căn bản, triệt để trong giáo dục sẽ là một phương thuốc màu nhiệm để đưa đất nước ta phát triển, sánh vai được cùng các nước tiên tiến, đặc biệt là với cơ hội chưa từng có trong lịch sử của cuộc cách mạng tri thức ngày nay. Khác với nền văn minh nông nghiệp, cần tới hàng chục ngàn năm, nền văn minh công nghiệp cần hàng trăm năm, nền văn minh tri thức ngày nay chỉ đòi hỏi một vài chục năm để một quốc gia từ nghèo đói có thể trở thành giàu có, phát triển.

Khoa Quản trị Kinh doanh là một mô hình hoạt động mới rất hiệu quả hiện nay của ĐHQGHN

Nếu chỉ bằng vào những suy nghĩ theo lối mòn với tư duy cũ kỹ thì làm sao mà chúng ta có thể hiểu được những hiện tượng có thực đã và đang diễn ra trong thế giới ngày nay: Michael Dell ở tuổi 19, năm 1984, với số vốn ban đầu 1000 USD dám cạnh tranh với các tỷ phú bậc đàn anh để sau 20 năm (2004) trở thành người giàu thứ 9 trên thế giới với số vốn 14,2 tỷ USD. Bill Gattes còn làm nên điều kỳ diệu hơn khi dám đem mấy chục mét vuông nhà kho đua tranh làm giàu với vua xe hơi Ford, đang sở hữu những dây chuyền sản xuất trải dài hàng trăm kilômet với mấy trăm ngàn công nhân, để rồi chỉ sau 20 năm tất cả các ông vua sắt, thép, dầu khí, ô tô, ngân hàng, tài chính... đều phải ngả mũ chào thua, tôn vinh Bill lên ngôi người giàu nhất thế giới.

Ngày nay, ai cũng nhận thức được rằng giáo dục và khoa học, công nghệ chính là động lực để phát triển xã hội, để vươn lên giàu có, thịnh vượng. Song chắc chắn không phải là nền giáo dục của 40 năm về trước, mà về cơ bản chúng ta đang song hành với nó. ĐHQGHN đang chuyển mình trong mọi hoạt động và đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên, chúng ta đang còn ở xa cái đích cần phải đến. Chúng ta cần phát huy những lợi thế của mình để bứt phá lên nhanh hơn nữa, sớm trở thành trung tâm đại học suất sắc nhất, hiện đại nhất của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội.

1. Về đào tạo

Chúng ta cần điều chỉnh nội dung các môn học cho phù hợp với ngành nghề đào tạo và nhu cầu của xã hội, cần tăng cường việc học tiếng Anh, việc sử dụng các công cụ tin học. Tất cả cán bộ của ĐHQGHN phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài. Kiên quyết đoạn tuyệt, càng sớm càng tốt, việc giảng dạy theo phương pháp cũ: thầy giảng, trò ghi với phương tiện chính là bảng, phấn, cần sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh việc truyền thụ cho sinh viên những kiến thức cơ bản của môn học, thì điều cốt yếu nhất là phải tạo cho họ niềm đam mê học tập và phương pháp tự tìm kiếm những thông tin mới qua sách báo, đặc biệt là qua internet, phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, có ý chí và nghị lực trong cuộc sống.

Đào tạo phải gắn với việc làm. Nội dung, chương trình đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Sinh viên tốt nghiệp phải có việc làm hoặc tự tạo được việc làm và phải làm việc tốt.

Cần sớm tạo dựng một hệ thống giáo trình, sách tham khảo chất lượng cao, ổn định của ĐHQGHN và phát huy tác dụng của ĐHQGHN đối với các trường đại học khác thông qua các giáo trình này. Muốn vậy, cần nâng cao chất lượng công tác của Nhà xuất bản ĐHQGHN, phải thu hút được sự tham gia viết sách của những nhà khoa học giỏi để có nhiều đầu sách hay, phải đổi mới công tác phát hành sách.

