Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Một ngôi sao bay lên (Nhớ GS.VS Nguyễn Văn Đạo)
Khi tôi ngồi viết những dòng này thì ông đã đi xa, xa lắm. Trong hành trình bất tận của tự nhiên, vũ trụ, cuộc đời của một con người thật ngắn ngủi.

Nhớ có lần tôi hỏi về những chòm sao, ông cười: “Cháu có tin rằng mỗi ngôi sao mang một số phận riêng, mỗi con người cũng là một vì sao!”. Giờ một mình ngồi ngắm những chòm sao sáng nhất trong đêm lạnh, tôi lại tự hỏi không biết ông đang ở ngôi sao nào?

Sáng nay, từng đoàn người đến viếng trước linh cữu, ngắm gương mặt ông lần cuối trong niềm thương tiếc khôn nguôi, có ai không rưng rưng xúc động? Ông rời xa tất cả vội vàng và đường đột quá. Cuốn sổ với những trang viết dở dang, ông còn để ngỏ trên bàn làm việc, chiếc áo khoác vẫn treo hờ trên tai ghế và kia, những vật dụng cá nhân còn ngổn ngang cạnh chiếc cặp to, có lẽ chủ nhân của chúng đang chuẩn bị cho một chuyến đi công tác xa dài ngày... Tôi nâng một vòng hoa viếng được ghép bằng 70 bông hoa xinh xắn, ngát hương như bắt gặp trong đó nụ cười đôn hậu, ánh mắt sáng, vầng trán rộng và mái tóc pha sương chỉn chu của ông. “Đời người sống gửi, thác về”, ai đó bảo để tránh sự bi thương mà người ta động viên nhau như thế, chứ thác rồi còn nghĩa lý gì đâu. Tôi hoà mình vào dòng người đưa tiễn để chợt tin rằng những kỷ niệm về ông sẽ còn tồn tại và hiện hữu lâu bền lắm...

Ông, một nhà quản lý nghiêm khắc, quyết đoán và cẩn thận đến mức khó tính. Bên cạnh vai trò là một nhà lãnh đạo tài năng, một con người với niềm đam mê cháy bỏng là sáng tạo và sáng lập; ông còn là một giáo sư, viện sĩ, một nhà khoa học đầu ngành Cơ học mà danh tiếng được cả thế giới biết đến. Tôi thuộc thế hệ hậu sinh, ngưỡng vọng, yêu kính ông trong tư thế của một dòng nước nhỏ chảy bên bờ sông lớn. Không có cái duyên được cận kề giúp việc cho ông nên chưa lần nào tôi thấy ông nổi nóng. Những khoảng thời gian ngắn ngủi trong những lần gặp gỡ và được nói chuyện với ông tôi rất trân trọng. Cũng chẳng phải vì vị trí xã hội của ông cao mà bởi tôi cảm nhận được ở con người ông một nét tính cách chân thực, gần gũi không đơn thuần chỉ là phép xã giao lịch thiệp. Biết tôi mới tốt nghiệp đại học công việc còn bấp bênh, lại là người tỉnh xa nên ông thường hỏi han về những khó khăn khi phải thuê nhà trọ, cả vấn đề thu nhập để trang trải cuộc sống, rồi nhắc nhở tôi về lòng kiên trì, sự quyết tâm để vươn tới những gì mình mong muốn. Ông khuyên tôi đừng lúc nào chểnh mảng việc học lên cao, càng học nhiều càng tốt, phải biết mình thiếu những kiến thức gì và khi biết rồi thì phải tìm cách mà khoả lấp thiếu hụt ấy. Ông đã dạy cho tôi nhiều bài học quý về sự cẩn thận và trách nhiệm trong công việc. Mới đây thôi, ông đang dự định sẽ làm một cuốn sách tập hợp toàn bộ những bài viết của mình đã đăng trên báo chí và cả những bài người ta viết về ông để làm một cuốn sách dưới dạng kỷ yếu cho riêng mình. Cầm tập bản thảo gần 600 trang để biên tập, tôi thực sự thán phục sự chỉn chu, cẩn thận của ông. Không chỉ những chương, mục bài viết do tác giả tự sắp xếp một cách khoa học, rành mạch và tỉ mỉ đến từng tên bài mà phần danh mục thống kê chi tiết, cụ thể về hàng trăm chuyến đi công tác nước ngoài của ông cũng đủ để người khác phải nghiêng mình kính nể. Sau mỗi một phần tôi biên tập, sửa lỗi bản thảo bao giờ ông cũng dành thời gian ngồi trao đổi trực tiếp với tôi về những điểm ông đồng ý và không đồng ý. Qua những dịp ấy, tôi đã học được không ít điều bổ ích từ ông trong cách thức thuyết phục người khác để bảo vệ ý kiến của mình đồng thời luôn luôn mở lòng tiếp thu những đóng góp đúng, mang tính xây dựng... Cuốn sách chưa kịp hoàn thành, dấu mực đỏ vẫn còn mới nguyên trên trang bản thảo, nhưng ông thì không còn nữa...

Một buổi sáng thu cách đây gần nửa tháng, vừa gặp trong thang máy, ông vui vẻ hẹn tôi vào phòng làm việc bảo rằng muốn kể cho nghe một câu chuyện có thực mà ông vừa mới trải qua. Sáng hôm đó theo thói quen ông dậy sớm chạy thể dục. Trời còn mờ tối, xe cộ ngoài đường còn thưa thớt. Khi chạy ngang một ngã rẽ trên đường Láng Hạ, ông bắt gặp một đám chừng 5 - 6 người phụ nữ đi bán hàng rong đang quây quanh một người đàn ông ngoại quốc nằm bất tỉnh bên cạnh một chiếc xe Win méo mó. Lách đám phụ nữ, ông lại gần thì hoá ra người ngoại quốc này bị ngã xe máy nằm ngất ở đây không biết tự bao giờ. Những người phụ nữ lao động lam lũ kia dù có quan tâm cũng không biết làm thế nào phần vì người ấy là nam, phần lại là người nước ngoài. Khi ấy xuất hiện, trở thành đại diện duy nhất của phái mạnh nên các bà, các chị trông đợi cả vào ông. Phải sơ cứu cho người bị nạn ngay lập tức, nhưng trước đó ông chưa từng làm việc này. Thế là mỗi người phụ nữ đưa ra một ý kiến, họ nhiệt tình chỉ cho ông cách thức xoa bóp, bấm huyệt để sơ cứu người đàn ông ngoại quốc. Vị giáo sư, viện sĩ danh tiếng cứ thế thực hiện răm rắp theo những lời chỉ dẫn của các bà, các chị đứng quanh. Một lúc sau, người bị nạn dần hồi tỉnh. Dùng điện thoại di động của nạn nhân, ông gọi xe cứu thương và gọi vào một số bất kỳ trong máy để tìm người thân của anh. Thì ra anh ta là một người Nga, đi về khuya lại say rượu nên ngã bất tỉnh. Bạn thân của anh ta ở Đại sứ quán Nga tại Hà Nội cũng nhanh chóng có mặt tại đó sau khi biết tin. Những người phụ nữ lao động kia không biết tiếng Nga, ông vô tình lại trở thành cầu nối phiên dịch giữa bạn của người bị nạn và các bà, các chị. Khi chiếc xe cứu thương đưa nạn nhân đi cấp cứu, những người phụ nữ lao động xúm lại cảm ơn và khen ông giỏi tiếng Nga quá! Họ chỉ biết ông là một người qua đường tốt bụng... Kể cho tôi nghe đến đó, ông mỉm cười rạng rỡ: “Cháu thấy không, một ông giáo sư đã từng đi khắp đây đó vậy mà lại được chính những người phụ nữ lao động lam lũ dạy cho bài học đầu tiên về sơ cứu người bị ngất. Còn gì ý nghĩa hơn là dùng vốn ngoại ngữ mình có để dịch lại những lời cảm ơn của người nước ngoài cho đồng bào mình nghe...”. Cũng từ hôm đó, cứ thỉnh thoảng tôi lại xuống phòng làm việc của ông để nghe ông kể chuyện. Có khi đó chỉ là những tình huống ứng xử rất nhỏ trong cuộc sống mà ông đã gặp. “Chú kể những tình huống dời dạc, Trường nghe nếu có cảm hứng thì xâu chuỗi chúng vào với nhau và viết thành những câu chuyện nhỏ hoàn chỉnh nhé! Nhớ là phải để chú đọc lại đấy...” - ông đã dặn tôi như thế. Những gì được nghe kể tôi đều ghi chép lại rất cẩn thận, vẫn chưa kịp nhờ ông đọc lại thì ông đã đi xa. Cái hôm nhận được hung tin, tôi bàng hoàng, trong đầu lởn vởn nhớ đến hình ảnh trong những câu chuyện ông kể. Tất cả những hình ảnh đó đều có liên quan đến tai nạn giao thông, có lẽ nào... Kỳ lạ thật!

Chiều nay, người ta làm lễ an táng ông tại nghĩa trang Mai Dịch. Còn tôi lại đứng rất lâu trước cửa căn phòng làm việc của ông ở tầng 3, nhà điều hành ĐHQGHN. Căn phòng này, hành lang này, cầu thang này từ nay sẽ không còn được thấy dáng ông đi lên, đi xuống thăm hỏi mọi người. Tôi vẫn chưa thực hiện được lời hứa là hát cho ông nghe trọn vẹn bài dân ca quan họ “Trèo lên trái núi Thiên Thai”. Những lần gặp tôi, không bao giờ ông quên đùa một câu liên quan đến chủ đề dân ca quan họ. Ông bảo rằng, thời gian gần đây do đỡ bận rộn nên ông mới có thời gian dành cho quan họ. Ông quen nhiều nghệ sĩ quan họ nổi tiếng, thích nghe họ hát, thích hát một mình, thích tìm hiểu tư liệu về quan họ và thích cả khoác lên mình tấm áo the, đội lên đầu chiếc khăn sếp của liền anh quan họ. Giờ này ở một nơi xa, rất xa, không biết ông có nghe thấy tiếng người thân, bạn bè, đồng nghiệp đang tha thiết gọi: “Người ơi! Người ở đừng về”...

Đêm nay, giữa triệu triệu ngôi sao trên nền trời bỗng có thêm một ngôi sao sáng lấp lánh. Ngôi sao ấy vừa mới bay lên từ mặt đất...

 Nguyễn Minh Trường - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   |