Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Sự khởi đầu của một ngành học mới
Nếu như giờ đây, khi Khoa Quốc tế học Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN đang chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập lần thứ 10, tên gọi ngành học này đã trở nên rất quen thuộc thì vào đầu những năm 90 ở nước ta hầu như không ai biết gì về quốc tế học. Điều này có thể đoán chắc vì vào thời điểm ấy tôi đã tìm hiểu kỹ và biết rằng đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ không chỉ ở nước ta mà còn đối với nhiều nước trong khu vực.

Sự khởi đầu của ngành Quốc tế học dường như rất ngẫu nhiên, gắn liền với sự kiện một đoàn giáo sư trường Đại học Columbia đến thăm trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào cuối năm 1992. Giáo sư Đào Trọng Thi đã cho mời một số chủ nhiệm khoa, trong đó có tôi, khi ấy là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, cùng tiếp khách. Một đề nghị khá bất ngờ đã được đưa ra trong buổi hội đàm: Nếu phía Việt Nam có sự chuẩn bị tốt, Đại học Columbia sẵn sàng giúp xây dựng một ngành học mới, ngành Quốc tế học (International Studies). Theo các giáo sư đại học Columbia thì Quốc tế học là ngành học cần cho Việt Nam vì chúng ta đang trên đường hội nhập quốc tế. Đào tạo những chuyên gia hiểu biết về các vấn đề quốc tế và nghiên cứu sâu về các khu vực khác nhau không chỉ có ích cho các cơ quan, đơn vị có quan hệ với nước ngoài mà còn tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn cho các cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô. Mặt khác họ cũng cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển khoa học này. Xét về địa - văn hoá, nước ta ở vào vị trí giao thoa của nhiều nền văn minh và là nơi gặp gỡ của nhiều luồng văn hoá. Một đơn vị đào tạo và nghiên cứu về quốc tế học ở Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành một trung tâm khoa học có uy tín của cả khu vực Đông Nam Á.

Con người - nhân tố chính của sự thống nhất trong đa dạng của thế giới

Với tầm nhìn của một nhà quản lý và ý thức đầy đủ về sứ mệnh của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong việc tiếp cận những lĩnh vực khoa học mới, Giáo sư Đào Trọng Thi đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của ngành học này. Tuy nhiên, vì chưa đủ cơ sở để xây dựng một đơn vị đào tạo mới, Giáo sư Hiệu trưởng đã giao cho tôi nhiệm vụ nghiên cứu ý tưởng của các chuyên gia Trường Đại học Columbia và xem xét khả năng xây dựng một chương đào tạo thí điểm tại Khoa Lịch sử. Tôi rất hào hứng khi nhận nhiệm vụ này, nhưng khi triển khai thì vấn đề hoàn toàn không đơn giản.

GS.TSKH Vũ Minh Giang

Khó khăn lớn nhất khi ấy là vốn hiểu biết ít ỏi về ngành học này. Tôi chỉ có vỏn vẹn trong tay những dòng ghi chép trong sổ tay bài thuyết trình của các giáo sư Trường Đại học Columbia và một số tài liệu đơn giản họ tặng. Trong khi đó, việc liên hệ quốc tế rất khó khăn (vào thời điểm hơn 10 năm trước, ở nước ta chưa có ý niệm gì về Internet). Tôi đã đem vấn đề này ra trình bày trước Hội đồng khoa học Khoa Lịch sử. Không có nhiều lắm sự đồng tình. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng mở ngành học này là “chạy theo nhu cầu thị trường (!)”, là “làm giảm uy tín khoa học của Khoa (!)”. Rất may là tôi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng uỷ và Ban chủ nhiệm Khoa.

Theo giải thích của các chuyên gia Trường Đại học Columbia thì “Quốc tế học” không phải là “Quan hệ quốc tế” (International Relations) mà là một khoa học liên ngành (Interdisciplinary Science) với đối tượng nghiên cứu là sự thống nhất trong đa dạng của thế giới. Chính vì đối tượng nghiên cứu rộng và tương đối trừu tượng như vậy nên chương trình đào tạo Quốc tế học được thiết kế khá linh hoạt và ngay các cơ sở đào tạo ở những nước khoa học phát triển, chương trình cũng không hoàn toàn giống nhau. Các giáo sư Trường Columbia từng lưu ý rằng khi xây dựng chương trình cũng phải xuất phát từ yêu cầu cụ thể và những đặc điểm của Việt Nam.

Nghiên cứu kỹ những điều ghi chép được và một số tài liệu rất hạn chế, có thể hình dung về đại thể, chương trình của trường Đại học Columbia có hai hợp phần:

- Những kiến thức cơ bản về thế giới (các nền văn minh nhân loại, địa lý thế giới, Lịch sử, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hoá một số vùng quan trọng…); Kiến thức đại cương một số khoa học chuyên ngành có liên quan (Kinh tế học, Khoa học chính trị, Nhân học…); Phương pháp nghiên cứu khu vực và phương pháp nghiên cứu các vấn đề quốc tế.

- Phần kiến thức chuyên sâu bao gồm những chuyên đề (có thể thay đổi linh hoạt do những biến đổi của tình hình thế giới) về các vấn đề lớn có tính toàn cầu như Quá trình toàn cầu hoá, Chủ nghĩa dân tộc, Nguy cơ khủng bố, Biến chuyển của thế giới sau chiến tranh II…; Kiến thức sâu về một khu vực (do sinh viên chọn trong số những khu vực mà Trường có chuyên gia); Ngoại ngữ phục vụ cho nghiên cứu khu vực. Columbia là trường đại học được coi là đi tiên phong trong việc mở ra các ngành học mới mang tính liên ngành trong đó có Khu vực học (Area Studies). Chính vì vậy mà Quốc tế học cũng chịu ảnh hưởng rất mạnh của khuynh hướng này.

Báo chí cũng là một ngành học mang tính "Quốc tế học" cao. Trong ảnh là một lớp học của sinh viên khoa báo chí trường đại học Comlubia - Mỹ

Dựa vào thực lực sẵn có của Khoa Lịch sử, chủ yếu là các chuyên gia Bộ môn Lịch sử thế giới và một số cơ quan ngoài như Học viện Quan hệ Quốc tế, Viện Kinh tế thế giới… một chương trình thí điểm về quốc tế học đã được xây dựng và được phép bắt đầu đào tạo từ năm học 1993-1994.

Hội thảo về những thay đổi đối với Việt Nam khi gia nhập WTO do khoa Quốc tế học tổ chức

Điều đáng mừng là khi thông báo tuyển sinh, số người đăng ký khá đông và đã có hai khoá được tuyển với tư cách là sinh viên Khoa Lịch sử học chương trình thí điểm. Sau này tôi được biết có nhiều người trong số hai lớp đầu tiên ấy đã trưởng thành và đang phát huy tốt vai trò trên nhiều lĩnh vực công tác.

Năm 1995, sau khi Trường ĐHKHXH&NV được thành lập với tư cách là đơn vị thành viên của ĐHQGHN, một loạt các khoa mới ra đời, trong đó có Khoa Quốc tế học. So với chương trình thí điểm tại Khoa Sử, thiết kế ban đầu của Khoa Quốc tế học có một số thay đổi. Chương trình mới được tổ hợp từ 3 khối chuyên môn: Luật quốc tế, Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế. Theo tôi, kết cấu chương trình như vậy là chưa thật phù hợp vì trong một đơn vị thời lượng đào tạo bị khống chế mà tiến hành trang bị kiến thức của cả 3 khoa học chuyên ngành (Luật, Kinh tế, Quan hệ quốc tế đều là các khoa học chuyên ngành // Special Sciences) thì người học vừa không được học sâu mà kiến thức cũng không đủ rộng.

Cũng vào cuối năm đó, sau khi hết nhiệm kỳ Chủ nhiệm khoa, tôi được Đại học Tokyo mời sang thỉnh giảng nên không có điều kiện trực tiếp tham gia góp ý xây dựng khoa trong giai đoạn mới lập. Tuy nhiên, là người đã từng có những trăn trở với việc xây dựng ngành Quốc tế học, tôi luôn để ý, tìm hiểu về ngành học này mỗi khi có dịp tiếp xúc với các chuyên gia và cơ sở đào tạo ở nước ngoài. Sau khi về nước vào cuối năm 1996, tôi đã trao đổi những suy nghĩ trên với GS. Vũ Dương Ninh, khi ấy là Chủ nhiệm Khoa.

Trong những năm gần đây, Khoa Quốc tế học đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó phải kể đến việc điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng mở thêm nội dung nghiên cứu khu vực. Hai bộ môn Hoa Kỳ học và Châu Âu học đã được hình thành. Nếu có cần góp ý thêm điều gì thì đó là Khoa cần chú ý bổ sung thêm những chuyên đề về các vấn đề quốc tế có tính toàn cầu và của các khu vực. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên sau khi ra trường.

Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện chương trình và đào tạo cán bộ, nhưng theo tôi, nhìn vào định hướng phát triển của Khoa Quốc tế học có tin tưởng rằng trong một tương lai không xa ngành Quốc tế học của ta sẽ có vị trí xứng đáng không chỉ ở Việt Nam mà còn có uy tín trong khu vực và trên trường quốc tế.

 Vũ Minh Giang
GS.TSKH, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - ĐHKHXH&NV, Phó giám đốc ĐHQGHN
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :