Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam: Không nên ảo tưởng đốt cháy giai đoạn
Đó là ý kiến của GS.TSKH Đào Trọng Thi - Ủy viên TW Đảng, Giám đốc ĐHQGHN. GS đồng ý với quan điểm nên tập trung đầu tư để một bộ phận của giáo dục đại học tiếp cận với trình độ thế giới. Nhưng không nên xây dựng hẳn một trường đại học (ĐH).

Giáo dục đại học (GDĐH) đang loay hoay trước ngưỡng cửa hội nhập

+ Thưa GS, mặc dù đã có đề nghị ĐH Harvard (Mỹ) giúp đỡ Việt Nam thành lập một trường ĐH có đẳng cấp quốc tế nhưng dư luận vẫn có ý kiến đặt vấn đề "nên hay không nên". Theo GS bản chất những tranh luận này là gì?

- Hiện nay, GDĐH đang cần một hướng đi, một cách để tiếp cận với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đó là một yêu cầu bức thiết. Sự chậm chạp của hệ thống giáo dục đại học trong việc thích ứng với thế giới làm nhiều người sốt ruột.

Nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta phải lựa chọn được một cách làm phù hợp, đặc biệt đối với hoàn cảnh GDĐH của Việt Nam - đang thua rất xa so với chất lượng quốc tế.

+ GS có đồng ý với chủ trương thành lập một trường "đại học đẳng cấp quốc tế" tại Việt Nam không?

- Cách tiến cận hợp lý với chất lượng quốc tế của GDĐH Việt Nam là phải đi tắt đón đầu. Tức là lập trung đầu tư cho một bộ phận nhỏ tiếp cận nhanh với trình độ thế giới, làm mô hình chuẩn và động lực để nâng dần chất lượng đại trà.

Thành lập một trường ĐH đẳng cấp quốc tế cũng là một cách làm để thực hiện phương pháp đó. Tuy nhiên, với hoàn cảnh của Việt Nam tôi nghĩ không nhất thiết phải làm như vậy.

+ Có phải ý GS là nên phát triển từ một trường ĐH đã sẵn có?

- Không nên thành lập một trường ĐH như vậy, dù là xây dựng mới hay phát triển từ những trường đã có. Theo tôi, nên lựa chọn một số ngành mũi nhọn ở trong một số trường ĐH. Đó là những ngành đã có truyền thống phát triển, có đội ngũ giảng viên tốt, trang thiết bị hiện đại. Sau đó tập trung đầu tư người và của để nó nhanh chóng vươn lên tầm trình độ quốc tế. Như vậy sẽ khả thi và ít tốn kém hơn.

+ Nhưng có ý kiến lo ngại việc phát triển từ những cơ sở sẵn có sẽ bị vướng vào sự trì trệ của cơ chế cũ? GS nghĩ sao?

- Một trường ĐH không thể trong vài năm mà trở thành một trường đẳng cấp quốc tế. Một trường ĐH có uy tín, chất lượng cao cũng phải là một trường ĐH có truyền thống. Nó phải có thời gian để xây dựng một thế hệ giảng viên, những ngành học mũi nhọn, cơ sở vật chất, xây dựng những trường phái khoa học... Đó là những tiêu chuẩn không thể thiếu và cũng không có được trong ngày một ngày hai.

GS.TSKH Đào Trọng Thi phát biểu tại hội thảo về quản lý giáo dục đại học do Hiệp hội các trường đại học ASEAN tổ chức(Hội thảo do ĐHQGHN đăng cai tổ chức vào tháng 12/2005 tại Hà Nội)

+ Có ý kiến cho rằng việc thành lập ĐH quốc tế sẽ rất có ý nghĩa với sự phát triển giáo dục đại học. Thậm chí có thể trở thành động lực để thay đổi chất lượng giáo dục trong năm, mười năm tới?

- Không nên ảo tưởng chỉ trong một thời gian ngắn có thể tiếp cận với trình độ quốc tế, càng không nên ảo tưởng có thể đưa chất lượng đại trà của giáo dục đại học ngang với trình độ quốc tế. Muốn đuổi kịp họ phải biết vận dụng thực tế.

Con đường đúng đắn phải thỏa mãn với hai điều kiện: tận dụng được những gì chúng ta đang có sẵn, mặt khác khi khả năng kinh tế còn eo hẹp, chúng ta không thể đầu tư đại trà cho tất cả các trường ĐH mà chỉ chọn một số ngành mũi nhọn. Không nên xây dựng một mô hình riêng biệt, tách hẳn với đời sống xã hội. Nếu vậy, ngôi trường đó sẽ không tồn tại được.

Tự chủ - không phải là phương thuốc bách bệnh

+ Gần đây, nhiều ý kiến trong nước kêu gọi "cởi trói" giao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Trong bản đề xuất của Trường ĐH Harvard theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam cũng nhận định việc tạo cho "đại học đẳng cấp quốc tế" một cơ chế tự chủ hoàn toàn là điều kiện quan trọng để mô hình này thành công? Từ thực tế quản lý một trường ĐH lớn trong nhiều năm, GS có ý kiến nào khác không?

- Một trong những yếu tố rất quan trọng của cộng đồng giáo dục quốc tế là tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH. Và có lẽ đấy là một điều kiện rất quan trọng để cho các trường ĐH Việt Nam có thể tiếp cận được với trình độ quốc tế. Nhưng tôi nghĩ đây là mục tiêu cuối cùng, để đạt được điều đó cần phải thực hiện theo một lộ trình, không thể nóng vội, tạo một cơ chế, một mô hình cách ly khỏi hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Trong giai đoạn này cần phải xác định rõ mức độ tự chủ của các trường ĐH đến đâu, phù hợp với hoàn cảnh xã hội chúng ta. Chứ không thể tự chủ như các trường ĐH ở những nước kinh tế thị trường hoàn chỉnh.

+ Theo GS, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có được mức tự chủ phù hợp?

- ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chính là hai ĐH có tính tự chủ rất cao trong các trường ĐH ở Việt Nam. Thậm chí còn có thể so sánh mức độ tự chủ với nhiều trường ĐH công lập trên thế giới.

Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế xã hội chính trị của chúng ta hiện nay các trường ĐH cần phải nằm dưới sự quản lý của Nhà nước.

+ Có thể nói, việc thành lập các trường ĐH quốc gia cũng là một mô hình, một hướng đi để đưa một bộ phận giáo dục đại học tiếp cận nhanh với trình độ thế giới. Như GS vừa nói, ĐH Quốc gia đã được hưởng mức độ tự chủ "đẳng cấp quốc tế", tuy nhiên, qua sự kiện kêu gọi thành lập một trường đại học tiêu chuẩn quốc tế mới cho thấy sự phát triển của các trường này vẫn chưa được như mong đợi?

- Như tôi đã nói, ĐH Quốc gia đã được tự chủ cao nhưng so với các trường ĐH ở những nước phát triển cao thì vẫn chưa bằng. Nhưng đó là mục tiêu cuối cùng để chúng ta tiến tới. Mức tự chủ hiện nay mà các trường ĐH quốc gia đang được hưởng, theo tôi là phù hợp. Còn để đạt chuẩn mực quốc tế không thể làm được trong một thời gian ngắn. ĐH Quốc gia Hà Nội đang phấn đấu cho mục tiêu đó, và chúng tôi thực hiện theo một cách khác, theo cách nghĩ của chúng tôi.

Nên khai thác tốt nội lực trước khi nghĩ đến "ngoại lực"

+ GS có thể nói rõ hơn về cách làm của Đại học Quốc gia Hà Nội?

- Để tiếp cận với chất lượng quốc tế chúng tôi không đặt mục tiêu cho tất cả các trường ĐH thành viên, các khoa trong ĐH Quốc gia Hà Nội mà xác định đầu tư vào những điểm mạnh của mình. Đó là những nơi có nền tảng và huy động được nguồn lực để đầu tư.

Chúng tôi đã thành lập trường ĐH Công nghệ, trên nền tảng khoa Công nghệ cũ. Trường có quy mô không lớn, chỉ lựa chọn một số ngành khoa học để đưa vào giảng dạy. Việc thành lập trường dựa trên mối quan hệ chặt chẽ với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam. Viện có một đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, có trang thiết bị đầy đủ và hiện đại. Hiện nay, có những khâu Viện Khoa học Công nghệ đã gần như đảm đương hoàn toàn. Và trường đang có những bước phát triển rất tốt.

+ Từ những thực tế đó, GS có thể đưa ra một kinh nghiệm gì đối với việc phát triển nền giáo dục đại học nói chung?

- Việc đổi mới giáo dục đại học nên do chúng ta tự làm, lấy phát huy nội lực làm nguồn lực chính. Vẫn còn những tư tưởng cầu ngoại, việc gì cũng phải "của nước ngoài" thì mới được. Nhiều người cứ hy vọng là việc đem các giáo sư nước ngoài về dạy sẽ cải thiện được chất lượng nhưng lại không biết rằng có rất nhiều giáo sư trong nước đi dạy tại các trường ĐH nước ngoài, kể cả những trường ĐH danh tiếng.

Hiện nay chúng ta có một nguồn lực rất lớn chưa được huy động vào đào tạo đại học, đó là các viện nghiên cứu trong nước. Nơi đó hội tụ những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực lại được trang bị trang thiết bị khá đầy đủ và hiện đại. Các viện mới tham gia một phần nhỏ vào việc đào tạo trình độ cao. Nếu có chính sách huy động tốt nguồn lực này sẽ nhanh chóng tạo những chuyển biến đáng kể.

Hơn nữa, hiện nay ngay cả nguồn nhân lực trong nước, những người chúng ta đào tạo hoặc bỏ tiền gửi đi đào tạo vẫn chưa được sử dụng hiệu quả.

Chúng tôi có nhiều học sinh đã gửi đi du học, nhưng phải chấp nhận để họ ở lại làm việc ở nước ngoài mà chưa gọi về. Bởi vì, chúng ta chưa tạo ra được một môi trường phù hợp để họ phát triển chuyên môn.

Mặt khác, nếu có chính sách hợp lý sẽ thu hút được một lực lượng chuyên gia hùng hậu là những Việt kiều hiện đang làm việc tại những cơ sở nghiên cứu khoa học, đại học hàng đầu thế giới. Theo hướng này, tôi nghĩ sẽ thực tế hơn.

+ Xin cảm ơn GS!

 Theo báo Gia đinh & Xã hội
Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :