Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
50 năm xây dựng và trưởng thành của Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN
Nhớ về cội nguồn, đó là nét tốt đẹp trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của người Việt Nam ta. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm (1956-2006) Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây) thuộc ĐHQGHN, mỗi người chúng ta đều hết sức xúc động nhìn lại chặng đường gian khó và vinh quang mà các thế hệ đi trước đã vượt qua để xây dựng Khoa Vật lý thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của cả nước.

Khung cảnh lễ kỷ niệm 20 năm thành lập khối THPT chuyên Vật lý thuộc Khoa Vật lý, ĐHKHTN.

1. VÀI NÉT LỊCH SỬ

+ Giai đoạn 1956-1961

Ngày 4/6/1956 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN) được thành lập trên cơ sở hai trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học (ĐHSPKH). GS. Ngụy Như Kontum - nhà đầy uy tín đã được cử làm Giám đốc đầu tiên của nhà trường. Ngay từ khi thành lập Trường ĐHTHHN đã bắt tay vào việc đào tạo cử nhân Vật lý. Các thầy giáo thuở ban đầu ấy từ các nơi tụ họp về, đó là: GS. Ngụy Như Kontum, GS. Vũ Như Canh, GS. Dương Trọng Bái, PGS. Ngô Quốc Quýnh, thầy Hoàng Hữu Do... Một số anh vừa tốt nghiệp xuất sắc ĐHSPKH được giữ lại làm cán bộ giảng dạy như GS. Đàm Trung Đồn, PGS. Phạm Viết Trinh, PGS. Phan Văn Thích, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, PGS. Phạm Quý Tư, PGS. Vũ Thanh Khiết...

Năm 1957 đội ngũ thầy giáo Vật lý lại được bổ sung thêm một số anh vừa tốt nghiệp ĐHSPKH như GS.TS Phạm Duy Hiển, PGS. Nguyễn Khang Cường, PGS. Nguyễn Hữu Xý, PGS. Vũ Quang, thầy Ngô Thúc Huy, thầy Võ Văn Thu, v.v...

Từ năm 1958 đến 1960, Tổ Vật lý trong Khoa Khoa học tự nhiên mà Chủ nhiệm khoa là nhà toán học nổi tiếng GS.TSKH Lê Văn Thiêm được bổ sung thêm nhiều thầy giáo có trình độ cao từ nhiều nguồn khác nhau như: PGS. Hoàng Quý, thầy Vũ Trường Dự, thầy Bùi Phùng, PGS. Hoàng Hữu Thư, GS.TS Nguyễn Hoàng Phương.

Năm học 1959-1960 có thêm nhiều sinh viên Vật lý do Trường đào tạo được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Tổ Vật lý như GS.TSKH Đinh Văn Hoàng, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hà, GS.TSKH Nguyễn Châu, thầy Nguyễn Văn Tới, GS. Đoàn Nhượng, TS. Phan Liêm, PGS.TS Phạm Tế Thế, PGS. Nguyễn Văn Bửu, PGS.TSKH Nguyễn An, PGS.TS Lê Thanh Hoạch, PGS.TS Lý Hoà, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, PGS. Hoàng Dương Quân, PGS. Phạm Công Dũng,…

Gắn bó với Vật lý từ những ngày đầu còn có các thầy, cô giáo dạy tiếng Nga: thầy Nguyễn Cẩm Tiêu, cô Nguyễn Thị Lan, thầy Trần Xuân Khai…

Số công nhân viên kỹ thuật có mặt tại các phòng thí nghiệm trong giai đoạn đầu chỉ có bác Đoàn Hợi, bác Nguyễn Văn Dịch, bác Nguyễn Phúc, về sau còn có các bác Đàm Trung Quang, anh Ngô Gia Thuận, anh Nguyễn Trung Tín, chị Nguyễn Phương Viên…

Có thể nói giai đoạn 1956-1961 là giai đoạn chuẩn bị, đặt nền móng cho việc chính thức thành lập Khoa Vật lý sau này. Trong thời gian này phần lớn các thầy giáo, cô giáo trẻ vừa tự học vừa dạy, vừa tự trau dồi trình độ chuyên môn để dạy tốt trong không khí khẩn trương mà sôi nổi. Chính trong giai đoạn này các bộ môn Vật lý Lý thuyết, Vật lý Hạt nhân, Vật lý Vô tuyến, Vật lý Chất rắn, Vật lý Quang phổ và Vật lý Đại cương đã dần dần được hình thành.

Nhiều giáo sư, nhà giáo, nhà khoa học đã cống hiến cho sự trưởng thành của Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN.

Năm 1961, Bộ Giáo dục ra quyết định (số 705/QĐ, ngày 22/10/1961) chính thức thành lập Khoa Toán - Lý với Chủ nhiệm khoa là GS.TSKH Hoàng Tụy. Sau đó không lâu, năm 1962, Khoa Vật lý được tách riêng ra với người Chủ nhiệm đầu tiên là GS.TS.NGƯT Nguyễn Hoàng Phương. Kể từ thời điểm này đội ngũ cán bộ công nhân viên Khoa Vật lý được tăng cường đáng kể. Nhiều thầy giáo được đào tạo một cách chính quy ở nước ngoài và trong nước được bổ sung cho khoa như GS. VS. Đào Vọng Đức, PGS.TSKH Nguyễn Văn Hướng, PGS.TS Trương Biên, TS. Đinh Ngọc Thanh, GS.TS Lê Khắc Bình, PGS.TS Nguyễn Viết Kính, PGS.TS Nguyễn Kim Giao, PGS.TS Vũ Anh Phi, thầy Đào Kim Ngọc, PGS.TS Vũ Như Cương, cô Nguyễn Tú Uyên, PGS.TS Nguyễn Triệu Tú, PGS.TS Phạm Quốc Hùng, PGS.TS Đặng Huy Uyên, thầy Ngạc Văn An, GS.TSKH Nguyễn Văn Hùng…

Ở giai đoạn này việc đào tạo chuyên ngành với chất lượng được nâng cao hơn, được bắt đầu với việc chuyển từ hệ đào tạo 3 năm sang 4 năm, sinh viên được học thêm nhiều giáo trình chuyên đề và đặc biệt là có thời gian làm luận văn tốt nghiệp như tập sự làm một công trình khoa học nho nhỏ, nhưng đã giúp cho sinh viên trưởng thành rất nhiều.

Công việc đào tạo bắt đầu vào quy củ thì chiến tranh phá hoại ập đến. Gần 10 năm sơ tán (1965 - 1975) với ngót chục lần di chuyển địa điểm qua các địa danh Bình Đà, Đông Anh, Đại Từ, Từ Sơn đã làm ảnh hưởng không ít đến công tác đào tạo.

Những cán bộ, những sinh viên có mặt thời đó chắc không ai quên được những lớp học trên đồi, mùa đông thì thừa gió rét, mùa hè thì thừa nóng nực. Trong muôn vàn khó khăn: đói cơm, rách áo, bom đạn mà vẫn kiên trì dạy và học. Không những thế nhiều thầy giáo còn hăng hái trong việc nghiên cứu phục vụ quốc phòng chống chiến tranh phá hoại như GS. Đàm Trung Đồn, GS.TSKH Nguyễn Châu, PGS.TS Phan Văn Thích, PGS. Nguyễn Khang Cường, PGS. Phạm Công Dũng, GS.TS Nguyễn Hoàng Phương, PGS.TS Chu Đình Thuý, PGS.TS Nguyễn Kim Giao, PGS.TS Trịnh Đông A, TS. Hoàng Cao Quang, thầy Nguyễn Đăng Tạc. Nhiều cán bộ trẻ được đào tạo bài bản trong ngoài nước như PGS.TS Lê Viết Dư Khương, PGS.TS Vương Đạo Vy, TS. Đỗ Xuân Thành, PGS.TS Nguyễn Thị Thục Hiền, PGS.TS Tạ Đình Cảnh, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn... đã được tăng cường cho đội ngũ cán bộ của khoa.

Trong thời gian này, Khoa Vật lý đã có nhiều đề tài phục vụ các đơn vị kỹ thuật quốc phòng, giao thông vận tải và Bộ Công an. Cán bộ và sinh viên Bộ môn Vật lý vô tuyến, Vật lý chất rắn đã cùng phối hợp nghiên cứu phục vụ cho Xí nghiệp quốc phòng M3. Nhóm nghiên cứu VH1 đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng III, nhiều cán bộ Khoa Vật lý được Chính phủ tặng huân chương về thành tích nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất và chiến đấu. Các thế hệ thầy trò Khoa Vật lý mãi mãi khâm phục và biết ơn sự hy sinh của nhiều cựu cán bộ sinh viên Khoa Vật lý đã chiến đấu vì nền độc lập tự do của đất nước mà tấm gương tiêu biểu là hai Liệt sĩ phá bom từ trường Hoàng Kim Giao và Lê Hoài Tuyên, cựu sinh viên Khoa Vật lý khoá 1961-1965. Liệt sĩ Hoàng Kim Giao đồng thời là đồng tác giả của Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996).

+ Giai đoạn 1975- 1988

Công tác nghiên cứu khoa học luôn được quan tâm.

Năm 1975, Tổ quốc thống nhất, hoà bình trở lại trên đất nước chúng ta. Đây cũng là thời điểm bắt đầu công cuộc xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Để đáp ứng yêu cầu cung cấp và tăng cường cán bộ khoa học cho các trường đại học phía Nam nhiều cán bộ xuất sắc của Khoa Vật lý như PGS.TS Lý Hoà, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, GS.TS Nguyễn Hữu Chí, GS. TSKH. Dương Văn Phi, GS.TS Phạm Doãn Hân... đã rời mái trường ĐHTHHN thân yêu đi xây dựng trường đại học anh em: Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Những tưởng giáo dục, đào tạo trong hoàn cảnh hoà bình thì còn gì thuận lợi hơn, nhưng thực tế đây là một trong những thời kỳ đặc biệt khó khăn không những của Khoa Vật lý mà của cả một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh và còn trong cơ chế bao cấp lạc hậu. Khó khăn lớn nhất là dụng cụ thí nghiệm dành cho học tập của sinh viên cũ kỹ, lỗi thời, gần như ở dạng chờ thanh lý; máy móc thiết bị dành cho các thầy nghiên cứu khoa học và đào tạo bậc học cao hơn hầu như chẳng có gì. Hầu hết phòng thí nghiệm như những viện bảo tàng chứa đồ cổ, cộng với bao nhiêu nỗi khó khăn, nhọc nhằn của cán bộ công nhân viên chạy vạy ngược xuôi lo toan cho cuộc sống thường ngày.

Thế nhưng với lòng quyết tâm vì sự nghiệp chung, các cán bộ công nhân viên Khoa Vật lý đã cố gắng nỗ lực, cộng tác, nguyện cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học cho đất nước một cách tốt nhất, chất lượng nhất. Cán bộ công nhân viên Khoa Vật lý đã phải trăn trở, tìm kiếm biện pháp để đạt được những mục tiêu mà bất kỳ nền đại học chân chính nào cũng phải đạt tới, đó là dạy và học một cách thông minh nhất, sao cho sinh viên nắm được những kiến thức cần thiết nhất, phục vụ xã hội thiết thực nhất. Thời gian đào tạo bậc cử nhân đã được nâng từ 3 năm lên 4 năm, 4 năm rưỡi, 5 năm rồi cuối cùng định hình lại là 4 năm. Để phục vụ giảng dạy và học tập, hàng chục đầu sách đại cương, chuyên đề, thực tập thí nghiệm đã được dịch, được biên soạn, được in typô, in rônêô. Các phòng thí nghiệm Vật lý đại cương, thí nghiệm chuyên đề mặc dù thiếu thốn vẫn được duy trì hoạt động đến mức tối đa để phục vụ sinh viên. Cho đến bây giờ các sách giáo khoa được cán bộ Khoa Vật lý viết từ thời kỳ đó như: “Cơ học lượng tử” của GS.TS Nguyễn Hoàng Phương; “Cơ Vật lý” của PGS. Ngô Quốc Quýnh; “Điện học” của PGS. Nguyễn Hữu Xý, PGS. Nguyễn Khang Cường, GS.TSKH Nguyên Châu; “Cơ học” của Nguyễn Hữu Xý, GS.TS Nguyễn Văn Thoả, PGS.TS Trương Quang Nghĩa; “Quang học” của PGS.TS Lê Thanh Hoạch và Ngô Quốc Quýnh; “Nhiệt học và Vật lý phân tử” của GS. Đàm Trung Đồn; “Vật lý nguyên tử” của PGS.TS Phan Văn Thích... vẫn là những sách giáo khoa tiêu biểu cho nhiều thế hệ sinh viên. Các thầy cô giáo Khoa Vật lý vẫn vượt lên trên các khó khăn để nghiên cứu khoa học. Năm 1985 Khối THPT chuyên Vật lý trực thuộc Khoa Vật lý đã được thành lập và nhanh chóng trở thành trung tâm bồi dưỡng nhân tài trẻ cho đất nước. Trước năm 1976, Khoa Vật lý hầu như chỉ đào tạo ở bậc đại học, từ sau 1976, Khoa bắt đầu mở hệ đào tạo sau đại học. Việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ buộc các thầy cô giáo phải tự trau dồi, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cao hơn, tận dụng mọi trang bị thiết bị cũ để nghiên cứu khoa học. Từ năm 1979 với sự viện trợ của Hà Lan, Phòng thí nghiệm nhiệt độ thấp (nay là Bộ môn Vật lý Nhiệt độ thấp) ra đời với máy móc tương đối hiện đại đã góp phần to lớn vào việc đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa. Các cán bộ Bộ môn Vật lý nhiệt độ thấp, Vật lý chất rắn, Vật lý lý thuyết đã có nhiều công trình khoa học có giá trị đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước ngay ở thời kỳ khó khăn nhất là những năm 1977-1988. Hàng loạt các luận án tiến sĩ bảo vệ trong nước như luận án của GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương, PGS.TS Bạch Thành Công, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, PGS.TS Nguyễn Huy Sinh, TS. Bạch Gia Dương... đã chứng minh cho sự vươn lên của Khoa Vật lý trong những năm bình minh của sự nghiệp đổi mới.

+ Giai đoạn từ 1988-2000:

 
Từ sau năm 1988, ngọn gió đổi mới đã tác động sâu sắc đến cán bộ, viên chức Khoa Vật lý. Khi có chủ trương cải cách đào tạo đại học năm 1988, Khoa Vật lý đã lấy phương châm dạy cái gì xã hội cần, chứ không phải chỉ dạy những cái gì mình có. Ngoài những chuyên ngành truyền thống: Vật lý lý thuyết, Vật lý chất rắn, Vật lý quang phổ, Vật lý hạt nhân, Địa Vật lý, Vật lý vô tuyến, Khoa đã quyết định tập trung vào hai hướng đào tạo mũi nhọn đó là: Vô tuyến điện tử - tin học -viễn thông và Khoa học vật liệu.

Đây là một chủ trương hết sức sáng suốt mà sau này dẫn đến sự hình thành của Trung tâm Khoa học Vật liệu tại Khoa Vật lý năm 1999 cũng như Khoa Điện tử Viễn thông trong Trường Đại học Công nghệ. Chương trình, nội dung đào tạo, các phương pháp thi cử, đánh giá chất lượng học tập của sinh viên đều được thường xuyên xem xét cải tiến. Bên cạnh khung chương trình cứng, năm 1996 Khoa Vật lý là khoa đầu tiên đã cho phép sinh viên tự chọn một số môn học theo sở thích và theo yêu cầu công tác sau này. Tất cả những điều đó đã hấp dẫn sinh viên vào Khoa Vật lý, kích thích sinh viên học tập tốt hơn và điều đáng mừng là hầu hết sinh viên tốt nghiệp đã tìm được việc làm.

Từ năm 1988 đến 1998, nhiều đề tài NCKH cấp Nhà nước, cấp Bộ, nhiều dự án lớn, nhỏ đã được triển khai tại Khoa Vật lý và đã thu hút hầu hết cán bộ trong các bộ môn Vật lý Chất rắn, Vật lý Nhiệt độ thấp, Vật lý Lý thuyết, Vật lý Hạt nhân, Vật lý Vô tuyến, Vật lý Quang phổ, Vật lý Đại cương tham gia nghiên cứu. Có thể kể ra một số đề tài lớn đó là: Chế tạo nam châm Ferit Bari, các nam châm đất hiếm ứng dụng làm loa điện động, các máy phát điện sức gió, mô tơ bước cho đồng hồ treo tường…; Chế tạo các Ferit từ mềm ứng dụng cho hàn cao tần, biến thế, lõi từ cho khuếch đại ăngten…; Chế tạo các máy đo nhiệt độ, độ ẩm, độ mặn, từ trường, ứng dụng kỹ thuật siêu âm để thăm dò đối tượng ngầm dưới sông, biển, kiểm tra các vết hỏng trong công nghiệp,…; Nghiên cứu nhiễm xạ môi trường trong không khí và nước ở một số khu vực, phát triển kỹ thuật, phẫu thuật lạnh để chữa bệnh…; Nhiều công trình về lý thuyết trường lượng tử, lý thuyết chất rắn, Quang lượng tử được công bố trên tạp chí trong nước và quốc tế.

Cũng trong quá trình tham gia các đề tài NCKH, nhiều thầy đã hướng dẫn thành công nhiều luận án tiến sĩ như GS.TSKH Thân Đức Hiền, GS.TSKH Đinh Văn Hoàng, GS.TSKH Nguyễn Châu... Nhiều cán bộ trẻ đã tập hợp được công trình bảo vệ ngắn hạn thành công luận án tiến sĩ như PGS.TS Lê Văn Vũ, PGS.TS Lưu Tuấn Tài, PGS.TS Nguyễn Huy Sinh, PGS.TS Phạm Quốc Triệu, PGS.TS Phạm Văn Nho, TS. Bùi Văn Loát, TS. Phạm Hồng Quang...

Một điểm đáng chú ý nữa là Khoa Vật lý là một trong những khoa đầu tiên xây dựng phong trào sinh viên NCKH. Hàng năm có tổ chức hội nghị khoa học sinh viên, nhiều công trình NCKH của sinh viên đã được tuyển chọn đi thi ở cấp Bộ và nhiều sinh viên đã đạt giải thưởng cao.

Trong thời kỳ này Khoa Vật lý vẫn chưa được đầu tư một cách đáng kể, tuy nhiên các cán bộ trong khoa đã tranh thủ sự hợp tác quốc tế, đặc biệt với Hà Lan để xây dựng phòng thí nghiệm nhiệt độ thấp (đề án VH13) và phòng thí nghiệm Vật lý đại cương (đề án VH22). Đây là những phòng thí nghiệm khá hiện đại về lĩnh vực nhiệt độ thấp, từ học, siêu dẫn cũng như về thực tập Vật lý đại cương. Sự phát triển thành công của hướng nghiên cứu Vật liệu điện tử tại Khoa Vật lý đã dẫn tới việc thành lập Trung tâm Khoa học Vật liệu (TTKHVL) ngày 29/1/1999 với sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ lấy từ nguồn vốn OPEC. Từ khi thành lập TTKHVL ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đào tạo và nghiên cứu không những của Trường ĐHKHTN mà còn của cả ĐHQGHN.

Với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô của ĐHQGHN, nhiều cán bộ giàu kinh nghiệm của Khoa Vật lý đã được điều động đi xây dựng các đơn vị mới. Nhiều người đã trở thành các cán bộ nòng cốt cho Trường Đại học Công nghệ như PGS. Nguyễn Khang Cường, PGS.TS Nguyễn Kim Giao, PGS.TS Nguyễn Viết Kính, GS.TSKH Nguyễn Phú Thuỳ, GS.TS Nguyễn Hữu Đức...

2. KHOA VẬT LÝ TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA THẾ KỶ XXI

Sau 50 năm xây dựng và phát triển Khoa Vật lý bây giờ là một trung tâm lớn trong cả nước về đào tạo Vật lý cơ bản và nghiên cứu ứng dụng với 12 bộ môn, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm, đó là: Bộ môn Vật lý đại cương, Bộ môn Vật lý lý thuyết, Bộ môn Vật lý Vô tuyến, Bộ Vật lý chất rắn, Bộ môn Vật lý hạt nhân, Bộ môn Quang lượng tử, Bộ môn Vật lý Nhiệt độ thấp, Bộ môn Vật lý Địa cầu, Bộ môn Tin Vật lý, Khối THPT chuyên Vật lý, Trung tâm Khoa học Vật liệu và Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng.

Hiện nay Khoa Vật lý có một đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu mạnh gồm 87 cán bộ trong đó có 5 giáo sư, giảng viên cao cấp, 32 phó giáo sư và giảng viên chính, 33 giảng viên, 1 nhà giáo nhân dân, 10 nhà giáo ưu tú. Khoa đào tạo cả ba bậc học: cử nhân (theo 3 ngành Vật lý, Công nghệ hạt nhân, Khoa học Vật liệu), thạc sĩ, tiến sĩ (theo 10 chuyên ngành) và PTTH chuyên Vật lý. Cho đến nay Khoa đã đào tạo được hàng vạn cử nhân Vật lý, gần 100 tiến sĩ và hàng trăm thạc sĩ (cho cả Lào và Campuchia). Khối THPT chuyên Vật lý đã đào tạo hơn 1.500 học sinh THPT chuyên Vật lý, tỷ lệ thi đỗ vào đại học đạt trên 98%. Tính đến tháng 3/2006 học sinh khối THPT chuyên Vật lý đã đạt 182 giải học sinh giỏi trong các kỳ thi Olympic Vật lý quốc gia, 44 giải Olympic Vật lý quốc tế và Châu á (trong đó có 4 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 20 huy chương đồng, 6 bằng khen).

Khoa đã xuất bản trên 100 giáo trình Vật lý đại cương, chuyên ngành... Nhiều cán bộ trong Khoa đã tham gia biên soạn từ điển song ngữ chuyên ngành và từ điển bách khoa toàn thư. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Khoa đã chủ trì trên 60 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; trên 100 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và thực hiện gần 30 hợp đồng dự án triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật với số vốn hàng chục tỷ đồng. Hàng nghìn công trình nghiên cứu của cán bộ, sinh viên Khoa Vật lý đã được công bố trên các tạp chí quốc tế và trong nước. Khoa Vật lý đã thực hiện thành công nhiều đề án hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với nhiều trường đại học và trung tâm khoa học hàng đầu trên thế giới như: Trung tâm Vật lý lý thuyết Thế giới Trieste, Đại học Tổng hợp Amsterdam, Đại học Tổng hợp Osaka, Jaist (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Minnesota (Hoa Kỳ...). Riêng, Khoa Vật lý đã đào tạo được 15 tiến sĩ trong chương trình hợp tác với Hà Lan và 7 tiến sĩ trong hợp tác với Nhật Bản. Khoa đang có 35 nghiên cứu sinh đang học tập và nghiên cứu tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Hiện nay Khoa Vật lý đang tiến hành đổi mới phương pháp giảng dạy, cập nhật các chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng và chính quy Vật lý nhằm phấn đấu nâng chất lượng đào tạo lên ngang tầm quốc tế.

Với những thành tích đào tạo và nghiên cứu, Khoa Vật lý đã được khen thưởng: Huân chương Lao động hạng II (2003), Huân chương Lao động hạng III (1998), nhiều bằng khen của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2006 Khoa Vật lý và Khoa Toán là hai đơn vị được Đại học Quốc gia Hà Nội tặng cờ thi đua vì thành tích xuất sắc. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước CHXHCN Việt Nam, Nhà nước đã tặng Giải thưởng khoa học công nghệ cấp Nhà nước năm 2005 cho tập thể cán bộ bộ môn Vật lý chất rắn (GS.TSKH Nguyễn Châu, PGS.TS Bạch Thành Công, PGS.TS Đặng Lê Minh). GS.TSKH Nguyễn Văn Hùng, cán bộ của Khoa đã được nhận Giải thưởng khoa học công nghệ ĐHQGHN lần thứ I (2006).

 Những thành tựu trên đây là thành quả của sự nỗ lực phấn đấu và công lao của tất cả các cán bộ công nhân viên và các thế hệ học sinh, sinh viên Khoa Vật lý. Cán bộ và sinh viên Khoa Vật lý cũng không bao giờ quên các thế hệ lãnh đạo như: GS.TS.NGƯT Nguyễn Hoàng Phương, GS.TS Nguyễn Đình Tứ, PGS. Hoàng Hữu Thư, PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn An, GS.TSKH Thân Đức Hiền; GS.TSKH.NGND Nguyễn Châu, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Ngọc Long, PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Thị Thục Hiền đã làm việc quên mình vì tập thể, vì Khoa Vật lý, đã trăn trở, tìm kiếm mọi biện pháp để đưa Khoa Vật lý trưởng thành vững mạnh như ngày nay.

Nói đến thành tựu của Khoa Vật lý, không thể chí nói về thành tích của những cán bộ công nhân viên đang công tác tại Khoa, mà còn phải nói đến sự thành đạt của các cán bộ trước đây đã từng công tác tại Khoa và những sinh viên đã được đào tạo từ Khoa Vật lý.

Chúng tôi vô cùng tự hào vì có nhiều cán bộ, sinh viên Khoa Vật lý nay đã trở thành những nhà bác học nổi tiếng như GS.VS Nguyễn Văn Hiệu; GS.VS Đào Vọng Đức; nhiều cán bộ, sinh viên của Khoa đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như GS.TS Nguyễn Đình Tứ; GS.TSKH Nguyễn Duy Quý... và còn biết bao anh chị em đã trở thành các cán bộ lãnh đạo trụ cột trong các cơ quan, các trường đại học, viện nghiên cứu như PGS.TS Lý Hoà, GS.TSKH Trần Hữu Phát, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao... Nhiều anh chị em là giám đốc, tổng giám đốc các cơ quan kinh tế, làm kinh tế giỏi làm giàu cho đất nước, v.v… Có thể hãnh diện nói rằng các thế hệ cán bộ, sinh viên Khoa Vật lý đã thể hiện tài năng, trí tuệ, cống hiến cho Tổ quốc trong mọi lĩnh vực, ở mọi miền đất nước.

50 năm đã qua, làm sao có thể viết hết được những khó khăn, gian khổ, những thăng trầm mà thầy và trò Khoa Vật lý đã trải qua, những thành tựu mà Khoa Vật lý đã đạt được. Bí quyết nào đã giúp chúng ta tồn tại và phát triển: chắc chắn đó phải là sự cố gắng nỗ lực quyết tâm của bản thân từng người, từng thành viên trong Khoa và một điều không kém quan trọng mà chúng ta cố gắng vươn tới, đó là tinh thần đoàn kết và cộng tác về mọi phương diện trong tập thể cán bộ công nhân viên Khoa Vật lý. Bên cạnh yếu tố nội lực, Khoa Vật lý còn luôn luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Ban Giám hiệu Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và nay là Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Ban Giám đốc ĐHQGHN, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Viện Khoa học & Công nghệ Quốc gia và các trường bạn trong suốt quá trình 50 năm phát triển của mình.

Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống  của Khoa Vật lý năm nay không những là ngày vui đầy ắp tình cảm thầy trò, tình bạn bè của các thế hệ cán bộ, sinh viên mà còn là dịp tốt để mọi người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước hiến kế giúp Khoa Vật lý nâng lên những tầm cao mới. Với niềm tin vào đội ngũ thầy cô giáo Khoa Vật lý, với sự ham học, yêu Vật lý và thông minh của sinh viên Việt Nam, với truyền thống vinh quang của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi tin tưởng rằng Khoa Vật lý Trường ĐHKHTN sẽ giành được những thành tựu xuất sắc hơn nữa trong thời gian tới để xứng đáng là một trong những thành viên hàng đầu của Trường ĐHKHTN anh hùng./.

 Bạch Thành Công
PGS.TS, Chủ nhiệm Khoa Vật lý, ĐHKHTN. Ảnh: Tư liệu và Việt Anh
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   |