2. Về nghiên cứu khoa học

Sự khác biệt cơ bản nhất giữa trường đại học với trường phổ thông là ở công tác nghiên cứu khoa học. Sự khác biệt về trình độ giữa trường đại học này với trường đại học khác được thể hiện ở trình độ và ở chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, ở số lượng của các nhà khoa học giỏi (tham gia giảng dạy trực tiếp, hướng dẫn nghiên cứu khoa học hoặc chủ yếu là làm nghiên cứu khoa học). Người ta nói rằng người thầy giỏi ở trường đại học trước hết phải là nhà khoa học giỏi, có những công trình nghiên cứu xuất sắc. Chính vì vậy, năng lực quan trọng nhất của người thầy giáo đại học phải là năng lực nghiên cứu khoa học và công tác nghiên cứu khoa học phải được đặt lên hàng đầu ở bất kỳ trường đại học nào, đặc biệt là ở ĐHQGHN. Mọi thầy giáo của ĐHQGHN đều phải làm công tác nghiên cứu khoa học. ở đây, các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lý thuyết phải ở trình độ cao, theo kịp các hướng mũi nhọn của khoa học thế giới. Các nghiên cứu ứng dụng phải bám sát thực tiễn theo nhu cầu của sản xuất thông qua các đơn đặt hàng nghiên cứu. Nhờ vậy, các kết quả nghiên cứu mới đi được vào cuộc sống. Cần đề cao nguyên tắc: “Nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng”. Người đặt hàng phải cung cấp tài chính và điều kiện cho người nghiên cứu và đương nhiên sẽ là người sử dụng những kết quả nghiên cứu. Những nghiên cứu cơ bản sẽ do Nhà nước đặt hàng. Các nghiên cứu ứng dụng phải do các doanh nghiệp đặt hàng. Các đơn vị của ĐHQGHN phải phấn đấu để giành được nhiều đơn đặt hàng, từ nhỏ đến lớn, đến những đơn đặt hàng của các công trình ở tầm cỡ quốc gia, chẳng hạn như vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường, vấn đề năng lượng, các chính sách lớn của quốc gia…. ĐHQGHN phải có mối quan hệ gắn bó với các doanh nghiệp, các địa phương với Phòng thương mại và công nghiệp. Cần nghiên cứu tổ chức doanh nghiệp trong nhà trường, tiến tới tập đoàn.

Việc tập hợp cán bộ nghiên cứu, việc mua sắm trang thiết bị nghiên cứu phải xoay quanh nhiệm vụ thực hiện các hợp đồng nghiên cứu. ở đây đòi hỏi năng lực tổ chức và quản lý rất cao của ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, đòi hỏi sự tự giác của những người làm công tác nghiên cứu.

3. Về công tác cán bộ

 Đội ngũ ổn định, gắn bó lâu dài nhất với nhà trường và đóng vai trò quyết định nhất đến chất lượng đào tạo là đội ngũ giáo viên. ĐHQGHN chỉ có thể giữ vai trò hàng đầu trong giáo dục đại học khi nơi đây trở thành tiêu điểm thu hút tài năng. Do vậy, ĐHQGHN phải có chiến lược cầu hiền, chiêu tài, phải có sự tham gia của nhiều nhà khoa học giỏi ở trong nước và từ nước ngoài. Để làm tốt việc này thì trước tiên chúng ta phải đặc biệt quan tâm đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ cán bộ hiện có của ĐHQGHN. Không thể để kéo dài tình trạng giáo sư không đủ điều kiện tối thiểu để làm việc. Ngày nay, người nước ngoài không thể hiểu nổi là giáo sư công tác ở một đại học hàng đầu của đất nước mà lại không sử dụng được internet, không trao đổi trực tiếp với nhau được bằng tiếng Anh, không có một chỗ ngồi làm việc ổn định ở cơ quan! Việc trang bị cho mỗi giáo sư của ĐHQGHN một máy tính nối mạng có khó quá không trong khi mỗi học sinh phổ thông ở Thái Lan đều  có một máy tính xách tay (xem báo Tiền phong ngày 20/10/2005). Những điều kiện thiết yếu như vậy mà không giải quyết được thì làm sao chúng ta có thể thu hút trí thức trẻ, trí thức Việt kiều giỏi đến làm việc ở ĐHQGHN và đến khi nào chúng ta mới sánh vai được với các đại học ở trong khu vực và trên thế giới?

Nếu được tự chủ về tài chính, chúng ta nên mạnh dạn tính toán để đảm bảo thu nhập đủ sống cho cán bộ, giúp họ toàn tâm, toàn ý làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ.

Việc quan tâm bồi dưỡng, nâng cao đạo đức, chuyên môn và nghiệp vụ do các cán bộ mới được giao nhiệm vụ quản lý ở các phòng, ban cũng cần tiến hành thường xuyên và có bài bản.

Chúng ta đang tiếp tục phát triển về tổ chức, nâng cấp các đơn vị đào tạo và nghiên cứu lên thành trường, viện. Cần đề ra tiêu chuẩn, tiêu chí về cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ, về cơ sở vật chất cần có của các đơn vị này và có kế hoạch bồi dưỡng, tăng cường, bổ sung, đảm bảo chất lượng cao của các tổ chức sẽ được thành lập.

4. Xây dựng cơ sở mới ở Hòa Lạc

Chúng ta cần khẩn trương hơn nhiều. Chậm triển khai sẽ gây lãng phí lớn và ngày một khó khăn. Nên đặt mức phấn đấu để sau 7 - 8 năm nữa hoàn thành cơ bản việc xây dựng ở đấy. Điều kiện kỹ thuật hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu này. Vấn đề tuỳ thuộc vào sự quyết tâm và khả năng tổ chức của ta.

Ngày nay, ĐHQGHN có cơ hội làm tốt việc chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên khi xây dựng cơ sở mới ở Hoà Lạc. Đó là khu nhà ở rộng cả trăm héc-ta. Song cần có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo và quyết tâm rất cao của các cơ quan thực hiện với sự chủ động tham gia của công đoàn. Nên tiến hành xây dựng khu nhà ở này theo một quy hoạch thật tốt, hạ tầng cơ sở tốt với sự tham gia đầu tư trực tiếp của người sử dụng (tự xây dựng và đóng góp vốn cho cơ sở hạ tầng).

5. Về hợp tác quốc tế

Cần nâng cao hơn hiệu quả của việc hợp tác quốc tế, tập trung sức cho một vài chương trình hợp tác trọng điểm. Đặc biệt quan tâm đến việc thu hút chất xám của hàng trăm ngàn trí thức Việt kiều đang làm việc trong các trung tâm khoa học và các trường đại học lớn ở phương Tây.

6. Về công tác Đảng và công tác chính trị, tư tưởng

Đảng bộ ĐHQGHN là nơi có nhiều trí thức - những người có hiểu biết sâu về nhiều vấn đề chính trị, xã hội và có thói quen thường xuyên tự tìm kiếm thông tin, có yêu cầu cao về tự do tư tưởng. Do vậy, công tác chính trị, tư tưởng ở đây không thể tiến hành một cách giản đơn mà phải ở trình độ cao, trí tuệ, có sức thuyết phục. Cần phải tạo ra trong Đảng bộ một không khí cởi mở, tự do tranh luận để tìm ra chân lý. Các thông tin liên quan đến các vấn đề chính trị cần được cập nhật kịp thời và đầy đủ, chi tiết, khách quan.

Nội dung sinh hoạt chi bộ ở ĐHQGHN cũng cần được cải tiến, nâng cao, tránh hình thức và sự nhàm chán. Ngoài những việc phổ biến tài liệu, nghị quyết của cấp trên, nên có những chủ đề sinh hoạt sâu, có tranh luận tự do, vừa hứng thú, vừa bổ ích. Chẳng hạn như chủ đề Tham nhũng, hiện trạng - nguy cơ - giải pháp; có tham nhũng trong cơ quan ta không? hoặc chủ đề: “Có hay không thị trường giáo dục” - những đặc điểm và cơ chế hoạt động - làm thế nào để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của nó?, hoặc mời các đồng chí vừa đi hội nghị, đi khảo sát ở nước ngoài về báo cáo những thu hoạch sau chuyến đi...

Cuộc chiến chống tham nhũng đang được triển khai trên cả nước chúng ta. Cần kiểm tra nghiêm túc xem ở ĐHQGHN có tham nhũng hay không, đặc biệt là ở những bộ phận tuyển sinh, tuyển cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Tôi không tin rằng ở ta không có tham những, tiêu cực. Chúng ta cần kiên quyết loại bỏ hiện tượng này ra khỏi ĐHQGHN.

ĐHQGHN cần trở thành một trung tâm văn hoá lớn của cả nước với nhiều hoạt động đa dạng, từ văn nghệ, thể thao, mở các diễn đàn quốc gia, quốc tế, mời các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng đến nói chuyện, giao lưu...

*

ĐHQGHN đã trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Song, chúng ta còn phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều để vượt qua những khó khăn và thách thức, để sớm trở thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm khoa học và văn hoá lớn Trung tâm hợp tác quốc tế của cả nước, có những cống hiến nổi bật cho sự phát triển của đất nước.

 Nguyễn Văn Đạo
GS.VS - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo, nguyên Giám đốc ĐHQGHN. - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :